Đại biểu Trịnh Ngọc Phương tỉnh Tây Ninh góp ý dự thảo Luật hộ tịch tại kỳ họp thứ 7 của QH

Thứ Hai 15:52 01-12-2014

Trịnh Ngọc Phương - Tây Ninh

Kính thưa chủ tọa,

Kính thưa Quốc hội.

Trước tiên, tôi thống nhất cao sự cần thiết ban hành của Luật hộ tịch. Qua nghiên cứu dự thảo luật và một số báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi xin góp một số vấn đề sau:

Trước khi phân tích tôi xin khái quát một số thuật ngữ.

Thứ nhất,  việc đăng ký và cá nhân tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình đối với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về một sự kiện nào đó theo quy định để được đăng ký cá nhân, tổ chức phải thực hiện những thủ tục đã được xác định.

Cơ quan đăng ký là cơ quan có thẩm quyền giải quyết các yêu cầu đăng ký của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật trong dự thảo. Cơ quan đăng ký hộ tịch là Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban cấp huyện, cơ quan đại diện ngoại giao được quy định tại Khoản 1, Điều 4 của dự thảo. Xác nhận lại việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận và xác thực một sự kiện nào đó theo yêu cầu của tổ chức và cá nhân. Việc xác nhận được thực hiện bằng lời nói, văn bản hoặc các kênh thông tin. Nếu xác nhận bằng văn bản, văn bản sẽ được chuyển giao cho chủ thể có yêu cầu

Về phân tích và kiến nghị.

Vấn đề thứ nhất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 2 quy định hộ tịch và đăng kí  hộ tịch. Tại Khoản 1, Điều 6 dự thảo có quy định công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam có quyền, nghĩa vụ đăng kí hộ tịch. Như vậy đăng kí hộ tịch vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của cá nhân. Khi cá nhân đăng kí hộ tịch thì cơ quan có thẩm quyền có nghĩa vụ giải quyết yêu cầu đó. Cơ quan có thẩm quyền, ví dụ như công an cấp xã, cấp huyện,vv.. không thể là chủ thể đăng kí hộ tịch mà phải là chủ thể giải quyết việc đăng kí hộ tịch của cá nhân.

Tại Khoản 2, Điều 2 của dự thảo về hộ tịch và đăng kí hộ tịch có quy định đăng kí hộ tịch là việc buộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc ghi vào sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch của cá nhân, tạo cơ sở pháp lí để nhà nước bảo hộ quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân, thực hiện quản lí về dân cư phục vụ  phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tôi cho rằng quy định này chưa ổn, bởi các lí do như đã phân tích. Đăng kí hộ tịch không thể là việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đây là quyền và nghĩa vụ của cá nhân. Cơ quan có thẩm quyền là chủ thể giải quyết việc đăng kí hộ tịch của cá nhân.

Tại Khoản 3, Điều 4 có quy định sổ hộ tịch là sổ giấy được lập và lưu giữ tại cơ quan đăng kí hộ tịch v.v... Như vậy sổ hộ tịch là sổ do cơ quan đăng kí hộ tịch lập để ghi chép những sự kiện về hộ tịch và sổ này luôn được cơ quan cất giữ. Việc ghi chép các sự kiện về hộ tịch vào sổ hộ tịch không thể gọi là xác nhận được. Theo tôi, không thể mình lại xác nhận một sự kiện của người khác vào cái của mình, sau lại đem đi cất giữ. Khi có một sự kiện hộ tịch xảy ra phải có đầy đủ các yếu tố như sau mới giải quyết được. Thứ nhất, sự kiện hộ tịch là có thật. Thứ hai, chủ thể có quyền và nghĩa vụ phải đăng kí theo trình tự quy định. Hệ quả là được chấp nhận bằng hành vi cụ thể. Ví dụ, đăng kí khai sinh cho trẻ em mới sinh được ghi các thông tin vào sổ hộ tịch và cấp giấy khai sinh. Hành động này là cụ thể cho việc giải quyết đăng kí khai sinh.

Trên cơ sở phân tích như trên, tôi xin kiến nghị điều chỉnh Điều 2 của dự thảo như sau: thuật ngữ " xác nhận" thay bằng " công nhận và cập nhật". Do đó, tiêu đề Điều 2 đề nghị thay đổi " hộ tịch và đăng kí hộ tịch " thành " hộ tịch, đăng kí và giải quyết yêu cầu đăng kí hộ tịch". Đối với nội dung tại Điều 2, tôi xin thay đổi một số nội dung và bổ sung thêm một khoản như sau: Khoản 1, giữ nguyên nội dung, Khoản 2 sửa đổi bổ sung đăng kí hộ tịch là việc cá nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ về hộ tịch. Khoản 3 bổ sung giải quyết việc đăng kí hộ tịch là việc cơ quan đăng kí hộ tịch công nhận cập nhật các sự kiện hộ tịch vào sổ hộ tịch theo yêu cầu của cá nhân.

Vấn đề thứ hai, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 3 nội dung về đăng kí hộ tịch. Về thủ tục Điều 3 phân bổ những sự kiện hộ tịch có tính mới, chưa trải qua một thủ tục pháp lí nào. Ví dụ là không có bản án quyết định hoặc thủ tục tại nước ngoài được xác nhận vào hộ tịch các sự kiện hộ tịch. Ở Khoản 1 của Điều này các sự kiện hộ tịch  đã trải qua các thủ tục pháp lí tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền Việt Nam được ghi vào sổ hộ tịch việc thay đổi v.v... Ở Khoản 2, các sự kiện hộ tịch do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài giải quyết được ghi ở Khoản 3.

Trước tiên, để dễ phân biệt, tôi hoàn toàn đồng ý với việc bố cục như trên. Tuy nhiên, dù để xác nhận hay ghi vào sổ hộ tịch thì cũng là việc cơ quan đăng kí cập nhật những thông tin hộ tịch của cá nhân. Tôi cho rằng thuật ngữ "xác nhận" tại Khoản 1 là chưa phù hợp. Tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung tiêu đề của Khoản 1, Điều 3 như sau: Khoản 1 xác nhận vào sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch sửa đổi thành cơ quan đăng ký hộ tịch cập nhật vào sổ hộ tịch các sự kiện sau.

Về nội dung xác định lại dân tộc ở Điểm d, Khoản 1, Điều 3. Tại Khoản 8, Điều 4 quy định xác định lại dân tộc là việc cá nhân yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc theo quy định của Bộ luật dân sự. Như vậy, để xác định lại dân tộc, cá nhân phải được một cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận bằng văn bản để thống nhất về tiêu chí và các khoản tại Điều 3. Tôi kiến nghị chuyển nội dung xác định lại dân tộc từ Điểm d, Khoản 1, Điều 3 thành Điểm d, Khoản 2, Điều 3, các điểm tiếp theo được đẩy lùi theo thứ tự.

Về nội dung tại Khoản 3, Điều 3 ghi vào sổ hộ tịch sự kiện khai sinh, kết hôn, ly hôn, hủy việc kết hôn, giám hộ, nhận cha mẹ nuôi, con nuôi, nuôi con nuôi, thay đổi hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Như vậy nếu công dân Việt Nam chết ở nước ngoài, ví dụ đi du lịch bị tai nạn và được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác thực thì nằm trong trường hợp nào và việc đăng ký tại cơ quan đăng ký hộ tịch được giải quyết ra sao? Tôi cho rằng Khoản 3, Điều 3 đã thống kê sót trường hợp này. Tôi kiến nghị bổ sung như sau:  ghi vào sổ hộ tịch sự kiện khai sinh, khai tử, kết hôn, ly hôn, hủy việc kết hôn, giám hộ, nhận cha mẹ nuôi, con nuôi, nuôi con nuôi, thay đổi hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

Vấn đề thứ ba, thuật ngữ thẩm quyền đăng ký quy định tại Khoản 7, Điều 4, tiêu đề Điều 5 và Khoản 4, Điều 5 của dự thảo, như đã khái quát ở trên, đăng ký hộ tịch là quyền và nghĩa vụ của cá nhân, cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền giải quyết các yêu cầu về việc đăng ký hộ tịch, chủ thể yêu cầu là cá nhân đăng ký, chủ thể giải quyết là cơ quan có thẩm quyền, chủ thể có thẩm quyền giải quyết không thể là chủ thể đăng ký yêu cầu. Chẳng hạn tại Bộ luật Tố tụng dân sự có quy định cá nhân, tổ chức có quyền khởi kiện, yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng vụ án dân sự, có quyền yêu cầu giải quyết việc dân sự, thẩm quyền của tòa án là xét xử vụ án, công nhận hoặc không công nhận việc dân sự, tòa án không thể là chủ thể có thẩm quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu việc dân sự. Vì vậy thuật ngữ "thẩm quyền đăng ký" tại Khoản 7, Điều 4 và tiêu đề tại Điều 5 theo tôi chưa thích hợp, cụ thể dự thảo nêu tại Khoản 7, Điều 4 quy định: thay đổi hộ tịch là việc cá nhân yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc thay đổi những thông tin trong cơ sở dữ liệu hộ tịch khi có lý do chính đáng theo quy định của Bộ luật Dân sự hoặc thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại Khoản 2, Điều 3 của luật này.

Tôi kiến nghị thay đổi thuật ngữ "đăng ký" thành "giải quyết" tại Khoản 7, Điều 4. Như vậy Khoản 7, Điều 4 được chỉnh lại như sau: thay đổi hộ tịch là việc cá nhân yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch giải quyết việc thay đổi những thông tin trong cơ sở dữ liệu hộ tịch khi có lý do chính đáng theo quy định của Bộ luật Dân sự hoặc thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại Khoản 2, Điều 3 của luật này.

Theo đó tôi kiến nghị tiêu đề Điều 5 cũng được chỉnh là thẩm quyền giải quyết đăng ký hộ tịch.

Tương tự như vậy, tiêu đề Khoản 4, Điều 5 thẩm quyền đăng ký hộ tịch theo nơi cư trú của luật này, kiến nghị sửa thành: Thẩm quyền giải quyết việc đăng ký hộ tịch theo nơi cư trú.

Về sửa đổi thuật ngữ, tương tự như trên tôi kiến nghị thay đổi thuật ngữ "thẩm quyền đăng ký" thành "thẩm quyền giải quyết việc đăng ký" tại tiêu đề các Điều 13, 17, 19, 24, 27, 32, 35, 37, 39, 43, 46, 51. Về nội dung thuật ngữ "thực hiện đăng ký" thành "thực hiện giải quyết đăng ký" tại Khoản 1, 3, Điều 5, Điều 17, Điều 19, Điều 24, Khoản 1, 2 Điều 32, Khoản 1, 2, Điều 35, Khoản 1,2 Điều 37, Điều 39, Điều 43, Khoản 1 và 2 Điều 51. Tôi xin hết. Cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan