Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh tỉnh Lạng Sơn góp ý dự thảo Luật hộ tịch tại kỳ họp thứ 7 của QH
Trần Thị Hoa Sinh - Lạng Sơn
Kính thưa Chủ tọa phiên họp,
kính thưa Quốc hội.
Tôi xin phát biểu một số ý kiến về Luật hộ tịch.
Thứ nhất, tôi đánh giá cao ban soạn thảo đã chuẩn bị Luật hộ tịch trình ra Quốc hội. Đây là dự án luật đã đề xuất trình, sau đó để lại rồi tiếp tục được trình. Tôi xin phát biểu một số ý như sau:
Thứ nhất, tôi vẫn băn khoăn về tính khả thi của luật. Hiến pháp quy định quyền của công dân khi sinh ra được xác định nhân thân. Vậy, một người từ khi sinh ra đến khi chết có những giấy tờ tùy thân gì. Tôi thấy trong thực tế chúng ta đang triển khai tổ chức thực hiện và trên cơ sở các nghị định, thông tư và văn bản hướng dẫn quy định của Đảng cũng như của nhà nước chúng ta cụ thể hóa và nâng lên thành luật. Tôi đồng tình xây dựng Luật hộ tịch. Tuy nhiên, sáng nay thảo luận vẫn có nhiều ý kiến phân định ranh giới giữa Luật hộ tịch và Luật căn cước công dân. Tôi thấy về hộ tịch theo Điều 3 nói rất rõ gồm có những gì, trong thực tế hiện nay chúng ta cũng đã triển khai thực hiện, còn về Luật căn cước công dân, chúng ta xây dựng từ chứng minh thư nhân dân. Tôi thấy 2 dự án luật này cần phân định rõ hơn nữa để khi luật có hiệu lực thì có tính khả thi và phân định được 2 luật này khác nhau.
Theo như tờ trình cũng như báo cáo thẩm tra chúng ta lấy cơ sở 2 cơ quan quản lý khác nhau để đưa ra hai luật này khác nhau thì tôi thấy tính thuyết phục chưa cao lắm. Tôi xin phát biểu thêm nữa là đề nghị ý định ý kiến thứ hai, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát về trình tự thủ tục, thời hạn đăng kí hộ khẩu cũng như hộ tịch các giấy tờ, lược bỏ các quy định rườm rà, đơn giản hoá các giấy tờ và thủ tục hành chính với các luật khác. Ở đây tôi kì vọng khi luật này được thông qua và có hiệu lực thì thủ tục hành chính của chúng ta giảm bớt đi. Các giấy tờ tuỳ thân của công dân, tôi thấy cũng cần phải được giảm bớt, tránh phiền hà cho người dân. Bởi vì hiện nay một công dân có quá nhiều giấy tờ và quá nhiều phiền hà. Tôi đề nghị cần phải rà soát với các luật khác để cho có tính đồng bộ, tránh chồng chéo và trùng lắp.
Ý kiến thứ ba, tôi nghiên cứu thì tôi thấy đề nghị bổ sung mà trong thực tế hiện nay những vấn đề đang vướng mắc. Thứ nhất là tại sao công dân lại không đi khai tử và tỷ lệ khai tử rất thấp. Tại sao có những trường hợp không đi đăng kí kết hôn và một số vấn đề khác nữa. Chính vì vậy tôi đề nghị cần phải quy định rõ trong luật này về giá trị pháp lí của từng loại giấy tờ theo thứ tự. Đề nghị cần phải được quy định trong luật này. Thứ hai, trong ý này cần có quy định ràng buộc trách nhiệm của người công dân. Trong luật đã quy định rõ nhưng tôi thấy vẫn chưa rõ lắm. Như Luật căn cước sáng nay, qua giám sát chúng tôi thấy hiện nay công dân đề nghị cấp chứng minh thư cũng được và không đề nghị chứng minh thư cũng được và do ý chí cá nhân của người đó. Vấn đề hộ tịch này cũng vậy. Tôi đề nghị cần phải quy định rõ giá trị pháp lí của các văn bản, giấy tờ mà người công dân phải có trong luật này.
Ý kiến thứ tư, tôi xin phát biểu về phân cấp thẩm quyền đăng kí hộ tịch mà các đại biểu trước tôi đã phát biểu ở Điều 5. Tôi cũng thấy trên cơ sở tờ trình cũng như báo cáo thẩm tra thì đưa ra giao thẩm quyền phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện đăng kí các việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu kĩ hơn những ý kiến các vị đại biểu đã phát biểu. Tôi đề nghị giữ nguyên như hiện hành là giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chứ không giao cho phòng tư pháp cấp huyện để thực hiện. Ở đây chúng ta nói về cán bộ chưa có đủ điều kiện để thực hiện hoặc chúng ta có định hướng cho chiến lược tới chúng ta phân cấp. Tôi chỉ lấy một ví dụ, đó là việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài liên quan đến vấn đề phỏng vấn, liên quan đến vấn đề xác minh, xác minh liên quan đến vấn đề ngoại giao. Cho nên hiện nay cấp tỉnh giải quyết thấy cũng còn nhiều khó khăn như phải kéo dài thời gian, trình độ năng lực cán bộ cấp tỉnh như vậy thì mới thực hiện được. Cấp huyện tôi thấy trong giai đoạn hiện nay chưa nên giao cái này, trước sau chúng ta cũng sẽ giao nhưng trong giai đoạn hiện nay cá nhân tôi thấy chưa nên giao phân cấp về cái này. Nên chăng chúng ta nghiên cứu và chúng ta phân cấp cho một vài nội dung nào đó trong nội dung này.
Ý kiến thứ năm, tôi đề nghị cần phải rà soát các nội dung trong dự thảo luật giao cho Chính phủ hoặc các bộ, ngành hướng dẫn cho cần phải cụ thể hơn và rõ hơn. Ví dụ, Khoản 4, Điều 3 có quy định "Xác nhận hoặc ghi vào sổ hộ tịch các việc khác theo quy định của pháp luật" ở đây các việc khác là các việc gì, ở điều này tôi thấy không quy định cho ai hướng dẫn. Nếu luật có hiệu lực thì ai sẽ hướng dẫn để chúng ta triển khai thực hiện. Đấy là những ý kiến tôi xin tham gia phát biểu.
Cuối cùng, tôi cũng đồng tình có Luật hộ tịch để điều chỉnh các giấy tờ tùy thân đối với một công dân khi sinh ra và đến khi chết. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.