VCCI góp ý Dự thảo Thông tư quy định việc kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế

Thứ Tư 15:37 15-04-2015

Kính gửi: Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế

Trả lời Công văn số 9110/BYT-ATTP của Bộ Y tế về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định việc kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:

1.      Về đối tượng kiểm tra (Điều 4)

Khoản 3 Điều 4 Dự thảo về các sản phẩm miễn kiểm tra có quy định bổ sung thêm một số điều kiện mới để miễn kiểm tra đối với nhóm sản phẩm này so với các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 14 của Nghị định 38/2012/NĐ-CP[1] đối với loai thực phẩm là mẫu thử nghiệm hoặc nghiên cứu, mẫu trưng bày hội chợ, triển lãm, trong đó đáng kể là điều kiện “phải có công văn cho phép của Cục An toàn thực phẩm”.

Việc bổ sung các điều kiện mới là mâu thuẫn với quy định tại Nghị định 38 bởi Nghị định không quy định các điều kiện kèm theo đối với các loại thực phẩm (đã được liệt kê cụ thể) được miễn kiểm tra và cũng không trao quyền cho Bộ Y tế quy định về vấn đề này. Với tính chất là văn bản hướng dẫn thi hành, Thông tư này chỉ được quy định chi tiết về trình tự, thủ tục thực hiện các yêu cầu tại Nghị định hoặc làm rõ các điều kiện đã có chứ không thể đặt thêm điều kiện, thủ tục mới.

Hơn nữa, điều kiện (mà thực chất là loại giấy phép mới) về “Công văn cho phép của Cục An toàn thực phẩm” là không đảm bảo yêu cầu đối với các điều kiện kinh doanh:

-         Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 và Luật Đầu tư 2014 thì văn bản cấp Thông tư không được phép quy định về điều kiện kinh doanh mới (trong trường hợp này là loại “giấy phép” mới):

-         Ngay cả khi loại Giấy phép này là phù hợp với các văn bản cấp trên thì quy định tại Dự thảo (chỉ nhắc tới tên loại giấy phép này) cũng không đảm bảo các yêu cầu về tối thiểu đối với một loại giấy phép: Thủ tục để doanh nghiệp có được công văn cho phép của cơ quan có thẩm quyền như thế nào? Cục An toàn thực phẩm dựa vào tiêu chí gì để cấp phép/từ chối cấp phép cho các doanh nghiệp?

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 3 Điều 4.

2.      Về Phương thức kiểm tra thông thường

-         Căn cứ thay đổi phương thức kiểm tra (Điều 6.2):

Khoản 2 Điều 6 Dự thảo quy định “Khi cơ quan kiểm tra lô hàng … thấy nghi ngờ về chất lượng của lô sản phẩm nào thì tiến hành kiểm tra theo phương thức kiểm tra chặt đối với lô sản phẩm đó.” Quy định này là chưa rõ ràng và trao quá nhiều quyền mang tính chất suy đoán cho cơ quan có thẩm quyền (căn cứ vào dấu hiệu gì để nghi ngờ? Nghi ngờ lớn tới mức độ nào thì phải thay đổi phương thức thì kiểm tra thường sang kiểm tra chặt?).

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định tại Điều 6.2 theo hướng: nêu rõ các trường hợp/căn cứ/dấu hiệu để cơ quan có thẩm quyền chuyển từ biện pháp kiểm tra thông thường sang kiểm tra chặt.

-         Thời hạn cấp Giấy xác nhận (Điều 18.3):

Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 18 Dự thảo thì thời hạn để cấp giấy xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu là “02 ngày làm việc kể từ ngày kiểm tra cộng với thời gian cần thử nghiệm lâu nhất theo quy định của phương pháp thử đang tiến hành”.

Quy định về thời hạn này không phù hợp đối với phương thức kiểm tra thông thường bởi, theo quy định tại Điều 6 thì kiểm tra thông thường là “kiểm tra hồ sơ và lấy mẫu để kiểm tra cảm quan” mà không phải là thử nghiệm. Về mặt logic thực tế thì nếu kiểm tra cảm quan cán bộ kiểm tra có thể cho kết quả ngay hoặc trong thời gian rất ngắn.

Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy định thời hạn cấp Giấy xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu là 02 ngày kể từ ngày kiểm tra (hoặc thậm chí là 01 ngày làm việc) kế từ ngày kiểm tra theo phương thức kiểm tra thông thường.

3.      Về Phương thức kiểm tra chặt

-         Về việc lấy mẫu để kiểm tra chặt:

Khoản 1 Điều 7 Dự thảo quy định “Kiểm tra chặt là việc lấy mẫu đủ để xác định rõ chất lượng hàng hóa”. Quy định này là chưa rõ ràng: phương thức lấy mẫu là gì? số lượng mẫu được lấy (bao nhiêu phần trăm của lô hàng) thì được cho là đủ? được lấy trong toàn bộ lô sản phẩm hay chỉ một số?

Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về các vấn đề này.

-         Thời hạn cấp Giấy chứng nhận:

Điểm a khoản 3 Điều 18 Dự thảo quy định “Giấy xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu được cấp trong vòng 02 ngày làm việc kể từ ngày kiểm tra cộng với thời gian cần thử nghiệm lâu nhất theo quy định của phương pháp thử đang tiến hành đối với các thực phẩm”.

Quy định này là chưa rõ ràng: Dự thảo không có quy định nào về thời gian thử nghiệm thực phẩm, cũng không có quy định nào về thời gian thử nghiệm lâu nhất/nhanh nhất và các điều kiện để thử nghiệm lâu/nhanh.

Việc thiếu các quy định quan trọng về thời hạn này có thể gây ra tình trạng hàng hóa của doanh nghiệp có thể bị “tắc” ở khâu kiểm tra an toàn thực phẩm, không thể thông quan và doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu nhiều rủi ro khi hàng hóa vẫn ở cửa khẩu, nhất là đối với hàng hóa là thực phẩm. Cần lưu ý là theo một khảo sát của CIEM thực hiện tháng 10/2014 thì 72% thời gian làm thủ tục hải quan hiện nay của doanh nghiệp là dành cho thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Vì vậy, việc làm rõ các thời hạn kiểm tra này là đặc biệt quan trọng để giảm bớt số giờ làm thủ tục hải quan của hàng hóa nhập khẩu theo yêu cầu của Chính phủ.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về thời hạn tối đa để có kết quả thử nghiệm và thời hạn này phải được thiết kế sao cho tổng thời gian cho thủ tục kiểm tra chuyên ngành không quá 50% tổng thời gian làm thủ tục hải quan theo mục tiêu của Chính phủ (tức là không quá 7-8 ngày).

4.      Về Phương thức kiểm tra giảm

-         Thủ tục xin xác nhận thuộc diện kiểm tra theo phương thức kiểm tra giảm:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 thì, kiểm tra giảm là “hình thức chỉ kiểm tra hồ sơ đăng ký kiểm tra để cấp Thông báo lô hàng “đủ thủ tục nhập khẩu” với điều kiện phải có văn bản của Cục An toàn thực phẩm xác nhận thuộc diện chỉ kiểm tra hồ sơ”.

Tuy nhiên, Dự thảo lại không có quy định về trình tự, thủ tục để doanh nghiệp có được văn bản của Cục An toàn thực phẩm xác nhận thuộc diện chỉ kiểm tra hồ sơ (hồ sơ, thời gian giải quyết?).

-         Điều kiện được kiểm tra giảm:

Điểm c khoản 1 Điều 8 Dự thảo quy định “các mặt hàng cùng loại có cùng xuất xứ, đã được kiểm tra 5 lần (theo phương thức kiểm tra thông thường) trước đó đạt yêu cầu nhập khẩu (có xác nhận bằng văn bản của cơ quan kiểm tra nhà nước)” thuộc một trong những trường hợp để được kiểm tra giảm. Quy định này vừa chưa hợp lý vừa chưa rõ ràng ở điểm:

+ Việc Dự thảo chỉ cho phép kiểm tra giảm đối với trường hợp hàng hóa được kiểm tra theo “phương thức kiểm tra thông thường” đạt yêu cầu nhập khẩu mà không áp dụng cho trường hợp hàng hóa được kiểm tra theo phương thức kiểm tra chặt và đáp ứng điều kiện nhập khẩu là chưa hợp lý.

Về mặt bản chất, các mặt hàng chỉ cần đáp ứng điều kiện là “đạt yêu cầu nhập khẩu (có xác nhận bằng văn bản của cơ quan kiểm tra nhà nước)” trong 5 lần là có thể đủ điều kiện để được kiểm tra giảm cho những lần tiếp theo, cho dù đó là kết quả kiểm tra theo phương thức nào (thông thường hay chặt). Thậm chí, kết quả kiểm tra theo phương thức kiểm tra chặt còn có độ tin cậy cao hơn là theo phương thức kiểm tra thông thường (chỉ dựa vào kiểm tra cảm quan).

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ trong ngoặc đơn “(theo phương thức kiểm tra thông thường)” trong Điều 8.1c để điều kiện này áp dụng chung cho tất cả các phương thức kiểm tra.

+ Theo quy định tại Dự thảo thì mặt hàng đạt yêu cầu trong 5 lần, nhưng không rõ là 5 lần trong cả quãng thời gian mà doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu từ trước đến nay, có sự ngắt quãng hay là 5 lần liên tiếp? Nếu không quy định điều kiện là tính liên tục trong việc đạt yêu cầu nhập khẩu thì ý nghĩa của phương thức kiểm tra giảm cũng không đạt được. Nếu là liên tục thì 05 lần có lẽ là quá nhiều, thực tế chỉ cần 03 lần là đủ.

+ Dự thảo sử dụng khái niệm “loại” là chưa rõ ràng: không rõ “loại” ở đây được hiểu thế nào? Cùng chủng loại, cùng kích cỡ hay cùng mã HS (nếu là cùng mã HS thì tính đến bao nhiêu số? Việc thiếu rõ ràng này có thể tạo cách hiểu/giải thích khác nhau giữa doanh nghiệp và cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và là dư địa cho tình trạng nhũng nhiễu từ các cán bộ thực hiện thủ tục, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định trong trường hợp này, các mặt hàng cùng loại có cùng xuất xứ, đã được kiểm tra 03 lần liên tiếp trước đó đạt yêu cầu nhập khẩu (có xác nhận bằng văn bản của cơ quan kiểm tra nhà nước) và quy định rõ khái niệm “loại”.

-         Gia hạn kiểm tra giảm

Khoản 4 Điều 8 Dự thảo quy định “Sau khi hết hạn một năm, Cục An toàn thực phẩm xác nhận bằng văn bản tiếp tục cho phép tổ chức, cá nhân thực hiện phương thức kiểm tra giảm sau khi có xác nhận của cơ quan kiểm tra nhà nước cho sản phẩm đã kiểm tra theo khoản 3 Điều này và 01 kiểm tra thông thường ngay sau đó đều đạt yêu cầu”.

Quy định này chưa thật sự chính xác về mặt logic và chưa thể hiện được tính đơn giản, thuận tiện của phương thức kiểm tra giảm, bởi:

+ Tất cả các điều khoản liên quan của Dự thảo đều không có quy định nào nói về “thời hạn” của việc kiểm tra giảm cả, và về mặt logic thì việc kiểm tra giảm này là không có thời hạn (miễn là doanh nghiệp đáp ứng điều kiện để kiểm tra giảm thì được hưởng cơ chế kiểm tra giảm, nếu trong quá trình hưởng kiểm tra giảm mà bị phát hiện vi phạm theo thủ tục giám sát định kỳ 1 năm/lần thì không được hưởng nữa; nếu giám sát định kỳ không phát hiện vi phạm thì doanh nghiệp sẽ vẫn được hưởng cơ chế kiểm tra giảm cho đến khi phát hiện vi phạm. ;

Chú ý là quy định về “01năm” thực chất chỉ là khoảng thời gian để thực hiện cơ chế giám sát định kỳ -kiểm tra theo kiểu xác suất bất kì một lô hàng nhập khẩu của doanh nghiệp theo phương thức kiểm tra thông thường để xem xét doanh nghiệp có vi phạm quy định về an toàn thực phẩm hay không, chứ không phải là thời hạn doanh nghiệp được áp dụng phương thức kiểm tra giảm. Do đó, về nguyên tắc, khoản này chỉ cần quy định về cơ chế giám sát định kỳ, không cần và không nên quy định về thời hạn hay thủ tục gia hạn (vì trên thực tế là không có hạn nào).

+ Theo quy định của Dự thảo thì doanh nghiệp sẽ phải thực hiện phương thức kiểm tra thông thường 2 lần/năm (1 lần kiểm tra bất kỳ theo quy định tại khoản 3 Điều 8; 1 lần theo quy định tại khoản 4 Điều 8), mâu thuẫn với chính quy định tại khoản 3 Điều 8 Dự thảo “sản phẩm thuộc phương thức kiểm tra này chỉ phải kiểm tra theo phương thức kiểm tra thông thường một lần bất kỳ trong số các lần nhập khẩu trong vòng một năm”.

+ Về mặt bản chất, các sản phẩm được áp dụng theo phương thức kiểm tra giảm đã được kiểm soát an toàn thực phẩm trước đó bởi hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm ở nước xuất khẩu và/hoặc của hệ thống quản lý chất lượng quốc tế của doanh nghiệp xuất khẩu hoặc doanh nghiệp nhập khẩu đã chứng minh hoạt động nhập khẩu tuân thủ pháp luật của Việt Nam trước đó. Vì vậy, việc áp dụng phương thức kiểm tra giảm để giảm thiểu thủ tục nhập khẩu, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật. Nếu ràng buộc thêm thủ tục hoặc áp dụng thêm phương thức kiểm tra thông thường đối với các sản phẩm đã thuộc diện kiểm tra giảm sẽ giảm ý nghĩa của phương thức kiểm tra này và tạo gánh nặng về thủ tục cho doanh nghiệp.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng

+ Không quy định thời hạn cho việc kiểm tra giảm; Thay vào đó là quy định:Doanh nghiệp nhập khẩu đáp ứng điều kiện để được kiểm tra giảm sẽ luôn được hưởng phương thức kiểm tra giảm nếu như kết quả kiểm tra bất kì trước đó theo phương thức kiểm tra thông thường đạt yêu cầu;

+ Việc doanh nghiệp tiếp tục được hưởng phương thức kiểm tra giảm sau khi vượt qua được thủ tục giám sát là tự động (theo điều kiện ở trên) mà không cần bất kỳ xác nhận nào (bởi cơ quan nhà nước đã có thông tin về doanh nghiệp đạt hay không đạt yêu cầu, chỉ cần công khai thông tin về các doanh nghiệp được hưởng phương thức kiểm tra giảm lên trang thông tin điện tử để doanh nghiệp biết).

5.      Một số góp ý khác

-         Hồ sơ đăng ký kiểm tra (Điều 11): Đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể các giấy tờ doanh nghiệp phải cung cấp để được áp dụng phương thức kiểm tra giảm quy định tại điểm d khoản 1 Điều 11.

-         Tái chế hàng hóa không đạt yêu cầu nhập khẩu (Điều 15): Khoản 5 Điều 15 Dự thảo quy định “trường hợp tái chế, thương nhân phải báo cáo biện pháp tái chế và địa chỉ thương nhân tái chế cho cơ quan kiểm tra và chỉ tiến hành tái chế khi có sự chấp thuận của cơ quan kiểm tra”. Tương tự như góp ý mục 1 ở trên, đây được xem là việc áp đặt thêm “giấy phép” cho doanh nghiệp, vì vậy vi phạm về thẩm quyền ban hành (Bộ không được phép quy định về điều kiện kinh doanh). Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này. Mặt khác, nhìn dưới góc độ minh bạch, Dự thảo  không quy định cụ thể, rõ ràng về thủ tục để có được sự chấp thuận này cũng như cơ quan nhà nước có thẩm quyền dựa vào tiêu chí nào để chấp thuận/từ chối doanh nghiệp?

-         Quyền hạn của chủ hàng (Điều 21): Đề nghị Ban soạn thảo quy định về trình tự, thủ tục để doanh nghiệp được phép công bố lại và dán lại nhãn trong trường hợp kết quả thử nghiệm không phù hợp đối với các chỉ tiêu chất lượng so với đã công bố hoặc ghi trên nhãn nhưng vẫn phù hợp với các quy định về an toàn thực phẩm quy định tại khoản 5 Điều 21 Dự thảo.

-         Kỹ thuật soạn thảo văn bản: Việc Dự thảo thiết kế thời hạn giải quyết các thủ tục hành chính trong Điều 18 về trách nhiệm của cơ quan kiểm tra gây khó khăn trong việc theo dõi của người tra cứu và không hợp lý về thiết kế các điều khoản. Quy định này nên gắn với các quy định về trình tự và thủ tục kiểm tra quy định tại Chương III, vì vậy đề nghị Ban soạn thảo tách quy định về thời hạn giải quyết thủ tục quy định tại Điều 18 thành một Điều riêng và chuyển sang Chương III.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định việc kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Ngoài ra gửi kèm theo phụ lục một số góp ý cụ thể về Dự thảo mà một số doanh nghiệp gửi cho Phòng Thương mại và Công nghiệp để Quý Cơ quan tham khảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.



[1] Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/04/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm

Các văn bản liên quan