Đại Biểu Hoàng Thị Tố Nga tỉnh Nam Định góp ý dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH

Thứ Sáu 15:14 05-12-2014

Hoàng Thị Tố Nga - Nam Định

Kính thưa Quốc hội,

Tôi cơ bản đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi). Đặc biệt tôi rất tán thành với việc tiếp thu, bổ sung vào dự thảo Luật các nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Để dự thảo luật hoàn chỉnh và trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 7, tôi xin có một số ý kiến sau:

Một, về quy hoạch bảo vệ môi trường, tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc hai vấn đề:

Thứ nhất, tôi tán thành với việc Ban soạn thảo bổ sung nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường vào trong dự thảo luật. Vì quy hoạch bảo vệ môi trường là một nội dung quan trọng trong công tác quản lý môi trường. Khi có quy hoạch bảo vệ môi trường riêng thì sẽ xác định được một kế hoạch tương đối chặt chẽ về công tác bảo vệ môi trường trong tương lai sẽ giúp các nhà quản lý có một cách nhìn tổng thể về môi trường sinh thái. Từ đó đưa ra các định hướng phát triển trên cơ sở tích hợp của nhiều chính sách phát triển chuyên ngành khác. Đồng thời các quy hoạch chuyên ngành sẽ dựa trên cơ sở quy hoạch bảo vệ môi trường để tìm ra các phương án hài hòa về phát triển kinh tế, cũng như bảo vệ môi trường để loại trừ các rủi ro về sự cố môi trường và đề ra giải pháp xử lý.

Từ những lý trên đã cho thấy quy hoạch bảo vệ môi trường có tầm quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững và nó phải là một bộ phận cấu thành của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nên việc bổ sung nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường vào trong dự thảo luật là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo luật mới quy định quy hoạch bảo vệ môi trường ở hai cấp độ là cấp quốc gia và cấp tỉnh. Theo tôi ở cấp khác, ví dụ như cấp huyện tuy ở phạm vi hẹp hơn nhưng do điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội khác nhau nên việc quản lý bảo vệ môi trường cũng rất đa dạng. Do đó quy hoạch bảo vệ môi trường cũng không thể thiếu được trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Vì vây tôi đề nghị sửa nội dung của Khoản 2, Điều 8 thành: quy hoạch bảo vệ môi trường gồm 2 cấp độ riêng là quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia và quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh. Còn đối với những quy hoạch cấp khác thì quy hoạch bảo vệ môi trường được lồng ghép vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương. Tôi đề nghị ban soan thảo nghiên cứu, sửa đổi nội dung của Khoản 2, Điều 9 cho phù hợp để khẳng định trong dự thảo luật là việc quy hoạch bảo vệ môi trường ở cấp địa phương nào cũng phải được quan tâm và phải có mục tiêu rõ ràng.

Thứ hai, ngày 5/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1216 phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, theo tôi quy hoạch bảo vệ môi trường chính là một trong những giải pháp để thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, vì vậy tôi đề nghị bổ sung vào Điều 8, Khoản 1 nguyên tắc quy hoạch bảo vệ môi trường phải phù hợp với chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia.

Về bảo vệ môi trường trong hoạt động mai táng, hỏa táng, tại Điểm b, Khoản 1, Điều 90 quy định khu mai táng, hỏa táng phải đảm bảo các yêu cầu có vị trí, khoảng cách đáp ứng yêu cầu vệ sinh môi trường, cảnh quan khu dân cư. Tuy nhiên, trong dự thảo luật lại không có quy định khoảng cách là bao nhiêu là đáp ứng điều kiện vệ sinh môi trường của khu dân cư. Trong thực tế hiện nay vẫn còn tồn tại một số khu mai táng trong khu dân cư hoặc khu mai táng nằm trong phù hợp với quy hoạch, nhưng nhà dân cư lại ở gần đó. Song do những quy định pháp luật chưa cụ thể nên việc vận động, thuyết phục người dân có nhà ở phải đảm bảo khoảng cách với khu mai táng là chưa thuyết phục. Tôi đề nghị ban soạn thảo cần quy định rõ khoảng cách đáp ứng vệ sinh môi trường cảnh quan đối với khu mai táng, hỏa táng là bao nhiêu để các địa phương, các ngành liên quan có cơ sở pháp lý cụ thể để xử lý vi phạm để quy hoạch nghĩa trang tập trung và đóng dần các khu mai táng, hỏa táng không đảm bảo an toàn, điều kiện vệ sinh môi trường.

Ba, về ứng phó với sự cố môi trường, theo tôi sự cố môi trường có thể xảy ra ở mọi nơi mọi lúc với quy mô và mức độ ảnh hưởng cũng khác nhau, nên việc ứng phó với sự cố môi trường cũng giống như ứng phó với khắc phục hậu quả thiên tai, cần huy động lực lượng bao gồm nhân lực và vật tư tại chỗ, có khi phải huy động cả nguồn lực xã hội để ứng phó kịp thời.

Đối với những ngành có tính đặc thù như dầu khí, điện hạt nhân v.v... thì khi xảy ra sự cố môi trường cần phải huy động ngay lực lượng của ngành đó để ứng phó. Do vậy, tôi đồng tình với những quy định về ứng phó với sự cố môi trường quy định trong Điều 115 của dự thảo luật.

Tuy nhiên, tại Khoản 1, Điều 116 lại quy định nhà nước có trách nhiệm xây dựng lực lượng chuyên trách về ứng phó với sự cố môi trường. Tôi rất băn khoăn với quy định này, vì tôi thấy có sự mâu thuẫn với những quy định về ứng phó sự cố môi trường tại Điều 115 và sẽ làm tăng biên chế nhà nước, nhưng lại không thể đáp ứng được yêu cầu của ứng phó với sự cố môi trường như tôi đã phân tích ở trên. Vì vậy, tôi đề nghị bỏ Khoản 1, Điều 116 trong dự thảo luật. Tôi xin hết ý kiến, xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.

            

Các văn bản liên quan