VCCI góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 131/2013/NĐ-CP và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP
VCCI góp ý Dự thảo Thông tư thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm phí cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm
VCCI góp ý Dự thảo Thông tư quy định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp sản xuất nhựa
Kính gửi: Tổng cục Năng lượng – Bộ Công Thương
Trả lời Công văn số 2293/TCNL-KHCN của Bộ Công Thương ngày 23/08/2016 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp sản xuất nhựa (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến như sau:
-
Kiểm tra, đánh giá suất tiêu hao năng lượng
Dự thảo Thông tư đang quy định theo hướng Tổng cục Năng lượng và Sở Công Thương các địa phương sẽ tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất nhựa về việc đáp ứng định mức tiêu hao năng lượng. Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đã có quy định về tổ chức kiểm toán năng lượng. Trên thực tế, cũng đã có một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này. Do đó, nhằm tăng tính linh hoạt, chủ động cho các doanh nghiệp sản xuất nhựa, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định về việc tổ chức thực hiện theo hướng sau:
-
Nếu cơ sở sản xuất nhựa đã được một tổ chức kiểm toán năng lượng đủ điều kiện kiểm tra và có báo cáo kiểm toán thì cơ quan nhà nước sử dụng luôn kết quả đó mà không cần kiểm tra lại nữa.
-
Nếu cơ sở sản xuất nhựa không có báo cáo kiểm toán như trên thì cơ quan nhà nước tiến hành kiểm tra bình thường.
- Xử lý khi cơ sở sản xuất không đáp ứng định mức
Việc xử lý khi cơ sở sản xuất nhựa không đáp ứng định mức tiêu hao năng lượng cần được làm rõ hơn. Điều 8.3 của Dự thảo mới chỉ quy định cơ chế xử lý “đề xuất biện pháp xử lý theo quy định pháp luật hiện hành“. Điều 10.3 tiếp tục quy định cơ chế đơn vị không đáp ứng định mức phải “đưa ra được kế hoạch khả thi“, nếu không thì sẽ “bị xử phạt theo các quy định pháp luật hiện hành“. Hiện nay, Nghị định 134/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả không có quy định xử phạt hành chính đối với hành vi không đáp ứng định mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động công nghiệp (Điều 22). Các quy định như vậy là chưa rõ ràng và định tính (ví dụ: thế nào là kế hoạch khả thi).
Trên thực tế, các biện pháp xử lý đối với cơ sở sản xuất không đáp ứng định mức tiêu hao năng lượng có thể sẽ trở nên rất phức tạp, gồm nhiều biện pháp khác nhau và trải qua nhiều bước. Các câu hỏi đặt ra như: Thời gian khắc phục của cơ sở vi phạm là bao lâu? Nhà nước có hỗ trợ gì để cơ sở này dễ dàng khắc phục suất tiêu hao năng lượng? Mức phạt vi phạm hành chính có lớn hơn chi phí để khắc phục? Nếu bị phạt rồi mà vẫn không khắc phục hoặc đã cố gắng khắc phục rồi mà vẫn không đáp ứng định mức thì xử lý thế nào? Có yêu cầu đóng cửa nhà máy không hay là tiếp tục “phạt cho tồn tại”?
Với các lý do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu làm rõ về biện pháp, quy trình và thẩm quyền xử lý các cơ sở sản xuất nhựa không đáp ứng định mức. Các biện pháp, quy trình và thẩm quyền đó cần được xây dựng theo các nguyên tắc: (1) phù hợp, thuận tiện, khả thi, đúng thẩm quyền; (2) công bằng giữa các doanh nghiệp, không phân biệt thành phần kinh tế; (3) tạo điều kiện, hỗ trợ về mặt kỹ thuật và tài chính để các doanh nghiệp đạt được định mức, các biện pháp xử phạt hoặc buộc đóng cửa chỉ nên áp dụng với tư cách là giải pháp cuối cùng; và (4) bảo đảm sự minh bạch, quyền khiếu nại, tố cáo và khởi kiện hành chính của doanh nghiệp.
-
Nghĩa vụ đo đạc và báo cáo thường xuyên
Việc bổ sung nghĩa vụ đo đạc (các thiết bị đo) và báo cáo hàng năm có thể sẽ làm tăng chi phí hành chính cho doanh nghiệp. Thực tế hiện nay, đây không phải là nghĩa vụ bắt buộc đối với các doanh nghiệp và cũng không nhiều doanh nghiệp thực hiện việc tách riêng số liệu như yêu cầu của Dự thảo. Ví dụ, các doanh nghiệp có thể có đồng hồ đo điện tổng, nhưng hiếm khi nào có đồng hồ đo điện cho riêng từng bộ phận, thậm chí phân loại thành trực tiếp sản xuất và phụ trợ sản xuất. Hơn nữa, các thông tin như lượng xăng dầu, khí đốt, than cũng thường được hạch toán trên tổng số chứ hiếm khi được hạch toán riêng cho sản xuất nhựa. Quy định về nghĩa vụ đo đạc, báo cáo hàng năm có thể khiến các doanh nghiệp phải chi thêm những chi phí sau:
-
Lắp đặt nhiều đồng hồ đo điện tại từng bộ phận khác nhau, mà mỗi năm chỉ phải xem đồng hồ một lần để lập báo cáo năm. Thậm chí, doanh nghiệp có thể sẽ phải bố trí lại hệ thống điện của mình nhằm tách riêng đường dây cho các bộ phận khác nhau.
-
Ghi chép thường xuyên việc tiêu thụ xăng dầu, khí đốt, than dành cho việc sản xuất nhựa riêng rẽ so với các mục đích sử dụng khác. Thậm chí, doanh nghiệp có thể sẽ phải phân chia hoặc bổ sung thùng chứa riêng đối với các loại nhiên liệu này để phân loại mục đích sử dụng.
Trên thực tế, việc kiểm tra suất tiêu thụ năng lượng của một đơn vị sản xuất có thể được tiến hành trên từng chu kỳ sản xuất chuẩn khi kiểm toán hoặc kiểm tra, mà không nhất thiết phải lắp đặt thiết bị đo, theo dõi, báo cáo thường xuyên. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, tính toán cụ thể hơn về chi phí và lợi ích của việc yêu cầu nghĩa vụ đo đạc, báo cáo thường xuyên. Trong trường hợp chi phí lớn hơn so với lợi ích thu được thì đề nghị bỏ quy định này.
Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với dự thảo Thông tư Quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp sản xuất nhựa. Rất mong Quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý cơ quan./.