VCCI góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp
Kính gửi: Vụ Quản lý ngoại hối – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Trả lời Công văn số 5137/NHNN-QLNH của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở góp ý của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:
1. Về Trang điện tử
- Nguyên tắc sử dụng Trang điện tử (Điều 5):
Khoản 3 Điều 5 Dự thảo quy định: “Trường hợp đã thay đổi từ hình thức truyền thống sang hình thức trực tuyến (một phần hoặc toàn phần) hoặc thay đổi từ hình thức trực tuyến một phần sang hình thức trực tuyến toàn phần, Bên đi vay không được thay đổi lại sang hình thức truyền thống”.
Quy định này dường như là chưa thống nhất với nguyên tắc trao quyền lựa chọn hình thức thực hiện các thủ tục hành chính quy định trong chính Điều 5 Dự thảo. Mặt khác, Trang điện tử là một công cụ mới được thiết lập, do đó sẽ có khả năng trong giai đoạn đầu vận hành vẫn chưa thông suốt, hoặc trong quá trình vận hành có những lỗi kỹ thuật cần phải khắc phục, nếu yêu cầu doanh nghiệp không được thay đổi lại hình thức truyền thống sau khi chọn hình thức trực tuyến sẽ gây khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp nếu trong giai đoạn này có khoản vay cần phải đăng ký.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định trên và cho phép doanh nghiệp có thể tự do thay đổi về hình thức thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan.
- Tài khoản truy cập (Điều 6)
Khoản 4 Điều 6 Dự thảo quy định về trình tự, thủ tục đăng ký và cấp tài khoản truy cập, trong đó thời hạn để doanh nghiệp được cấp tài khoản truy cập là 5 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhận được thông tin đăng ký và sẽ có trường hợp doanh nghiệp bị từ chối cấp tài khoản truy cập.
Thời hạn 5 ngày làm việc là quá dài để có được tài khoản truy cập, trong khi đây chỉ là thủ tục đơn giản, đề nghị cấp tài khoản truy cập và thực hiện trên môi trường điện tử. Đề nghị Ban soạn thảo rút ngắn thời gian này hoặc thiết kế theo hướng tự động cấp, nếu doanh nghiệp hoàn thành các thao tác đăng ký theo quy định.
Dự thảo cũng quy định chưa rõ ràng về các trường hợp mà doanh nghiệp không được cấp tài khoản truy cập, điều này khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc nhận biết các trường hợp mà mình không được cấp tài khoản và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động vay nước ngoài. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các trường hợp nào thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ chối cấp tài khoản truy cập.
Góp ý tương tự đối với trình tự, thủ tục thay đổi thông tin tài khoản truy cập đối với Bên đi vay quy định tại khoản 5 Điều 6 Dự thảo.
2. Thủ tục đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay tự vay tự trả
- Khoản vay tự vay tự trả dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Dự thảo thì khoản vay này không thuộc diện phải thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, khoản 4 Điều 9 Dự thảo về thời hạn khoản vay để xác định nghĩa vụ đăng ký và phân loại báo cáo lại quy định “ngày rút vốn … là ngày thông quan hàng hóa đối với các khoản vay tự vay tự trả dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm”, có thể gây nhầm lẫn trong cách hiểu là khoản vay tự vay tự trả dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm cũng phải thực hiện đăng ký và báo cáo. Để đảm bảo tính thống nhất trong chính các quy định tại Dự thảo, đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ “ngày thông quan hàng hóa đối với các khoản tự vay tự trả dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm” tại khoản 4 Điều 9 Dự thảo.
- Trình tự thực hiện thủ tục đăng ký khoản vay bằng hình thức trực tuyến (Điều 11)
Thực hiện đăng ký trực tuyến trên Trang điện tử là một trong những giải pháp quản lý mới, nhằm mục tiêu giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Chính sách này rất đáng hoan nghênh, tuy nhiên các quy định về trình tự, thủ tục đăng ký khoản vay trong Dự thảo dường như vẫn chưa thể hiện được ưu điểm của thủ tục đăng ký trực tuyến và doanh nghiệp cũng không thuận lợi hơn là mấy so với phương thức truyền thống, đó là: Khi lựa chọn hình thức trực tuyến, doanh nghiệp cũng phải thực hiện các thủ tục theo hình thức truyền thống đó là gửi Hồ sơ theo đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền, chỉ khác là mẫu Đơn đăng ký ở hình thức này ở trên Trang Điện tử thay vì ở Phụ lục Thông tư này. Như vậy thì với trình tự thủ tục này thì hình thức trực tuyến gần như không cải thiện hơn so với hình thức truyền thống và chưa thể hiện được tính đặc thù của hình thức trực tuyến đó là thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử.
Do đó, để phù hợp với đặc tính của hình thức trực tuyến, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định về trình tự, thủ tục đăng ký hình thức này theo hướng, nộp Đơn đăng ký và hồ sơ hoàn toàn trên môi trường điện tử. Nếu thời điểm hiện tại chưa thể thực hiện được điều này thì có thể quy định: doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến, cơ quan nhà nước sẽ thẩm định hồ sơ đã nộp trực tuyến, và khi doanh nghiệp nộp hồ sơ giấy thì được cấp giấy xác nhận đăng ký, nếu giữa hai hồ sơ không có sự khác nhau.
Góp ý tương tự đối với thủ tục đăng ký thay đổi khoản vay quy định tại Điều 14 Dự thảo.
- Thời hạn trả kết quả thủ tục hành chính (khoản 4 Điều 11):
Các doanh nghiệp cho rằng khoảng thời gian 13 ngày làm việc (cho trường hợp khai báo trực tuyến), 15 ngày làm việc (cho trường hợp khai báo theo hình thức truyền thống) là quá dài cho thủ tục này, đề nghị Ban soạn thảo rút ngắn các thời hạn này, đặc biệt là đối với trường hợp khai báo trực tuyến, để đảm bảo đúng tinh thần cải cách thủ tục hành chính mà Dự thảo này đang muốn hướng tới.
Góp ý tương tự đối với quy định tại khoản 3 Điều 14 Dự thảo.
- Các trường hợp từ chối xác nhận đăng ký khoản vay:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Dự thảo thì sẽ có trường hợp doanh nghiệp bị từ chối xác nhận đăng ký khoản vay, nhưng Dự thảo lại không quy định rõ các trường hợp này như thế nào, vì vậy rất khó để doanh nghiệp nhận biết được trường hợp nào thì mình không được xác nhận đăng ký. Điều 17 Dự thảo có quy định về các căn cứ để thực hiện xác nhận đăng ký nhưng lại không cụ thể về các trường hợp như thế nào thì bị từ chối, hơn nữa Điều 11 Dự thảo cũng không có quy định về việc các căn cứ từ chối chỉ dựa vào Điều 17. Để đảm bảo tính minh bạch trong thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ, cụ thể về các trường hợp mà doanh nghiệp bị từ chối xác nhận đăng ký khoản vay.
Góp ý tương tự đối với quy định tại khoản 3 Điều 14 Dự thảo.
- Hồ sơ đăng ký khoản vay tự vay tự trả (Điều 12)
Điều 12 Dự thảo quy định trong Hồ sơ đăng ký khoản tự vay tự trả có các tài liệu như:
· Thỏa thuận vay nước ngoài và thỏa thuận gia hạn khoản vay tự vay tự trả ngắn hạn thành trung, dài hạn (nếu có) hoặc thỏa thuận rút vốn bằng văn bản kèm theo thỏa thuận khung
· Thư bảo lãnh, văn bản cam kết bảo lãnh hoặc hợp đồng bảo lãnh vay nước ngoài (nếu có)
Việc yêu cầu phải có những tài liệu này trong Hồ sơ đăng ký khoản tự vay tự trả sẽ tạo ra nhiều rủi ro cho doanh nghiệp ở điểm: khi có những tài liệu này rồi thì doanh nghiệp đã thực hiện ký hợp đồng vay với bên nước ngoài và phải chịu ràng buộc trách nhiệm thực hiện hợp đồng theo thỏa thuận. Nếu trong trường hợp doanh nghiệp không được xác nhận đăng ký khoản vay đồng nghĩa với việc không được thực hiện vay nước ngoài, như vậy sẽ dẫn tới việc doanh nghiệp sẽ phải vi phạm hợp đồng với đối tác nước ngoài và phải gánh chịu các chế tài xử phạt. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ yêu cầu phải có các tài liệu này, tức bỏ khoản 4, 5 Điều 12 Dự thảo đồng thời sửa đổi các nội dung tại Mẫu Đơn đăng ký tại Phụ lục 1 liên quan đến Bên cho vay, Bên bảo lãnh, khoản vay theo hướng đây chỉ là những nội dung “dự kiến” (bổ sung thêm chữ “dự kiến” vào các mục này).
Khoản 10 Điều 13 Dự thảo quy định trong Hồ sơ đăng ký khoản vay tự vay tự trả phải có “văn bản giải trình về nhu cầu vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam đối với trường hợp vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 7 Thông tư 12/2014/TT-NHNN”. Quy định này là chưa rõ ràng ở các điểm:
· Không rõ thủ tục xin chấp thuận của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đối với trường hợp vay này được thực hiện trước hay đồng thời với thủ tục này?
+ Nếu thực hiện trước khi thực hiện thủ tục đăng ký thì trong Hồ sơ không cần thiết phải có văn bản giải trình, vì “nhu cầu vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam” lúc này đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận (và suy đoán là đã có Giấy tờ chứng minh chấp thuận này) – khi đó thay vì Văn bản giải trình, Bên vay chỉ cần đưa vào Hồ sơ giấy tờ chứng minh sự chấp thuận của Thống đốc là đủ đã được xem xét khi quyết định cho phép hay không hoạt động vay này.
+ Nếu thực hiện sau khi thực hiện thủ tục đăng ký này thì yêu cầu Văn bản giải trình là phù hợp, tuy nhiên không rõ trình tự, thủ tục để sau đó yêu cầu này của Bên đi vay được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép vay trong trường hợp này là như thế nào?
· Doanh nghiệp phải làm thế nào gì để thể hiện cho Cơ quan tieeps nhận hồ sơ rằng mình thuộc trường hợp phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép vay? (lưu ý là trong Hồ sơ đăng ký không có các tài liệu thể hiện được điều này, Đơn xin đăng ký cũng không có mục nào để doanh nghiệp đánh dấu/nêu trường hợp này).
Để đảm bảo thuận lợi khi thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các vấn đề trên.
3. Xác nhận đăng ký, xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay tự vay tự trả (Mục 3 Chương II)
- Cơ sở thực hiện xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay tự vay tự trả (Điều 17):
Khoản 1 Điều 17 Dự thảo quy định một trong các cơ sở thực hiện xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay tự vay tự trả là “tổng hạn mức vay thương mại nước ngoài tự vay, tự trả hàng năm do Thủ tướng Chính phủ duyệt”, điều này được hiểu, ngay cả khi doanh nghiệp “tuân thủ và đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện vay nước ngoài, quản lý ngoại hối đối với hoạt động vay, trả nợ nước ngoài” thì cũng chưa chắc đã được xác nhận đăng ký nếu số vay vượt “tổng hạn mức vay thương mại nước ngoài tự vay, tự trả hàng năm”.
Như vậy, sẽ có thể xảy ra tình huống nhiều doanh nghiệp cùng thực hiện thủ tục xin xác nhận đăng ký/đăng ký thay đổi khoản vay vào một thời điểm và điều này dẫn đến vượt tổng hạn mức này. Vậy cơ quan nhà nước sẽ xét duyệt và xác nhận cho các doanh nghiệp theo nguyên tắc nào (ưu tiên doanh nghiệp nộp hồ sơ trước? cho phép vay theo tỷ lệ tương ứng với mỗi đề nghị với các doanh nghiệp cùng nộp đơn để đảm bảo tổng số vay không vượt quá tổng hạn mức? hay là yếu tố khác …).
Để đảm bảo yếu tố minh bạch, hạn chế dư địa cho tình trạng tham nhũng, cũng như nguy cơ đối xử bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ để xử lý trường hợp trên.
- Hiệu lực của văn bản xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay tự vay, tự trả (Điều 19)
Khoản 2 Điều 19 Dự thảo quy định về các trường hợp thu hồi văn bản xác nhận đăng ký, xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay tự vay tự trả sau khi khoản vay tự vay tự trả đã được xác nhận đăng ký nhưng chưa rút vốn. Tuy nhiên Dự thảo lại không quy định cho trường hợp khoản vay này đã được rút vốn rồi thì xử lý như thế nào (lúc này việc rút lại văn bản xác nhận có còn ý nghĩa gì không? Nếu không rút lại văn bản thì xử lý như thế nào)? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ để bao quát được các trường hợp trên thực tế.
4. Một số góp ý khác
- Nguyên tắc minh bạch dòng tiền (Điều 24):
Khoản 2 Điều 24 Dự thảo quy định nghĩa vụ thông báo về nội dung chuyển tiền của Bên đi vay nếu Bên cho vay không nêu rõ nội dung nội dung chuyển tiền. Tuy nhiên, Dự thảo lại không có quy định để xử lý trường hợp Bên đi vay không thực hiện nghĩa vụ thông báo này (giải quyết như thế nào – ví dụ nếu không thông báo nội dung chuyển tiền thì Ngân hàng có quyền không cho phép bên đi vay rút khoản vốn không? Nếu có thì cần bổ sung thêm điều kiện này vào Điều 37 Dự thảo)? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ.
- Trách nhiệm của ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản (Điều 37):
Khoản 1 Điều 37 Dự thảo quy định về các cơ sở để thực hiện việc cung ứng dịch vụ tài khoản cho các giao dịch liên quan đến khoản vay nước ngoài (rút vốn, trả nợ, trả phí, giao dịch liên quan đến bảo lãnh). Quy định áp dụng chung cho tất cả các hoạt động rút vốn, trả nợ, trả phí, giao dịch liên quan đến bảo lãnh là chưa rõ ràng và hợp lý, bởi vì đối với mỗi hoạt động trên thì yêu cầu những loại tài liệu khác nhau, phù hợp với đặc thù của mỗi hoạt động, ví dụ: khi trả nợ thì phải yêu cầu xuất trình chứng từ chứng minh việc đã rút vốn nhưng khi rút vốn thì khách hàng không thể xuất trình chứng từ đó … Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy định các chứng từ riêng đối với từng hoạt động cụ thể.
- Một số góp ý liên quan đến việc sử dụng từ ngữ, thuật ngữ trong Dự thảo trong các góp ý cụ thể của các doanh nghiệp được gửi kèm Công văn góp ý này.
Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Ngoài ra gửi kèm theo phụ lục một số góp ý cụ thể về Dự thảo mà một số doanh nghiệp gửi cho Phòng Thương mại và Công nghiệp để Quý Cơ quan tham khảo.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.