VCCI góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá
VCCi góp ý Dự thảo Nghị định quy định kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe và sát hạch lái xe ô tô
VCCI góp ý Dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới
Số: Vv: góp |
Hà |
Kính gửi: Vụ Khoa học
và Công nghệ – Bộ Giao thông vận tải
Trả lời Công văn số 3613/BGTVT-KHCN của
Bộ Giao thông vận tải ngày 04/4/2016 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định
quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới (sau đây gọi tắt
là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở góp ý của
doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:
1. Một số quy định tại Dự thảo chưa đảm bảo tính hợp lý
a. Điều kiện về cơ sở vật chất của đơn vị đăng kiểm
Điều 9 Dự thảo quy định điều kiện đối
với đơn vị đăng kiểm phải có “Nhà văn phòng có diện tích sàn không nhỏ hơn
90m2”. Việc Dự thảo đặt ra diện tích tối thiểu cho nhà văn phòng là chưa hợp
lý, bởi điều kiện này ít liên quan đến
yếu tố cốt lõi cần quản lý đối với hoạt động đăng kiểm: đó là chất lượng, tính
chính xác của hoạt động kiểm định xe cơ giới – những yếu tố này đã được kiểm
soát thông qua các yêu cầu về dây chuyền, thiết bị, dụng cụ kiểm tra. Nói cách
khác, diện tích nhà văn phòng lớn hay nhỏ không ảnh hưởng tới chất lượng của hoạt
động kiểm định.
Nhà văn phòng là nơi phục vụ cho công
tác hành chính của đơn vị đăng kiểm, do đó tùy vào quy mô nhân lực, thiết bị và
phương pháp quản lý hành chính của từng trung tâm mà văn phòng được xây dựng với
diện tích tương ứng.
Vì vậy đề nghị Ban soạn thảo
cân nhắc bỏ quy định cứng về diện tích tối thiểu (90m2) của nhà văn phòng.
b. Thời hạn hiệu lực giấy chứng nhận đăng kiểm viên (Điều 13)
Khoản 3 Điều 13 Dự thảo quy định Giấy
chứng nhận đăng kiểm viên có thời hạn hiệu lực là 36 tháng kể từ ngày cấp. Nhiều doanh nghiệp cho rằng thời hạn này
là ngắn, nhất là đánh giá trong các yếu tố:
–
Điều
kiện để được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên khá khắt khe: vừa là có bằng tốt
nghiệp đại học về kỹ thuật, được tập tuấn nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới
và vừa phải trải qua 12 tháng thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên tại đơn vị đăng
kiểm. Cá nhân đáp ứng được tất cả các yêu cầu này được hiểu là đáp ứng được
trình độ để thực hiện đăng kiểm, và trình độ này không dễ dàng mất đi chỉ trong
khoảng thời gian 03 năm, nhất là khi trong mọi trường hợp, để duy trì hiệu lực
của giấy này đăng kiểm viên bắt buộc phải có hoạt động công tác trong một đơn vị
đăng kiểm nào đó và không được ngừng công tác quá 12 tháng (nếu không giấy chứng
nhận sẽ bị thu hồi theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Dự thảo);
–
So
sánh với các chứng chỉ hành nghề đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, có tác động đến
các lợi ích công cộng như sức khỏe của người dân, ví dụ như chứng chỉ hành nghề
khám bệnh, chữa bệnh; chứng chỉ hành nghề dược cũng không có thời hạn.
Từ những phân tích trên, đề nghị
Ban soạn thảo cân nhắc xem xét bỏ quy định về thời hạn đối với giấy chứng
nhận đăng kiểm viên. Trong trường hợp có giải trình hợp lý đối với việc giữ thời
hạn của giấy chứng nhận này, đề nghị Ban soạn thảo kéo dài thời hạn của
giấy chứng nhận, ít nhất là 05 năm.
c. Ngừng hoạt động kiểm định xe cơ giới (Điều 28)
Theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Dự
thảo thì trong trường hợp bị dừng hoạt động đột ngột quá 01 ngày do các điều kiện
khách quan thì đơn vị đăng kiểm phải khắc phục trong thời hạn 01 tháng.
–
Về thời gian khác phục sự cố
Quy định về thời gian cứng bắt buộc
phải hoàn thành khắc phục dường như là chưa hợp lý, đặc biệt trong các trường hợp
lý do khiến đơn vị dừng hoạt động là phức tạp (ví dụ thiên tai, hỏa hoạn dẫn tới
việc phá hủy/hư hại cơ sở vật chất của đơn vị) và việc sửa chữa, khắc phục sự cố
đòi hỏi thời gian tương đối dài. Vì không thể xác định trước được sự cố khách
quan, đơn vị đăng kiểm cũng sẽ không thể kiểm soát được hậu quả và thời gian xử
lý hậu quả được.
Do đó, để đảm bảo phù hợp với thực tế,
đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ quy định tại khoản 1 Điều 28 Dự thảo về
thời gian tối đa (1 tháng) cho việc khắc phục sự cố.
–
Về thời gian ngừng hoạt động
Hơn nữa, việc Dự thảo yêu cầu đơn vị
đăng kiểm phải báo cáo Sở Giao thông vận tải địa phương, Cục Đăng kiểm Việt Nam
trường hợp ngừng hoạt động đột ngột quá 01
ngày dường như là chưa hợp lý và tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho
đơn vị này. Bởi, thực tế sẽ có nhiều trường hợp tác động khiến cho đơn vị đăng
kiểm phải ngừng hoạt động để xem xét, khắc phục, nếu cứ ngừng quá 01 ngày là phải
báo cáo sẽ dẫn tới hiện tượng đơn vị này sẽ phải thực hiện rất nhiều thủ tục
hành chính. Từ góc độ lợi ích và nhu cầu xã hội, việc đóng cửa 2-3 ngày của một
trung tâm đăng kiểm chắc chắn sẽ không gây ra hậu quả nào nghiêm trọng bởi đây
không phải tổ chức độc quyền, cũng không phải tổ chức có hoạt động gắn liền với
tính mạng, sức khỏe con người.
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo
kéo dài thời gian này hơn, chẳng hạn như “ngừng hoạt động quá 10 ngày”.
2. Một số quy định liên quan đến thủ tục hành chính trong Dự thảo chưa rõ
ràng và chưa tạo thuận lợi cho đối tượng thực hiện
a. Thời hạn tổ chức đánh giá thực tế nghiệp vụ để cấp giấy chứng nhận đăng
kiểm viên (Điều 13)
Theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Dự
thảo về trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên thì trong vòng 3
ngày kể từ ngày cá nhân nộp hồ sơ, nếu hồ sơ đạt yêu cầu thì cơ quan nhà nước sẽ
“thông báo cho đăng kiểm viên thời gian tiến hành đánh giá thực tế
nghiệp vụ trên dây chuyền kiểm định và nắm vững các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định”.
Tuy nhiên, Dự thảo lại không quy định về thời hạn mà cơ quan nhà nước sẽ tiến
hành đánh giá thực tế nghiệp vụ kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ của đăng kiểm
viên.
Việc thiếu vắng quy định về thời hạn
này khiến cho thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên thiếu rõ ràng và có thể
kéo dài, vì vậy đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về thời hạn sẽ tiến
hành kiểm tra thực tế nghiệp vụ kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ của đăng kiểm
viên.
Góp ý tương tự đối với quy định tại
điểm a khoản 2 Điều 23 Dự thảo về thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh
doanh dịch vụ đăng kiểm; khoản 2 Điều 24 Dự thảo về thủ tục cấp lại giấy chứng
nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đăng kiểm.
b. Thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đăng kiểm viên (Điều 14)
Khoản 2 Điều 14 Dự thảo quy định trình
tự, cách thức thực hiện thủ tục cấp lại
giấy chứng nhận đăng kiểm viên được thực hiện như đối với cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên lần đầu. Quy định này là chưa hợp lý, bởi tính chất của thủ tục cấp
lại giấy chứng nhận đăng kiểm viên do hỏng, bị mất đơn giản hơn rất nhiều. Đối
với thủ tục này cơ quan nhà nước chỉ cần xem xét đơn yêu cầu và cấp lại cho
đăng kiểm viên mà không cần thiết phải thẩm định lại trình độ chuyên môn qua hồ
sơ tài liệu cũng như đánh giá thực tế như thủ tục cấp lần đầu.
Vì vậy, để đảm bảo thuận lợi cho các
đối tượng thực hiện, phù hợp với tính chất các quy định, đề nghị Ban soạn thảo
tách thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đăng kiểm viên thành hai trường hợp, cấp lại
do hết hiệu lực và cấp lại do giấy chứng nhận mất, hư hỏng. Đối với thủ tục cấp
lại do giấy chứng nhận bị mất, hư hỏng thì đề nghị thiết kế theo hướng đơn giản
(hồ sơ gồm đơn đề nghị và giấy chứng nhận (nếu có), trong khoảng thời gian 3
ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ cấp
lại giấy chứng nhận cho đăng kiểm viên). Góp ý tương tự đối với thủ tục cấp lại
giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới trong trường hợp mất, bị
hư hỏng quy định tại khoản 2 Điều 24 Dự thảo.
Đối với cấp lại do hết hiệu lực, đề
nghị bỏ quy định này nếu Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến nêu tại mục 1.c Công văn
này về việc không quy định thời hạn giấy chứng nhận đăng kiểm viên (giấy chứng
nhận có giá trị vô thời hạn, do đó không có trường hợp cấp lại do hết hạn).
c. Tước giấy chứng nhận đăng kiểm viên
Theo quy định tại Điều 15 Dự thảo thì
đăng kiểm viên sẽ bị tước giấy chứng nhận từ 01 tháng đến 03 tháng trong một số
trường hợp nhất định. Đăng kiểm viên sẽ phải nộp lại giấy chứng nhận đăng kiểm
viên cho cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, Dự thảo lại không có quy định,
sau khi hết thời hạn bị tước giấy chứng nhận thì đăng kiểm viên phải thực hiện
thủ tục nào để lấy lại giấy chứng nhận này.
Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ thủ tục này để đảm bảo
thuận lợi khi thực hiện.
Góp ý tương tự đối với thủ tục tước
giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
d. Thủ tục kiểm tra, đánh giá lại để cấp Giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ
kiểm định xe cơ giới
Theo quy định tại Điều 23 Dự thảo thì
quy trình cấp giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới sẽ theo
trình tự: (i) cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ, (ii) cơ quan nhà nước xem xét hồ sơ,
(iii) nếu hồ sơ đạt yêu cầu sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá thực tế, nếu kiểm
tra đánh giá thực tế không đạt thì cơ quan nhà nước sẽ thông báo để cá nhân, tổ
chức khắc phục và tiến hành kiểm tra, đánh giá lại.
Quy trình này chưa rõ ràng ở điểm,
sau khi được thông báo là không đạt yêu cầu (khi kiểm tra, đánh giá thực tế) phải
khắc phục, cá nhân, tổ chức sẽ thực hiện thủ tục như thế nào để được kiểm tra,
đánh giá lại (gửi văn bản nào đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền; cơ quan này sẽ
xem xét trong thời gian bao lâu để quyết định kiểm tra, đánh giá lại; …).
Để đảm bảo tính minh bạch trong quy
trình thủ tục, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về những vấn đề trên.
e. Một số tài liệu trong Hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính chưa hợp lý, có
thể gây khó khăn cho đơn vị thực hiện thủ tục
Khoản 1 Điều 22 Dự thảo quy định
trong Hồ sơ xin chấp thuận chủ trương xây dựng đơn vị đăng kiểm phải có:
–
Văn
bản chấp thuận về địa điểm xây dựng đơn vị đăng kiểm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
–
Giấy
tờ về đất và quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê sử dụng đất, mặt bằng, nhà xưởng
Quy định trên vừa chưa hợp lý vừa
chưa rõ ràng ở các điểm:
–
Văn
bản chấp thuận về địa điểm xây dựng đơn vị đăng kiểm được xem như là một dạng
“giấy phép con”. Trong khi đó, Dự thảo lại không có quy định nào về điều kiện
cũng như trình tự thủ tục, thời hạn để có được “giấy phép” này.
Hơn nữa, việc
yêu cầu phải có sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp (UBND) tỉnh mới thực hiện
xin chủ trương đầu tư xây dựng của Cục Đăng kiểm Việt Nam là chưa hợp lý và có
thể xảy ra tình trạng giữa các cơ quan nhà nước có những ý kiến khác nhau về
cùng một vấn đề. Chẳng hạn, nếu UBND tỉnh chấp thuận cho xây dựng đơn vị đăng
kiểm theo đề xuất của cá nhân, tổ chức, điều này đồng nghĩa với việc cơ quan
này đã xem xét, thẩm định và nhận thấy địa điểm này xây dựng đơn vị đăng kiểm
là phù hợp với các nhu cầu, đặc thù của địa phương. Nhưng nếu khi thực hiện thủ
tục xin chấp thuận chủ trương ở Cục và không được sự đồng ý của cơ quan này,
thì ý nghĩa của sự chấp thuận của UBND tỉnh ở đâu? UBND tỉnh lại phải rút lại
văn bản chấp thuận về địa điểm này?
–
Tại
thời điểm thực hiện thủ tục xin chấp thuận chủ trương xây dựng đơn vị đăng kiểm,
tổ chức, cá nhân sẽ không biết được liệu mình có được chấp thuận hay không? Vì
vậy, nếu tại thời điểm này, yêu cầu phải có “hợp đồng thuê sử dụng đất, mặt bằng,
nhà xưởng” là quá rủi ro cho các đối tượng này. Bởi, nếu không được chấp thuận
thì họ sẽ có nguy cơ vi phạm hợp đồng và phải bồi thường và/phạt từ việc không
thực hiện theo hợp đồng này.
Từ những phân tích trên, đề nghị
Ban soạn thảo sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 22 Dự thảo theo hướng bỏ
quy định tại điểm b, d khoản 2 Điều 22, tức là không yêu cầu phải có văn bản chấp
thuận về địa điểm xây dựng đơn vị đăng kiểm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, không
yêu cầu phải có hợp đồng thuê sử dụng đất, mặt bằng, nhà xưởng trong Hồ sơ xin
chấp thuận chủ trương xây dựng đơn vị đăng kiểm.
f.
Tiêu chí để chấp thuận/từ chối chủ
trương đầu tư xây dựng đơn vị đăng kiểm
Khoản 2 Điều 22 Dự thảo quy định Cục
Đăng kiểm sẽ xem xét và quyết định chấp thuận/từ chối chủ trương.
Tuy nhiên Dự thảo lại không có bất kỳ
quy định nào về việc Cục sẽ dựa vào tiêu chí nào để xem xét hay quyết định chấp
thuận hay không. Chú ý là các điều kiện hoạt động quy định tại mục I, II Chương
II Dự thảo là những yêu cầu phải đáp ứng khi triển khai hoạt động chứ không phải
là các điều kiện để được chấp thuận chủ trương xây dựng.
Sự thiếu rõ ràng này có thể tạo ra dư
địa cho tình trạng tham nhũng và phân biệt đối xử giữa các đối tượng xin cấp
phép, do đó để hạn chế tình trạng này, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ
về các tiêu chí mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận/từ chối chủ trương
xây dựng đơn vị đăng kiểm.
3. Một số quy định tại Dự thảo chưa rõ ràng có thể gây khó khăn trong quá
trình thực hiện
a. Hình thức tổ chức của đơn vị đăng kiểm
Theo quy định tại Điều 22, 23 Dự thảo
thì để được tổ chức hoạt động đăng kiểm, thì tổ chức, cá nhân phải thực hiện
các thủ tục sau:
–
(1)
Xin chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng đơn vị đăng kiểm: Đối với thủ tục
này, tổ chức, cá nhân lập đề án, xin chấp thuận địa điểm xây dựng gửi tới cơ
quan có thẩm quyền;
–
(2)
Xin cấp giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ kiểm định: Sau khi được chấp thuận
chủ trương xây dựng đơn vị đăng kiểm thì tổ chức, cá nhân sẽ lập hồ sơ để được
cấp giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Cả hai thủ tục trên đều không cho thấy
đơn vị đăng kiểm sẽ được tổ chức theo hình thức gì? Có phải là doanh nghiệp
không hay là một hình thức khác? Trong hồ sơ thực hiện các thủ tục (1), (2)
không thấy tài liệu nào thể hiện là đơn vị đăng kiểm sẽ được hoạt động dưới
hình thức là doanh nghiệp (không thấy có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
trong hồ sơ cấp phép hoạt động ở thủ tục (2)). Do việc không rõ về hình thức hoạt
động của đơn vị đăng kiểm, nên không rõ đơn vị này sẽ được tổ chức hoạt động
như thế nào?
Do vậy, để đảm bảo tính minh bạch
trong chính sách, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về loại hình hoạt động
của đơn vị đăng kiểm. Nếu được tổ chức theo hình thức doanh nghiệp thì cần điều
chỉnh lại thủ tục cấp phép hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới,
trong đó phải thành lập doanh nghiệp (theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm
2014) trước khi xin loại giấy phép này và nên điều chỉnh lại tên của giấy phép
là “Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới” thay
vì “Giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới”.
b. Điều kiện trình độ chuyên môn của đăng kiểm viên (Điều 12)
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều
12 thì đăng kiểm viên phải tốt nghiệp đại học của một số chuyên ngành đạo tạo
nhất định (cơ khí ô tô, công nghệ kỹ thuật ô tô hoặc ngành đạo tạo kỹ thuật cơ
khí, công nghệ kỹ thuật cơ khí), trong chương trình đào tạo phải có các nội
dung: Lý thuyết ô tô; Cấu tạo ô tô; Kết cấu tính toán ô tô; Bảo dưỡng kỹ thuật
ô tô; Động cơ đốt trong và Điện ô tô. Và “trường hợp không có các môn học trên,
có thể đào tạo bổ sung tại các trường đại học”.
Quy định trên là chưa rõ ở điểm, làm
sao biết được một người có bằng đại học của các chuyên ngành trên đã học các
môn Lý thuyết ô tô; Cấu tạo ô tô; Kết cấu tính toán ô tô; Bảo dưỡng kỹ thuật ô
tô; Động cơ đốt trong và Điện ô tô. Bởi trên Bằng đại học không thể hiện được nội
dung cho biết người học có học các môn học cụ thể nào.
Mặt khác, trong trường hợp, có thể
tìm kiếm thông tin để biết rằng, các chuyên ngành đào tạo cơ khí ô tô, công nghệ
kỹ thuật ô tô hoặc ngành đạo tạo kỹ thuật cơ khí, công nghệ kỹ thuật cơ khí không
có các môn học yêu cầu trên, thì làm thế nào để biết được các nhân có bằng đại
học đã được đào tạo bổ sung các môn học tại trường đại học. Có cần phải có giấy
tờ xác nhận của trường đại học về việc đã hoàn thành các môn này không?
Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những vấn đề trên để đảm
bảo quy định có tính khả thi và thuận lơi khi thực hiện.
c. Lãnh đạo đơn vị đăng kiểm (Điều 20)
Khoản 1 Điều 20 Dự thảo quy định điều
kiện của lãnh đạo đơn vị đăng kiểm, nhưng lại không quy định rõ những người nào
được cho là lãnh đạo của đơn vị đăng kiểm (Giám đốc, trưởng các bộ phận chuyên
môn …?). Đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể các chức danh trong đơn vị
đăng kiểm được xem là lãnh đạo.
Cần chú ý là về logic, yêu cầu về
năng lực chuyên môn và kinh nghiệm (là đăng kiểm viên xe cơ giới, đã thực hiện
nhiệm vụ đăng kiểm 36 tháng) chỉ thích hợp với lãnh đạo chịu trách nhiệm về
chuyên môn của đơn vị đăng kiểm. Lãnh đạo hành chính hay tổ chức của Đơn vị
đăng kiểm (ví dụ giám đốc, các trưởng bộ phận hành chính…) không cần thiết phải
có chuyên môn đăng kiểm.
Trên đây
là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định về điều kiện
kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Rất mong quý Cơ quan
soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Ngoài ra
gửi kèm theo một số góp ý cụ thể về Dự thảo mà một số doanh nghiệp gửi cho Phòng
Thương mại và Công nghiệp để Quý Cơ quan tham khảo.
Trân trọng
cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.