VCCI góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp
VCCI góp ý Dự thảo Nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại
VCCI góp ý Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Phá sản
Kính gửi: Tòa án nhân dân tối cao
Trả lời Công văn số 132/TANDTC-PC&QLKH của Tòa án nhân dân tối cao về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Phá sản (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở nghiên cứu của chuyên gia, có một số ý kiến như sau:
1. Về tính chất phức tạp của vụ việc quy định tại khoản 1 Điều 8 của Luật phá sản (Điều 5)
Điều 5 Dự thảo xác định các trường hợp được xem là có “tính chất phức tạp của vụ việc”. Tuy nhiên một số trường hợp trong số này chưa thật hợp lý và thiếu rõ ràng, cụ thể:
- Trường hợp “Việc tuyên bố phá sản tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp, hợp tác xã có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” (khoản 4 Điều 5 Dự thảo):
+ Việc xác định “tổ chức tín dụng” thuộc trường hợp này là thừa, vì tổ chức tín dụng đã nằm trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 5 Dự thảo (doanh nghiệp có từ 300 lao động trở lên hoặc có vốn điều lệ 100 tỷ đồng trở lên).
+ Căn cứ “có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” chưa rõ ràng, mang tính định tính, chưa tạo cách hiểu thống nhất giữa các đối tượng áp dụng vì vậy có thể tạo ra sự tranh chấp về thẩm quyền giải quyết trên thực tế.
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ “tổ chức tín dụng” và quy định có tính định lượng các trường hợp phá sản doanh nghiệp có thể “ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh”, nếu không quy định được thì đề nghị bỏ trường hợp này.
- Trường hợp “Vụ việc phá sản mà phải giải quyết tranh chấp về khoản nợ, giải quyết các tranh chấp bị tạm đình chỉ, tuyên bố giao dịch vô hiệu theo quy định tại Điều 41, Điều 59 của Luật phá sản” (khoản 7 Điều 5):
+ Theo quy định tại Điều 41, 59 Luật Phá sản thì, các khoản nợ, giải quyết các tranh chấp bị tạm đình chỉ, tuyên bố giao dịch vô hiệu là các hoạt động được tiến hành sau khi Tòa án thụ lý vụ việc, trong khi việc xem xét thẩm quyền tòa án lại là hoạt động trước khi Tòa án thụ lý. Vì vậy, việc xác định các trường hợp này tại thời điểm xem xét thẩm quyền tòa án là chưa phù hợp với Luật Phá sản.
+ Về quy trình, nếu tòa án thụ lý vụ việc và thực hiện hết các hoạt động quy định tại Điều 41, 59 Luật Phá sản sau đó mới xác định lại thẩm quyền tòa án sẽ khiến cho việc giải quyết vụ việc phá sản bị kéo dài và nhiều hoạt động đã thực hiện sẽ phải thực hiện lại.
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ trường hợp này.
- Trường hợp “Các trường hợp khác mà pháp luật có quy định” (Điều 5.9):
Đây là quy định dạng “quét” để tránh trường hợp quy định tại Dự thảo này chưa dự liệu hết các trường hợp mà pháp luật khác có quy định. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ có Luật Phá sản và các văn bản hướng dẫn (trong đó có Dự thảo này) quy định về các tường hợp này. Do đó sẽ không có “pháp luật” nào khác quy định cả.
Do đó đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 9 Điều 5 Dự thảo.
2. Về thủ tục chuyển vụ việc phá sản do Tòa án có thẩm quyền (Điều 6)
Điều 6 Dự thảo quy định về các trường hợp chuyển vụ việc phá sản cho tòa án có thẩm quyền sau khi tòa án đã thụ lý Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Quy định này dường như chưa thống nhất với Luật Phá sản và có thể tạo ra nguy cơ việc giải quyết phá sản bị kéo dài, bởi vì:
- Điều 32 Luật Phá sản quy định, việc “chuyển đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền nếu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân khác” được xử lý trong giai đoạn xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và trước thời điểm tòa án thụ lý đơn. Trong khi Điều 6 Dự thảo lại quy định các trường hợp chuyển đơn sau khi tòa án đã thụ lý đơn. Điều này là chưa phù hợp với Luật Phá sản.
- Nếu cho rằng vẫn có thể xảy ra sai sót trong quá trình thụ lý dẫn tới thụ lý sai thẩm quyền và chỉ phát hiện ra điều này sau khi đã thụ lý thì việc chuyển sang tòa án khác có thể là hợp lý, nhằm tránh trường hợp vụ việc có thể bị hủy do sai thẩm quyền sau đó. Tuy nhiên, nếu là để phòng trường hợp này thì Dự thảo cần quy định chi tiết hơn: ví dụ tại thời điểm chuyển thẩm quyền từ tòa án cấp huyện lên cấp tỉnh thì vụ việc phá sản sẽ được giải quyết như thế nào (giải quyết lại từ đầu hay là kế thừa các hoạt động đã thực hiện trước đó tại tòa cấp huyện)? Việc thiếu rõ ràng trong quy định này có thể tạo ra sự lúng túng cho các đối tượng trong quá trình thực thi.
Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ 02 trường hợp chuyển đơn yêu cầu cho tòa án có thẩm quyền (trước khi thụ lý và sau khi thụ lý); đố ivới trường hợp sau khi thụ lý thì cần quy định rõ hơn về việc nếu chuyển lên tòa án cấp tỉnh giải quyết (tại khoản 2 Điều 6) thì thủ tục phá sản sẽ tiến hành như thế nào (bắt đầu lại từ đầu hay là kế thừa các hoạt động trước đó đã thực hiện của tòa án cấp huyện) (và để tránh hiện tượng vụ việc giải quyết phá sản bị kéo dài, nên quy định theo hướng kế thừa các hoạt động Tòa án trước đã thực hiện mà không nên bắt đầu thực hiện lại từ đầu).
3. Về mức và thủ tục tạm ứng chi phí phá sản quy định tại khoản 4 Điều 23 của Luật phá sản (Điều 8)
Khoản 1 Điều 8 Dự thảo quy định “Mức tạm ứng chi phí phá sản đối với từng vụ việc cụ thể do Tòa án quyết định. Mức tạm ứng chi phí phá sản ban đầu khi nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là 5.000.000 đồng”.
Quy định này là chưa rõ ở điểm: Dự thảo đã quy định mức tạm ứng chi phí phá sản do Tòa án quyết định, không rõ mức tạm ứng cố định 5.000.000 đồng là thế nào? Liệu đây có phải là mức tạm ứng tối thiểu của các vụ việc phá sản mà doanh nghiệp phải nộp ngay từ đâu, còn sau đó các Tòa sẽ tự quyết định mức tạm ứng? Nếu mức tạm ứng mà sau đó Tòa án quyết định cao/thấp hơn 5.000.000 đồng thì xử lý thế nào?
Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ để đảm bảo thuận lợi khi thực hiện.
4. Về thương lượng giữa chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán quy định tại Điều 37 của Luật phá sản (Điều 12)
Điều 12 Dự thảo quy định về quy trình Tòa án xử lý trường hợp liên quan đến thương lượng giữa chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, theo đó:
- Ngay sau khi nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Tòa án thông báo cho doanh nghiệp bị yêu cầu mở thủ tục phá sản về việc có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
- Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo từ Tòa án, doanh nghiệp bị yêu cầu mở thủ tục phá sản đưa ra quyết định có hay không thương lượng với chủ nợ
- Trường hợp có thương lượng, Tòa án thông báo cho người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản về việc doanh nghiệp bị yêu cầu mở thủ tục phá sản có đề nghị thương lượng
- Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo từ Tòa, chủ nợ có quyết định thương lượng hay không. Tòa sẽ ấn định ngày kết thúc thương lượng.
- Ngay sau khi kết thúc thương lượng, các bên phải gửi cho Tòa biên bản thương lượng và Tòa sẽ quyết định trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Quy trình trên là chưa thống nhất với Luật Phá sản và chưa hợp lý ở điểm:
- Khoản 1 Điều 37 Luật Phá sản quy định, thời hạn để doanh nghiệp bị nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và chủ nợ nộp đơn có đề nghị bằng văn bản gửi Tòa án để các bên thương lượng việc rút đơn là “03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhân dân nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ”. Trong khi đó theo quy trình trên thì thời gian để các bên quyết định có thương lượng hay không là 06 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;
- Việc Tòa án thực hiện từng bước một, gửi thông báo cho doanh nghiệp bị nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, rồi chờ phản hồi từ doanh nghiệp này mới gửi thông báo tới chủ nợ nộp đơn sẽ làm cho thời gian giải quyết vụ việc phá sản trở nên kéo dài, khi phải mất tới 6 ngày làm việc để nhận biết các bên có thương lượng hay không và Tòa án mới quyết định thụ lý đơn;
- Luật Phá sản và Dự thảo đều không quy định khoảng thời gian mà hai bên thương lượng là bao lâu, điều này có thể dẫn tới hiện tượng một trong các bên cố tình kéo dài khoảng thời gian này dẫn tới việc giải quyết vụ việc phá sản trở nên kéo dài;
- Khoản 3 Điều 12 Dự thảo quy định “ngay sau khi kết thúc thời gian thương lượng thì một trong các bên phải gửi cho Tòa án biên bản thương lượng”, để tạo cách hiểu thống nhất giữa các đối tượng áp dụng, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định rõ về khoảng thời gian sau khi kết thúc thương lượng thay vì sử dụng cụm từ “ngay sau khi kết thúc”, chẳng hạn như: “trong vòng 1 ngày kể từ ngày kết thúc thương lượng thì ...”;
Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định trên theo hướng:
- Trong vòng 1 ngày kể từ ngày nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Tòa án phải đồng thời thông báo cho doanh nghiệp bị yêu cầu mở thủ tục phá sản và chủ nợ nộp đơn để họ thực hiện quyền đề nghị thương lượng việc rút đơn. Các bên phải trả lời là có thương lượng hay không trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án;
- Quy định khoảng thời hạn mà các bên phải tiến hành thương lượng.
5. Kiểm kê tài sản quy định tại Điều 65 của Luật Phá sản (Điều 21)
Điều 21 Dự thảo hướng dẫn cụ thể Điều 65 Luật Phá sản, nhưng vẫn chưa quy định cụ thể một số điểm còn chưa rõ trong Điều 65 như:
- Khoản 1 Điều 65 Luật Phá sản quy định thời hạn kiểm kê tài sản và xác định giá trị tài sản có thể được gia hạn, nhưng lại không quy định rõ những trường hợp nào thì được gia hạn;
- Khoản 4 Điều 65 Luật Phá sản quy định Tòa án yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản kiểm kê, xác định lại giá trị của tài sản, nhưng không quy định rõ về thủ tục cũng như trường hợp phải kiểm kê lại.
Để tạo thuận lợi khi thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các vấn đề trên trong quy định về kiểm kê tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
6. Một số góp ý khác
- Về đơn và nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (Điều 10):
Khoản 1 Điều 10 Dự thảo quy định người đề nghị cá nhân khi nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì phải nộp kèm bản sao “giấy tờ tùy thân”. Khái niệm này là chưa rõ, đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể loại giấy tờ này là chứng minh nhân dân hay là giấy tờ khác?
- Các trường hợp thay đổi Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản (Điều 18):
Điểm c khoản 1 Điều 18 Dự thảo quy định về các trường hợp quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được coi là không khách quan trong khi thực hiện nhiệm vụ là “Có mối quan hệ thân thiết với người tham gia thủ tục phá sản (như quan hệ tình cảm, quan hệ thông gia, quan hệ công tác, quan hệ kinh tế, …)”. Quy định này là chưa rõ về cách hiểu của các khái niệm “quan hệ tình cảm”, “quan hệ thông gia”, “quan hệ công tác”, “quan hệ kinh tế” hơn nữa, phạm vi của các quan hệ này sẽ rất rộng. Vì vậy, sẽ rất khó khăn khi xác định quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có thuộc trường hợp này hay không. Đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể các khái niệm này, để đảm bảo thuận lợi khi thực hiện.
Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Phá sản. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.