Đại Biểu Phạm Trường Dân tỉnh Quảng Nam góp ý dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH

Thứ Sáu 15:17 05-12-2014

                                      

Phạm Trường Dân - Quảng Nam

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin tham gia một số nội dung cụ thể đối với dự án luật này như sau:

 Về nguyên tắc bảo vệ môi trường tại Điều 4 quy định 8 khoản, trong đó Khoản 8 có quy định: tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm sự cố và suy thoái môi trường phải có trách nhiệm khắc phục bồi thường và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật. Theo tôi, quy định như vậy chỉ rõ ra trách nhiệm khắc phục bồi thường thiệt hại, còn trách nhiệm khác theo pháp luật là chung chung. Đề nghị quy định rõ hơn, trong đó có quy định xử lý hình sự đối với những trường, hợp gây hậu quả nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Về nội dung cơ bản của quy hoạch bảo vệ môi trường, tôi đề nghị bổ sung vào Điểm d, Khoản 1 của Điều 9 nội dung quản lý môi trường đối với hồ, đầm, phá, kênh rạch.

Về đánh gái tác động môi trường Mục 3, Chương II, tại Điều 19 có quy định như dự thảo là chưa đầy đủ, Khoản 3 của điều này còn quy định chung chung. Tôi đề nghị cần quy định cho rõ, đó là đánh giá tác động môi trường đối với các dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khai thác nuôi trồng thủy sản tác động xấu đến môi trường.

Tại Điều 20 thực hiện đánh giá tác động môi trường quy định chủ dự án thuộc đối tượng quy định tại Điều 19 của mục này: "Tự mình thuê tổ chức tư vấn thực hiện đánh giá tác động môi trường và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện đánh giá tác động môi trường". Quy định như vậy chỉ có chủ dự án mới chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn tổ chức tư vấn được thuê không chịu trách nhiệm trước pháp luật là không thỏa đáng. Đề nghị quy định tổ chức tư vấn cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả đánh giá tác động môi trường và đưa ra.

Về trách nhiệm của chủ đầu tư trước khi đưa dự án vào hoạt động Điều 29, tai Khoản 4 của điều này có quy định chủ đầu tư tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan quản lý bảo vệ môi trường kiểm tra thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường, cung cấp thông tin liên quan dự án khi được yêu cầu là chưa chặt chẽ. Tôi đề nghị quy định chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm, chứ không phải chỉ tạo điều kiện thuận lợi như dự thảo. Quy định như vậy mới thể hiện tính pháp lý cao buộc chủ đầu tư phải thực hiện. Nếu quy định tạo điều kiện thuận lợi có thể họ tạo điều kiện thuận lợi hoặc không tạo điều kiện thuận lợi cũng được.

Điều 30 về trách nhiệm thẩm quyền phê duyệt kết quả báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trách nhiệm của cơ quan xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường Điều 36 chưa thể hiện cụ thể rõ ràng trong dự án luật. Nếu sau khi thẩm định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường do không làm hết trách nhiệm để sơ hở thiếu xót dẫn đến dự án khi hoạt động gây ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng dẫn đến nhân dân khiếu kiện đông người, phản ứng gay gắt thì phải thay đổi địa điểm dự án như quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 35 thì trách nhiệm của cơ quan thẩm định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và cơ quan xác nhận đăng ký cam kết bảo vệ môi trường như thế nào cho sát thực tế. Vì khi thay đổi địa điểm của dự án phải tốn kém kinh phí rất lớn, nếu không thay đổi địa điểm dự án mà chỉ thay đổi địa điểm cư trú của nhân dân để cho dự án ở lại tiếp tục hoạt động thì cũng tốn kém kinh phí rất lớn. Tôi đề nghị cần quy định chế tài trong dự án luật này như thế nào là cho phù hợp.

Về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu quá cảnh hàng hóa Điều 81, tôi đề nghị cần xem xét lại Khoản 3. Tôi đồng thuận với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Lâm đã phân tích rất rõ. Tôi thấy rằng nếu nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ thì phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Đã sử dụng rồi mà về phá dỡ ra thì chắc không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường, như thế là nhập rác thải về. Tôi đề nghị không đưa điều khoản này vào trong dự án luật.

Về trách nhiệm của Bộ Công an, đề nghị quy định theo hướng: "Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo hoạt động phòng, chống tội phạm về môi trường và bảo đảm an ninh trật tự trong lĩnh vực môi trường, sẵn sàng lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn, ứng phó của biến đổi khí hậu, thủ trưởng các bộ, ngành hữu quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các hoạt động khác trong lĩnh vực quản lý của lực lượng công an nhân dân".

Về thẩm quyền trách nhiệm thực hiện việc kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường cần xem xét quy định lại Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn, kiểm tra việc phòng ngừa đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường đối với các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam cho phù hợp với Nghị định 77 ngày 15/9/2009 của Chính phủ quy định về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 21 ngày 25/3/2014 của Chính phủ.

Về hành vi bị cấm ở Điều 3, tôi đề nghị bổ sung một khoản là: "Xây dựng các công trình xử lý chất thải không đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường", đồng thời cũng chuyển nội dung giải thích thế nào là cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng quy định tại Khoản 1, Điều 110 sang Điều 3 giải thích từ ngữ cho phù hợp. Tôi xin hết. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan