Đại Biểu Nguyễn Minh Lâm tỉnh Long An góp ý dự thảo Luật hải quan (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH

Thứ Sáu 15:50 05-12-2014

Nguyễn Minh Lâm - Long An

Kính thưa Quốc hội,

Qua nghiên cứu dự án Luật hải quan (sửa đổi) tôi tham gia góp ý một số nội dung như sau:

Một, tại Điều 3, chính sách về hải quan, Khoản 2 có quy định "xây dựng hải quan Việt Nam trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Để đảm bảo rõ và cụ thể hơn đối với chính sách này, tôi đề nghị xem xét sửa lại như sau: "xây dựng lực lượng hải quan Việt Nam trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động minh bạch, hiệu lực, hiệu quả. Với lý do cần xác định cụ thể đối tượng phải xây dựng, ở đây là xây dựng lực lượng hải quan. Để góp phần thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của đất nước, đòi hỏi công chức hải quan phải ngày càng chính quy, hiện đại, có trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, đồng thời hoạt động của công chức hải quan cần phải công khai, minh bạch nhằm tăng cường kỷ cương, đảm bảo cho hoạt động của hải quan phải thực sự hiệu lực hiệu quả.

Thứ hai, tại Điều 13, hệ thống tổ chức hải quan. Như chúng ta đã biết hiện nay ngành hải quan đang trong tiến trình cải cách phát triển và hiện đại hóa, tổ chức bộ máy cần được tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc triển khai thực hiện thủ tục hải quan điện tử, dữ liệu điện tử sẽ tập trung trong toàn ngành hải quan.

Việc thành lập nhiều cục hải quan trên địa bàn một tỉnh, thành phố là đi ngược với xu hướng cải cách hành chính hiện đại hóa làm cho bộ máy cồng kềnh, tăng chi phí quản lý, trang, thiết bị cơ sở vật chất cũng như tăng biên chế.

Việc thành lập nhiều cục hải quan trên địa bàn một tỉnh, thành phố chức năng hoạt động sẽ chồng chéo nhau, công tác quản lý về hải quan cũng như việc quản lý phối hợp các ngành với chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn, nhất là trong công tác thu nộp ngân sách thực hiện phòng, chống buôn lậu, ma túy, kiểm tra sau thông quan v.v... dẫn đến việc buông lỏng do không quản lý được. Do đó tôi thống nhất hệ thống tổ chức hải quan như dự thảo luật gồm Tổng cục hải quan, Cục hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chi cục hải quan, Đội kiểm sát hải quan và đơn vị tương đương.

Thứ ba, tại Điều 17 quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan. Tại Điểm d, Khoản 1 quy định: người khai hải quan sử dụng hồ sơ hải quan điện tử để thông quan hàng hóa. Quy định như thế chưa đầy đủ, bởi vì hồ sơ hải quan điện tử không phải chỉ được sử dụng để thông quan hàng hóa, mà còn được sử dụng trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa trong kết nối trực tiếp với bộ, ngành theo cơ chế một cửa quốc gia. Do đó đề nghị sửa lại thành sử dụng hồ sơ điện tử để thông quan hàng hóa, vận chuyển hàng hóa trên đường, thực hiện các thủ tục có liên quan với các bộ, ngành theo cơ chế một cửa quốc gia.

Tại Điểm e, Khoản 2, Điều 17 quy định: nghĩa vụ người khai hải quan, bố trí người phục vụ việc kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải. Ngoài quy định này tôi đề nghị bổ sung thêm nghĩa vụ người khai hải quan là phải bố trí phương tiện để phục vụ cho việc kiểm tra trong trường hợp được kiểm tra thực tế hàng hóa tại chân công trình, kho của công trình nơi sản xuất. Bởi vì việc kiểm tra thực tế hàng hóa có thể được thực hiện tại địa điểm làm thủ tục hải quan, địa điểm kiểm tra tập trung hoặc nhà máy, xí nghiệp của doanh nghiệp. Đối với các trường hợp phải kiểm tra nhưng địa điểm kiểm tra nằm ngoài địa điểm làm thủ tục hải quan, địa điểm kiểm tra tập trung thì doanh nghiệp có trách nhiệm bố trí  người, phương tiện phục vụ cho việc kiểm tra.

Thứ tư, Điều 18 nhiệm vụ và quyền hạn của công chức hải quan. Khoản 2 quy định: "Nhiệm vụ công chức hải quan phải hướng dẫn người khai hải quan khi có yêu cầu", quy định như dự thảo là chưa đầy đủ, bởi vì theo quy định tại Khoản 6, Điều 4 người khai hải quan được hiểu khi người đó thực hiện việc đăng ký tờ khai hải quan và tiến hành các thủ tục tiếp theo để hoàn thành tờ khai đã đăng ký. Tuy nhiên trên thực tế hoạt động nghiệp vụ hải quan trong rất nhiều trường hợp người dân và doanh nghiệp thường xuyên đến cơ quan hải quan hoặc gửi văn bản, điện thoại đề nghị hướng dẫn về chính sách thủ tục hải quan để nghiên cứu, tìm hiểu về pháp luật hải quan, lúc này họ chưa làm thủ tục hải quan nhưng cơ quan hải quan vẫn phải có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện. Do đó, tôi đề nghị bổ sung cụm từ "Tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải" vào trong Khoản 2, Điều 18 cho đầy đủ hơn.

Thứ năm, Điều 22, thời hạn cơ quan hải quan làm thủ tục hải quan, tại đoạn 2, Điểm b, Khoản 2, Điều 22 dự thảo quy định: "Thủ trưởng cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hải quan quyết định việc gia hạn thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa  trong trường hợp lô hàng có số lượng lớn, nhiều chủng loại hoặc việc kiểm tra phức tạp", theo tôi luật cần trao quyền cụ thể hóa quy định này cho cơ quan có thẩm quyền để xác định rõ số lượng lớn là bao nhiêu? Nhiều chủng loại là từ mấy chủng loại trở lên? Việc kiểm tra phức tạp là như thế nào? Đồng thời quy định rõ số lần gia hạn, thời gian gia hạn tối đa đối với thủ trưởng cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hải quan để tránh lạm quyền.

Khoản 4, Điều 22 đề nghị bổ sung vào cuối Khoản 4 nội dung: "Bộ Tài chính sẽ quy định cụ thể thời gian được phép làm thủ tục hải quan. Kiểm tra hoàn thành các thủ tục hải quan ngoài giờ làm việc, ngày lễ, ngày nghỉ để thống nhất thực hiện đây là căn cứ pháp lý để cơ quan hải quan, công chức hải quan thực thi nhiệm vụ, hiện tại vấn đề này chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật nên gây khó khăn cho việc thực hiện dẫn đến thực hiện không thống nhất, tùy tiện khi xảy ra sự cố không có cơ sở để bảo vệ cho công chức hải quan.

Thứ sáu, tại Điều 79 về kiểm tra sau thông quan tại trụ sở của người khai hải quan, kiến nghị quy định rõ hơn đối với Điểm a, Khoản 2 điều này về trường hợp được gia hạn thời hạn kiểm tra sau thông quan, cụ thể trường hợp phạm vi kiểm tra lớn, nội dung phức tạp thì người đã ký quyết định kiểm tra có thể gia hạn 1 lần không quá 10 ngày làm việc. Như vậy phạm vi lớn và nội dung phức tạp ở đây cụ thể sẽ do chủ thể nào quy định hay phụ thuộc vào người ký quyết định kiểm tra cần có quy định cụ thể. Trên đây là một số ý kiến đóng góp Luật hải quan (sửa đổi). Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan