VCCI góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải ban hành kèm theo Nghị định số 109/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ

Thứ Sáu 10:39 24-07-2015

Kính gửi: Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông

Bộ Giao thông vận tải

Trả lời Công văn số 8869/BGTVT-KCHT của Bộ Giao thông vận tải về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải ban hành kèm theo Nghị định số 109/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở góp ý của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:

Về cơ bản, các thủ tục quy định tại Dự thảo đã tương đối cụ thể, chi tiết. Tuy nhiên để hoàn thiện, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau:

1.     Về quy định công trình xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình hàng hải

1.1.          Công trình thiết yếu (Điều 4, Điều 5 Dự thảo)

Dự thảo liệt kê 4 nhóm công trình thiết yếu và quy định thủ tục chấp thuận việc xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ công trình hàng hải tại Điều 4 và Điều 5. Quy định này được hiểu là áp dụng cho các công trình không phải là công trình hàng hải nhưng được xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình hàng hải và có khả năng ảnh hưởng đến tính an toàn của các công trình này.

Tuy nhiên, một số nội dung của quy định chưa hợp lý ở các điểm sau:

-         Theo Dự thảo, các công trình thiết yếu phải được Cục Hàng hải Việt Nam chấp thuận việc xây dựng (Điều 5.1). Tuy nhiên, không rõ dựa trên tiêu chí nào để cơ quan này chấp thuận/không chấp thuận đề nghị của chủ đầu tư trong trường hợp này? Có phải chỉ đơn giản là xét tính đầy đủ của hồ sơ hay không?

-         Điều 5.2 Dự thảo quy định chủ đầu tư xây dựng, khai thác công trình thiết yếu cũng phải nộp phương án bảo vệ công trình hàng hải. Điều này là cần thiết để bảo đảm an toàn hàng hải nói chung. Mặc dù vậy, Dự thảo không nêu rõ phương án này được thực hiện theo quy định nào? Có phải là phương án được quy định tại Điều 6 Dự thảo hay không? Trong trường hợp áp dụng cùng một nội dung phương án bảo vệ công trình hàng hải cho nhóm các công trình thiết yếu này thì sẽ là không hợp lý vì xét tính chất của công trình thiết yếu với công trình hàng hải (có phạm vi bảo vệ được nêu rõ tại Điều 5 Nghị định 109/2014/NĐ-CP) là hoàn toàn khác nhau, thậm chí có thể có xung đột về tính an toàn. Hơn nữa, phương án bảo vệ công trình hàng hải nêu tại Điều 5.2 là phương án phải nộp trước khi tiến hành xây dựng công trình thiết yếu (được suy đoán là để bảo vệ công trình hàng hải trong quá trình xây dựng), còn phương án nêu tại Điều 6 là phương án nộp trước khi đưa công trình hàng hải vào sử dụng (suy đoán là phương án bảo vệ trong quá trình vận hành công trình) – do đó dường như mục tiêu của hai quy định này là khác nhau.

-         Điểm c, khoản 1 Điều 5 Dự thảo quy định: chủ đầu tư phải “cam kết di chuyển hoặc cải tạo công trình đúng tiến độ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước về hàng hải có thẩm quyền; không được yêu cầu bồi thường và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về kinh phí liên quan.”

Quy định này được hiểu là để bảo vệ các công trình hàng hải, tuy nhiên lại ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà đầu tư có công trình thiết yếu. Vì vậy, cần thiết phải quy định rõ các trường hợp nào thì doanh nghiệp phải di chuyển hoặc cải tạo công trình? Điều này sẽ giúp doanh nghiệp nhận biết được những rủi ro mà mình phải đối mặt nếu chấp nhận xây dựng các công trình trong phạm vi bảo vệ công trình hàng hải.

Tại thời điểm doanh nghiệp xin phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ công trình hàng hải thì các yếu tố ảnh hưởng đã được xem xét và nếu được chấp thuận đồng nghĩa với việc xây dựng các công trình này được cho là không ảnh hưởng tới công trình hàng hải.

Nếu vì một lý do nào đó ở tương lai, các công trình thiết yếu này có ảnh hưởng đến sự an toàn của công trình hàng hải, buộc phải cải tạo/di dời thì quyền lợi của chủ đầu tư các công trình này nên được bảo vệ, ít nhất ở điểm: doanh nghiệp sẽ được Nhà nước hỗ trợ cho việc di dời…

-         Điểm d, khoản 1 Điều 5 Dự thảo quy định hồ sơ đề nghị chấp thuận việc xây dựng công trình thiết yếu phải có: “Văn bản thỏa thuận với chủ đầu tư hoặc đơn vị đang quản lý, khai thác công trình hàng hải về trách nhiệm phối hợp thực hiện phương án bảo vệ công trình hàng hải đã được phê duyệt”. Việc quy định trách nhiệm phối hợp bảo vệ công trình hàng hải của các chủ thể liên quan là cần thiết, tuy nhiên cần thiết kế quy định theo hướng quy định trách nhiệm cụ thể của các chủ thể trong vấn đề này thay vì yêu cầu phải có văn bản thỏa thuận giữa các bên. Hơn nữa, nếu buộc phải thỏa thuận, việc này sẽ phụ thuộc vào thiện chí của chủ đầu tư công trình hàng hải, trong trường hợp thiếu hợp tác thì sẽ không có cách xử lý nào khác dẫn đến chủ đầu tư công trình thiết yếu không thể hoàn thiện hồ sơ xin chấp thuận.

Với các lý do trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc:

-         Trong trường hợp có quy định thì làm rõ các tiêu chí để chấp thuận việc xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ công trình hàng hải.

-         Làm rõ: trường hợp nào thì cơ quan quản lý nhà nước về hàng hải có thẩm quyền có quyền yêu cầu chủ đầu tư di chuyển hoặc cải tạo công trình; các trường hợp Nhà nước có hoặc không có hỗ trợ cho các chi phí di chuyển hoặc cải tạo công trình.

-         Làm rõ Phương án bảo vệ công trình hàng hải mà chủ đầu tư công trình thiết yếu phải làm bao gồm những nội dung gì?

-         Thay thế quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 5 Dự thảo và quy định trách nhiệm của các chủ thể trong việc phối hợp để bảo vệ công trình hàng hải

1.2.          Công trình khác

Theo Điều 13 Nghị định 21/2012/NĐ-CP ngày 21/3/2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải và khoản 2 Điều 8 Nghị định 109/2014/NĐ-CP thì: Việc xây dựng các công trình khác trong vùng nước cảng biển không thuộc công trình quy định tại Điều 11 Nghị định này được thực hiện theo các quy định tại Nghị định này về bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường và các quy định khác có liên quan của pháp luật. Như vậy, có thể hiểu là bên cạnh các công trình mang tính thiết yếu thì các công trình khác cũng được phép xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình cảng biển.

Tuy nhiên, Dự thảo Thông tư chưa hướng dẫn cụ thể quy định này nên không rõ có cần phải được chấp thuận/phê duyệt của cơ quan quản lý nhà nước về hàng hải hay không?  nếu có thì thực hiện theo trình tự, thủ tục nào?

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung các quy định liên quan đến các công trình khác xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình hàng hải (văn bản cấp Nghị định) để tạo cơ chế cho doanh nghiệp thực hiện.

2.     Về phương án bảo vệ công trình hàng hải (Điều 6)

Đây là các quy định hướng dẫn chi tiết Nghị định, mặc dù đã nêu cụ thể thẩm quyền phê duyệt phương án bảo vệ công trình hàng hải, nội dung hồ sơ, thời hạn xử lý hồ sơ tại Cảng vụ hàng hải khu vực nhưng một số điểm chưa bảo đảm tính minh bạch, hợp lý:

2.1.          Về tiêu chí phê duyệt:

-         Cụ thể, điểm c khoản 3 quy định: “Chậm nhất 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, phù hợp theo quy định, Cảng vụ hàng hải khu vực phải có văn bản phê duyệt phương án bảo vệ công trình hàng hải theo Mẫu số 03 của Thông tư này gửi trực tiếp hoặc thông qua hệ thống bưu chính cho chủ đầu tư”. Theo Dự thảo, hồ sơ đề nghị phê duyệt dự án bảo vệ công trình hàng hải bao gồm:

+       Văn bản đề nghị phê duyệt phương án bảo vệ công trình hàng hải;

+       Bản sao chụp bình đồ bố trí mặt bằng tổng thể của công trình;

+       Bản chính phương án bảo vệ công trình hàng hải với các nội dung (Điều 7 Nghị định 109/2014/NĐ-CP)

Dựa trên các tài liệu trong hồ sơ trên Cảng vụ hàng hải khu vực sẽ “phê duyệt phương án bảo vệ công trình hàng hải”.

Tuy nhiên, Dự thảo chưa nêu rõ dựa vào tiêu chí nào để Cảng vụ hàng hải khu vực phê duyệt phương án? Có phải là chỉ cần đầy đủ 3 nội dung trong hồ sơ là được hay không? Hiểu như thế nào là “phù hợp theo quy định” đối với một số nội dung trong phương án bảo vệ công trình hàng hải (ví dụ “kế hoạch, biện pháp xử lý, nguyên tắc, cơ chế, cách thức phối hợp”) nếu như không được quy định rõ hoặc dẫn chiếu đầy đủ ở Thông tư này thì liệu còn quy định ở văn bản nào khác nữa?

Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo:

-         Hướng dẫn chi tiết các nội dung trong phương án bảo vệ công trình hàng hải quy định tại Điều 7 Nghị định 109/2014/NĐ-CP, đặc biệt là về nguyên tắc, cơ chế, cách thức phối hợp chung giữa chủ đầu tư/người quản lý khai thác công trình với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

-         Làm rõ các tiêu chí để chấp nhận hoặc từ chối phê duyệt phương án bảo vệ công trình hàng hải.

2.2.          Về Cảng vụ Hàng hải phê duyệt phương án:

Khoản 1 Điều 6 Dự thảo quy định: “Đối với công trình hàng hải đi qua khu vực quản lý của 02 Cảng vụ Hàng hải trở lên, sau khi nhận được phương án bảo vệ công trình, các Cảng vụ hàng hải có trách nhiệm báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam để giao 01 đơn vị thực hiện phê duyệt phương án bảo vệ công trình”.

Thực tế, đây là công việc nội bộ của các cơ quan nhà nước mà doanh nghiệp khó có thể biết được thông tin, vấn đề là làm thế nào để doanh nghiệp được biết cơ quan nào được phân công trách nhiệm phê duyệt phương án bảo vệ công trình? Dự thảo không quy định rõ sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục này. Vì vậy, để bảo đảm sự rõ ràng trong trình tự, thủ tục, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định doanh nghiệp (chủ đầu tư công trình) chỉ cần gửi Phương án bảo vệ công trình hàng hải tới 1 trong 2 Cảng vụ Hàng hải nơi có công trình đi qua và sẽ nhận Quyết định Phê duyệt phương án tại Cảng vụ nơi đã nộp.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải ban hành kèm theo Nghị định số 109/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ. Rất mong Quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

          Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan.

Các văn bản liên quan