VCCI góp ý Dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp (góp ý gửi Văn phòng Chính phủ)

Thứ Hai 10:40 20-07-2015

Kính gửi: Văn phòng Chính phủ

Ngày 03/7/2015, Văn phòng Chính phủ có tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên gia về Dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Dự thảo).

Bản Dự thảo này đã có một số điều chỉnh, sửa đổi so với Dự thảo tháng 4 và tháng 5. Tuy nhiên, nhiều ý kiến góp ý của VCCI tại Công văn số 0835/PTM-PC ngày 21/04/2015 gửi tới Ban soạn thảo và tại cuộc họp thẩm định tại Bộ Tư pháp ngày 11/05/2015 vẫn chưa được xem xét một cách thỏa đáng (chưa điều chỉnh trong Dự thảo mới hoặc đã có điều chỉnh nhưng chưa giải quyết được vướng mắc VCCI nêu) – trong khi đây là những vấn đề tác động rất lớn đến cộng đồng doanh nghiệp.

Vì vậy, VCCI tiếp tục có ý kiến về Dự thảo ngày 3/7/2015 như dưới đây, rất mong Quý Cơ quan cân nhắc, xem xét để đảm bảo các quy định tại Dự thảo thể hiện được đúng tinh thần cải cách, tiến bộ của Luật Doanh nghiệp năm 2014.

1.      Về ghi ngành, nghề kinh doanh (Điều 7)

Đây là một trong những vấn đề mà VCCI đã có ý kiến rất nhiều lần và quan điểm thống nhất từ trước đến nay như sau:

-         VCCI không phản đối việc Nhà nước sử dụng mã hóa ngành, nghề đăng ký kinh doanh cho các mục tiêu quản lý Nhà nước (thống kê);

-         Tuy nhiên, cũng vì vấn đề này mà cần xác định rõ chủ thể nào phải thực hiện mã hóa ngành, nghề đăng ký kinh doanh: doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước? Luật Doanh nghiệp 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định doanh nghiệp gánh trách nhiệm này. Với tinh thần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, thì Nhà nước nên thực hiện công việc này thay vì buộc doanh nghiệp phải thực hiện. 

Qua rất nhiều lần sửa đổi, quy định này tại Dự thảo vẫn gần như không thay đổi, có thể gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

Cụ thể, Điều 7 Dự thảo bản ngày 3/7/2015 quy định khi đăng ký thành lập doanh nghiệp (bao gồm thành lập mới, thay đổi, bổ sung hay cấp đổi) doanh nghiệp phải “lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam để ghi  ngành, nghề kinh doanh trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp … Cơ quan đăng ký kinh doanh hướng dẫn, đối chiếu và ghi nhận ngành, nghề kinh doanh vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp”, trong trường hợp ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam nhưng được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì “ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó”.

Quy định này so với các phiên bản trước đã bỏ cụm từ “mã hóa ngành, nghề kinh doanh trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp”, tuy nhiên xét về bản chất, quy định mới này vẫn chưa giải quyết được những vấn đề mà VCCI quan ngại trong các góp ý trước đó về các điểm:

-         Theo quy định trên thì vẫn là doanh nghiệp phải lựa chọn ngành, nghề kinh doanh cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam để ghi ngành, nghề trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, việc bỏ quy định phải “mã hóa ngành, nghề” thực tế sẽ chỉ là bớt đi một vài chữ trong Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh, còn trình tự, thủ tục thì gần như tương tự việc phải ghi mã hóa ngành, nghề đăng ký kinh doanh

-         Trên thực tế, vướng mắc trong việc ghi ngành nghề theo Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam được xem là một trong những bất cập lớn nhất trong thủ tục gia nhập thị trường của Luật Doanh nghiệp 2005. Không chỉ các doanh nghiệp mà cả các cơ quan đăng ký kinh doanh và Ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp 2014 đều chung nhận định như vậy, đặc biệt là về các bất cập liên quan tới:

+ Sự khác biệt trong cách hiểu và áp dụng giữa các cơ quan đăng ký kinh doanh, giữa doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh trong việc ghi ngành, nghề kinh doanh theo ngành kinh tế cấp bốn;

+ Khoảng trống pháp luật chưa được giải quyết: Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam vẫn chưa bao quát hết các ngành, kinh tế trên thực tế dẫn tới hiện tượng doanh nghiệp cũng như cơ quan nhà nước không biết xác định ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp thuộc mã nào …

Chính những bất cập này sẽ tạo “dưa địa” cho tình trạng nhũng nhiễu của các cán bộ thực thi, gây khó khăn cho doanh nghiệp (các cán bộ thực thi sẽ dựa vào việc xác định mã ngành đăng ký kinh doanh không chính xác để trả hồ sơ và/hoặc yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện rất nhiều lần mới hoàn thành được thủ tục đăng ký doanh nghiệp, trong khi thủ tục này đang được cải cách trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 theo hướng thông thoáng, đơn giản và thuận tiện).

Những vướng mắc trên chính là một trong những lý do khiến cả cơ quan soạn thảo và các doanh nghiệp nhất quán tinh thần sửa đổi và xây dựng Luật doanh nghiệp năm 2014 theo hướng: việc ghi ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp chỉ có ý nghĩa thống kê, doanh nghiệp chỉ đăng ký những ngành nghề dự kiến kinh doanh và trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không thể hiện ngành, nghề kinh doanh[1].

Việc yêu cầu doanh nghiệp phải ghi ngành, nghề kinh doanh theo ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp tại Dự thảo đã không thể hiện được tính cải cách, đột phá theo tinh thần của Luật doanh nghiệp năm 2014, quay trở lại quy định tại Luật doanh nghiệp năm 2005 và do đó chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm những vướng mắc đề cập ở trên.

-         Việc quy định buộc doanh nghiệp phải lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp là không phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 mà Dự thảo đang hướng dẫn. Cụ thể, Điều 24.3 Luật này chỉ quy định Giấy đăng ký phải có nội dung “ngành, nghề kinh doanh”. Như vậy, để đáp ứng quy định tại Điều 24 thì doanh nghiệp chỉ phải ghi ngành, nghề kinh doanh mà mình dự kiến thực hiện mà không có bất kỳ nghĩa vụ nào về việc phải lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam để ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

-         Khoản 4, 5 Điều 7 Dự thảo đã đưa ra các phương thức giải quyết cho một số vướng mắc liên quan đến những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam theo hướng: dẫn chiếu tới văn bản pháp luật chuyên ngành hoặc cơ quan nhà nước sẽ bổ sung các ngành, nghề kinh doanh chưa có trong Hệ thống ngành kinh tế.

Tuy nhiên, các phương thức này vẫn chưa giải quyết một cách triệt để những vướng mắc đã và sẽ xảy ra trong thực tiễn bởi:

+ Ở các văn bản pháp luật chuyên ngành, thường không có quy định về việc xác định (về cách ghi) các ngành, nghề kinh doanh (đặc biệt là cách ghi theo Hệ thống ngành kinh tế). Hơn nữa, bản thân giữa các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành cũng có các quy định khác nhau về tên của ngành, nghề kinh doanh thuộc phạm vi điều chỉnh. Doanh nghiệp không thể tra cứu, tìm hiểu giữa một “rừng” văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về ngành nghề kinh doanh, càng không thể biết cách ghi chính xác của các ngành, nghề này.

+ Trường hợp, ngành, nghề không có trong văn bản quy phạm pháp luât chuyên ngành và cũng chưa được bổ sung mã mới thì giải quyết như thế nào? Dự thảo chưa đưa ra được giải pháp nào cho việc này.

-         Xác định mục tiêu đối với mã ngành, nghề đăng ký kinh doanh: Trong Dự thảo phiên bản được sử dụng trong cuộc họp thẩm định tại Bộ Tư pháp tháng 5/2015, có quy định việc xác định mã ngành, nghề đăng ký kinh doanh chỉ mang ý nghĩa thống kê. Quy định này đã thể hiện rất rõ mục tiêu quản lý nhà nước đối với việc xác định mã ngành, nghề đăng ký kinh doanh và VCCI hoàn toàn ủng hộ quan điểm này. Tuy nhiên, tại Dự thảo phiên bản này, quy định này đã bị bỏ, điều này dẫn đến sự thiếu minh bạch, rõ ràng trong mục tiêu quản lý nhà nước đối với việc yêu cầu phải ghi mã ngành đăng ký kinh doanh và sẽ là “dư địa” cho tình trạng nhũng nhiễu từ phía cán bộ thực thi, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Để giải quyết các bất cập trên và thể hiện được đúng tinh thần cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp theo định hướng khi xây dựng Luật Doanh nghiệp năm 2014, đề nghị sửa đổi quy định về ghi ngành, nghề kinh doanh như sau:

-         Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp chỉ ghi các ngành, nghề kinh doanh dự kiến theo cách hiểu của mình (dừng lại ở đúng yêu cầu của Điều 24 Luật Doanh nghiệp 2014);

-         Khi xử lý hồ sơ đăng ký, cơ quan quản lý nhà nước dựa vào các ngành, nghề kinh doanh mà doanh nghiệp đề nghị để xác định mã hóa ngành nghề theo Hệ thống ngành nghề kinh tế của Việt Nam.

-         Quy định rõ việc ghi mã ngành, nghề đăng ký kinh doanh chỉ mang ý nghĩa là thống kê hay bất kì mục tiêu quản lý phù hợp khác của Nhà nước (không liên quan tới doanh nghiệp) và đây không phải là căn cứ để cơ quan đăng ký kinh doanh trả hồ sơ, gây cản trở đến hoạt động đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.

2.      Về xử lý đối với trường hợp tên doanh nghiệp vi phạm quy định về sở hữu công nghiệp (Điều 19)

Dự thảo bản ngày 3/7/2015 vẫn giữ nguyên quy định tại Điều 19 so với các Dự thảo trước đó. Cụ thể, quy trình xử lý yêu cầu của chủ sở hữu công nghiệp bị vi phạm vẫn theo 03 nhóm quy định sau:

-         Điều kiện: Phải có kết luận của Cơ quan có thẩm quyền về sở hữu trí tuệ về việc vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với tên doanh nghiệp liên quan; chủ sở hữu phải có yêu cầu tới cơ quan đăng ký kinh doanh và cung cấp đủ hồ sơ (bằng chứng chứng minh quyền);

-         Trình tự: Cơ quan đăng ký kinh doanh ra Thông báo yêu cầu doanh nghiệp vi phạm phải thay đổi tên và thực hiện thủ tục thay đổi tên trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra Thông báo; Trong trường hợp doanh nghiệp không thay đổi tên thì cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ;

-         Xử lý: Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, theo đó áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thay đổi tên doanh nghiệp hoặc buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp thì cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh để yêu cầu doanh nghiệp báo cáo giải trình theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 209 Luật Doanh nghiệp. Trong trường hợp doanh nghiệp không báo cáo, Phòng đăng ký kinh doanh thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 211 Luật Doanh nghiệp.

Trong các góp ý trước, VCCI đã phân tích những bất cập của quy định này (cả từ góc độ pháp lý – ví dụ quy định thu hồi Giấy chứng nhận do không thực hiện nghĩa vụ báo cáo là không chuẩn xác/không gắn với vi phạm, và cả từ góc độ minh bạch – ví dụ, thiếu các thời hạn cụ thể).

Theo giải thích của một số đơn vị liên quan thì quy trình khá rắc rối và tốn thời gian này (thay vì quy trình xử phạt buộc đổi tên doanh nghiệp ngay khi có vi phạm) là để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vi phạm có thời gian để thay đổi, điều chỉnh các hoạt động kinh doanh liên quan.

Mặc dù vậy, theo logic thông thường, trong trường hợp cụ thể này, lẽ ra chủ thể cần được bảo vệ là doanh nghiệp bị vi phạm (chứ không phải doanh nghiệp vi phạm). Và càng kéo dài thời gian, quy trình cho việc xử lý vi phạm thì doanh nghiệp bị vi phạm càng phải chịu nhiều thiệt hại. Thậm chí với việc không quy định rõ về thời hạn xử lý như hiện nay, doanh nghiệp bị vi phạm có thể mất quyền của mình (bởi theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì quyết định xử lý vi phạm phải được ban hành sau không quá một thời hạn nhất định kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm).

Hơn thế nữa, nếu cho rằng, cần phải có một khoảng trống để các doanh nghiệp có thể thương lượng và doanh nghiệp vi phạm có thời gian để điều chỉnh các hoạt động trước đó của mình khi sử dụng tên vi phạm, thì quy định tại Nghị định 99 (đã cho 60 ngày để thay đổi tên) và tại Dự thảo này có thể thiết kế theo hướng, cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo về việc sẽ thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong một khoảng thời gian (chẳng hạn là 60 ngày), 120 ngày là khoảng thời gian hợp lý để doanh nghiệp vi phạm có thể thay đổi các vấn đề liên quan đến tên doanh nghiệp.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo:

-         Điều chỉnh quy trình xử lý trường hợp tên doanh nghiệp vi phạm quy định về sở hữu công nghiệp theo quy định Nghị định 99 – Bỏ các khoản 2, 3, 4, 5 Điều 19 Dự thảo;

-         Quy định lại quy trình này, bắt đầu từ thời điểm cơ quan đăng ký kinh doanh nhận được yêu cầu của cơ quan có quyết định xử phạt về sở hữu công nghiệp, theo đó: cơ quan đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp vi phạm phải thay đổi tên trong một khoảng thời gian, hết khoảng thời gian đó nếu doanh nghiệp không thay đổi thì ra quyết định thu hồi Giấy đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 211 Luật doanh nghiệp.

-         Để có cơ sở cho việc xử lý trường hợp tên doanh nghiệp vi phạm quy định về sở hữu công nghiệp trên, có thể áp dụng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 211 Luật doanh nghiệp (nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo). Lý do: tên doanh nghiệp vi phạm quy định về sở hữu công nghiệp có thể được hiểu là “tên trùng và tên gây nhầm lẫn” (Điều 17 Dự thảo) (và bằng chứng trong trường hợp này là quyết định hành chính của cơ quan về sở hữu trí tuệ); tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp sử dụng tên vi phạm này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đã “giả mạo” doanh nghiệp khác, vi phạm điểm a khoản 1 Điều 211 Luật doanh nghiệp. Với căn cứ này, cơ quan đăng ký kinh doanh hoàn toàn có quyền thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo Điều 211.1a Luật Doanh nghiệp 2014 ngay khi nhận được yêu cầu và quyết định hành chính của cơ quan sở hữu trí tuệ.

3.      Về xử lý hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

Theo quy định tại Điều 28 Dự thảo thì hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được xử lý như sau:

-         Nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì Phòng đăng ký kinh doanh sẽ yêu cầu sửa đổi, bổ sung trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ;

-         Phòng đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ hợp lệ;

Quy định về quy trình xử lý và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trên là chưa phù hợp với Luật doanh nghiệp: Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật doanh nhiệp năm 2014 thì thời gian để xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ. Theo quy định tại Dự thảo thì thời hạn này là 06 ngày làm việc, như vậy là trái quy định tại Luật doanh nghiệp.

4.      Về thủ tục thông báo địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh (Điều 72)

Điều 72 Dự thảo quy định “hộ kinh doanh buôn chuyến, kinh doanh lưu động được phép kinh doanh ngoài địa điểm đã đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh nhưng phải thông báo với cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi đăng ký trụ sở và nơi tiến hành hoạt động kinh doanh”. Quy định này có nhiều bất cập:

+ Không phù hợp với đặc thù của loại kinh doanh này là tính lưu động, không cố định, và do đó thủ tục thông báo này sẽ tạo ra rất nhiều thủ tục, gây phiền hà cho các hộ kinh doanh;

+ Khó khả thi: Liệu cơ quan có thẩm quyền có giám sát được việc các hộ kinh doanh lưu động, buôn chuyến đi tới những đâu không để xử lý trường hợp không thông báo?

+ Không cần thiết: Theo quy định thì hộ kinh doanh phải nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ khác tại cơ quan có thẩm quyền nơi đăng ký kinh doanh rồi, vậy thông báo cho các cơ quan ở những nơi khác nhằm mục đích gì?

Từ các lý do trên, đề nghị bỏ quy định về nghĩa vụ thông báo này tại Điều 72 Dự thảo. Chú ý là việc đề xuất này có thể không được sự ủng hộ của một số địa phương cũng là bình thường, bởi các địa phương này có thể đang không nhìn từ góc độ tạo thuận lợi cho đối tượng bị quản lý hay tính khả thi mà có thể là chỉ nhìn thuần túy từ quan điểm và cách tư duy quản lý cũ.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.



[1] Trong Báo cáo tổng kết thi hành Luật Doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo có nội dung phản ánh về những vướng mắc trong thực tiễn thực hiện quy định về đăng ký doanh nghiệp có ghi: “Doanh nghiệp và phòng đăng ký kinh doanh cho rằng việc ghi ngành nghề đăng ký kinh doanh theo mã ngành cấp 4 cũng phát sinh vướng mắc trên thực tế. Khó khăn cho doanh nghiệp trong việc phải mã hóa ngành nghề vì không phải ai cũng biết, đặc biệt đối với doanh nghiệp lần đầu thực hiện; tốn kém thời gian cho cơ quan đăng ký kinh doanh hướng dẫn doanh nghiệp mã hóa ngành nghề đăng ký kinh doanh. Các cơ quan đăng ký kinh doanh khác nhau cũng có thể ghi mã ngành khác nhau đối với cùng một ngành nghề kinh doanh”.

Các văn bản liên quan