VCCI góp ý DTTT hướng dẫn NĐ 63/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới
VCCI góp ý về Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ
Kính gửi: Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài
chính
Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 15447/BTC-TCNH của
Bộ Tài chính ngày 31/10/2016 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn một
số điều của Nghị định số 69/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về
điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng
Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến như sau:
Tại thời điểm Nghị định 69[1]
đang là Dự thảo, VCCI có ý kiến về việc xác định “kinh doanh mua bán nợ” là
ngành nghề kinh doanh có điều kiện là chưa hợp lý. Lý do bởi vì đây là hoạt động
không tạo ra rủi ro, tác động đáng kể nào đến các lợi ích công cộng mà Nhà nước
phải bảo vệ, đây đơn thuần chỉ là các giao dịch thương mại, cần khuyến khích
phát triển thay vì ngăn chặn bởi các điều kiện kinh doanh. Các đề xuất trên của
VCCI đã được cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét[2].
Tuy nhiên, thời điểm đó Nghị định 69 vẫn được ban hành để đảm bảo thực hiện
đúng quy định của Luật Đầu tư đối với các
ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đã được xác định tại Phụ lục 4.
Từ quan điểm tiếp cận trên, để tạo
thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này, chúng tôi
cho rằng các quy định hướng dẫn Nghị định 69 cần theo hướng tạo thuận lợi, hạn
chế các thủ tục hành chính gây phiền phức một cách bất hợp lý cho doanh nghiệp,
đồng thời phải rõ ràng, cụ thể, tạo cách hiểu thống nhất giữa các đối tượng áp
dụng.
Qua nghiên cứu, về cơ bản, các quy định
tại Dự thảo thông tư hiện đã khá rõ ràng. Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn đề nghị
Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số quy định sau:
1. Quy định đáp ứng điều kiện về người quản lý doanh nghiệp (Điều 6)
a. Khái niệm “người quản lý của doanh nghiệp”
Theo quy định
tại khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014 thì “Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý công
ty và người quản lý doanh nghiệp tư nhân, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân,
thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên,
Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị,
Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền
nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công
ty”. Như vậy, người quản lý của doanh nghiệp đối với một số loại hình doanh
nghiệp là nhiều hơn một người.
Khoản
3 Điều 5 Nghị định 69 quy định điều kiện của “người quản lý của doanh nghiệp”,
nếu những người được liệt kê trong khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014 đều
phải đáp ứng điều kiện này sẽ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Do
đó, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ
về người quản lý của doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện tại khoản 3 Điều 5 Nghị
định 69, có thể chỉ là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc một
thành viên quản lý của doanh nghiệp đáp ứng điều kiện này.
b. Các hình thức thể hiện điều kiện của người quản lý doanh nghiệp
Điều 6 Dự thảo quy định “trước khi bổ
nhiệm người quản lý doanh nghiệp, doanh nghiệp phải có các tài liệu chứng minh
những người này đáp ứng đủ điều kiện về người quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch
vụ mua bán nợ theo quy định”.
Quy định này được hiểu là hướng dẫn
khoản 3 Điều 5 Nghị định 69, nhưng lại chưa đủ cụ thể. Bởi, khoản 3 Điều 5 Nghị
định 69 quy định về các điều kiện của người quản lý doanh nghiệp, tuy nhiên
hình thức thể hiện các điều kiện này lại chưa được quy định rõ ràng cụ thể, ví
dụ:
–
Không
rõ tài liệu nào sẽ chứng minh “là người quản lý hoặc có ít nhất 05 năm làm việc
trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, pháp luật, định
giá tài sản hoặc mua bán nợ”? Là biên bản xác nhận của các công ty mà người này
từng làm việc hay là một dạng tài liệu khác?
–
Tài
liệu nào sẽ chứng minh “không là người quản lý của doanh nghiệp kinh doanh dịch
vụ mua bán nợ đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong 03 năm
trước liền kề” đối với những người đã làm việc trong doanh nghiệp kinh doanh dịch
vụ mua bán nợ đa bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp?
Nghị định 69 cũng như Dự thảo không
quy định cụ thể về các tài liệu trên sẽ dẫn tới việc doanh nghiệp có thể sẽ gặp
khó khăn trong việc xác định các tài liệu chính xác và đặt doanh nghiệp ở tình
trạng “luôn bị vi phạm” khi cán bộ thực thi có quyền suy đoán và giải thích
không thống nhất về các loại tài liệu này.
2. Quy định riêng về đáp ứng điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ
sàn giao dịch nợ (Điều 7)
Theo quy định tại Điều 7 Dự thảo thì,
tại thời điểm đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ,
doanh nghiệp phải có:
–
Các
tài liệu chứng minh về cơ sở, vật chất kỹ thuật, hệ thống công nghệ thông tin
phù hợp để tiếp nhận, cập nhật, cung cấp thông tin về hoạt động mua bán nợ giữa
các thành viên giam gia sàn giao dịch (khoản 2)
–
Có
ít nhất 02 nhân viên có chứng chỉ kiểm toán viên hoặc ít nhất 02 nhân viên có
thẻ thẩm định viên về giá do Bộ trưởng Bộ Tài chính cấp, có hợp đồng lao động
dài hạn tại doanh nghiệp (khoản 3)
Khoản 6 Điều 8 Nghị định 69 quy định
doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ phải “có cơ sở, vật chất kỹ
thuật, hệ thống thông tin phù hợp để tiếp nhận, cập nhật, cung cấp thông tin về
hoạt động mua bán nợ giữa các thành viên tham gia sàn giao dịch”. Quy định này
là khá chung chung vì không rõ cơ sở, vật chất kỹ thuật, hệ thống thông tin
gì/như thế nào được cho là “phù hợp”. Khoản 2 Điều 7 Dự thảo hướng dẫn cho khoản
6 Điều 8 Nghị định 69 cũng chưa làm rõ hơn quy định về cơ sở vật chất của doanh
nghiệp kinh doanh sàn giao dịch nợ. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể
về các loại tài liệu này.
Đối với yêu cầu về nhân lực: Dự thảo
quy định 02 nhân viên có chứng chỉ kiểm toán viên hoặc có thẻ thẩm định viên về
giá phải “có hợp đồng lao động dài hạn tại doanh nghiệp” vừa chưa rõ ràng vừa
chưa hợp lý ở điểm:
–
Trong
Bộ luật lao động 2012 không có khái niệm “hợp đồng dài hạn”. Hợp đồng lao động
có 03 loại[3]: Hợp
đồng lao động không xác định thời hạn; Hợp đồng lao động xác định thời hạn; Hợp
đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12
tháng. Dự thảo quy định về “hợp đồng dài hạn” dường như là chưa phù hợp với quy
định của pháp luật lao động, do đó không rõ là loại hợp đồng nào.
–
Yêu
cầu doanh nghiệp phải ký “hợp đồng dài hạn” (có thể suy đoán là hợp đồng không
xác định thời hạn theo quy định tại Bộ luật lao động) với người lao động là
chưa hợp lý, can thiệp vào quyền tự quyết của doanh nghiệp (doanh nghiệp có thể
dựa vào năng lực của người lao động để xác định loại hợp đồng để ký kết).
Có thể mục
tiêu của quy định về hợp đồng dài hạn này nhằm đảm bảo doanh nghiệp thực sự có
nhân lực đáp ứng điều kiện theo quy định. Tuy nhiên, như phản ánh ở trên, hoạt
động mua bán nợ không tạo ra nhiều rủi ro đối với các lợi ích công cộng mà Nhà
nước phải bảo vệ, việc sử dụng nhân lực đủ trình độ hay không sẽ ảnh hưởng đến
lợi nhuận, tính hiệu quả của hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, do đó doanh
nghiệp sẽ tự xác định và tìm kiếm nguồn nhân lực phù hợp.
Hơn nữa,
doanh nghiệp cam kết phải tuân thủ đáp ứng điều kiện kinh doanh quy định tại
Nghị định 69, Thông tư này và Nhà nước có thể kiểm soát thông qua hoạt động
thanh, kiểm tra doanh nghiệp. Do đó, không cần thiết phải quy định “cứng” về loại
hợp đồng lao động mà doanh nghiệp phải ký kết.
Từ những phân tích trên, đề nghị
Ban soạn thảo bỏ cụm từ “có hợp đồng lao động dài hạn tại doanh nghiệp” quy
định tại khoản 3 Điều 7 Dự thảo.
3. Tổ chức thực hiện (Điều 8)
Điểm d khoản 5 Điều 8 Dự thảo quy định
“Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ phải báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính về tình hình
kinh doanh và chấp hành quy định pháp luật của doanh nghiệp theo quy định của Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nếu có)”.
Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét quy định này tại
các điểm:
–
Quy
định này đồng nghĩa trao quyền cho Ủy ban nhân cấp cấp tỉnh quy định về thủ tục
hành chính (thủ tục báo cáo, thông tin báo cáo) và nghĩa vụ cho doanh nghiệp
(báo cáo, số lần báo cáo). Điều này dường như chưa phù hợp với quy định tại khoản
4 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, thủ tục hành chính
không được quy định tại quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, văn bản cấp địa
phương.
–
Quy
định trên có thể tạo ra gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp khi
các quy định về hoạt động báo cáo này chưa rõ ràng (báo cáo những nội dung cụ
thể gì; số lần báo cáo trong năm?) trong đó lại trao cho địa phương tự quy định.
–
Mục
tiêu chính sách: có thể suy đoán dựa vào thông tin doanh nghiệp báo cáo, chính
quyền địa phương có thể có thông tin để thực hiện nghĩa vụ báo cáo quy định tại
điểm c khoản 4 Điều 8 Dự thảo.
Tuy nhiên, những
nội dung mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải báo cáo cho Bộ Tài chính quy định tại
Phụ lục 01/BC không cần thiết phải lấy thông tin từ báo cáo doanh nghiệp mà có
thể lấy từ các dữ liệu thông tin quản lý của cơ quan nhà nước (ví dụ: số lượng
công ty kinh doanh dịch vụ mua bán nợ trên địa bàn phân theo từng loại kinh
doanh; tổng số vốn đăng ký về kinh doanh dịch vụ mua bán nợ – có thể dựa vào dữ
liệu thông tin của cơ quan đăng ký kinh doanh; số lượng doanh nghiệp kinh doanh
dịch vụ mua bán nợ trên địa bàn vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh: dữ liệu
này hoàn toàn có thể lấy được từ cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính
trong lĩnh vực này. Những dữ liệu này đáng tin cậy hơn rất nhiều so với thông
tin báo cáo từ doanh nghiệp).
Nếu những
thông tin báo cáo của doanh nghiệp có thể để nhà nước phục vụ các mục tiêu quản
lý thì yêu cầu doanh nghiệp báo cáo là chưa hợp lý, Nhà nước có thể nhận biết
các hoạt động kinh doanh, chấp hành pháp luật của doanh nghiệp thông qua các
công cụ quản lý: hoạt động kiểm tra, thanh tra để kiểm soát việc chấp hành pháp
luật.
Từ những phân tích trên, đề nghị
Ban soạn thảo bỏ quy định về nghĩa vụ báo cáo của doanh nghiệp quy định tại
điểm d khoản 5 Điều 8 Dự thảo, trong trường hợp có lý giải thuyết phục về việc
yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo, đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể
nội dung phải báo cáo, thời hạn báo cáo (chẳng hạn 01 lần/01 năm) ngay tại Dự
thảo.
4. Điều khoản thi hành (Điều 9)
Khoản 2 Điều 9 quy định xử lý chuyển
tiếp cho trường hợp doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ thành lập và hoạt
động kinh doanh trước ngày Nghị định 69 có hiệu lực thi hành như sau:
–
Trường
hợp doanh nghiệp chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ:
chậm nhất vào ngày 01/7/2017 doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện
kinh doanh dịch vụ mua bán nợ theo quy định tại Nghị định 69 (điểm a khoản 2 Điều
9).
Quy định này
được hiểu, sau ngày 01/07/2016 các doanh nghiệp bắt buộc phải đáp ứng đầy đủ
các điều kiện kinh doanh, trước thời hạn này, doanh nghiệp chưa đáp ứng điều kiện kinh doanh vẫn được phép hoạt động và không bị
xem là vi phạm.
–
Trước
ngày 01/7/2017 phải báo cáo cơ quan đăng ký kinh doanh về việc đáp ứng hoặc
không đáp ứng điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Trong trường hợp không
đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ phải chấm dứt hoạt động kinh
doanh mua bán nợ và phải báo cáo cơ quan đăng ký kinh doanh (điểm b khoản 2 Điều
9).
Quy định này
lại được hiểu, trước ngày 01/07/2017, các doanh nghiệp chưa đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ phải chấm dứt
hoạt động.
Như vậy, giữa quy định tại điểm a, b
khoản 2 Điều 9 đang chưa thống nhất về quy định xử lý đối với trường hợp doanh
nghiệp có hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ thành lập và hoạt động kinh
doanh trước ngày Nghị định 69 có hiệu lực, chưa đáp ứng điều kiện kinh doanh
trước ngày 01/7/2017, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi điểm b khoản 2 Điều
9 theo hướng sau: sau ngày 01/07/2017, các doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều
kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ phải chấm dứt hoạt động kinh doanh mua bán nợ.
Trên đây
là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều
của Nghị định số 69/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về điều
kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Rất mong quý Cơ quan
soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng
cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.
[1]
Nghị định số 69/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về điều kiện
kinh doanh dịch vụ mua bán nợ
[2]
Trong Báo cáo giải trình của Ngân hàng Nhà nước
[3]
Điều 22 Bộ luật lao động 2012