Đại Biểu Lê Thị Công tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu góp ý dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại Biểu Trần Thị Quốc Khánh TP Hà Nội góp ý dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại Biểu Lê Thị Công tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu góp ý dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Lê Thị Công - Bà Rịa - Vũng Tàu
Kính thưa chủ tọa kỳ họp,
Kính thưa Quốc hội.
Tham gia đóng góp Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) tôi xin phép có ý kiến vào 6 nội dung như sau:
Thứ nhất, đối với quy hoạch bảo vệ môi trường cần thực hiện theo phương án 1, nghĩa là quy hoạch bảo vệ môi trường cần thực hiện ở 2 cấp quốc gia và cấp tỉnh. Tuy nhiên, để đảm bảo phát triển bền vững cho từng lưu vực sông, từng vùng kinh tế trọng điểm, tránh phát triển nóng, thu hút các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, ảnh hưởng đến cả vùng, cần có các quy định chi tiết về quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia cụ thể cho từng vùng kinh tế trọng điểm trong cả nước. Đồng thời nội dung cơ bản của quy hoạch bảo vệ môi trường như tại Điều 9 cần bổ sung nội dung quản lý môi trường lưu vực sông, vì đây là nội dung rất quan trọng. Vừa qua ta đã thành lập nhiều ủy ban bảo vệ lưu vực sông để khắc phục tình trạng ô nhiễm như lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, lưu vực sông Đồng Nai nhưng chưa mang lại hiệu quả cao. Có như vậy buộc các địa phương phải tuân thủ trong quá trình xây dựng và triển khai quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững cho từng vùng kinh tế trọng điểm trong cả nước.
Thứ hai, đối với công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư, luật đã quy định chặt chẽ hơn để nâng cao chất lượng các báo cáo đánh giá tác động môi trường khi trình duyệt là đơn vị tư vấn phải có chứng chỉ hành nghề tư vấn đánh giá tác động môi trường. Hiện nay không quy định đơn vị tư vấn có chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, quy định quá trình thẩm định có thể thực hiện ở hai hình thức thông qua hội đồng thẩm định hoặc lấy ý kiến cơ quan chuyên môn. Điều 26 tôi nhận thấy nên thực hiện theo Luật bảo vệ môi trường năm 2005 là chỉ tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thông qua hội đồng thẩm định. Vì các dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường là các dự án có nhiều nguy cơ gây tác động đến môi trường. Các dự án có mức độ gây ô nhiễm môi trường thấp chỉ thực hiện cam kết bảo vệ môi trường. Cơ quan thẩm định hầu hết chưa đủ chuyên gia về môi trường nên việc tổ chức hội đồng thẩm định có nhiều ngành, nhiều chuyên gia sẽ giúp cơ quan thẩm định được thuận lợi, chất lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường, sau khi thẩm định sẽ có tính khả thi cao, hạn chế nguy cơ báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã được phê duyệt nhưng khi dự án đi vào hoạt động gây tác động lớn đối với môi trường.
Bên cạnh đó, thời gian thẩm định lại báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án là 24 tháng, kể từ khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo Điều 21. Như vậy là quá ngắn sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư, chưa thực sự cải cách thủ tục hành chính, cơ quan tổ chức thẩm định và phê duyệt không đủ nguồn lực để thực hiện. Vì vậy, đề nghị 36 tháng như quy định của pháp luật bảo vệ môi trường hiện nay.
Thứ ba, đối với trách nhiệm xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường của dự án đầu tư, dự thảo luật quy định đối với các dự án triển khai trên địa bàn hay huyện thì cơ quan cấp tỉnh thực hiện việc đăng ký như vậy sẽ rất khó khăn trong công tác quản lý. Tôi đề nghị quy định lại Khoản 3, Điều 34 của luật như sau: "Chủ dự án đăng ký xử lý chất thải của dự án ở địa bàn nào thì cấp huyện đó tổ chức đăng ký cam kết bảo vệ môi trường cho dự án".
Tại Khoản 2, Điều 34 quy định đối với dự án chỉ thực hiện trên địa bàn 1 xã thì giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường, trong khi đó hiện nay cấp xã chưa được bố trí cán bộ chuyên trách. Nếu theo Khoản 3, Điều 151 của luật, cấp xã được bố trí một cán bộ phụ trách về môi trường thì cấp xã cũng không đủ nguồn lực để tổ chức thực hiện dẫn đến giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, không đủ khả năng tổ chức hậu kiểm. Vì vậy giao cho cấp huyện tổ chức xác nhận cam kết bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý như hiện nay là phù hợp, khả thi. Cấp xã chỉ nên tập trung giải quyết các tranh chấp về môi trường giữa hộ gia đình cá nhân và tham gia phối hợp với cấp huyện, cấp tỉnh giải quyết các vấn đề về môi trường liên quan phát sinh trên địa bàn quản lý.
Thứ tư, Điều 91 của luật
khuyến khích tái sử dụng, tái chế chất thải là rất cần thiết. Tuy nhiên để quy
định này đi vào cuộc sống và thuận lợi trong quá trình thực hiện thì các sản
phẩm được tạo ra sau tái chế, tái sử dụng làm nguyên liệu "đầu vào"
cho một quy trình sản xuất khác thì tạo mọi điều kiện để khuyến khích, ưu tiên.
Vì như vậy sẽ giảm sử dụng các nguồn nguyên liệu truyền thống và giảm chi phí
"đầu vào" cho quy trình sản xuất đối với sản phẩm tạo ra sau tái chế,
tái sử dụng được sử dụng ngay không phải là nguyên liệu "đầu vào" của
quy trình sản xuất khác. Cần quy định chặt chẽ phải đảm bảo chất lượng sử dụng,
ví dụ sản phẩm tạo ra làm vật liệu san lấp, vật liệu xây dựng thì phải đảm bảo
đạt quy chuẩn kỹ thuật về vật liệu và nhà nước cần quy định các quy chuẩn này
để sản phẩm tái chế được sử dụng đạt hiệu quả cao, tránh gây ảnh hưởng đến chất
lượng các công trình xây dựng. Điều 92 của luật cần thiết bổ sung một khoản quy
định: "Các chất thải sau khi tái chế, tái sử dụng làm vật liệu phải đảm
bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật về vật liệu cho bộ chuyên ngành, Bộ Xây dựng, Bộ
Giao thông vận tải ban hành".
Thứ năm, bảo vệ môi trường cho các nguồn nước từ các hồ chứa hiện nay là rất
quan trọng để đảm bảo sức khỏe nhân dân. Do đó tại Mục 2, bảo vệ môi trường các
nguồn lực khác cần bổ sung một điều với nội dung "Bảo vệ môi trường hồ
chứa nước phục vụ mục đích cấp nước sinh hoạt", trong đó cần quy định rõ
về vành đai bảo vệ hồ cấp nước, cấm xả nước thải sản xuất bằng mọi hình thức
vào hồ và thượng nguồn. Các hồ cấp nước tăng cường quan trắc và công khai thông
tin về chất lượng nước của các hồ cấp nước.
Thứ sáu, hoạt động phá vỡ phương tiện giao thông vận tải đã qua sử dụng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng nguồn nước, tổ chức phá vỡ do chất thải nguy hại, chủ yếu là chất thải nhiễm dầu đe dọa đến phát triển bền vững việc sử dụng tài nguyên nước xung quanh khu vực phá dỡ tàu biển. Đồng thời quá trình tháo dỡ tàu biển rất dễ gây cháy nổ. Bên cạnh đó việc cho phép nhập khẩu phương tiện thủy đã qua sử dụng để tháo dỡ. Ngoài các tác động tiêu cực nêu trên khó kiểm soát việc nhập khẩu trái phép các loại chất thải nguy hại khác vào Việt Nam. Do đó, vì nhiệm vụ bảo vệ môi trường của quốc gia, bảo đảm phát triển bền vững cho nhiều thế hệ không nên cho phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng vào Việt Nam để tháo dỡ. Vì thế tôi đề nghị bỏ quy định tại Khoản 3, Điều 81 đối với tàu biển đã qua sử dụng nhập khẩu để tháo dỡ giao Chính phủ quy định cụ thể. Trên đây là một số ý kiến đóng góp liên quan đến dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi). Xin trân trọng cảm ơn.