VCCI_Góp ý Dự thảo Quyết định và nội dung Quy định về quy trình chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi các Thông tư về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn
VCCI_Góp ý Dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án và Dự thảo Đề án “Các giải pháp tăng cường kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật”
Kính gửi: Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo
Trả lời Công văn số 989/BGDĐT-GDĐH của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án và dự thảo Đề án “Các giải pháp tăng cường kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật” (sau đây gọi tắt là dự thảo). VCCI đã tiến hành lấy ý kiến đối với dự thảo và có một số ý kiến ban đầu như sau:
Điểm b Mục 2 dự thảo Quyết định và Mục 5.2 dự thảo Đề án về triển khai thực hiện chuẩn chương trình đào tạo đối với lĩnh vực pháp luật giao VCCI có hai nhiệm vụ phối hợp (1) xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chuẩn chương trình đào tạo cử nhân luật theo các quy định của Khung trình độ quốc gia Việt Nam (2) đẩy mạnh gắn kết giữa cơ sở đào tạo và đơn vị sử dụng lao động/doanh nghiệp và các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong các hoạt động: xây dựng chuẩn chương trình đào tạo; phát triển chương trình đào tạo; đào tạo thực hành, thực tập nghề nghiệp; nghiên cứu khoa học và tuyển dụng/sử dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Phân công nhiệm vụ này chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của VCCI. Với tư cách là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, VCCI không có đủ chuyên môn để tham gia vào hoạt động xây dựng, ban hành hay tổ chức thực hiện chuẩn chương trình đào tạo. Việc dự thảo quy định như trên sẽ không bảo đảm tính hợp lý và khả thi của Đề án, đề nghị Ban soạn thảo bỏ nội dung này ra khỏi dự thảo Đề án.
Góp ý tương tự với quy định tại Mục 6 dự thảo Quyết định và dự thảo Đề án tại điểm b Mục 5.3 về nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên chuyên môn ngành luật; điểm a Mục 5.5 về nâng cấp chất lượng đầu vào và chất lượng đầu ra các chương trình đào tạo cử nhân luật và điểm a Mục 7.2.6.
Bên cạnh đó, hoạt động liên quan đến thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo là hoạt động được VCCI thực hiện thường xuyên, do đó việc giới hạn trong khoảng thời gian 2022-2030 là không hợp lý. Trong phạm vi chức năng của VCCI có ít nhất các hoạt động sau được thực hiện thường xuyên có liên quan đến phạm vi của Đề án này. Thứ nhất là chương trình thực tập dành cho các sinh viên luật năm cuối. Hoạt động này cũng đã được thực hiện một cách thường xuyên ở các phòng, ban có hoạt động liên quan đến chính sách, pháp luật. Thứ hai là các cuộc hội thảo mở về chính sách, pháp luật dành cho đông đảo các đối tượng có quan tâm. Việc tham gia góp ý, thảo luận về chính sách, pháp luật cũng thường xuyên có sự tham gia của các giảng viên ở các viện, trường đại học đào tạo luật.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án và dự thảo Đề án “Các giải pháp tăng cường kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật”. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.