Đại biểu Đặng Thị Kim Liên tỉnh Yên Bái góp ý dự thảo Luật hộ tịch tại kỳ họp thứ 7 của QH

Thứ Hai 15:46 01-12-2014

Đặng Thị Kim Liên - Yên Bái

Kính thưa Chủ toạ phiên họp,

Kính thưa Quốc hội.

Nghiên cứu dự thảo Luật căn cước, Luật hộ tịch và các tài liệu liên quan, tôi xin tham gia một số ý kiến sau:

Tôi nhất trí việc ban hành Luật hộ tịch và quy định công tác đăng ký hộ tịch trên cơ sở tin học hóa. Tuy nhiên, để bảo đảm việc quản lý bí mật thông tin cá nhân như dự thảo luật định hướng đến, tôi đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ hơn nguyên tắc về cập nhật, tiếp cận, khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Đối với một số điều khoản cụ thể, tôi xin tham gia như sau:

Thứ nhất, về thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch Điều 28 và thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch, bổ sung thông tin hộ tịch Điều 45. Việc thay đổi cải chính hộ tịch, bổ sung thông tin hộ tịch thực tế có nhiều vướng mắc giữa giấy khai sinh và giấy tờ khác của công dân. Thực trạng nhiều công dân sinh từ năm 1975 trở về trước không lưu giữ được giấy khai sinh và Ủy ban nhân dân xã nơi đăng ký khai sinh trước đây không còn lưu giữ được sổ đăng ký khai sinh. Khi công dân đi làm lại, hoặc đổi giấy chứng minh nhân dân lại có sự sai lệch về chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh, muốn làm thủ tục cải chính hộ tịch tại Ủy ban nhân dân huyện, nơi đăng ký khai sinh, ngoài giấy chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu thì không còn lưu giữ được các giấy tờ nào khác dẫn đến không thể làm thủ tục cải chính hộ tịch. Cơ quan công an không thể cấp đổi, cấp lại giấy chứng minh nhân dân cho công dân mà tiến tới là thẻ căn cước.

Do đó, để bảo đảm tính pháp lý chặt chẽ khi giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch, bổ sung thông tin hộ tịch, đề nghị quy định một khoản đó là Chính phủ quy định chi tiết hoặc Bộ Tư pháp có hướng dẫn cụ thể thủ tục giấy tờ liên quan làm căn cứ chứng minh yêu cầu thay đổi cải chính  hộ tịch, bổ sung thông tin hộ tịch.

Thứ hai, về những việc công chức tư pháp hộ tịch không được làm Điều 73. Khoản 9, Điều 73 quy định "Quy định tại điều này cũng được áp dụng đối với công chức đảm nhiệm công tác hộ tịch của phòng tư pháp, viên chức ngoại giao, lãnh sự làm công tác hộ tịch tại cơ quan đại diện". Để nêu cao tính trách nhiệm của công chức đảm nhiệm công tác hộ tịch tôi đề nghị tách Khoản 9, Điều 73 thành một điều với 3 khoản cụ thể như sau, xin tạm gọi là điều mới, trách nhiệm của công chức đảm nhiệm công tác hộ tịch của phòng tư pháp, viên chức ngoại giao, lãnh sự làm công tác hộ tịch tại cơ quan đại diện.

Khoản 1, công chức đảm nhiệm công tác hộ tịch của phòng tư pháp, viên chức ngoại giao, lãnh sự làm công tác hộ tịch tại cơ quan đại diện tuân thủ các quy định về đăng ký và quản lý hộ tịch của luật này và Luật cán bộ, công chức.

Khoản 2, chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản về pháp luật và thực hiện đăng ký hộ tịch theo đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục quy định tại luật này.

Khoản 3, không thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 12 và Điều 73 của luật này.

Thứ ba, về thủ tục đăng ký kết hôn cấp xã Điều 18. Đề nghị bổ sung 2 khoản quy định người đăng ký kết hôn phải có giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền xác nhận người đăng ký kết hôn có năng lực, hành vi dân sự, không mắc các bệnh tâm thần và các bệnh khác, các văn bản xác nhận đối với người kết hôn lần thứ hai trở lên do một bên vợ, chồng chết hoặc ly hôn. Cụ thể bổ sung lại là:

Khoản 1: hai bên nam, nữ nộp giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận người đó không mắc các bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.

Khoản 2: ngoài văn bản yêu cầu đăng ký kết hôn theo mẫu quy định cần xuất trình giấy tờ xác nhận một bên vợ, chồng đã chết hoặc bản án quyết định, trích lục của tòa án về việc đã ly hôn.

Thứ tư, về trách nhiệm thông báo khi có sự thay đổi hộ tịch của cá nhân ở Điều 30. Khoản 1, Điều 30 quy định trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật hoặc ban hành quyết định liên quan đến thay đổi hộ tịch của cá nhân theo quy định tại Khoản 2, Điều 3 của luật này, tòa án nhân dân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kèm theo trích lục bản án đã có hiệu lực pháp luật, bản sao quyết định đó cho Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký các sự kiện hộ tịch có liên quan của người đó để ghi vào sổ hộ tịch. Tôi thấy việc quy định trách nhiệm tòa án nhân dân trong Luật hộ tịch là chưa thống nhất với quy định tố tụng hiện hành trong từng lĩnh vực hình sự, dân sự cụ thể, ví dụ theo quy định tại Điều 241 về cấp trích lục bản án của Bộ luật tố tụng dân sự quy định:

Một, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc phiên tòa, các đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện được tòa án cấp trích lục bản án;

Hai, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án, tòa án phải giao gửi bản án cho các đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện và viện kiểm sát cùng cấp.

Như vậy, Khoản 1, Điều 30 của dự thảo Luật hộ tịch quy định trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực tòa án nhân dân có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kèm trích lục bản án có hiệu lực pháp luật cho Ủy ban nhân dân là chưa thống nhất với Điều 241 Bộ luật tố tụng dân sự, đồng thời chưa bảo đảm về nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 đó là đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật. Do đó, tôi đề nghị không kết cấu quy định trách nhiệm của tòa án trong Luật hộ tịch, các hoạt động tố tụng của tòa án nên để pháp luật chuyên ngành trong hoạt động tố tụng điều chỉnh, tránh chồng chéo, không thống nhất dẫn đến khó thực hiện trong thực tiễn thi hành pháp luật. Nếu luật vẫn để Khoản 1 quy định trách nhiệm của tòa án trong Luật hộ tịch. Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định lại cho bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật như tôi nêu ở trên để việc thực hiện được thuận tiện và hiệu quả. Tôi hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan