VCCI góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dược

Thứ Hai 17:47 21-11-2016

 

 

Kính gửi: Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế

 

 

Trả lời Công văn số 7017/BYT-QLD của Bộ Y tế ngày 22/09/2016 về việc đề
nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của
Luật Dược
(sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp
Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến như sau:

 

 

  1. Cơ sở đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược

    Điều 6 của Dự thảo quy định về các cơ sở đào tạo, cập
    nhật kiến thức chuyên môn về dược bao gồm: (1) trường đại học, cao đẳng, trung
    cấp; (2) bệnh viện; (3) viện nghiên cứu; và (4) các trung tâm đào tạo thuộc Bộ
    Y tế, Sở Y tế. VCCI đề nghị bổ sung thêm trường hợp các hội, hiệp hội, tổ chức xã hội chuyên môn trong lĩnh vực dược, y
    tế, y học cổ truyền
    cũng được phép đào tạo bồi dưỡng kiến thức chuyên
    môn. Hiện nay, nhiều lĩnh vực khác như xây dựng, giao thông vận tải cũng đã có
    cơ chế cho phép các hội, hiệp hội được tổ chức đào tạo cập nhật kiến thức cho
    kiến trúc sư, lái xe, người phục vụ trên xe. Cơ chế này giúp xã hội hóa hoạt động
    tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, giúp giảm chi phí ngân sách cho các
    đơn vị sự nghiệp công lập và cũng tăng tính linh hoạt trong việc cung cấp các dịch
    vụ công.

  2. Giấy xác nhận thời gian thực hành của cơ sở bán lẻ thuốc

    Điều 13 của Dự thảo quy định theo hướng nếu việc xác
    nhận thời gian thực hành chuyên môn do cơ sở bán lẻ thuốc cấp thì cần có xác nhận
    của Phòng y tế quận, huyện, nếu do các cơ sở kinh doanh dược khác cấp thì không
    cần. Nội dung xác nhận gồm (1) cơ sở có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh
    dược; (2) người hướng dẫn thực hành có Chứng chỉ hành nghề và (3) đã thông báo
    về việc thực hành. Quy định này được suy đoán rằng nhằm chống việc gian lận khi
    các cơ sở bán lẻ thuốc xác nhận khống cho những người không thực hành tại cơ sở
    đó. Tuy nhiên, xét về mặt thủ tục hành chính, điều này tạo gánh nặng lớn cho
    người xin cấp Chứng chỉ hành nghề vì sẽ phải qua nhiều bước, nhiều cửa. Hơn nữa,
    cơ chế hiện nay đã có quy định về người hướng dẫn thực hành sẽ phải chịu trách
    nhiệm về việc giới thiệu của mình. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng sau:


  • Bỏ
    quy định Giấy xác nhận thời gian thực hành do cơ sở bán lẻ thuốc cấp phải được
    xác nhận của Phòng y tế quận, huyện;

  • Trong
    trường hợp Sở y tế tiếp nhận hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề có nghi ngờ về sự
    gian lận về Giấy xác nhận thời gian thực hành thì Sở y tế liên lạc với Phòng y
    tế cấp huyện để xác minh thông tin. Cơ chế này vẫn bảo đảm về việc xác minh
    thông tin nhưng lại đơn giản về thủ tục hơn rất nhiều cho người đề nghị cấp chứng
    chỉ.


  1. Cấp phép nhập khẩu dược liệu

    Quy định về cấp phép nhập khẩu dược liệu tại Điều 40
    hiện nay dựa trên 3 tiêu chí gồm (1) khả năng cung ứng trong nước; (2) nhu cầu
    sử dụng của các cơ sở sản xuất, khám chữa bệnh; và (3) giá dược liệu trong nước.
    Cả ba tiêu chí này là các tiêu chí thuốc về thương mại, chứ không phải là các
    tiêu chí về chất lượng, an toàn dược. Tuy nhiên, trong quy định về hồ sơ đề nghị
    cấp phép nhập khẩu dược liệu lại bao gồm các tài liệu về (1) tiêu chuẩn chất lượng,
    phương pháp kiểm nghiệm, chuyên luận tiêu chuẩn chất lượng trong dược điển; (2)
    Giấy chứng nhận GMP; (3) tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Như vậy, các
    tài liệu này lại liên quan đến việc kiểm soát chất lượng và an toàn của thuốc.

    Ở đây có sự không thống nhất về mục tiêu chính sách của
    thủ tục cấp phép nhập khẩu dược liệu. VCCI cho rằng, mục tiêu bảo đảm chất lượng, an toàn đối với dược liệu là mục tiêu
    quan trọng nhất
    , các tiêu chí để cấp phép nhập khẩu cũng như tài liệu
    chứng minh liên quan nên tập trung vào mục tiêu này. Các yếu tố về thương mại
    được hiểu rằng có mục đích bảo vệ ngành công nghiệp sản xuất dược liệu trong nước.
    Tuy nhiên, các điều kiện về thương mại nên được xây dựng theo hướng minh bạch,
    rõ ràng nhằm tránh sự “chệch hướng chính sách” trong quá trình thực
    thi. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định này theo hướng như sau:


  • Thứ
    nhất, thống nhất giữa các tiêu chí, điều
    kiện nhập khẩu với các tài liệu, hồ sơ chứng minh
    . Theo đó, chỉ những
    tài liệu, thành phần hồ sơ nào giúp chứng minh cho các tiêu chí, điều kiện nhập
    khẩu thì mới cần đưa vào.

  • Thứ
    hai, các tiêu chí, điều kiện nhập khẩu
    phải được quy định một cách minh bạch, rõ ràng, và định lượng được, theo cơ chế
    giấy phép nhập khẩu tự động của WTO
    . Nói cách khác, một doanh nghiệp
    khi nhìn vào các điều kiện nhập khẩu có thể tiên đoán được rằng lô hàng của
    mình có đáp ứng điều kiện hay không, mà không phải là các yếu tố định tính, đầy
    bất trắc như “khả năng cung ứng” hay “nhu cầu sử dụng”
    trong nước.
  • Thứ
    ba, trong trường hợp cần bảo vệ ngành công nghiệp sản xuất dược liệu trong nước
    thì có thể nghiên cứu sử dụng các biện
    pháp hàng rào thuế quan và các hàng rào kỹ thuật khác phù hợp
    .


  1. Thủ tục cấp phép kinh doanh thuốc phải kiểm soát đặc biệt

    Điều 45 của Dự thảo quy định phải thành lập Hội đồng
    thẩm định với đầy đủ các thành viên từ các cơ quan khác. Điều này khiến thời
    gian thẩm định lên đến 45 ngày, cùng với 10 ngày làm việc để cấp phép, tổng thời
    gian lên đến 59 ngày. Trình tự thủ tục này là tương đối phức tạp và kéo dài so
    với các thủ tục khác.

    Về mặt nội dung, vấn đề quan trọng nhất mà cơ sở kinh
    doanh thuốc phải kiểm soát đặc biệt cần đáp ứng là phải đảm bảo an ninh để
    tránh mất mát thuốc. Điều này tương tự như nội dung về đảm bảo các điều kiện về
    an ninh, trật tự tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật
    tự đối với hơn 23 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như vật liệu nổ,
    vũ khí, công cụ hỗ trợ, quân trang, quân dụng, pháo,… Tại Nghị định này, các thủ
    tục hành chính được thiết kế rất đơn giản, theo hướng doanh nghiệp chỉ phải nộp
    các loại giấy tờ hết sức đơn giản gồm (1) Đơn theo mẫu; (2) Giấy chứng nhận
    đăng ký kinh doanh; (3) Văn bản nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy; (4) Biên bản
    khai mẫu lý lịch của người chịu trách nhiệm. Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đủ điều
    kiện an ninh trật tự chỉ là 5 ngày làm việc. Phương án bảo đảm an ninh trật tự
    do doanh nghiệp tự xây dựng và kiểm tra theo hình thức hậu kiểm.

    Do có sự tương đồng về mặt nội dung như vậy, VCCI đề
    nghị cơ quan soạn thảo tham khảo phương pháp quản lý của Nghị định
    96/2016/NĐ-CP, cụ thể như sau:


  • Phương án 1: cơ quan soạn thảo trao đổi với Bộ
    Công An (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội) để đưa thêm một điều
    khoản vào Dự thảo Nghị định này để sửa đổi Nghị định 96 về việc bổ sung thêm
    ngành nghề kinh doanh thuốc phải kiểm soát đặc biệt vào những ngành nghề phải
    đáp ứng điều kiện về an ninh trật tự. Đi kèm với đó là bỏ các quy định tại Mục
    5, Chương III của Dự thảo.

  • Phương án 2: vẫn duy trì Mục 5, Chương III của Dự
    thảo nhưng sửa đổi các quy định về trình tự thủ tục quản lý tương tự như Nghị định
    96, theo hướng: (1) thủ tục ban đầu chỉ mang tính khai báo; (2) thời gian cấp
    Giấy chứng nhận đủ điều kiện không quá 5 ngày làm việc; (3) cho phép doanh nghiệp
    tự xây dựng phương án bảo đảm an ninh trật tự và cơ quan nhà nước giám sát
    thông qua cơ chế hậu kiểm.


  1. Nhập khẩu song song đối với thuốc

    Điều 63 của dự thảo quy định về việc nhập khẩu song
    song đối với thuốc. Đây là một chính sách quan trọng nhằm tránh tình trạng các
    hãng dược phẩm nước ngoài bán sản phẩm với giá cao hơn so với giá bán tại các
    thị trường khác trên thế giới, gây thiệt hại cho người tiêu dùng Việt Nam. Tuy
    nhiên, thuốc nhập khẩu song song thường bị phản ánh là có nguy cơ mất an toàn
    cao hơn do các điều kiện bảo quản không được như nhà nhập khẩu có ủy quyền, đồng
    thời khả năng truy cứu trách nhiệm khi có sự cố xảy ra cũng gặp nhiều khó khăn.
    Do đó, mấu chốt của việc kiểm soát thuốc nhập khẩu song song là tập trung vào (1) điều kiện bảo quản thuốc; và (2) cơ
    chế truy cứu trách nhiệm khi có sự cố
    .

    Quy định hiện nay của Dự thảo hiện nay yêu cầu thuốc
    nhập khẩu song song phải đáp ứng 3 điều kiện, gồm (1) có cùng tên thương mại,
    thành phần hoạt chất, hàm lượng hoặc nồng độ, dạng bào chế với biệt dược gốc có
    giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam, được sản xuất bởi chính nhà sản xuất
    biệt dược gốc hoặc bởi nhà sản xuất được ủy quyền; (2) có giá bán buôn thấp hơn
    ít nhất 20% so với giá trúng thầu của thuốc nhập khẩu có ủy quyền; và (3) được
    cấp phép lưu hành tại một trong những quốc gia tham gia ICH hoặc Australia.

    Hiện nay, VCCI được biết rằng một số công ty dược của
    nước ngoài đề nghị bổ sung thêm điều kiện (4) Đảm bảo độ ổn định trong điều kiện
    bảo quản khí hậu của Việt Nam; và được chứng minh bằng “Dữ liệu nghiên cứu
    độ ổn định của thuốc tại điều kiện bảo quản vùng 4b”. Kiến nghị này hợp lý
    vì liên quan đến việc bảo quản thuốc, một trong những vấn đề của thuốc nhập khẩu
    song song.

    Tuy nhiên, khi kết hợp các điều kiện (3) và điều kiện
    (4) thì lại khiến việc nhập khẩu song song trở nên không khả thi. Các quốc gia
    tham gia ICH và Australia đều nằm trong các vùng khí hậu I và II, không có quốc
    gia nào nằm trong vùng khí hậu IVb. Như vậy, các thuốc được lưu hành tại các quốc
    gia tham gia ICH và Australia thường sẽ không bao giờ được nghiên cứu độ ổn định
    khi bảo quản tại vùng 4b. Kể cả trong trường hợp thuốc đã được nghiên cứu độ ổn
    định khi bảo quản tại vùng 4b thì tài liệu này cũng chỉ nằm trong tay các hãng
    dược phẩm nước ngoài. Các hãng này không có nghĩa vụ công bố tài liệu này, và
    do đó nhà nhập khẩu song song sẽ không thể có được. Như vậy, việc bổ sung thêm
    điều kiện (4), áp dụng đồng thời với điều kiện (3) sẽ khiến cho Việt Nam không
    thể nhập khẩu song song đối với thuốc, đi ngược lại chính sách chung về việc mở
    rộng quyền tiếp cận dược phẩm với giá cả phù hợp cho người dân Việt Nam.

    Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ
    các quy định này, bảo đảm chất lượng, an toàn đối với thuốc nhưng vẫn phải bảo
    đảm cơ hội nhập khẩu song song đối với thuốc khi giá thuốc trong nước bị đẩy
    lên quá cao. VCCI đề xuất một số phương án giải quyết như sau:


  • Phương án 1:
    bỏ quy định điều kiện (3) về việc
    thuốc được lưu hành tại các nước tham gia ICH hoặc Australia
    . Quy định
    này là không cần thiết do thuốc nhập khẩu song song đã đáp ứng điều kiện (1) về
    việc cùng tên thương mại, cùng thành phần, dạng bào chế với biệt dược gốc có giấy
    đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Nói cách khác, thuốc nhập khẩu song song
    “không khác gì” so với thuốc có đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Do đó,
    việc thuốc đó đã được đăng ký lưu hành tại các quốc gia ICH hoặc Australia là
    điều không cần thiết.

  • Phương án 2: bổ
    sung thêm điều kiện về bảo quản thuốc tương tự như điều kiện khí hậu của nước
    xuất khẩu
    . Ví dụ, yêu cầu thuốc nhập khẩu từ nước có khí hậu vùng 1 phải
    được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ 21oC ± 2oC và độ ẩm
    45% ± 5%, tương tự với các vùng khác. Quy định như vậy vẫn bảo đảm chất lượng
    thuốc mà nhà nhập khẩu vẫn có thể thực hiện được, không nhất thiết phụ thuộc
    vào giấy tờ do các hãng dược cung cấp.

    Điều kiện số (2) về việc giá thuốc phải thấp hơn ít nhất
    20% so với giá của thuốc nhập khẩu có ủy quyền là chưa phù hợp. Thứ nhất, rất
    khó để cơ quan soạn thảo ấn định một mức chênh lệch giá 20% là phù hợp hay 10%
    là phù hợp. Thứ hai, quan trọng hơn, việc
    xác định chênh lệch giá nên để thị trường tự quyết định hơn là có sự can thiệp
    của Nhà nước
    . Trước khi tiến hành nhập khẩu song song, doanh nghiệp sẽ
    luôn phải tiến hành so sánh giá mua tại đại lý phân phối ở nước ngoài so với
    giá tại Việt Nam. Nếu giá tại Việt Nam thấp hơn, bằng, hoặc thậm chí cao hơn
    chút ít so với giá tại nước ngoài, chắc chắn doanh nghiệp sẽ không nhập khẩu do
    không thu được lợi nhuận. Chỉ trong trường hợp chi phí mua thuốc tại nước ngoài
    cộng với chi phí vận chuyển, điều hành thấp hơn mức giá bán tại Việt Nam thì mới
    xuất hiện thuốc nhập khẩu song song. Khi đó, việc tăng cung trên thị trường,
    phá thế độc quyền của một doanh nghiệp tự khắc sẽ khiến giá giảm theo đúng quy
    luật của nền kinh tế thị trường mà không cần có sự can thiệp của nhà nước. Do
    đó, VCCI đề nghị bỏ điều kiện số (2) về
    việc giá thuốc nhập khẩu song song phải thấp hơn ít nhất 20% so với giá thuốc
    nhập khẩu có ủy quyền
    .

    Tương tự, Điều 82.9.d của Dự thảo quy định số lượng
    thuốc được cấp phép nhập khẩu song song căn cứ vào khả năng đáp ứng mục tiêu
    bình ổn giá. Quy định này cũng không thực sự cần thiết vì điều này nên để thị
    trường quyết định hơn là nhà nước. Doanh nghiệp nhập khẩu thuốc không bao giờ
    muốn nhập khẩu quá nhiều để dẫn đến tình trạng dư thừa, không bán được hàng mà
    phải để quá hạn, bỏ đi. Doanh nghiệp sẽ tự tính toán và cân đối số lượng thuốc
    nhập khẩu để phù hợp với điều kiện thị trường về nhu cầu và giá cả. Do đó, đề
    nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định tại
    Điều 82.9.d
    .

    Như đã đề cập, một vấn đề nữa của thuốc nhập khẩu song
    song là khó khăn trong việc phân định trách nhiệm giữa nhà sản xuất và nhà nhập
    khẩu trong trường hợp có sự cố. Đã có trường hợp người tiêu dùng không biết phải
    phản ánh, khiếu nại đi đâu khi thuốc nhập khẩu song song gặp sự cố. Một biện
    pháp quản lý thuốc nhập khẩu song song cần tính đến là việc minh bạch thông tin
    đối với người mua thuốc. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định như sau:
    “Trên bao bì, trong phiếu hướng dẫn sử dụng thuốc nhập khẩu song song phải
    được dán dòng chữ THUỐC NHẬP KHẨU SONG SONG và ghi rõ tên, địa chỉ liên lạc và
    cơ chế giải quyết khiếu nại của nhà nhập khẩu”. Quy định như vậy sẽ giúp
    người tiêu dùng nắm được thông tin để lựa chọn sản phẩm, cùng như có được cơ chế
    để bảo vệ quyền lợi của mình khi thuốc có sự cố.

    Điều 63.4 của Dự thảo quy định về việc vắc xin và sinh
    phẩm không được cấp phép nhập khẩu song song. Chưa rõ mục tiêu chính sách của
    quy định này là gì? Như đã đề cập trên, việc cho phép nhập khẩu song song sẽ
    mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam trong việc tiếp cận thuốc với giá cả
    phù hợp. Nhà nước chỉ cần gia cố thêm các biện pháp bảo đảm an toàn đối với thuốc
    nhập khẩu song song là được. Không rõ rằng việc nhập khẩu song song đối với vắc
    xin và sinh phẩm có nguy cơ gì cao hơn so với các loại thuốc khác?

    Thực tế thời gian qua, tình trạng thiếu vắc xin tại Việt
    Nam đã có lúc trở nên hết sức căng thẳng. Có thời điểm, giá vắc xin tăng rất
    cao nhưng các hãng dược phẩm vẫn nhập khẩu nhỏ giọt, hạn chế lượng cung nhằm giữ
    giá. Trong khi đó, theo phản ánh thì loại vắc xin tương tự lại được bán tương đối
    rẻ tại các quốc gia khác trong khu vực. Đã có hiện tượng một số bậc phụ huynh
    Việt Nam đưa con em ra nước ngoài để tiêm vắc xin. Đối với những trường hợp như
    vậy, nếu đúng loại vắc xin đó từ nước ngoài được bảo quản tốt đưa về Việt Nam
    thì có thể khiến giá vắc xin trong nước giảm, tăng cơ hội tiếp cận dược phẩm của
    người dân. Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bãi bỏ quy định tại Điều 63.4 của Dự thảo về việc cấm nhập khẩu song
    song đối với vắc xin và sinh phẩm
    .


  1. Xác nhận nội dung thông tin thuốc

    Tại Điều 98 của Dự thảo, thủ tục xác nhận nội dung
    thông tin thuốc hiện nay được xây dựng độc lập với thủ tục đăng ký lưu hành thuốc
    và cũng khác với thủ tục Bộ Y tế phê duyệt hướng dẫn sử dụng thuốc. Khi đăng ký
    lưu hành mỗi loại thuốc, nhà sản xuất sẽ phải chuẩn bị trước các nội dung thông
    tin về tên thuốc, thành phần, nồng độ, hàm lượng, dạng bào chế, chỉ định, chống
    chỉ định, liều dùng, cách dùng, thậm chí cả việc sử dụng thuốc trên các đối tượng
    đặc biệt, các thông tin liên quan đến cảnh báo và an toàn thuốc và nhiều thông
    tin cần thiết khác. Do đó, đề nghị nghiên cứu cho phép hợp nhất các thủ tục về xác nhận nội dung thông tin thuốc lần
    đầu, phê duyệt hướng dẫn sử dụng thuốc vào với thủ tục đăng ký lưu hành thuốc
    .
    Các trường hợp có thay đổi nội dung thông tin thuốc thì tiến hành thủ tục
    riêng.

  2. Nội dung quảng cáo thuốc

    Việc quản lý nội dung quảng cáo thuốc là cần thiết, nhằm
    bảo đảm thông tin đến cho người mua được chính xác, tránh bị hiểu nhầm. Điều
    này được thực hiện thông qua các quy định về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo
    thuốc (Điều 116) và các thông tin, hình ảnh không được sử dụng (Điều 117). Tuy
    nhiên, các biện pháp bảo đảm thực thi các quy định này cần được cân nhắc kỹ
    hơn.

    Dự thảo hiện nay đang thiết kế cơ chế bảo đảm thực thi
    dựa trên thủ tục xác nhận nội dung quảng cáo. Đây là biện pháp tương đối tốt,
    song vẫn có nhược điểm do cơ chế xác nhận này chỉ có sự tham gia của hai bên là
    doanh nghiệp xin xác nhận và cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan nhà nước sẽ
    rất tốn thời gian, công sức trong việc thẩm định hồ sơ xin xác nhận nội dung quảng
    cáo thuốc, mà hiệu quả có thể không đạt được như mong muốn.

    Trong khi đó, hai bên khác chịu ảnh hưởng trực tiếp từ
    nội dung quảng cáo thuốc của một doanh nghiệp lại chưa được tham gia, gồm (1)
    người mua thuốc và (2) đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp đó. Do đó, đề nghị
    cơ quan soạn thảo bổ sung thêm cơ chế
    cho phép các cá nhân, tổ chức được quyền phản ánh đến cơ quan quản lý dược khi
    phát hiện nội dung thông tin quảng cáo thuốc của một doanh nghiệp không phù hợp

    với các quy định tại Điều 116 và Điều 117. Cần quy định chi tiết về nội dung
    đơn phản ánh, cơ chế tiếp nhận, thông báo, đối chất và việc trả kết quả. Như vậy,
    cơ quan quản lý dược sẽ đỡ được gánh nặng công việc mà hiệu quả sẽ tăng lên do
    có sự giám sát của người có lợi ích liên quan.

  3. Về việc đơn giản hóa thành phần hồ sơ

    Nhiều thủ tục hành chính trong Dự thảo hiện vẫn đang
    quy định người dân và doanh nghiệp phải nộp khá nhiều thành phần hồ sơ, trong
    đó có cả những hồ sơ mà cơ quan tiếp nhận đã có. Ví dụ, Điều 99 quy định thủ tục
    xác nhận nội dung thông tin thuốc tại Bộ Y tế, doanh nghiệp phải trình cả tờ hướng
    dẫn sử dụng mà Bộ Y tế đã phê duyệt và Giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực,
    trong khi đây đều là những giấy tờ do chính Bộ Y tế cấp. Hay Điều 112 cũng yêu
    cầu những thành phần hồ sơ mà Bộ Y tế đã có. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo
    rà soát lại Dự thảo, loại bỏ thành phần
    hồ sơ mà cơ quan nhà nước đã có
    khi người dân và doanh nghiệp làm thủ tục
    hành chính.

    Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công
    nghiệp Việt Nam đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi
    hành một số điều của Luật Dược.
    Rất mong Quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn
    thiện.

    Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý cơ quan./.