Đại biểu Lù Thị Lừu tỉnh Lào Cai góp ý dự thảo Luật hộ tịch tại kỳ họp thứ 7 của QH
Lù Thị Lừu - Lào Cai
Kính thưa Quốc hội,
Qua nghiên cứu dự án Luật hộ tịch, tôi nhất trí cao với sự cần thiết ban hành luật. Tôi xin tham gia phát biểu một số ý kiến như sau:
Về thẩm quyền đăng ký hộ tịch tại Khoản 2, Điều 5 quy định việc giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện đăng ký việc khai sinh, kết hôn, giám hộ, cha, mẹ, nuôi con nuôi, khai tử có yếu tố nước ngoài. Hiện tại thẩm quyền này do Sở Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện. Theo tôi, nội dung quy định tại khoản này không phù hợp với thực tiễn, với những lý do sau:
Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp tại Hội nghị tổng kết công tác hộ tịch năm 2012 cho thấy số cán bộ tư pháp hộ tịch trên toàn quốc có trình độ đại học luật chiếm tỷ lệ 27%, còn lại 50% là trung cấp luật và 23% chưa có bằng về luật, chỉ qua đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn. Có thể thấy rằng số liệu trên là mối liên hệ tương quan với trình độ, năng lực, nghiệp vụ của cán bộ tư pháp cấp huyện. Việc giao cho cán bộ tư pháp cấp huyện thực hiện nội dung như dự thảo khó có thể đáp ứng được yêu cầu công việc. Hiện nay phòng tư pháp cấp huyện số cán bộ rất ít, chỉ có từ ba đến bốn cán bộ nhưng phải đảm nhiệm nhiều công việc như công tác thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, công tác theo dõi, xử lý vi phạm hành chính, hòa giải cơ sở, bồi thường nhà nước và việc chứng thực phải bố trí từ một đến hai chuyên viên tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra hồ sơ, vào sổ và nhiều công việc khác. Với số lượng cán bộ ít, công việc nhiều và việc chuyển giao thẩm quyền đăng ký hộ tịch từ cấp tỉnh về cấp huyện sẽ gặp không ít khó khăn cho cấp huyện.
Mặt khác, việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài hồ sơ rất phức tạp, giấy tờ do cơ quan thẩm quyền cấp bằng tiếng nước ngoài qua các nước hợp pháp hóa lãnh sự mới có giá trị pháp lý để đăng ký hộ tịch tại Việt Nam. Việc này đòi hỏi cán bộ hộ tịch phải có trình độ ngoại ngữ, tin học, nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu của công việc. Vậy liệu trình độ ngoại ngữ của cán bộ tư pháp cấp huyện hiện nay có đáp ứng được yêu cầu hay không.
Từ những lý do nêu trên tôi đề nghị giữ nguyên thẩm quyền, giải quyết hộ tịch có yếu tố nước ngoài cho sở tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Để rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ dự thảo luật cần nghiên cứu theo hướng phân cấp cho Sở tư pháp thực hiện quyền giải quyết việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài mà không phải chuyển đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh như hiện nay.
Về phương thức yêu cầu đăng ký hộ tịch, tại Khoản 1, Điều 9 quy định khi yêu cầu đăng ký hộ tịch, cấp trích lục hộ tịch, cá nhân có thể trực tiếp nộp hồ sơ cho cơ quan đăng ký hộ tịch gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính trong ngoài nước hoặc gửi qua hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến.
Tôi tán thành cao với Tờ trình của Chính phủ quy định như vậy là tạo điều kiện cho người dân lựa chọn phương thức đăng ký phù hợp, thuận lợi cho việc đăng ký hộ tịch. Tuy nhiên liên hệ với thực tế cho thấy phương thức gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc qua trực tuyến có thể thuận lợi đối với một số sự kiện hộ tịch đơn giản nhưng lại có những sự kiện hộ tịch cần phải được hướng dẫn cụ thể, ví dụ như sự kiện thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc. Tôi đề nghị quy định rõ sự kiện hộ tịch nào cần được thực hiện theo phương thức gửi qua bưu chính hoặc qua trực tuyến và sự kiện hộ tịch nào cần phải đăng ký trực tiếp để có những hướng dẫn cụ thể cho công dân.
Tại Khoản 2, Điều 9 quy định khi làm thủ tục đăng ký hộ tịch, cấp trích lục hộ tịch, cá nhân xuất trình thẻ căn cước công dân theo quy định của Luật căn cước công dân cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Quy định như vậy theo tôi hiểu khi đăng ký hộ tịch thì dù theo hình thức nào công dân đều phải xuất trình thẻ căn cước công dân. Vậy nếu gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc gửi qua hệ thống trực tuyến thì công dân có phải xuất trình thẻ căn cước hay không. Nếu có thì xuất trình với ai và bằng hình thức nào, việc này dự thảo luật chưa quy định rõ để tránh những bất cập sau này, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung thêm.
Về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện tại Điểm e, Khoản 2, Điều 69 quy định "Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền thu hồi, hủy bỏ giấy tờ hộ tịch do Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trái quy định của luật này". Theo dự thảo luật nếu cấp xã cấp trái quy định thì cấp huyện có thẩm quyền thu hồi. Vậy nếu cấp huyện cấp trái quy định thì cấp nào thu hồi, hủy bỏ giấy tờ hộ tịch. Vì tại Khoản 1, Điều 69, dự thảo luật không quy định thẩm quyền thu hồi đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cũng không quy đinh thẩm quyền này cho cấp huyện. Vậy tôi đề nghị luật cần bổ sung thêm thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ giấy tờ hộ tịch đối với cấp tỉnh hoặc thẩm quyền cho cấp huyện thu hồi cùng cấp.
Theo dự thảo luật quy định sự kiện hộ tịch bao gồm giấy khai sinh, kết hôn, giám hộ, khai tử v.v... Nếu căn cứ thực hiện theo Điểm e, Khoản 2, Điều 69 thì Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ cả giấy đăng ký kết hôn. Tuy nhiên tại Điều 15, Luật hôn nhân và gia đình quy định thẩm quyền hủy bỏ giấy kết hôn trái pháp luật thuộc về tòa án nhân dân. Như vậy nội dung giữa hai luật này chưa thống nhất. Để tránh những vướng mắc khi thực thi luật và tránh những chồng chéo thẩm quyền giữa các cơ quan, tôi đề nghị bổ sung cụm từ "Trừ việc kết hôn trái pháp luật" vào cuối Điểm e, Khoản 2, Điều 69.
Về việc cấp giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn. Theo quy định tại Điều 16 về đăng ký giấy khai sinh và Điều 38 về đăng ký giấy kết hôn. Tại hai điều này vẫn quy định việc cấp bản chính giấy khai sinh và giấy đăng ký kết hôn cho công dân. Tôi đồng tình cao với quy định này. Đồng thời, tôi cũng nhất trí cao với ý kiến phân tích của đại biểu Dũng, đoàn Hà Tĩnh. Tuy nhiên, tôi còn băn khoăn về quan hệ giữa luật này với Luật căn cước công dân. Theo Luật căn cước công dân quy định sẽ cấp thẻ căn cước cho công dân từ khi mới sinh cho đến 14 tuổi.
Theo ý kiến phân tích thảo luận của một số đại biểu tại hội trường sáng nay cho rằng cấp thẻ căn cước cho trẻ mới sinh cho đến 14 tuổi sẽ có nhiều thuận lợi khi thực hiện một số giao dịch. Đại biểu cũng đánh giá việc thực hiện thí điểm cấp chứng minh thư nhân dân 12 chữ số rất có hiệu quả và với số lượng cấp hiện nay cũng tương đối lớn. Theo tôi hiệu quả này đối với bên quản lý nhà nước, nhưng đối với công dân thì hiệu quả phải tạo sự thuận lợi khi giao dịch và giảm bớt một số giấy tờ. Theo tôi được biết hiện nay có một số công dân sử dụng số chứng minh thư này khi giao dịch cũng gặp không ít khó khăn. Vì vậy cần cân nhắc lại việc cấp thẻ căn cước cho trẻ từ khi sơ sinh cho đến 14 tuổi hay không, vì Luật hộ tịch cấp giấy khai sinh có các thông tin trùng với thẻ căn cước công dân. Vấn đề này sáng nay nhiều đại biểu đã phân tích trong Luật căn cước công dân. Qua đây tôi cũng thể hiện sự đồng tình cao với quan điểm của đại biểu Nghĩa, đoàn thành phố Hồ Chí Minh là cần cung cấp thêm các thông tin liên quan đến tính khả thi của Luật căn cước công dân cho đại biểu, theo đó tôi cũng đề nghị cần thực hiện quyết liệt hơn Đề án 896 và tiếp tục rà soát khắc phục sự chồng chéo giữa các giấy tờ của công dân. Xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc Hội