VCCI góp ý Dự thảo Luật phí và lệ phí
Kính gửi: Bộ Tư pháp
Trả lời Công văn số 50/GM-BTP của Bộ Tư pháp về việc thẩm định Dự thảo Luật Phí và lệ phí (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có một số ý kiến như sau:
1. Về nguyên tắc xác định mức thu đối với phí
Khoản 2 Điều 10 Dự thảo quy định về nguyên tắc xác định mức phí như sau: “Mức thu phí đối với các dịch vụ do tổ chức, cá nhân đầu tư vốn phải bảo đảm thời gian thu hồi vốn, có lợi nhuận hợp lý; phù hợp với khả năng đóng góp của người nộp”.
Như vậy, so với quy định hiện hành thì, Dự thảo đã bổ sung thêm nguyên tắc trong xác định mức thu đối với phí là “có lợi nhuận hợp lý”.
Việc bổ sung nguyên tắc này là rất quan trọng, vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thêm, đặc biệt là các vấn đề sau:
- Thứ nhất, về mục tiêu chính sách của quy định này. Theo giải trình của Ban soạn thảo, việc bổ sung thêm tiêu chí này trong xác định mức thu đối với phí nhằm “khuyến khích thu hút doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ công”. Đây là một mục tiêu hợp lý. Tuy nhiên, đứng dưới góc độ của đối tượng chịu tác động, mà ở đây diện tác động là rất rộng (tất cả các cá nhân, tổ chức thuộc diện phải đóng phí) thì việc bổ sung nguyên tắc này trong xác định mức phí sẽ làm gia tăng đáng kể các mức phí hiện tại. Như vậy mục tiêu khuyến khích thu hút chủ thể cung cấp dịch vụ phải hài hòa với mục tiêu đảm bảo quyền lợi hợp pháp và chính đáng của các đối tượng chịu tác động. Do đó, để có thể quyết định vấn đề này, Ban soạn thảo cần đánh giá tác động của việc bổ sung này cũng như có giải trình rõ ràng về vấn đề này.
- Thứ hai, về bản chất của các loại phí còn giữ lại trong pháp luật về phí. Dự thảo đã có cách tiếp cận khá hiện đại và hợp lý về phí, theo đó những loại dịch vụ công nào có thể chuyển cho xã hội (chủ thể kinh doanh thuộc mọi thành phẩn kinh tế) làm dưới dạng hợp đồng dịch vụ thì giá (phí) dịch vụ sẽ được xác định trên cơ sở thị trường theo các nguyên tắc của pháp luật chuyên ngành, nói cách khác đó sẽ không còn là đối tượng thu phí theo pháp luật về phí. Với cách tiếp cận này, Dự thảo đã loại bỏ rất nhiều loại phí ra khỏi Danh mục các loại phí (với lý do như nêu tại Tờ trình “các loại phí này đã không còn là phí, do doanh nghiệp cung cấp và tự chịu trách nhiệm trong định giá, theo các quy định của pháp luật chuyên ngành”). Như vậy, theo chiều ngược lại, những loại loại phí nào còn chịu sự điều chỉnh của Luật này (mà không bị loại ra) được hiểu là phí gắn với các dịch vụ công mà Nhà nước cho rằng chưa thể chuyển giao cho xã hội (chưa thể “thị trường hóa”). Theo đúng logic này thì rõ ràng là đối với các dịch vụ công còn thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này, doanh nghiệp chưa tham gia cung cấp dịch vụ mà vẫn là Nhà nước hoặc các tổ chức do Nhà nước ủy quyền theo sự kiểm soát của Nhà nước thực hiện, và do đó phí vẫn cần và nên xác định theo phương thức truyền thống, không nên có “yếu tố lợi nhuận hợp lý” trong xác định mức phí.
Vì vậy, để đảm bảo phù hợp với tính chất của phí cũng như hài hòa lợi ích của các chủ thể liên quan, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại việc bổ sung nguyên tắc này trong xác định mức thu phí.
2. Về phân biệt giữa phí và lệ phí
Theo Dự thảo (Điều 5.1 và 5.2) thì phí và lệ phí có bản chất khác nhau, theo đó:
- “Phí là khoản tiền trả cho tổ chức, cá nhân khác liên quan tới một dịch vụ được cung cấp”: Như vậy dịch vụ ở đây được thực hiện/cung cấp theo nhu cầu của người cần dịch vụ (dịch vụ theo yêu cầu tự nguyện)
- “Lệ phí là khoản tiền phải nộp khi được cơ quan quản lý Nhà nước phụ vụ công việc quản lý Nhà nước”: Như vậy công việc phải trả lệ phí là thủ tục hành chính, thực hiện theo yêu cầu của Nhà nước (chứ không phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của người thực hiện);
Tương ứng với cách tiếp cận như vậy về bản chất phí – lệ phí, Dự thảo cũng quy định 02 phương pháp xác định mức phí, lệ phí khác nhau:
- Mức phí được xác định nhằm bù đắp chi phí của tổ chức cung cấp dịch vụ (với dịch vụ theo yêu cầu tự nguyện thì phải trả phí)
- Mức Lệ phí thì không nhằm mục đích bù đắp chi phí và được xác định theo một mức cố định của Nhà nước (với thủ tục hành chính thì phải nộp lệ phí)
Đây là các cách tiếp cận hợp lý, đúng logic và phù hợp bản chất của phí, lệ phí, qua đó phí, lệ phí cũng được phân biệt một cách rõ ràng.
Tuy nhiên, rà soát Danh mục về phí và lệ phí tại Dự thảo thì dường như còn có sự không thống nhất giữa các các hoạt động được liệt lệ là đối tượng phải nộp phí – lệ phí.
Ví dụ: Mục III.1 quy định Phí thẩm định đối với kinh doanh thương mại có điều kiện. Hoạt động thẩm định đối với kinh doanh thương mại có điều kiện thực chất là việc thẩm định phục vụ cho quy trình cấp phép kinh doanh các loại (đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện dưới dạng giấy phép các loại – còn ngành nghề kinh doanh có điều kiện không cần giấy phép thì thực tế là không cần thẩm định, chỉ có việc kiểm tra của cơ quan Nhà nước). Và khác với thẩm định thương mại, hoạt động thẩm định này do các cơ quan Nhà nước thực hiện, để xác định chủ thể có đáp ứng các điều kiện kinh doanh thương mại không, làm căn cứ để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép kinh doanh tương ứng. Nói cách khác đây là một loại thủ tục hành chính, được thực hiện quy trình cấp phép kinh doanh. Theo định nghĩa tại Điều 5.2 cũng như phân tích ở trên thì đây lẽ ra phải là hoạt động thuộc diện phải nộp lệ phí chứ không phải phí.
Như vậy, việc xác định hoạt động nào sẽ chịu phí hoạt động nào chịu lệ phí trong Danh mục này dường như là chưa rõ ràng.
Cũng có ý kiến cho rằng, các pháp luật chuyên ngành đã xác định các hoạt động chịu phí và lệ phí và Luật chỉ tập hợp lại mà thôi. Tuy nhiên, quan điểm này là không hợp lý bởi Luật này phải là văn bản gốc về tất cả các vấn đề liên quan tới phí, lệ phí, và phải là văn bản phân biệt rõ ràng và đầy đủ nhất về phí, lệ phí; dựa vào quy định gốc này, các luật chuyên ngành sẽ xác định đâu được xem là phí, đâu được xem là lệ phí chứ không phải là theo chiều ngược lại.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo rà soát toàn bộ Danh mục phí, lệ phí và xác định chính xác các hoạt động nào chịu phí, hoạt động nào chịu lệ phí theo đúng định nghĩa tại Điều 5.1 và Điều 5.2 Dự thảo.
3. Về việc bỏ “Phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O)” ra khỏi Danh mục Phí và lệ phí
Dự thảo dự kiến loại bỏ Phí C/O ra khỏi Danh mục Phí và lệ phí. Về vấn đề này, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số khía cạnh sau:
- Về chính sách của Nhà nước liên quan đến thu Phí C/O
Thủ tục C/O hiện đang được thực hiện song song bởi Cơ quan Nhà nước (Bộ Công thương) và Đơn vị được Nhà nước ủy quyền (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam). Các chủ thể đề nghị cấp C/O phải nộp một khoản phí – phí C/O.
Trong thời gian qua, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong các giai đoạn khủng hoảng kinh tế, Chính phủ đã hai lần ban hành các chính sách miễn thu Phí C/O (năm 2001 – không thu phí trong vòng 01 năm, 2009 đến nay là không thu phí C/O).
Như vậy, có thể thấy, việc không thu Phí C/O được xem là biện pháp để giải quyết khó khăn tức thời cho doanh nghiệp trong các giai đoạn khủng hoảng kinh tế, chứ không phải là quy định áp dụng chung cho các thời kỳ.
Trên thực tế, để bù đắp các chi phí bỏ ra để thực hiện việc thẩm định, xem xét và cấp C/O cho các giai đoạn miễn phí C/O này cho Đơn vị cấp C/O được ủy quyền (không hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước), hàng năm Nhà nước đều cấp phát ngân sách cho VCCI để duy trì hoạt động cấp C/O, với mức bù đắp tương đương với 70% mức mà lẽ ra doanh nghiệp phải nộp.
Nói cách khác, phí C/O thực tế không phải là được bỏ mà là thay đổi chủ thể trả phí (Nhà nước trả thay cho doanh nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong các giai đoạn khó khăn nhất định).
Do đó, việc Dự thảo loại bỏ Phí C/O ra khỏi Danh mục Phí và lệ phí dường như là chưa phù hợp với chính sách của Nhà nước liên quan đến loại phí này.
- Chính sách huy động nguồn lực từ xã hội tham gia vào các thủ tục hành chính công
Một trong những mục tiêu quan trọng trong lần sửa đổi Luật Phí và lệ phí lần này chính là khuyến khích các tổ chức ngoài nhà nước “đầu tư phát triển dịch vụ sự nghiệp công để hướng tới việc cung cấp tốt hơn dịch vụ cho mọi tầng lớp nhân dân” – đây là mục tiêu quan trọng, thể hiện được sự thay đổi rõ nét trong “tư duy quản lý” và dự báo sẽ tạo thuận lợi lớn cho đối tượng thụ hưởng khi thực hiện các dịch vụ công.
Cũng theo chính sách này, nhiều loại phí được bỏ khỏi phạm vi của Dự thảo không phải để cung cấp miễn phí cho các đối tượng, mà là để phí được xác định theo giá thị trường (trở thành giá dịch vụ), với chi tiết được quy định trong pháp luật chuyên ngành.
Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể của phí C/O, hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định về việc đơn vị thực hiện dịch vụ cấp C/O được phép tự xác định mức giá dịch vụ theo nguyên tắc thị trường.
Khi chưa có các văn bản như vậy, việc Dự thảo loại bỏ Phí C/O khỏi Danh mục phí, lệ phí dẫn tới tình huống trái logic, đi ngược lại bản chất của mọi loại dịch vu: một dịch vụ công được thực hiện bởi một đơn vị được nhà nước ủy quyền nhưng lại không được thu phí, không được bù đắp chi phí bỏ ra để cung cấp dịch vụ dưới bất kỳ hình thức nào.
Hơn nữa, chỉ xét riêng trong Dự thảo này thì việc bỏ phí C/O mà không có quy định về việc xác định giá dịch vụ thay thế phí đi ngược lại chính sách về việc chuyển giao cho các chủ thể ngoài Nhà nước thực hiện các dịch vụ công (do không tạo ra nguồn thu để ít nhất là bù đắp cho các chi phí bỏ ra).
Ví dụ, trong trường hợp cụ thể này, đơn vị được ủy quyền cấp C/O (VCCI) đã phải đầu tư nhiều chi phí phục vụ cho việc triển khai công việc này:
+ Chí phí vận hành hệ thống cấp C/O: Hiện nay, để thực hiện việc cấp trung bình hơn 550.000 bộ C/O mỗi năm, VCCI đang duy trì 18 điểm cấp trên toàn quốc, với 76 cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ cấp C/O (không tính các các cán bộ phục vụ gián tiếp cho hoạt động này);
+ Chi phí xây dựng cơ sở vật chất mới: Chi phí mở các điểm cấp C/O ở các tỉnh, thành phố lớn, các khu công nghiệp tập trung để giảm thiểu các chi phí về thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục này (cùng với đó là các chi phí trụ sở, nhân lực, chi phí mua sắm các trang thiết bị, máy móc, các phần mềm … để duy trì và phục vụ cho việc cấp C/O);
+ Chi phí để thực hiện hoạt động tiền kiểm và hậu kiểm: Tiền kiểm và hậu kiểm về C/O là các hoạt động cần thiết để đảm bảo việc cấp C/O được chính xác và kịp thời phát hiện các gian lận thương mại qua C/O, đảm bảo các quy định của Nhà nước về C/O được tuân thủ chặt chẽ. Các hoạt động này đòi hỏi nhiều chi phí như chi phí đi lại để kiểm tra các doanh nghiệp, chi phí giám định...;
+ Chi phí để triển khai công tác đào tạo, phổ biến các quy định về C/O cho doanh nghiệp: Để tăng cường việc tuân thủ cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong các thủ tục C/O, hoạt động đào tạo, phổ biến tuyên truyền pháp luật và thủ tục C/O là rất quan trọng. Hàng năm, chi phí cho các hoạt động này (các khóa đào tạo doanh nghiệp, các khóa tập huấn tăng cường năng lực cán bộ cấp C/O.; các ấn phẩm biên về các quy định xác định xuất xứ của các nước; …)
+ Chi phí hiện đại hóa thủ tục C/O: Nằm trong chiến lược hiện đại hóa các thủ tục liên quan tới hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, nhiều thủ tục trong quy trình cấp C/O đang được triển khai (như thiết lập hệ thống khai C/O điện tử, quản lý dữ liệu C/O điện tử, xây dựng lại chương trình phần mềm để kết nối hải quan 1 cửa quốc gia và 1 cửa ASEAN...). Để hoạt động này được thực hiện đồng bộ và hoàn thiện cần rất nhiều chi phí.
+ Các chi phí khác phục vụ hoạt động cấp C/O: chi phí thuê kho lưu trữ; các chi phí hành chính khác …
Phí C/O hiện đang là nguồn thu duy nhất để bù đắp tất cả các chi phí này (trong bối cảnh VCCI – đơn vị được ủy quyền thực hiện cấp C/O - là tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước).
Vì vậy việc loại bỏ phí C/O trong khi chưa có cơ chế cho phép tính giá dịch vụ (đê thay thế “phí” này) rõ ràng là không thích hợp, càng không thể thu hút xã hội vào việc thực hiện các dịch vụ công mà Nhà nước chuyển giao.
Từ các phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo đưa Phí C/O trở lại vào Danh mục Phí và lệ phí của Dự thảo.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Luật Phí và lệ phí. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.