VCCI góp ý Dự thảo Nghị định về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm
Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Trả lời Công văn số 117/BKHĐT-TH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 09/01/2015 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở nghiên cứu của chuyên gia, có một số ý kiến như sau (giới hạn ở các nội dung của Dự thảo có liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích của doanh nghiệp):
1. Về nguyên tắc công khai, minh bạch và công bằng trong lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm
Theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Dự thảo thì một trong những nguyên tắc xuyên suốt quá trình lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm là “bảo đảm công khai, minh bạch và công bằng”. Tuy nhiên nhiều quy định tại các nội dung cụ thể của Dự thảo lại chưa thể hiện rõ ràng nguyên tắc này. Ví dụ:
- Toàn bộ quy trình lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vẫn là các hoạt động “nội bộ” giữa các cơ quan nhà nước với nhau, sự tham gia của các tổ chức giám sát, tổ chức dân sự hoặc đại diện cho tiếng nói của nhân dân, doanh nghiệp không có hoặc nếu có thì rất mờ nhạt (ví dụ quy định tại Điều 68 về giám sát của cộng đồng);
- Chưa có quy định nào về việc bắt buộc công khai, minh bạch các kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm (sau khi đã chính thức thông qua), và cũng chưa thấy có quy định về trình tự thủ tục công khai này (thể hiện bằng hình thức nào? với thời hạn nào? do cơ quan nào có trách nhiệm thực hiện?)
- Trong các nguyên tắc lập, nguyên tắc lựa chọn các dự án để quyết định đầu tư công trung hạn và dài hạn, nhưng lại chưa có quy định giải quyết cho trường hợp, nếu có nhiều dự án có mức độ tương đương nhau, điều kiện ngang nhau thì sự lựa chọn dựa trên tiêu chí nào (nguyên tắc công bằng được thể hiện ở đây như thế nào)?
“Minh bạch, công khai và công bằng” là nguyên tắc rất quan trọng, là cơ sở đển nhân dân có thể giám sát được các hoạt động đầu tư công của nhà nước, vì vậy, để đảm bảo nguyên tắc này đi vào thực chất, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ và cụ thể hóa nguyên tắc này trong các nội dung của Dự thảo, đặc biệt là trong những vấn đề nêu ở trên.
2. Về thời gian bố trí vốn thực hiện dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn
Điều 15 Dự thảo quy định về thời hạn tối đa bố trí vốn cho các dự án nhóm B và nhóm C. Quy định này được hiểu là để đảm bảo nguồn vốn cho các dự án được triển khai, tránh tình trạng dự án bị kéo dài gây thiệt hại và lãng phí nghiêm trọng do không được cấp vốn theo đúng cam kết.
Tuy nhiên, nội dung cụ thể của quy định này lại được thiết kế theo cách có thể chưa đảm bảo được mục tiêu nói trên và do đó cần được điều chỉnh lại, ví dụ:
- Về thời hạn tối đa cho việc giải ngân vốn: Theo một số chuyên gia thì thời hạn tối đa quy định tại Khoản 2, 3, 4 Điều 15 quy định v (10 năm cho một dự án nếu chưa giải phóng mặt bằng, 5 hoặc 8 năm cho dự án đã giải phóng mặt bằng đối với dự án nhóm B) là quá dài, nhất là những dự án có tiến độ thi công nhanh hoặc các dự án mà việc kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư liên quan. Quy định về thời hạn tối đa cho giải ngân vốn quá dài trong những trường hợp này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ công trình, các lợi ích công cộng liên quan (đặc biệt lợi ích của các cộng đồng dân cư liên quan) cũng như quyền lợi hợp pháp của các nhà thầu xây dựng (dưới góc độ, các nhà thầu sẽ bị chiếm dụng vốn).
Ngoài ra, không rõ “thời gian tối đa” này cần được hiểu cụ thể là gì: thời gian bố trí vốn tối đa tính từ thời gian lẽ ra phải bố trí vốn theo tiến độ? hay là thời gian tối đa để bố trí vốn cho toàn bộ dự án (nếu trong trường hợp này thì là tính từ thời điểm bắt đầu dự án hay thời điểm giải ngân đầu tiên)?
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét rút ngắn thời hạn này.
- Về các trường hợp được phép kéo dài thời gian bố trí vốn: Khoản 4 Điều 15 Dự thảo quy định về các trường hợp được phép kéo dài thời gian bố trí vốn. Đây thực chất là các ngoại lệ về thời hạn tối đa giải ngân vốn, vì vậy các trường hợp này cần được quy định rõ, có giới hạn, để không bị áp dụng tùy tiện, phá vỡ nguyên tắc chung về thời hạn tối đa cho giải ngân vốn. Tuy nhiên, khoản này của Dự thảo lại chưa đáp ứng được yêu cầu này:
+ Về giới hạn các trường hợp: Quy định “trường hợp có khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai...” là quá chung chung (khoản 1, 4 Điều 15). Khi nào thì khó khăn, vướng mắc tới mức cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn theo quy định? Khó khăn, vướng mắc này là của ai (chủ đầu tư hay nhà thầu)? Nguyên nhân của khó khăn, vướng mắc là do lỗi của ai hay do khách quan thì được gia hạn?
+ Về thời gian gia hạn: Nếu kéo dài thì tối đa là kéo dài thêm bao lâu (không thể kéo dài/gia hạn mãi được)? Căn cứ nào để quyết định gia hạn bao lâu?
Sự thiếu rõ ràng trong quy định về việc gia hạn thời hạn này sẽ gây khó khăn cho các đối tượng triển khai các dự án có sử dụng nguồn vốn đầu tư này cũng như ảnh hưởng đáng kể tới các lợi ích công cộng liên quan. Vì vậy đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể về việc gia hạn thời gian bố trí vốn này.
3. Góp ý khác
- Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn
Dự thảo quy định các trường hợp điều chỉnh cũng như thẩm quyền, trình tự thủ tục điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn (Điều 50, 51). Việc điều chỉnh này về nguyên tắc sẽ không ảnh hưởng tới những dự án thuộc kế hoạch cũ và chưa được khởi động theo bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, với những dự án đã được triển khai, thậm chí là các dự án mới chỉ xong phần khởi động, chưa triển khai (ví dụ hoàn thành thủ tục thầu BOT, BTO...) thì việc thay đổi kế hoạch này sẽ làm ảnh hưởng đáng kể tới mọi vấn đề của dự án.
Trong khi đó, Dự thảo lại không quy định về bất kỳ phương pháp hay cách thức nào để xử lý các trường hợp những dự án đã khởi đông/triển khai theo kế hoạch cũ và chịu ảnh hưởng bởi sự điều chỉnh?
Để đảm bảo lợi ích của các bên liên quan, đặc biệt là nhà thầu và các nhà đầu tư, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề này.
- Giám sát đầu tư của cộng đồng: Điều 68 Dự thảo quy định về hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng. Tuy nhiên cộng đồng lại không được tham gia và không được thông tin về giai đoạn lập kế hoạch đầu tư (như bình luận ở mục 1 nói trên), mà nếu thế thì hoạt động giám sát đầu tư ở giai đoạn thực hiện này khó mà hiệu quả được.
Do đó, để đảm bảo hoạt động này có tính thực chất, đề nghị Ban soạn thảo quy định về việc công khai, minh bạch các thông tin về kế hoạch đầu tư trung hạn, hàng năm trước đó (như phần góp ý ở mục 1 trên).
- Xử lý vi phạm: Điều 92 quy định về việc xử lý vi phạm trong hoạt động lập, theo dõi, đánh giá, điều hành kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm. Tuy nhiên quy định ở đây quá chung chung: không xác định rõ chủ thể chịu trách nhiệm, các hành vi vi phạm cũng như chế tài xử lý tương ứng. Do đó, có thể nhìn thấy trước được là quy định này sẽ không hiệu quả, ảnh hưởng tới khả năng thực thi nghiêm túc của các quy định trong hoạt động này.
Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những vấn đề này.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.