Đại biểu Trịnh Ngọc Phương tỉnh Tây Ninh góp ý dự thảo Luật hộ tịch tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại biểu Lê Đắc Lâm tỉnh Bình Thuận góp ý dự thảo Luật hộ tịch tại kì họp thứ 7 của QH
Lê Đắc Lâm - Bình Thuận
Kính thưa Quốc hội,
Qua nội dung dự án Luật hộ tịch trình Quốc hội lần này, trên cơ sở báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật Quốc hội và gợi ý của Đoàn thư ký, tôi xin tham gia ý kiến như sau:
Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh quan hệ giữa hộ tịch và hộ khẩu. Nói đến hộ tịch là nói đến hoạt động khoa học quản lý nhà nước về hộ tịch mà những nước trên thế giới đã và đang áp dụng cơ bản thống nhất theo quy định của quốc gia đó trong việc xác định nhân thân của cá nhân, bao gồm đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn, nhận con nuôi v.v... Do vậy, phạm vi điều chỉnh của Luật hộ tịch liên quan đến nhiều mối quan hệ nhân thân cá nhân từ lúc mới sinh ra đến khi chết. Xét dự án Luật hộ tịch khá đầy đủ, vừa đảm bảo yêu cầu hội nhập quốc tế về hộ tịch, vừa đảm bảo phát huy quyền con người theo quy định của Hiến pháp năm 2013.
Về quan hệ giữa hộ tịch và hộ khẩu đều quản lý con người từ lúc sinh ra đời cho đến khi chết. Do đó, phạm vi điều chỉnh về hộ tịch và hộ khẩu đều đi sâu bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân mà Hiến pháp đã quy định. Nhưng phạm trù quản lý, phương pháp áp dụng và khai thác thông tin khác nhau, nhất là quản lý hộ khẩu không chỉ biết nơi cư trú cá nhân mà quan trọng là nắm bắt kịp thời mọi diễn biến con người từ lúc mới sinh ra đời cho đến khi chết và cả những người trong cùng một hộ.
Quản lý hộ tịch là đăng ký ghi chép vào sổ những điều của cá nhân từ lúc sinh ra đời cho đến khi chết. Như vậy quản lý hộ tịch và hộ khẩu đều khai thác thông tin về một con người nhưng phục vụ ở hai lĩnh vực khác nhau trong đó hộ khẩu khai thác thông tin sâu hơn theo Luật cư trú phục vụ kịp thời các hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Nên tôi nhận thấy không cần thiết mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật theo hướng bao gồm cả hộ khẩu bởi lẽ Luật cư trú số 36, 2013 sửa đổi, bổ sung đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 20/6/2013 đang có hiệu lực pháp luật. Theo tờ trình số 80 ngày 4/4/2014 của Chính phủ trình Quốc hội thông qua dự án Luật căn cước công dân theo lộ trình cấp thẻ căn cước công dân, sau khi hoàn thành cơ sở hạ tầng và tích hợp đầy đủ dữ liệu công dân sẽ bỏ hộ khẩu.
Vấn đề thứ hai về mối quan hệ giữa giấy khai sinh với thẻ căn cước công dân theo quy định của dự thảo Luật căn cước công dân. Theo tờ trình của dự án luật trong giai đoạn hiện nay cần duy trì việc cấp giấy khai sinh cho trẻ em, đồng thời cũng có quy định tại dự thảo Luật căn cước công dân thì sẽ tiến hành việc cấp thẻ căn cước công dân cho cá nhân khi làm thủ tục khai sinh. Tuy nhiên, giấy khai sinh và thẻ căn cước công dân, mặc dù có một số thông tin về cá nhân giống nhau những vẫn còn nhiều thông tin của cá nhân chưa thống nhất.
Thứ nhất, theo Luật hộ tịch đối với giấy khai sinh và một số thống tin cá nhân giống thẻ căn cước công dân thì cần phải ghi thêm quốc tịch, tên cha mẹ và địa chỉ. Mọi người có quyền yêu cầu truy nguyên quốc tịch trong trường hợp giấy khai sịnh không có tên cha mẹ thì người có quyền truy tìm cha mẹ cho mình và yêu cầu cơ quan chức năng bổ sung tên cha mẹ, quốc tịch vào giấy khai sinh trong khi thẻ căn cước công dân không đáp ứng yêu cầu này.
Thứ hai, có những vấn đề diễn ra trong thực tiễn mà thẻ căn cước công dân không thích ứng kịp thời đối với các trường hợp trẻ em sau khi sinh ra 24 giờ thì chết. Theo quy định của pháp luật thì người thân trẻ em phải đến phường, xã, thị trấn nơi cư trú để khai sinh và khai tử cùng một lúc theo Nghị định số 158 ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký quản lý hộ tịch. Về thủ tục kê khai rất đơn giản, chỉ cần nộp thêm giấy báo sinh và giấy báo tử cho công chức tư pháp hộ tịch cấp xã và cấp huyện để được giải quyết kịp thời cả hai loại giấy khai sinh, khai tử và ký vào sổ hộ tịch.
Theo dự thảo Luật căn cước công dân thì công dân Việt Nam và người nước người phải đi lại hai nơi là cơ quan công an, Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc huyện để đăng ký hai loại giấy tờ là thẻ căn cước công dân và giấy khai tử với trường hợp nêu trên sẽ gây ra sự phiền toái cho công dân và người nước ngoài đi lại nhiều nơi.
Thứ ba, theo dự án Luật hộ tịch và dự án Luật căn cước, mỗi người được mang một số định danh cá nhân suốt đời, được ghi vào sổ hộ tịch, giấy khai sinh, thẻ căn cước công dân. Để quản lý thống nhất sổ định danh cá nhân về mặt nhà nước, đề nghị Quốc hội nên giao cho một bộ quản lý, giúp Chính phủ theo dõi chặt chẽ tránh sự chồng chéo. Theo đó, tôi nhận thấy khai sinh là một bộ phận của quản lý hộ tịch không thể tách rời, được xem xét là tiền đề để cấp thẻ căn cước công dân khi công dân được 14 tuổi. Do đó, tôi đồng ý theo Tờ trình của Chính phủ như tại Điều 3 về nội dung đăng ký hộ tịch của dự án Luật hộ tịch và duy trì cấp giấy khai sinh cho trẻ em.
Về giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn. Đây là hai loại giấy tờ mà công dân thường sử dụng trong quan hệ giao dịch, đi lại, học hành, đặc biệt các thông tin như giấy khai sinh là cơ sở để xác định cụ thể nhân thân cá nhân của trẻ em dưới 14 tuổi như họ tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, họ, tên cha mẹ, địa chỉ và phục vụ cho việc cấp các văn bằng, chứng chỉ, truy tìm trẻ em thất lạc v.v... giấy kết hôn thì tạo thuận lợi cho cặp vợ chồng đi lại tham quan, du lịch, giải quyết tranh chấp về dân sự. Do đó, tôi thống nhất đăng ký khai sinh và đăng ký kết hôn được quy định tại các Điều 16, 18, 36, 38, về thủ tục đăng ký khai sinh, thủ tục đăng ký kết hôn của dự án Luật hộ tịch.
Vấn đề thứ tư là thẩm quyền đăng ký hộ tịch ở Điều 5. Theo dự án Luật hộ tịch quy định "cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký về hộ tịch là Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài" là phù hợp với yêu cầu hiện nay. Về cá nhân, tôi cơ bản nhất trí Điều 5 của dự án luật. Tuy nhiên, còn một số vấn đề dự thảo luật chưa quy định rõ. Về cụm từ "công dân Việt Nam ở nước ngoài" và "công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài" quy định tại Điều 5 và một số điều, từ Điều 35 đến 51, đây là hai khái niệm khác nhau, đề nghị nên đưa cụm từ này vào giải thích từ ngữ ở Điểm 4 thế nào là công dân Việt Nam ở nước ngoài và công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài để cho rõ ràng trong dự luật. Đối với trường hợp đều là công dân Việt Nam, một người cư trú trong nước, một người ở nước ngoài với lý do công tác, lao động, học tập thì đăng kết hôn tại đâu, Ủy ban nhân dân cấp xã hay cơ quan đại diện? Đề nghị nên bổ sung trường hợp này vào luật.
Vấn đề thứ năm, về công chức tư pháp hộ tịch. Việc đặt chức danh cho công chức làm công tác tư pháp hộ tịch là cần thiết và phải đảm bảo tính thống nhất, đó là công chức được phân công làm công tác chuyên trách về hộ tịch đều được gọi chức danh như nhau. Trong khi đó tại Điều 71 đến 73 của dự thảo Luật hộ tịch lại phân biệt chức danh giữa công chức làm hộ tịch ở cấp xã được gọi là công chức tư pháp hộ tịch, còn công chức làm công tác hộ tịch của phòng tư pháp cấp huyện và cơ quan đại điện thì không quy định tên gọi. Do đó, tại Mục 2, Chương VI của dự Luật hộ tịch đề nghị xem xét, sửa đổi, bổ sung thống nhất chức danh công chức làm công tác hộ tịch của các cấp là công chức tư pháp hộ tịch và quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tiêu chuẩn của công chức tư pháp hộ tịch ở cấp xã, cấp huyện và tại cơ quan đại diện. Tôi xin hết. Xin cảm ơn Quốc hội.