Đại biểu Dương Quang Sơn tỉnh Bắc Kạn góp ý kiến dự thảo Luật phá sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại biểu Trần Thanh Hải TP Hồ Chí Minh góp ý kiến dự thảo Luật phá sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại biểu Đinh Xuân Thảo TP Hà Nội góp ý kiến dự thảo Luật phá sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đinh Xuân Thảo - TP Hà Nội
Kính thưa Quốc hội,
Theo gợi ý của Đoàn thư ký và Chủ tọa kỳ họp,
Tôi có một số ý kiến như sau:
Trước hết, về tiêu chí để xác định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, quy định tại Khoản 1, Điều 4 và Khoản 2, Điều 42. Vấn đề này hiện nay trên thế giới người ta dựa vào 3 tiêu chí để xác định một doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, đó là tiêu chí về định lượng, tiêu chí về kế toán và tiêu chí về định tính mất khả năng thanh toán. Theo quy định tại dự thảo luật là dựa trên tiêu chí định tính, tức là mất khả năng thanh toán. Tôi đồng ý quy định như vậy cũng như đại biểu Đặng Công Lý và một số đại biểu trước tôi đã phát biểu. Tiêu chí này có ưu điểm làm cho khả năng mở thủ tục phá sản đối với một doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ sớm hơn, tức là chuông cảnh báo sớm hơn để có thể có những giải pháp phục hồi hoặc cho phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã một cách kịp thời, nhằm bảo vệ lợi ích của bản thân doanh nghiệp mắc nợ và các chủ nợ, ngăn chặn được hiện tượng phá sản dây chuyền.
Bên cạnh đó, để khắc phục hạn chế do không quy định rõ thời gian thanh toán được khoản nợ đến hạn để được coi là doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản thì dự thảo Luật Phá sản sửa đổi lần này quy định trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì tòa án phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, quy định tại Khoản 1, Điều 42 thì tôi cho quy định như vậy là phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã có điều kiện thanh toán nợ.
Thứ hai, về quyền nộp đơn của chủ nợ quy định tại Điều 5, tôi hoàn toàn nhất trí với quy định của dự thảo luật. Theo pháp luật phá sản ở hầu hết các nước có nền kinh tế thị trường thì các chủ thể có quyền yêu cầu tòa án mở thủ tục giải quyết phá sản doanh nghiệp thường là các chủ nợ của doanh nghiệp mắc nợ và chính doanh nghiệp mắc nợ, các chủ nợ bảo đảm một phần và các chủ nợ khác có bảo đảm đều có quyền yêu cầu tòa án xem xét quyết định mở thủ tục giải quyết phá sản doanh nghiệp. Ở nước ta trong tình hình quản lý tài sản bảo đảm hiện nay còn nhiều hạn chế như còn tình trạng tẩu tán tài sản bảo đảm, bất động sản được thế chấp vay vốn ở ngân hàng nhưng lại thiếu minh bạch và nhất là trước yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì dự thảo Luật Phá sản đã quy định cho phép chủ nợ khác có bảo đảm cũng là chủ thể có quyền nộp đơn. Quy định như vậy là phù hợp, hoàn toàn hợp lý, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay. Tuy nhiên, trong dự thảo cần cân nhắc trường hợp nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là người lao động còn đang bị nợ lương, trong trường hợp người lao động mà có mức lương thấp hoặc không có tiền để dành vì nợ lương thì đối tượng này rất khó có khả năng để nộp lệ phí và tạm ứng phí để phá sản doanh nghiệp. Tôi đồng tình như đại biểu Nguyễn Mạnh Cường ở Quảng Bình đã nêu, chỗ này cần phải xem xét có thể là miễn cho họ.
Thứ ba, về thẩm quyền giải quyết việc phá sản của tòa án quy định ở Điều 8. Theo đánh giá trong quá trình xây dựng luật sửa đổi lần này, việc thi hành luật phá sản năm 2004 cho thấy thủ tục phá sản đây là một đòi nợ tập thể liên quan đến nhiều người, nhiều địa bàn hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã, thậm chí liên quan đến nhiều tỉnh, thậm chí ra cả nước ngoài. Cho nên từ lập luận đó đã sửa theo hướng giao nhiều thẩm quyền cho tòa án cấp tỉnh, tuy nhiên vấn đề quy định tại Khoản 1, Điều 8, tôi đồng ý như đại biểu La Ngọc Thoáng đề nghị cần phải xem xét lại, bởi vì quy định như thế này không phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề cải cách tư pháp hiện nay tăng thẩm quyền cho tòa án cấp dưới, nhất là đối với tòa án khu vực, tòa án sơ thẩm. Tôi đề nghị vấn đề này phải xem xét lại.
Liên quan tới vấn đề này ở Điều 10, dự thảo có quy định cụm từ "doanh nghiệp, hợp tác xã đã đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã tại tỉnh đó" thì cụm từ "đăng ký doanh nghiệp" không phù hợp với Luật doanh nghiệp 2005 và Nghị định số 88/2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh, đồng thời gây khó hiểu khi áp dụng pháp luật. Vì vậy, tôi đề nghị chỗ này phải sửa lại là: Doanh nghiệp, hợp tác xã đã đăng ký kinh doanh tại tỉnh đó.
Bốn, về chế định quản tài viên quy định các điều từ Điều 10 đến Điều 15, trước hết tôi đồng tình với dự thảo khi sử dụng chế định quản tài viên để giao cho việc quản lý tài sản để giải quyết trong quá trình một doanh nghiệp phá sản. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi thấy liên quan đến tính khả thi thì trong này dự thảo có quy định đã tiếp thu về việc bổ sung ngoài quản tài viên đã có doanh nghiệp thanh lý tài sản. Phần liên quan đến doanh nghiệp thì tôi đồng tình nhưng liên quan đến quản tài viên, ở đây cần phải cân nhắc trên thực tế có nhiều doanh nghiệp phá sản là những tập đoàn lớn, nếu giao cho một cá nhân quản tài viên thực hiện việc quản lý và thanh lý thì rất gặp khó khăn. Trường hợp này theo tôi nên giao cho một doanh nghiệp hoặc nên giao cho cơ quan thi hành án dân sự thì nó sẽ phù hợp hơn về cả năng lực, cũng như cơ quan quản lý nhà nước về tổ chức thực hiện nội dung này.
Thứ năm là về kháng nghị của Viện kiểm sát, tôi đồng tình như dự thảo. Xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.