VCCI góp ý DTTT quy định về dán nhãn năng lượng cho các phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng

Thứ Sáu 11:42 18-11-2016

Kính gửi:
Tổng cục Năng lượng – Bộ Công Thương

Trả lời Công văn số 9391/BCT-TCNL của Bộ
Công Thương ngày 04/10/2016 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ dung
một số điều Thông tư số 07/2012/TT-BCT ngày 04 tháng 4 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ
Công Thương về việc quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện và thiết bị
sử dụng năng lượng
(sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và
Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến như sau:

1.
Quan
điểm tiếp cận

Luật Sử dụng năng lượng tiết
kiệm và hiệu quả và Quyết định 51/2011/QĐ-TTg quy định danh mục phương tiện,
thiết bị phải dán nhãn năng lượng đã quy định rằng các sản phẩm thuộc danh mục
này đều sẽ phải dán nhãn năng lượng
trước khi đưa ra thị trường. VCCI cho rằng đây là chính sách hợp lý, giúp minh
bạch thị trường, cung cấp thông tin đầy đủ hơn để người tiêu dùng ra quyết định
mua sắm. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, do thủ tục để thử nghiệm, dán
nhãn quá phức tạp, tốn kém thời gian và chi phí nên đã gây ra những tác động
chính sách không mong muốn. Thời gian vừa qua, đã có nhiều doanh nghiệp và
chuyên gia phản ánh về sự nhiêu khê của thủ tục này, có thể kể đến như sau:


Thực tiễn
phát hiện hàng hóa không đạt chuẩn rất thấp
. Theo kết quả khảo sát nhiều
đơn vị Hải quan, nhiều doanh nghiệp trong 3 năm liền (từ 2014 đến 2016) của dự
án USAID – GIG, tỷ lệ các trường hợp hàng hoá không đạt chất lượng, tiêu chuẩn,
quy chuẩn quy định chưa bao giờ tới 1% tổng số lô hàng được kiểm tra.


Sự chồng
chéo với nhiều nội dung kiểm tra khác gây tốn kém
. Ví dụ, nồi cơm điện,
quạt điện vừa phải kiểm tra hiệu suất năng lượng để dán nhãn năng lượng, vừa phải
kiểm tra chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với các thiết
bị điện và điện tử (QCVN 4:2009/BKHCN). Máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt
vừa phải kiểm tra hiệu suất năng lượng, vừa phải kiểm tra chất lượng theo Quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia về tương thích điện từ đối với thiết bị điện và điện tử
gia dụng (QCVN 9: 2012/BKHCN)… Cả hai thủ tục đều yêu cầu phải thử nghiệm, mỗi
thủ tục phải nộp một mẫu sản phẩm để thử nghiệm, thậm chí nhiều trường hợp phải
phá hủy sản phẩm có giá trị lớn.


Thiếu
đơn vị được chỉ định thử nghiệm hiệu suất năng lượng
. Việc thử nghiệm
hiệu suất năng lượng mặt hàng “động cơ” Bộ Công thương chỉ định duy nhất Trung
tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 (Quatest 1). Nhưng nhiều doanh
nghiệp phản ánh bản thân Quatest 1 cũng không làm được việc này, phải nhờ nhà
máy động cơ Việt – Hung (ở Đông Anh – Hà Nội) thực hiện gây rất nhiều khó khăn,
tốn kém chi phí cho các doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp ở miền Trung,
miền Nam nói riêng. Có doanh nghiệp ở khu vực phía Nam phản ánh là họ chỉ nhập
một cái động cơ điện để phục vụ sản xuất nhưng phải mang hàng ra tận Hà Nội để
kiểm tra, thời gian kéo dài đến 3 tháng vẫn chưa xong.

Do đó, chúng tôi cho rằng cần
tập trung sửa đổi các quy định có liên quan về trình tự, thủ tục thử nghiệm,
dán nhãn
để giảm các chi
phí không cần thiết, tạo gánh nặng và tăng chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.

Thủ tục kiểm tra để dán
nhãn năng lượng trong Thông tư 07 được cho là rất phức tạp. Điều này có thể
mang lại lợi ích là giảm tỷ lệ có sai sót trong việc dán nhãn, nhưng lại gây tốn
kém chi phí xã hội. Thực tế, trong nhiều trường hợp, thủ tục này thậm chí còn
phức tạp hơn thủ tục công bố hợp quy đối với hàng hóa nhóm 2. Trong khi đó,
hàng hóa nhóm 2 là hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn cho môi trường hoặc tính
mạng, sức khỏe, tài sản của người sử dụng còn việc dán nhãn năng lượng chỉ liên
quan đến mức tiêu tốn năng lượng. Nói cách khác, khi có sai sót xảy ra, nguy cơ
lớn nhất đối với việc dán nhãn năng lượng chỉ dừng lại ở việc “tốn năng lượng”
hơn, chứ không ảnh hưởng đến sự an toàn. Do đó, việc thiết kế thủ tục hành
chính cũng chỉ nên dừng lại ở mức độ nguy cơ tương ứng, không nên phức tạp như
hiện nay.

2.
Góp ý
cụ thể

Dự thảo đã đơn giản hóa thủ
tục kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng, thể hiện ở một số nội
dung: (1) cho phép doanh nghiệp lựa chọn chứng nhận cho cơ sở sản xuất thay vì
chứng nhận theo lô hàng; (2) cho phép sử dụng kết quả hồ sơ thử nghiệm của
phòng thử nghiệm nước ngoài khi năng lực thử nghiệm trong nước không đáp ứng và
phải được Tổng cục Năng lượng xem xét; (3) bổ sung phương thức kiểm tra giảm
(chỉ kiểm tra hồ sơ mà không cần thử nghiệm) đối với trường hợp có lịch sử tuân
thủ tốt; (4) bổ sung quy định Tổng cục Năng lượng xem xét quyết định hình thức
kiểm tra phù hợp hoặc miễn kiểm tra đối với hàng hóa đơn lẻ, phi thương mại.
Đây là những sửa đổi giúp đơn giản hóa thủ tục kiểm tra, song, VCCI cho rằng mức
độ thay đổi dự kiến này vẫn chưa tương xứng với nguy cơ khi có sai sót của việc
kiểm tra.

Như trên đã trình bày,
nguy cơ lớn nhất khi có sai sót của việc dán nhãn năng lượng chỉ dừng lại ở việc
tiêu tốn năng lượng hơn, chứ không gây mất an toàn cho môi trường hay người sử
dụng, do đó, thủ tục dán nhãn cần hết sức đơn giản. Đề nghị Cơ quan soạn thảo sửa
đổi trình tự thủ tục theo hướng như sau:

a.      Về
phương thức kiểm tra

Dự thảo cho phép doanh
nghiệp lựa chọn giữa hai hình thức kiểm tra là “Phương thức 5: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất;
giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết
hợp với đánh giá quá trình sản xuất;
” và “Phương thức 7: Thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa;. Tuy nhiên, hai phương thức này vẫn là
quá phức tạp đối với việc kiểm tra nguy cơ nhỏ như dán nhãn năng lượng. Do đó,
VCCI đề nghị Cơ quan soạn thảo cho phép sử dụng Phương thức 1 – Thử nghiệm mẫu
điển hình, kết hợp với việc giám sát thông qua thử nghiệm lấy mẫu trên thị trường
.
Cụ thể như sau:


Thứ nhất, Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng sẽ
được cấp cho nhãn hàng của nhà sản xuất (model) chứ không phải cho từng lô
hàng. Nói cách khác, chỉ thực hiện việc kiểm tra đối với lô hàng đầu tiên,
nếu đạt thì Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng này sẽ được áp dụng cho mọi sản
phẩm của cùng nhãn hàng (model) đó ở tất cả các lô hàng sau, kể cả khác nhà nhập
khẩu. Nếu có sự thay đổi về thiết kế kỹ thuật của mặt hàng đó thì phải kiểm tra
lại.


Thứ hai, bổ sung quy định về hậu kiểm hàng
hóa trên thị trường
. Theo đó, cơ quan nhà nước có quyền lựa chọn ngẫu nhiên
một sản phẩm được lưu thông trên thị trường và đưa đi kiểm tra. Nếu kết quả thử
nghiệm không phù hợp với nhãn năng lượng đang được dán thì thông báo cho doanh
nghiệp và tiến hành kiểm tra với mẫu lớn hơn. Nếu kết quả kiểm tra mẫu lớn hơn
cho thấy sản phẩm của doanh nghiệp không đáp ứng được mức tiêu hao năng lượng
như sản phẩm mẫu thì tiến hành xử lý vi phạm theo các hình thức như phạt tiền,
buộc thu hồi sản phẩm, buộc bồi thường cho người mua hàng, thậm chí truy cứu
trách nhiệm hình sự theo Tội lừa dối khách hàng nếu mức thu lợi bất chính lớn…

b.      Kết
hợp thủ tục kiểm tra sự phù hợp với thủ tục cấp Giấy chứng nhận dán nhãn năng
lượng

Theo quy định hiện nay,
doanh nghiệp buộc phải thực hiện hai thủ tục là (1) thử nghiệm sự phù hợp của
hàng hóa tại Tổ chức thử nghiệm được Bộ Công Thương chỉ định, và (2) xin cấp Giấy
chứng nhận dán nhãn năng lượng tại Tổng cục Năng lượng. Thủ tục thứ hai thực ra
chỉ hoàn toàn dựa trên kết quả thử nghiệm mà không có giá trị gia tăng nào, nên
hoàn toàn có thể nhập làm một. Theo đó, Tổ chức có chức năng chứng nhận sự phù
hợp được Bộ Công Thương chỉ định sẽ thực hiện luôn nhiệm vụ cấp Giấy chứng nhận
dán nhãn năng lượng và phải báo cáo với Tổng cục Năng lượng về kết quả công việc
của mình. Sau khi có được Giấy chứng nhận, doanh nghiệp sẽ tự đi in nhãn và dán
cho sản phẩm.

Có thể sẽ có ý kiến cho rằng
quy định như vậy là trái với Điều 39 của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và
hiệu quả, bởi Luật này quy định: “
sở sản xuất, doanh nghiệp nhập khẩu phương tiện, thiết bị thực hiện việc dán
nhãn năng lượng đối với phương tiện, thiết bị sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng
lượng
. Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng được cấp sau khi phương tiện,
thiết bị đã được thử nghiệm phù hợp với tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tại
phòng thử nghiệm.
” Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có thể thực hiện được
giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính này khi Bộ Công Thương chỉ định Tổ chức
chứng nhận sự phù hợp thì đồng thời ủy quyền cho Tổ chức đó cấp Giấy chứng nhận
dán nhãn năng lượng. Việc ủy quyền này sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính
mà vẫn không trái với các quy định của pháp luật. Về lâu dài, VCCI đề nghị sửa
đổi quy định tại Điều 39 của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để
đơn giản hóa thủ tục này chỉ còn một bước.

c.      Sử
dụng kết quả thử nghiệm của phòng thử nghiệm nước ngoài

Dự thảo đã mở ra cơ hội
cho doanh nghiệp sử dụng kết quả thử nghiệm của phòng thử nghiệm nước ngoài đủ
năng lực nhưng chỉ trong trường hợp thỏa mãn hai điều kiện (1) năng lực thử
nghiệm của các cơ sở thử nghiệm trong nước không đáp ứng yêu cầu thử
nghiệm; và (2) được Tổng cục Năng lượng xem xét chứng nhận dán nhãn năng lượng.
Quy định này là không rõ ràng vì không rõ ai sẽ quyết định việc cơ sở thử nghiệm
trong nước có đáp ứng hay không? dựa trên căn cứ nào? như thế nào là phòng thử
nghiệm đủ năng lực? Tổng cục năng lượng sẽ xem xét dựa trên căn cứ nào?… Do
đó, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ các nội dung này theo hướng như sau:


Thứ nhất, bỏ nội dung “trong trường hợp
năng lực thử nghiệm của các cơ sở thử nghiệm trong nước không đáp ứng yêu cầu
thử nghiệm”
bởi nội dung này quá chung chung và không cần thiết. Việc
nhà nhập khẩu lựa chọn thử nghiệm tại cơ sở nước ngoài thay vì cơ sở trong nước
là đủ để cho thấy cơ sở trong nước không đáp ứng năng lực.


Thứ hai, xác định rõ tiêu chuẩn của phòng thử
nghiệm nước ngoài phải đáp ứng
để được công nhận kết quả thử nghiệm (có thể
dựa trên tiêu chuẩn kỹ thuật của phòng thử nghiệm hoặc phòng thử nghiệm đã được
cấp phép tại một số quốc gia phát triển đã được liệt kê sẵn).

Về lâu dài, Điều 39.4.đ của
Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng đã giao cho Bộ Công Thương “quy định việc công nhận nhãn năng lượng của
phương tiện, thiết bị nhập khẩu
”. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có quy định
về việc công nhận nhãn năng lượng của nước ngoài cũng như kết quả thử nghiệm của
tổ chức nước ngoài. Đề nghị Bộ Công Thương sớm triển khai nội dung này.

d.      Thời
hạn của Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng

Việc xác định thời hạn 3
năm của Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng là không cần thiết. Do cơ quan nhà
nước vẫn có cơ chế hậu kiểm, giám sát hàng hóa trên thị trường và xử lý trong
trường hợp sản phẩm không đáp ứng hiệu suất năng lượng tương ứng với nhãn. Do
đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định về thời hạn của Giấy chứng nhận dán
nhãn năng lượng.

e.      Đơn
giản hóa thành phần hồ sơ

Thành phần hồ sơ để xin cấp
Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng theo quy định của Dự thảo có nhiều nội dung
không liên quan đến vấn đề cần quản lý, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bãi
bỏ nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, cụ thể:


Đề nghị bỏ thành phần hồ sơ: “Giấy chứng nhận
đăng ký nhãn hiệu hàng hóa” bởi giấy này chỉ có ý nghĩa chứng minh quyền sở
hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu hàng hóa của nhà sản xuất, không liên quan đến hiệu
suất sử dụng năng lượng.


Đề nghị bỏ thành phần hồ sơ: “Bản công bố
tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hóa” bởi nội dung này không liên quan
trực tiếp đến hiệu suất sử dụng năng lượng mà chỉ cần bản mô tả tóm tắt các
thông số đặc trưng cơ bản của phương tiện, thiết bị là đủ.


Đề nghỉ bỏ thành phần hồ sơ: “Các kết quả
đánh giá sự phù hợp của phương tiện thiết bị các lần nhập khẩu trước đó” bởi
các thông tin này cơ quan nhà nước đã có.

f.       Không
kiểm tra đối với hàng hóa nhập khẩu phi thương mại

Mục tiêu chính sách của việc
dán nhãn năng lượng đã được quy định rất rõ tại Điều 3.7 của Luật Sử dụng năng
lượng tiết kiệm và hiệu quả: “nhãn
năng lượng là nhãn cung cấp thông tin về loại năng lượng sử dụng, mức tiêu thụ
năng lượng, hiệu suất năng lượng và các thông tin khác giúp người tiêu dùng nhận
biết và lựa chọn phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng
“. Như vậy,
nhãn năng lượng chỉ có ý nghĩa thông tin cho người tiêu dùng về sản phẩm,
chứ không phải là mức hiệu suất năng lượng tối thiểu mà sản phẩm phải đáp ứng.
Trong khi đó, theo quy định hiện tại của Thông tư 07, tất cả các sản phẩm đều
phải thực hiện thủ tục thử nghiệm và thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận nhãn năng
lượng rồi mới được dán nhãn.

Trong trường hợp hàng hóa
nhập khẩu phi thương mại thì không có quan hệ mua bán, không tồn tại bên
“người tiêu dùng”. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định
theo hướng không kiểm tra, dán nhãn năng lượng đối với hàng hóa nhập khẩu
phi thương mại
. Để tránh khó khăn trong quá trình áp dụng, đề nghị cơ quan
soạn thảo cũng quy định rõ khái niệm thế nào là hàng hóa nhập khẩu phi thương mại.
Ví dụ, hàng hóa nhập khẩu đơn chiếc là lô hàng có số lượng không quá 01 động cơ
điện, 01 máy biến áp, 10 cái bóng đèn… và hàng hóa sử dụng cho mục đích hội chợ
triển lãm, dùng để nghiên cứu khoa học…

Trên đây là một số ý kiến
của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với dự thảo Thông
tư sửa đổi, bổ dung một số điều Thông tư số 07/2012/TT-BCT ngày 04 tháng 4 năm
2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc quy định dán nhãn năng lượng cho các
phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng.
Rất
mong Quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp
tác của Quý cơ quan./.