Đại biểu Đặng Thị Kim Liên tỉnh Yên Bái góp ý dự thảo Luật hộ tịch tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại biểu Trần Tiến Dũng tỉnh Hà Tĩnh góp ý dự thảo Luật hộ tịch tại kỳ họp thứ 7 của QH
Trần Tiến Dũng - Hà Tĩnh
Kính thưa Quốc hội,
Tôi rất đồng tình với sự cần thiết phải ban hành Luật hộ tịch và đánh giá rất cao kết quả chuẩn bị của cơ quan trình dự án đã thực hiện một bước cải cách hành chính khá mạnh mẽ và đổi mới trong công tác đăng ký quản lý hộ tịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại hơn và thuận tiện hơn cho công dân.
Về cơ bản các nội dung quy định trong dự thảo luật đã khá toàn diện và bao quát, chúng tôi tin tưởng thi hành Luật hộ tịch sẽ tạo được thuận lợi hơn cho người dân trong thực hiện quyền của mình, giảm bớt được nhiều giấy tờ tùy thân và tăng cường được sự quản lý nhà nước đối với Luật hộ tịch, quản lý đối với dân cư, công dân. Theo gợi ý của Đoàn thư ký, tôi xin tham gia vào một số nội dung sau:
Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh, tôi đồng tình với phạm vi điều chỉnh của luật này như đã diễn đạt tại Điều 1 chỉ nên điều chỉnh về hộ tịch quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch, nguyên tắc, thẩm quyền, thủ tục đăng ký hộ tịch, cơ sở dữ liệu về hộ tịch và công tác quản lý nhà nước về hộ tịch. Như nêu tại Điều 1 không điều chỉnh các nội dung liên quan đến hoạt động hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân v.v... đối với các nội dung này là hoạt động của một cơ quan nhà nước trong thực hiện quản lý để phục vụ cho công tác đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn xã hội, nó không bao hàm quản lý dân cư và công dân như điều chỉnh của Luật hộ tịch và việc này không được điều chỉnh trong Luật hộ tịch là đúng.
Thứ hai, chúng tôi đồng tình với việc duy trì việc cấp giấy khai sinh và giấy chứng nhận hôn nhân quy định tại các Điều 16, Điều 36, Điều 38 của luật này. Vì hai loại giấy tờ này có ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với cuộc đời của một công dân. Hai loại giấy tờ này hàm chứa rất nhiều thông tin cơ bản liên quan đến cuộc đời một con người cụ thể. Còn đối với các loại giấy tờ khác thì khi đăng ký hộ tịch nếu công dân có yêu cầu chỉ làm thủ tục cấp trích lục hộ tịch là đầy đủ. Chúng tôi cho đó là một bước để đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong quản lý hộ tịch công dân và giảm bớt các giấy tờ tùy thân cho công dân. Riêng về mối quan hệ giữa đăng ký hộ khẩu, giấy khai sinh và thẻ căn cước v.v... sẽ được giải quyết trong Luật căn cước công dân sáng nay Quốc hội đã thảo luận và một số quy định khác. Vì đây là những quy định liên quan đến những vấn đề quản lý an ninh trật tự và trật tự an toàn xã hội.
Vấn đề thứ ba, chúng tôi xin tham gia ý kiến vào một số điều khoản cụ thể. Chúng tôi thấy đây là luật mới, luật này luật hóa một số quy định cụ thể ở các văn bản quy phạm pháp luật, chủ yếu là các nghị định của Chính phủ về công tác quản lý hộ tịch và đăng ký hộ tịch. Do vậy, trong rất nhiều điều, khoản có những quy định chưa được chặt chẽ, thậm chí có những nội dung chưa được quy định. Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục xem xét, rà soát, sửa đổi, căn cứ vào các quy định trong các nghị định, văn bản pháp luật hiện hành để bổ sung vào luật cho đầy đủ những vấn đề còn có tác dụng phù hợp với công tác quản lý hộ tịch và đăng ký hộ tịch hiện nay. Trong thời gian cho phép chúng tôi xin dẫn chứng một số quy định cần phải sửa:
Thứ nhất, tại Khoản 2, Điều 5 quy định "Ủy ban nhân dân cấp huyện có thay đổi, cải chính về hộ tịch cho người trên 14 tuổi". Trong khi đó ở các điều khoản khác, như Khoản 2, Điều 46 có quy định "Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên". Hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau, "trên 14 tuổi" và "từ đủ 14 tuổi trở lên". Chúng tôi đề nghị chỗ này hết sức quan trọng nên phải xem xét và điều chỉnh cho phù hợp và thống nhất.
Thứ hai, tại Khoản 3, Điều 6 quy định về việc đăng ký hộ tịch thông qua người đại diện hợp pháp theo pháp luật đối với người chưa thành niên, người đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự. Chúng tôi thấy quy định như vậy là đúng nhưng chưa đầy đủ. Như vậy còn một nhóm đối tượng là người đã thành niên nhưng bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa được điều chỉnh. Vì tại Điều 23 Bộ luật dân sự hiện hành có quy định trong các trường hợp đại diện hợp pháp, có cả trường hợp người được tòa án nhân dân chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Do vậy chúng tôi đề nghị cần bổ sung.
Tại Khoản 2, Điều 18 thủ tục đăng ký kết hôn, có quy định thời hạn đăng ký kết hôn là 5 ngày dành cho cán bộ, công chức tư pháp nghiên cứu hồ sơ sau đó báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã để giải quyết. Chúng tôi thấy quy định như thế này không chặt chẽ. Bao nhiêu ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã mới giải quyết cho đăng ký, theo chúng tôi nghĩ đăng ký hôn nhân cần phải 5 ngày làm việc để nghiên cứu hồ sơ là quá dài, không cần thiết. Những trường hợp đầy đủ thủ tục và đầy đủ các loại giấy tờ quy định trong 1 ngày có thể đăng ký được.
Đối với những trường hợp công tác ở xa, được nghỉ phép để về đăng ký hôn nhân lại phải chờ, viết như thế này bất hợp lý. Trên thực tế chúng ta cũng đang làm như vậy, cho nên chúng tôi đề nghị nghiên cứu và có sửa đổi.
Khoản 3, còn có nhiều việc, các đồng chí quy định việc kết hôn phải tiến hành trang trọng, thế nào là trang trọng. Cán bộ tư pháp hỏi lần cuối cùng, có lần đầu, có lần giữa không, bao nhiêu lần và lần cuối cùng mới đăng ký. Có nhiều quy định trong Nghị định 158 và Nghị định 24 chưa được điều chỉnh ở trong này. Ví dụ như khai sinh cho trẻ em sơ sinh bị bỏ rơi, khai sinh cho trường hợp quá hạn, khai tử quá hạn, xác định giới tính như chị Ngọc đã nêu và rất nhiều vấn đề khác. Chúng tôi đề nghị rà soát lại tất cả các quy định của văn bản pháp luật hiện hành đang còn có hiệu lực, đang phù hợp. Xin cảm ơn Quốc hội.