VCCI góp ý Dự thảo Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện lĩnh vực hàng không dân dụng

Thứ Sáu 10:00 27-05-2016

Số:     1239   /PTM-PC

Vv: góp
ý Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh đối
với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện lĩnh vực hàng không dân dụng


Nội, ngày 27  tháng 5 năm 2016

                      Kính gửi:

Vụ
Pháp chế – Bộ Giao thông vận tải

Vụ
Pháp luật Dân sự, Kinh tế – Bộ Tư pháp

Trả lời Công văn số 5220/BGTVT-PC của
Bộ Giao thông vận tải ngày 11/5/2016 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định của
Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành nghề kinh
doanh có điều kiện lĩnh vực hàng không dân dụng (sau đây gọi tắt là Dự thảo) và
Công văn số 284/GM-BTP ngày 16/5/2016 của Bộ Tư pháp mời tham dự cuộc họp thẩm
định đối với Dự thảo, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến
như sau:

1.      Về chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư kinh doanh vận tải hàng
không

Điều 6 Dự thảo quy định về thẩm quyền
chấp thuận chủ trương đầu tư[1],
theo đó:


Thủ
tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các trường hợp: i) Thành lập
mới doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không; ii) Cấp bổ sung Giấy phép kinh
doanh vận chuyển hàng không hoặc Giấy phép kinh doanh hàng không chung; iii) Chuyển
nhượng cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp vận tải hàng không cho nhà đầu tư
nước ngoài.

Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư hàng không là cơ
sở cho phép Bộ Giao thông vận tải xem xét cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển
hàng không[2].


Bộ
Giao thông vận tải chấp thuận chủ trương đầu tư phát triển đội tàu bay trong
giai đoạn 05 năm.

Quy định liên quan tới việc chấp thuận
chủ trương đầu tư phát triển đội tàu bay ở trên  có phải được hiểu là: Doanh nghiệp đã được Thủ
tướng Chính phủ chấp thuận cho thành lập mới doanh nghiệp kinh doanh vận tải
hàng không và được Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép kinh doanh, khi muốn đầu
tư phát triển đội tàu bay trong một giai đoạn là 05 năm thì lại phải xin Bộ
Giao thông vận tải chấp thuận chủ trương đầu tư? Nếu đúng là như vậy thì cần
quy định rõ, theo hướng “Bộ trưởng…. chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư phát triển đội
bay…” để tách biệt trường hợp (dự án đầu tư phát triển đội bay mới) với các trường
hợp nêu tại khoản 1.

Ngoài ra, nội dung này cũng chưa rõ
ràng ở điểm “Phát triển đội tàu bay trong
giai đoạn 05 năm
” được hiểu như thế nào? Đây là dự án đội tàu bay mới hoàn toàn so với đội tàu bay hiện có
của doanh nghiệp hay dự án mở rộng đội tàu bay mà doanh nghiệp đang có? “trong
giai đoạn 05 năm” được hiểu là giai đoạn của dự án hay là thế nào? Tại sao lại
là phát triển trong giai đoạn 05 năm? Nếu dự án phát triển đội bay có thời gian
là trên hoặc dưới 05 năm thì có phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư của Bộ
trưởng Bộ Giao thông vận tải không?

Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những vấn đề trên để đảm
bảo tính minh bạch của quy định.

2.      Điều kiện về tổ chức bộ máy (Điều 10)

Điều 10 Dự thảo quy định cụ thể về điều
kiện tổ chức bộ máy, trong đó có yêu cầu:


Người
được bổ nhiệm giữ vị trí phụ trách giám sát hoạt động phát triển sản phẩm, tiếp
thị và bán dịch vụ vận chuyển hàng không, dịch vụ hàng không chung phải có bằng
đại học các ngành kinh tế, thương mại hoặc tài chính (khoản 3);


Người
được bổ nhiệm giữ vị trí phụ trách giám sát hệ thống thanh toán tài chính phải
có bằng đại học các ngành tài chính, bằng kế toán trưởng hoặc chứng chỉ kế toán
quốc tế được công nhận tại Việt Nam (khoản 4)

Dự thảo quy định cụ thể về điều kiện
đối với nhân sự phụ trách các bộ phận này trong doanh nghiệp kinh doanh vận tải
hàng không là không cần thiết, bởi vì đây là những bộ phận không có tính đặc
thù trong ngành vận chuyển hàng không, không liên quan trực tiếp tới an toàn –
an ninh hàng không, cũng không tạo ra nguy cơ rủi ro nghiêm trọng đối với xã hội
hơn so với các ngành nghề khác (kể cả chức danh giám sát hệ thống thanh toán
tài chính, bởi nếu giám sát không tốt, gây thiệt hại thì thiệt hại đó là chủ yếu
là thiệt hại cho chính doanh nghiệp). Trên thực tế, đây là các vị trí nhân sự có
thể có trong tất cả các ngành, lĩnh vực khác của hệ thống ngành kinh tế  – và pháp luật trong các lĩnh vực cũng không
có quy định bắt buộc nào về điều kiện đối với những người phụ trách ở các bộ phận
này.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo
cân nhắc, xem xét bỏ quy định tại khoản 3, 4 Điều 10 Dự thảo.

3.      Điều kiện về vốn (Điều 11)

Khoản 3 Điều 11 Dự thảo quy định,
doanh nghiệp đầu tư kinh doanh vận tải có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng
các điều kiện:


(1)
Bên nước ngoài không chiếm quá 30% vốn điều lệ (điểm a khoản 3);


(2)
Cá nhân Việt Nam hoặc pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài không quá 49%
phải giữ phần vốn điều lệ lớn nhất (điểm b khoản 3)

Quy định trên vừa chưa rõ ràng vừa
chưa thống nhất ở các điểm:


Khái
niệm “bên nước ngoài” là chưa rõ ràng. Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp không
có khái niệm “bên nước ngoài” khi xác định nhà đầu tư mà có các quy định về
“nhà đầu tư nước ngoài”; “tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài”. Vì vậy, đề
nghị Ban soạn thảo
điều chỉnh lại thuật ngữ để đảm bảo tính thống nhất với
Luật Đầu tư năm 2014;


Theo
quy định tại Luật Đầu tư thì doanh nghiệp có nhà nước ngoài sở hữu dưới 51% vốn
điều lệ thì vẫn được xem là nhà đầu tư trong nước. Với mục tiêu không để nhà đầu
tư nước ngoài chiếm giữ tỷ lệ phần vốn góp lớn trong doanh nghiệp kinh doanh vận
tải hàng không khi đặt ra điều kiện (2), tuy nhiên để phù hợp với quy định tại
Luật Đầu tư khi xác định nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước, đề
nghị Ban soạn thảo
sửa đổi điểm b khoản 3 Điều 11 về tỷ lệ vốn đầu tư nước
ngoài trong pháp nhân Việt Nam là “dưới 51%” thay vì “không quá 49%”.

4.      Thủ tục cấp lại Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép
kinh doanh hàng không chung (Điều 14)

Điều 14 Dự thảo quy định về thủ tục cấp
lại Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không
chung cho các trường hợp Giấy phép bị mất, rách, hỏng và các trường hợp thay đổi
các nội dung trong Giấy phép, theo đó, Cục Hàng không Việt Nam sẽ thẩm định hồ sơ trong vòng 15 ngày kể từ
ngày nhận đủ hồ sơ và báo cáo kết quả thẩm
định
lên Bộ Giao thông vận tải, Bộ sẽ xem xét cấp trong thời hạn 03 ngày
làm việc, trường hợp không chấp thuận sẽ thông báo tới Cục Hàng không Việt Nam
để trả lời người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trong khi quy trình này có thể là
thích hợp với trường hợp cấp lại Giấy phép do thay đổi nội dung Giấy phép, quy
trình lại là phức tạp đối với thủ tục cấp lại Giấy phép trong trường hợp mất,
rách, hỏng (bởi đây là các trường hợp rất đơn giản, không có nội dung nào thay
đổi cần thẩm định hay xem xét kết quả thẩm định).

Ngoài ra, đối với trường hợp cấp lại
do thay đổi nội dung trong Giấy phép, hiện Dự thảo chưa quy định rõ các trường
hợp, lý do để cơ quan nhà nước từ chối cấp lại giấy phép trong các trường hợp
này.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và
thể hiện được tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo:


Đối
với trường hợp cấp lại Giấy phép do mất, rách, hỏng: Rút ngắn thời gian xem xét
cấp lại, không được từ chối cấp lại;


Đối
với trường hợp cấp lại do thay đổi nội dung Giấy phép: Quy định rõ tiêu chí từ
chối cấp lại..

5.      Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng
không chung bị đình chỉ hiệu lực, mất hiệu lực (Điều 15)

Điều 15 Dự thảo quy định về các trường
hợp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không
bị đình chỉ hiệu lực và bị mất hiệu lực.

Tuy nhiên, quy định về các trường hợp
này có một số điểm chưa hợp lý và thiếu rõ ràng, cụ thể:


“Vi
phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về an ninh hàng không, an toàn
hàng không, tổ chức bộ máy điều hành và hoạt động khai thác vận chuyển hàng
không, hoạt động hàng không chung” (điểm e khoản 1 Điều 15) là một trong những
trường hợp bị đình chỉ hiệu lực của Giấy phép.

“Vi phạm
nghiêm trọng” là khái niệm chung chung, mang tính định tính, do đó trao khá nhiều
quyền có tính chất suy đoán cho cơ quan thực thi. Vì vậy, để đảm bảo tính minh
bạch trong chính sách và thuận lợi khi áp dụng, đề nghị Ban soạn thảo
quy định cụ thể những trường hợp vi phạm nào về an ninh hàng không, an toàn
hàng không, tổ chức bộ máy điều hành và hoạt động khai thác vận chuyển hàng
không, hoạt động hàng không chung sẽ bị đình chỉ hiệu lực của giấy phép thay vì
nêu “vi phạm nghiêm trọng” chung chung như thế này;

Góp ý tương tự
đối với trường hợp “vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về an ninh
quốc phòng” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 15; điểm a khoản 1 Điều 27; điểm c
khoản 2 Điều 27.


“Doanh
nghiệp kinh doanh vận tải hàng không không còn đáp ứng đủ điều kiện cấp giấy
phép theo quy định của Nghị định này” (điểm g khoản 1 Điều 15) là trường hợp giấy
phép sẽ bị đình chỉ hiệu lực.

“Không duy
trì đủ vốn tối thiểu trong quá trình hoạt động” (điểm b khoản 2 Điều 15) là trường
hợp giấy phép sẽ bị mất hiệu lực. Hai
trường hợp này có sự chồng lấn với nhau, vốn tối thiểu là một trong những điều
kiện cấp giấy phép.

Như vậy, nếu
doanh nghiệp không duy trì đủ vốn tối thiểu thì Giấy phép sẽ bị mất hiệu lực
hay Giấy phép chỉ bị đình chỉ hiệu lực?

Đề nghị
Ban soạn thảo
điều chỉnh lại Điều 15 theo hướng bỏ quy định tại điểm b khoản
2 tức là bỏ trường hợp “không duy trì đủ vốn tối thiểu trong quá trình hoạt động”
ra khỏi trường hợp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh
doanh hàng không chung bị mất hiệu lực.

6.      Điều kiện kinh doanh dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay (Điều
23)

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều
23 Dự thảo thì doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng không tại cảng hàng không,
sân bay phải “có đội ngũ nhân viên được cấp giấy phép, chứng chỉ phù hợp, đáp ứng
yêu cầu chuyên môn, khai thác tại cảng hàng không, sân bay”. Quy định này tại Dự
thảo là khá chung chung (những giấy phép, chứng chỉ nào được cho là phù hợp,
đáp ứng yêu cầu chuyên môn, khai thác tại cảng hàng không, sân bay?). Chính sự
thiếu rõ ràng này có thể sẽ khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong chuẩn bị
tài liệu xin cấp phép, bởi vì trong Hồ sơ xin cấp phép tại điểm đ khoản 1 Điều
25 Dự thảo có yêu cầu “Tài liệu chứng minh về bộ máy tổ chức, đội ngũ nhân viên
được cấp chứng chỉ phù hợp, đáp ứng yêu cầu chuyên môn, khai thác tại cảng hàng
không, sân bay”.

Vì vậy, để đảm bảo thuận lợi trong
quá trình triển khai thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể những
chứng chỉ, yêu cầu chuyên môn trên.

Trên đây
là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định
về điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện
lĩnh vực hàng không dân dụng. Rất mong quý Cơ quan
soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng
cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.


[1]
Chú ý là Tên Điều hiện chưa chính xác – nội dung Điều quy định theo thẩm quyền
chấp thuận đầu tư, trong khi tên Điều lại theo loại dự án đầu tư

[2]
Chú ý là việc đặt quy định này ở khoản 2 Điều 6 là không thích hợp – bởi quy định
này không phải là trường hợp phải xin chủ chương đầu tư riêng mà là quy định gắn
với khoản 1 và do đó phải được đặt trong khoản
1