VCCI góp ý Dự thảo Thông tư quy định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp sản xuất nhựa
VCCI góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 131/2013/NĐ-CP và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP
Kính gửi: Vụ Pháp chế –
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Ngày 06/9/2016, Phòng Thương mại và
Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận được Công văn số 1683/BVHTTDL-PC của Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch ngày 11/5/2016 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định
sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013
quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định
số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong
lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo (sau đây gọi tắt là Dự thảo).
Trên cơ sở góp ý của doanh nghiệp, hiệp hội, VCCI có một số ý kiến như sau:
1. Về vi phạm quy định về phổ biến phim (khoản 3 Điều 2 Dự thảo sửa đổi Điều
6 Nghị định 158)
Điều 6 sửa đổi quy định:
–
Hành
vi phổ biến phim đã có quyết định thu
hồi, tịch thu, cấm phổ biến, tiêu hủy hoặc có nội dung khiêu dâm, kích động bạo
lực, đồi trụy bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng (khoản 3)
–
Hành
vi phát sóng phim đã có quyết định
thu hồi, tịch thu, cấm phổ biến, tiêu hủy hoặc có nội dung khiêu dâm, kích động
bạo lực, đồi trụy bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (điểm a
khoản 5)
Theo quy định tại khoản 9 Điều 4 Luật
Điện ảnh (2008) thì “Phổ biến phim là việc đưa phim đến công chung thông qua
chiếu phim, phát sóng trên truyền hình, đưa lên mạng internet và phương tiện
nghe nhìn khác”. Như vậy, hành vi “phát sóng phim” có thể đã nằm trong nhóm
hành vi “phổ biến phim”. Do đó, giữa hai hành vi vi phạm trên đã có sự chồng lấn
về tính chất vi phạm nhưng lại được xác định ở hai khung xử phạt, điều này có
thể gây khó khăn trong thực tế áp dụng. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định
tại điểm a khoản 5 Điều 6 (sửa đổi).
2. Khoản 7 Điều 2 Dự thảo sửa đổi đoạn đầu khoản 3 Điều 14 Nghị định 158
Dự thảo bổ sung xử phạt hành vi tổ chức
thi người đẹp và người mẫu không đúng nội
dung ghi trong đề án tổ chức cuộc thi gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp
giấy phép.
Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét lại quy định bổ
sung xử phạt đối với hành vi này, ít nhất ở điểm sau:
Theo quy định tại Phụ lục 10 Thông tư
01/2016/TT-BVHTTDL[1]
thì “mọi thay đổi trong Đề án tổ chức cuộc thi phải báo cáo và được sự chấp thuận
của…….(Cơ quan cấp giấy phép)”, điều này được hiểu, nội dung Đề án có thể được
thay đổi (miễn là được cơ quan cấp phép chấp thuận).
Như vậy, Đề án được sử dụng làm căn cứ
xem xét hành vi vi phạm ở đây là Đề án được sử dụng trong hồ sơ cấp giấy phép
hay là Đề án đã có thay đổi? Trường hợp, thực hành các hành vi phù hợp với Đề
án trước đó, nhưng sau đó Đề án này thay đổi dẫn tới hành vi đó không phù hợp
thì có bị xử phạt không?
Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị
Ban soạn thảo quy định rõ những vấn đề trên, nếu không quy định rõ thì cân
nhắc, bỏ phần bổ sung, giữ nguyên quy định hiện hành, tức là chỉ xử phạt hành
vi tổ chức thi người đẹp và người mẫu không đúng nội dung ghi trong giấy phép.
3. Vi phạm quy định về sản xuất, lưu hành băng, đĩa trò chơi điện tử, máy
cài sẵn trò chơi điện tử (khoản 9 Điều 2 Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều
18 Nghị định 158)
Dự thảo bổ sung xử phạt đối với hành
vi “tổ chức trò chơi điện tử trên máy cài sẵn các trò chơi điện tử mà không dán
tem hoặc dán tem không đúng quy định” (điểm b khoản 4) và áp dụng hình thức xử
phạt bổ sung là “tịch thu tang vật vi phạm” (bổ sung điểm 4a).
Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét lại đối với chế
tài “tịch thu tang vật vi phạm” khi có hành vi vi phạm “dán tem không đúng quy
định” đối với các máy cài sẵn các trò chơi điện tử, bởi vì đây có thể là chế
tài khá nặng và chưa rõ ràng và hợp lý.
Điểm cốt lõi là không rõ vi phạm “dán
tem không đúng quy định” ở đây là vi phạm về hình thức của tem (dán tem không
đúng vị trí, tem không đầy đủ các nội dung theo quy định) hay là sử dụng tem giả?
Nếu là vi phạm về hình thức dán tem
thì theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Thông tư 28/2014/TT-BVHTTDL “trên cơ sở đề
nghị của thương nhân và văn bản phê duyệt nội dung, xác nhận danh mục hoặc xác
nhận đủ điều kiện nhập khẩu hàng hóa của cơ quan có thẩm quyền và các hồ sơ tài
liệu liên quan khác theo quy định của pháp luật, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
thực hiện việc kiểm tra hoặc thẩm định,
phê duyệt nội dung và dán tem, nhãn kiểm soát cho hàng hóa nhập khẩu”. Với
quy định này, nếu doanh nghiệp đã có “tem” thì nội dung tem cũng như việc dán
tem, nhãn kiểm soát do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện. Như vậy, trong trường hợp này trách nhiệm của việc “dán
tem không đúng quy định” không thuộc về chủ thể nhập khẩu và/ hoặc sử dụng,
phân phối, do đó xử phạt đối với các chủ thể này là chưa hợp lý. Hơn nữa, hành
vi này có thể khắc phục bằng việc yêu cầu dán tem đúng quy định, vì vậy, xử phạt
bằng hình thức tịch thu là khá nặng.
Nếu hành vi trên được hiểu là sử dụng
tem giả thì chế tài áp dụng theo quy định tại khoản 4a là hợp lý. Tuy nhiên cần
chú ý là hành vi dán tem sai về hình thức với dán tem giả là hoàn toàn khác
nhau về tính chất, mức độ nghiêm trọng do đó không thể xếp cùng khung xử phạt.
Từ những phân tích trên, đề nghị
Ban soạn thảo xác định rõ hành vi vi phạm trong trường hợp này và sửa đổi mức
xử phạt cho phù hợp.
4. Khoản 15 Điều 2 Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 51
Theo quy định tại khoản 15 Điều 2 Dự
thảo thì “người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo treo, đặt, dán, vẽ các
sản phẩm quảng cáo lên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh
nơi công cộng” bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Trong nhiều trường hợp, người có sản
phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo không kiểm soát được việc các sản phẩm quảng
cáo được vẽ lên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông, cây xanh công cộng
vì những hoạt động này do các chủ thể khác thực hiện. Do đó, trong các trường hợp
này, người có sản phẩm quảng cáo bị xử phạt là không hợp lý. Đề nghị Ban soạn
thảo cân nhắc điều chỉnh quy định theo hướng, chỉ xử phạt trong trường hợp
các chủ thể này biết/buộc phải biết các sản phẩm quảng cáo được vẽ trên cột điện,
trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng.
Góp ý tương tự đối với xử phạt đối với
quy định “người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh
hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội” quy định tại khoản 3 Điều
61 sửa đổi (khoản 16 Điều 2 Dự thảo).
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung
một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 quy định xử phạt vi
phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số
158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Rất mong Quý Cơ quan cân nhắc trong
quá trình sửa đổi nội dung Dự thảo.
Trân trọng cảm ơn.
[1]
Thông tư 01/2016/TT-BVHTTDL ngày 24/3/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều
của Nghị định 79/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn
nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu, lưu hành, kinh
doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP
ngày 15/3/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
79/2012/NĐ-CP