Đại biểu Bùi Văn Xuyền tỉnh Thái Bình góp ý dự thảo Luật hộ tịch tại kỳ họp thứ 7 của QH

Thứ Hai 15:57 01-12-2014

Bùi Văn Xuyền - Thái Bình

Kính thưa Chủ tọa,

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin tham gia một số nội dung của dự thảo Luật hộ tịch như sau:

Thứ nhất, về sự cần thiết ban hành Luật hộ tịch, tôi đồng ý với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật hộ tịch. Công tác quản lý đăng ký hộ tịch là nhiệm vụ rất quan trọng của mỗi quốc gia, ở nước ta công tác này đã được thực hiện từ thời thực dân phong kiến. Từ khi thành lập nước đến nay, Chính phủ đã ban hành rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký quản lý hộ tịch, nhằm tăng cường công tác quản lý đăng ký hộ tịch để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời  kỳ và đảm bảo quyền con người, phục vụ tốt cho công tác hoạch định chính sách về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hiện nay trong bối cảnh phát triển đất nước trong thời kỳ mới, đồng thời để triển khai Hiến pháp sửa đổi thì sự cần thiết ban hành một đạo luật tạo cơ sở pháp lý cao, lâu dài, ổn định cho công tác này là hết sức cần thiết. Tôi cũng đồng tình cao với một số nội dung mới của dự thảo so với pháp luật hiện hành như số định danh cá nhân, cơ sở dữ liệu về hộ tịch, trích lục hộ tịch. Đây là những bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính của công tác này, khắc phục tồn tại, hạn chế, vướng mắc, tạo sự gắn kết liên thông giữa các luật có liên quan trong quản lý dân cư của nhà nước hiện nay.

Vấn đề thứ hai về phạm vi điều chỉnh và bố cục của dự thảo luật, tôi cơ bản đồng tình với phạm vi điều chỉnh, bố cục của dự thảo luật đã được xác định rõ nội hàm về khái niệm hộ tịch cũng như đăng ký hộ tịch đã được quy định tại Điều 1, Điều 2 và Điều 3 của dự thảo luật. Tuy nhiên, vì phạm vi điều chỉnh có liên quan chặt chẽ với các luật như Luật nuôi con nuôi, Luật quốc tịch, Luật cư trú, Luật căn cước công dân mà Quốc hội đang thảo luận. Tôi đề nghị Ban soạn thảo nên rà soát để đảm bảo tính chặt chẽ, đồng bộ, thông suốt giữa các luật, tránh sự trùng lắp, vướng mắc khi triển khai trong thực tiễn.

Ở đây có vấn đề đặt ra là Luật hộ tịch và những vấn đề quy định về hộ tịch, nhất là giấy khai sinh phải khẳng định trong Luật hộ tịch là một trong những cơ sở làm căn cứ để cấp các giấy tờ tiếp theo cho công dân. Vấn đề này trong thực tiễn khi có sự không thống nhất giữa các giấy tờ của công dân thì các cơ quan thường đùn đẩy nhau, không thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về hộ tịch đã ghi ở trong Nghị định 158. Tôi đề nghị trong dự thảo đã thể hiện ở Khoản 3, Điều 14 nhưng thể hiện này cũng chưa được rõ ràng, đầy đủ. Rõ ràng tính pháp lý của các giấy tờ hộ tịch, đặc biệt là giấy khai sinh phải khẳng định đây là cơ sở gốc, căn cứ để làm, cấp phát các giấy tờ khác cho công dân trong suốt quá trình cuộc đời.

Tôi đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu các quy định hiện hành trong các nghị định, thông tư để bổ sung vào dự thảo như các quy định về đăng ký lại hộ tịch khi sổ lưu trữ không còn. Hiện nay chúng ta có cơ sở dữ liệu về hộ tịch, cơ sở dữ liệu dân cư nhưng trong trường hợp sổ thất lạc thì có đăng ký lại không. Khi sổ hộ tịch giấy thất lạc thì phục hồi sự kiện hộ tịch này như thế nào, phục hồi sổ như thế nào cũng chưa được quy định rõ ràng. Việc đăng ký quá hạn theo quy định của Nghị định 158, ví dụ khai sinh trong thời hạn 60 ngày, quá 60 ngày đăng ký quá hạn quy định như thế nào cũng chưa được quy định.

Cần thiết kế một điều giao cho Chính phủ quy định về thẩm quyền, trình tự cấp giấy xác nhận, tình trạng hôn nhân tại Khoản 4, Điều 18. Theo quan niệm của tôi là thiết kết một điều riêng. Có thể quan tâm thêm các giấy chứng sinh, giấy báo tử, ở góc độ nào đó thì các giấy tờ này cũng là những giấy tờ ghi lại sự kiện đầu tiên của sự kiện hộ tịch và làm căn cứ để cho việc công dân đăng ký về hộ tịch. Thực tế việc cấp giấy này rất đa dạng, phức tạp và cũng rất khó khăn cho công dân khi đăng ký hộ tịch, có nhiều trường hợp dẫn tới sai sót khi đăng ký hộ tịch và phải chỉnh sửa không cần thiết.

Trong dự thảo luật khi làm thủ tục đăng ký hộ tịch yêu cầu công dân phải cung cấp các giấy tờ thêm. Ví dụ, giấy tờ làm căn cứ chấm dứt giám hộ tại Điều 22, giấy tờ chứng minh quan hệ cha con, mẹ con tại Điều 25, giấy tờ liên quan làm căn cứ chứng minh yêu cầu thay đổi cải chính hộ tịch tại Khoản 1, Điều 28, giấy tờ làm căn cứ chứng minh xác định dân tộc tại Điều 48. Theo tôi luật cần quy định rõ vào trong luật hoặc giao cho Chính phủ hoặc Bộ Tư pháp hướng dẫn cụ thể các quy định về giấy tờ này để luật dễ hiểu và dễ thực hiện.

Một số nội dung mới của luật, về cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu về hộ tịch, cấp số định danh cá nhân, tôi hoàn toàn đồng tình với quy định này. Bởi đây là những nội dung rất mới và ứng dụng công nghệ tin học trong quản lý dân cư nói chung, đây là xu hướng tất yếu trong thời gian tới. Chính phủ cũng đã ban hành Đề án 896 đang triển khai rất quyết liệt. Tôi đồng tình với các đại biểu phát biểu sáng nay, nhất là đại biểu Kiên. Tôi đề nghị Chính phủ phải dứt khoát và quyết tâm trong việc triển khai Đề án 896 một cách có hiệu quả và làm cơ sở để cho Quốc hội tin tưởng rằng ban hành hai luật: Một là Luật căn cước công dân và Luật hộ tịch này sẽ đi vào thực tiễn cuộc sống. Tôi nghĩ rằng đây là một việc tất yếu chúng ta phải làm, nếu từ bây giờ Quốc hội không làm thì 5-10 năm chúng ta cũng không bao giờ có được cơ sở dữ liệu dân cư, vì đây là những công việc rất phức tạp đòi hỏi cả về nguồn lực, kinh phí, nhân lực và thời gian. Do vậy, bây giờ phải bắt đầu, quan điểm của tôi rất ủng hộ 3 nội dung này. Tất nhiên, Chính phủ có thể giải trình rõ thêm để đại biểu Quốc hội hiểu thêm về triển khai Đề án 896.

Về vấn đề cấp giấy khai sinh cho trẻ em, tôi hoàn toàn đồng tình với Báo cáo tiếp thu, giải trình của Chính phủ và các đại biểu khác cũng đã phân tích. Vì cấp giấy khai sinh hoàn toàn khác với bản chất của cấp căn cước, do vậy không thể cấp căn cước thay cho giấy khai sinh khi trẻ em sinh ra. Không có thời gian nên tôi không phân tích nhưng tôi đề nghị dù gì chăng nữa việc cấp giấy khai sinh cho trẻ em là một nội dung của đăng ký hộ tịch rất quan trọng, một công việc của quản lý hộ tịch, không thể khác được. Tôi nghĩ dù rằng sau này, nếu điều kiện cho phép có thể cấp căn cước cho trẻ em khi khai sinh thì chúng ta vẫn cấp bình thường, có thể trẻ em sử dụng căn cước ấy để giao dịch như đại biểu Nguyễn Đức Chung sáng nay phát biểu, nhưng giấy khai sinh vẫn phải cấp để đảm bảo căn cứ ban đầu, đầu tiên quan trọng làm các căn cứ cấp giấy tờ sau này cho công dân. Tôi đề nghị chỗ này chúng ta thống nhất quan điểm như vậy.

Về một số nội dung khác, về phân cấp tôi đồng tình với phân tích của đại biểu Lù Thị Lừu vừa rồi, tôi rất băn khoăn và đề nghị Chính phủ xem xét lộ trình, vì hiện nay phân cấp cho phòng tư pháp thực hiện đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài rất khó khăn về điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất. Xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan