Đại Biểu Ya Duck tỉnh Lâm Đồng góp ý dự thảo Luật hải quan (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại Biểu Nguyễn Minh Lâm tỉnh Long An góp ý dự thảo Luật hải quan (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại Biểu Nguyễn Hữu Hùng tỉnh Tiền Giang góp ý dự thảo Luật hải quan (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Nguyễn Hữu Hùng - Tiền Giang
Kính thưa Đoàn chủ tọa kỳ họp,
Kính thưa Quốc hội.
Tôi tán thành nội dung của báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Hải quan (sửa đổi). Sau đây tôi xin góp thêm một số ý kiến để góp phần hoàn thiện dự án luật:
Thứ nhất, các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực hải quan. Tôi cho rằng trong các dự án luật về một lĩnh vực nào đó từ trước đến nay chúng ta đều có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên trong dự án luật này hành vi bị nghiêm cấm không được đề cập riêng. Quy định này rất cần thiết để làm căn cứ pháp lý cho việc định ra các hành vi và hình thức xử phạt vi phạm. Vì vậy, tôi đề nghị để thực hiện Hiến pháp năm 2013, quy định những hành vi cấm và liên quan đến quyền của công dân phải được luật hóa, luật định do đó tôi đề nghị bổ sung nội dung này.
Về nội dung này, qua nghiên cứu tôi thấy rằng Bộ Luật hình sự đã quy định các tội phạm trong lĩnh vực hải quan. Căn cứ vào quy định của Luật Hải quan hiện hành, Chính phủ cũng đã ban hành nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Vì vậy, về nội dung cần được rà soát đánh giá các hành vi đã được quy định để đưa vào quy định các hành vi cấm. Ví dụ như các quy định về trốn tránh khai báo hoặc khai báo gian dối khi làm thủ tục hải quan. Hành vi không tái xuất hàng thuộc diện tạm nhập tái xuất, hay hành vi xuất, nhập khẩu hàng cấm, hành vi đánh cháo hàng hóa đã kiểm tra hải quan bằng hàng chưa kiểm tra hải quan, hành vi giả mạo thủ tục hải quan, hành vi không chấp hành hiệu lệnh của công chức hải quan khi vận chuyển hàng hóa trong địa bàn hải quan hoặc hành vi cố tình không tái xuất phế liệu, không đáp ứng các quy chuẩn về kỹ thuật môi trường theo quy định của Luật bảo vệ môi trường. Tôi nghĩ đấy là những quy định rất cần thiết để bảo đảm cho công tác hải quan của chúng ta được thực hiện một cách thuận lợi. Đồng thời đưa các quy định cấm hành vi của công chức hải quan được quy định tại Khoản 2 của Điều 14 và Điểm h, Khoản 2 của Điều 17, Khoản 1, Điều 48 vào điều này hình thành một điều riêng.
Ý kiến thứ hai, về nhiệm vụ và tổ chức của hải quan quy định tại Chương II. Ở chương này theo dự thảo luật thì gồm có 4 điều. Tôi cho rằng về mặt kỹ thuật cũng có chỗ chưa được rõ ràng. Trong Điều 13 khi quy định về hệ thống tổ chức hải quan đã gắn vào quy định về chế độ phục vụ, tiêu chuẩn lương, phụ cấp thâm niên, chế độ đãi ngộ khác đối với công chức hải quan như đã quy định tại Khoản 2 của điều này. Tôi đề nghị cần phải tách riêng nội dung này chuyển sang quy định về công chức hải quan ở Điều 14 thì nó hợp lý hơn. Đồng thời cần phải hoàn thiện, bổ sung quy định chế độ phục vụ của công chức hải quan cho toàn diện hơn.
Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hệ thống tổ chức của hải quan, tôi tán thành như quy định tại Điều 12 và Khoản 1 của Điều 13 của dự thảo luật và Báo cáo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, khi quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ đối với tổ chức hải quan thì tại Khoản 2, Điều 13, tôi thấy có chỗ chưa rõ và có chỗ còn trùng lặp. Bởi khoản này Chính phủ quy định tiêu chí thành lập Cục hải quan, nhưng đồng thời lại quy định cụ thể về tổ chức, nhiệm vụ hoạt động của hải quan các cấp. Như vậy, nó trùng lặp và không cần thiết. Do đó, tôi đề nghị chỉnh lý điều này.
Mặt khác, một yêu cầu rất quan trọng là phải quy định chỉ tiêu biên chế đối với lực lượng hải quan. Dự thảo luật chưa đề cập rõ nguyên tắc đối với vấn đề biên chế mà mới chỉ nói về vấn đề tổ chức. Vì vậy, đề nghị cần nghiên cứu lại và để quy định cho chặt chẽ hơn.
Ý thứ hai trong vấn đề này, tức là về chế độ phục vụ của công chức hải quan, tôi cho rằng quy định như dự thảo luật thì có chỗ vừa thiếu, vừa thừa. Vì chế độ phục vụ đãi ngộ đối với công chức hải quan, về cơ bản là phải thực hiện theo quy định của Luật cán bộ, công chức. Tuy nhiên, cũng ủng hộ là do yêu cầu đặc thù của ngành, nếu cần quy định thêm thì chỉ quy định các chế độ đãi ngộ đặc thù đối với công chức hải quan so với cán bộ, công chức khác. Vì vậy, để bảo đảm tính minh bạch trong chính sách, tôi đề nghị nghiên cứu cụ thể và có quy định cụ thể hơn về các chế độ đặc thù của công chức hải quan để làm căn cứ cho Chính phủ quy định sau này.
Ý kiến thứ ba, về nguyên tắc tiến hành thủ tục hải quan, kiểm tra, kiểm soát hải quan quy định tại Điều 15. Tôi đề nghị bổ sung cụm từ minh bạch, chặt chẽ, thống nhất vào Khoản 4 của điều này để thể hiện rõ nguyên tắc hoạt động của hải quan là tập trung thống nhất. Như vậy, Khoản 4 được thể hiện lại là thủ tục hải quan phải được thực hiện công khai, minh bạch, chặt chẽ thống nhất, nhanh chóng, thuận tiện, theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, tôi đề nghị cân nhắc không đưa vào điều này nguyên tắc được bố trí nhân lực, thời gian làm việc phải đáp ứng yêu cầu hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh v.v... một vấn đề về chi tiết, kỹ thuật.
Nội dung thứ tư, về thời hạn cơ quan hải quan làm thủ tục hải quan quy định tại Điều 22, Điểm a, Khoản 2 quy định về thời hạn công chức hải quan hoàn thành kiểm tra hồ sơ, chậm nhất là 2 giờ làm việc. Tôi đề nghị rút ngắn hơn nữa để tiết kiệm thời gian cho nộp tờ khai hải quan và thể hiện trách nhiệm của công chức về hồ sơ hải quan được quy định tại Điều 23 là khá đơn giản. Nếu rút ngắn được thời gian thì có thể xuống còn 1 giờ cũng đủ và để tránh phiền hà không đáng có.
Vấn đề thứ năm, vấn đề kiểm tra sau thông quan quy định tại Điều 76. Vấn đề này qua phản ảnh của các doanh nghiệp, nếu để thời gian 5 năm là quá dài, nếu được kiểm tra sớm hơn có thể rút doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ và rút kinh nghiệm hoạt động trong các hoạt động xuất, nhập khẩu. Nếu để 5 năm thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn đối với những chứng từ hải quan không hợp lệ và sẽ khó khắc phục, có thể còn bị phạt gây thiệt hại cho doanh nghiệp ngoài ý muốn.
Vấn đề thứ sáu, về thẩm quyền của cơ quan hải quan, công chức hải quan trong việc xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng qua biên giới Điều 89. Tại Khoản 2 điều này quy định khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan hải quan, công chức hải quan có thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện điều tra theo quy định của pháp luật, tố tụng hình sự và pháp luật về tổ chức điều tra hình sự. Tôi cho rằng để bảo đảm sự thống nhất với Bộ luật tố tụng hình sự quy định tại Điều 104, đề nghị thay thế cụm từ "Cơ quan hải quan, công chức hải quan" bằng cụm từ "Thủ trưởng cơ quan hải quan" cho rõ về thẩm quyền và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Vấn đề thứ bảy, về việc trang bị vũ khí và sử dụng vũ khí Điều 91, Điều 13 của pháp lệnh về quản lý vũ khí, vật liệu nổ công cụ hỗ trợ chỉ quy định đối tượng được trang bị vũ khí, bao gồm cả vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ là cho lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của hải quan và đơn vị hải quan cửa khẩu. Còn các lực lượng khác của hải quan có thể được trang bị công cụ hỗ trợ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, sau khi có đề xuất của Tổng cục hải quan cũng như Bộ trưởng Bộ Công an. Vì vậy, trang bị và sử dụng vũ khí công cụ hỗ trợ liên quan đến bảo đảm, vì việc trang bị và sử dụng vũ khí công cụ hỗ trợ nó liên quan đến bảo đảm về quyền con người, quyền công dân nên tôi đề nghị cần phải tách ra quy định riêng cho rõ nội dung này. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.