Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh TP Hồ Chí Minh góp ý kiến dự thảo Luật phá sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH

Thứ Hai 15:16 01-12-2014

Huỳnh Ngọc Ánh - TP Hồ Chí Minh

Kính thưa Quốc hội,

Tôi hoàn toàn thống nhất với việc tiếp thu dự thảo của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, giải trình và có những vấn đề tiếp thu rất sâu sắc trong dự thảo luật này. Tôi xin bổ sung một số vấn đề để quy định xem xét và cân nhắc.

Điều 5, chủ nợ có đảm bảo một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán đến khoản nợ này. Việc quy định như này bảo vệ tối đa cho các chủ nợ bất cứ khoản nợ nào dù lớn hay nhỏ mà doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán thì đều thuộc đối tượng nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Tuy nhiên, quy định chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ đến hạn như vậy dễ dẫn đến tình trạng nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tràn lan, gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp, hợp tác xã cũng như việc hoạt động bình thường của tòa án. Tôi hoàn toàn thống nhất là chúng ta vừa quy định định tính nhưng cũng phải kết hợp với định lượng phương án quy định giới hạn khoản nợ phải trả từ 200 triệu đồng trở lên như dự thảo lần trước tôi hoàn toàn thấy hợp lý hơn bởi vì:

Thứ nhất, theo kinh nghiệm luật pháp của một số nước trên thế giới đều có quy định cụ thể số tiền tối thiểu có quyền nộp đơn yêu cầu làm thủ tục phá sản trừ trường hợp người lao động yêu cầu. Hơn nữa trên thực tế pháp luật của chúng ta cũng có nhiều ngành luật cũng lấy giá ngạch để làm căn cứ để phát sinh các quan hệ pháp luật, ví dụ hành chính, hình sự, Luật xây dựng, chúng ta cũng lấy các giá ngạch để chúng ta quy định loại a, loại b, loại c trong Luật xây dựng như tuần trước chúng ta vừa dự thảo và cũng rất nhiều ngành khác chúng ta vẫn lấy giá ngạch để chúng ta làm căn cứ để phát sinh ra quan hệ pháp luật.

Thứ hai, về việc định lượng khoản nợ như vậy nhằm hạn chế nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tràn lan gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp, hợp tác xã, có khi chủ nợ làm đơn yêu cầu mà không xuất phát từ động cơ đòi nợ mà vì động cơ khác.

Vấn đề thứ hai tôi muốn nói thẩm quyền giải quyết vụ việc phá sản của Tòa án nhân dân, Điểm a, Khoản 1 có ghi: "Vụ việc phá sản có tài sản ở nước ngoài hoặc người tham gia phá sản ở nước ngoài thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh" Tôi cho rằng câu "hoặc người tham gia phá sản ở nước ngoài" gây ngộ nhận, chúng ta nên ghi là "Có yếu tố người nước ngoài" thì nó sẽ thống nhất với pháp luật về tố tụng dân sự cũng như tố tụng hành chính, tố tụng kinh tế.

Điểm d, Khoản 1: "Vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã thuộc thành phố, tỉnh mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết". Về việc này thì nhiều đại biểu không đồng tình, nhưng riêng bản thân tôi thì thấy vụ này hoàn toàn phù hợp. Bởi vì điều này cũng được quy định ở trong tất cả các Luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, cũng như tố tụng hành chính. Bởi vì trên thực tế có nhiều vụ việc nằm ở địa bàn cấp huyện, nhưng quá phức tạp, nhiều khi lại do yêu cầu ở địa phương, yêu cầu tòa án tỉnh rút lên để giải quyết hoặc nhiều quan hệ rất phức tạp mà không thể liệt kê hết ra đây. Cho nên, việc này trên thực tế Luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, Luật tố tụng hình sự, hành chính vẫn có điều khoản này là điều khoản mở mà ở đây có ghi tại Khoản 3: Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành điều luật này. Như vậy là hợp lý, cho nên tôi đề nghị các vị đại biểu cho giữ nguyên điều luật này.

Về quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản ở Điều 42. Ở Khoản 2 có nhiều đại biểu phát biểu và tôi cũng hoàn toàn đồng tình với các vị đại biểu đó. Điểm a có ghi: Doanh nghiệp hợp tác xã không thanh toán, trì hoãn thanh toán khoản nợ đến hạn. Câu này dễ hiểu lầm lẫn lộn giữa thủ tục phá sản và thủ tục nợ dân sự, trong khi chúng ta có khái niệm thế nào là phá sản, tức là không đủ khả năng thanh toán. Từ khả năng thanh toán ở đây mang tính trừu tượng và mang tính lâu dài. Nó không phải là cụ thể của một thời điểm nhất định, của một thời gian nhất định mà khả năng thanh toán ở đây tính bao quát, tính đến cả khả năng lâu dài rồi sau anh không có khả năng khắc phục về nợ nần, không có khả năng thanh toán về nợ nần tức là nó lâm vào tình trạng phá sản. Còn việc người ta nợ tháng này, tháng sau người ta trả, hôm nay người ta chưa trả được, ngày mai người ta trả thì điều đó cũng không có vấn đề gì quan trọng. Cho nên, chưa phải đến mức độ phá sản, cho nên chúng ta quy định như thế này thì dễ nhầm lẫn với quan hệ dân sự. Tôi đề nghị Ban soạn thảo sửa lại điều này.

Cũng như Điểm b, tài sản doanh nghiệp hợp tác xã không đủ thanh toán các khoản nợ đến hạn, không đủ thanh toán khác với nghĩa không có khả năng thanh toán. Trong khi Bộ luật này chúng ta dùng tất cả các từ đều là không có khả năng thanh toán, nhưng riêng từ này lại không đủ, bởi vì người ta nộp đơn xin phá sản làm sao mình biết được có đủ hay không đủ mà chưa chi mình đã thừa nhận là không đủ, tự nhiên mình ra quyết định cho mở thủ tục phá sản. Như vậy nó cũng bất hợp lý, cho nên tôi đề nghị sửa lại là "không đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn" thì nó sẽ chính xác hơn.

Vấn đề xem xét lại và kháng nghị với quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản. Tôi đề nghị về mặt thực tiễn thì việc người ta nộp đơn xin mở thủ tục phá sản, tòa án xem xét quyết định cho mở thủ tục phá sản, đó là quyết định bình thường. Tại sao đương sự lại có quyền khiếu nại hoặc viện kiểm sát có quyền kháng nghị? Bởi vì theo tư duy của tôi, người ta nộp đơn yêu cầu phá sản, đủ điều kiện thì chúng ta cho mở, quyết định mở thủ tục phá sản hoàn toàn đúng pháp luật, không có lý do gì để viện kiểm sát phải kháng nghị. Chỉ trừ trường hợp thẩm phán ra quyết định không mở thủ tục phá sản thì hậu quả pháp lý của không mở thủ tục phá sản cũng giống như đình chỉ hoặc tạm đình chỉ trong việc giải quyết vụ án, lúc đó đương sự, các bên tham gia phá sản hoặc viện kiểm sát mới có quyền kháng nghị quyết định đó để đưa lên tòa án cấp trên giải quyết, như vậy mới đúng. Còn nếu đã ra quyết định mở thủ tục phá sản, tức là đáp ứng mọi yêu cầu của người ta, đó mới là thủ tục bắt đầu để tiến hành xét việc cho phá sản hay không, chứ chưa có hậu quả pháp lý gì lớn, chỉ có không ra quyết định mở thủ tục thì sẽ gây ra hậu quả pháp lý hoàn toàn khác, chính vì vậy tôi đề nghị chỉnh lại ở chỗ này.

Còn vấn đề thời gian tiến hành tố tụng, cái này giống như tất cả các luật khác, Luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng dân sự, hành chính từ khi thụ lý đến khi giải quyết đến khâu cuối cùng thì đó là thời hạn tối thiểu, không thể rút ngắn hơn. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan