VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định về chia sẻ thông tin theo cơ chế một cửa quốc gia
Kính gửi: Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 2512/BTC-TCHQ của Bộ Tài chính đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện theo cơ chế một cửa quốc gia (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Về nội dung liên quan đến Nghị định 85/2019/NĐ-CP trong Tờ trình
Nghị định 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại Điều 1 đã xác định phạm vi bao gồm “quản lý, vận hành, trao đổi, chia sẻ dữ liệu thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia”.
Dự thảo hiện quy định phạm vi điều chỉnh là “kết nối, chia sẻ thông tin liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh theo cơ chế một cửa quốc gia thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia”.
Như vậy, giữa Dự thảo và Nghị định 85/2019/NĐ-CP đang có sự chồng lấn về phạm vi điều chỉnh liên quan đến kết nối, chia sẻ thông tin hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh theo cơ chế một cửa quốc gia thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Nội dung tại điểm 4 Mục I Tờ trình đã lý giải yêu cầu phải ban hành Nghị định này xuất phát từ việc Nghị định 85/2019/NĐ-CP quy định chưa chi tiết, cụ thể về việc kết nối, chia sẻ thông tin với các đối tượng khác nhau theo cơ chế một cửa quốc gia. Vì vậy, ban hành Nghị định để đảm bảo thực thi hiệu quả Nghị định 85/2019/NĐ-CP.
Việc quy định về kết nối, chia sẻ thông tin với các đối tượng khác nhau là cần thiết, tuy nhiên, nội dung của Tờ trình cần bổ sung giải trình thêm về lý do không sửa đổi, bổ sung Nghị định 85/2019/NĐ-CP trong đó quy định cụ thể, chi tiết hơn để đảm bảo có thể thực hiện hiệu quả việc chia sẻ, kết nối thông tin mà lại ban hành một Nghị định mới, trong khi giữa hai Nghị định này đang có sự chồng lấn về phạm vi điều chỉnh.
Đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung phần giải trình để giải quyết vấn đề này.
- Về bên khai thác, sử dụng thông tin (Điều 3 Dự thảo)
Theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 3 Dự thảo quy định các chủ thể được phép khai thác, sử dụng thông tin trên Cổng thông tin một cửa quốc gia là “các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trực tiếp, gián tiếp đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của người và phương tiện vận tải”. Quy định này cần xem xét ở điểm:
- Không rõ như thế nào được cho là liên quan “gián tiếp” đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của người và phương tiện vận tải. Không rõ khái niệm này sẽ khiến cho việc xác định chính xác đối tượng được khai thác, sử dụng thông tin gặp khó khi triển khai áp dụng trên thực tế;
- Trong các phụ lục “Bảng mã đơn vị sử dụng” đính kèm Dự thảo thì không thấy xác định đối tượng sử dụng là tổ chức, cá nhân liên quan gián tiếp đến các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, nhập cảnh, xuất cảnh, chỉ có “doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính có liên quan”.
Như vậy, quy định tại Dự thảo đang chưa thống nhất và chưa đủ rõ về các bên khai thác, sử dụng thông tin trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định này để đảm bảo rõ ràng và thống nhất trong chính văn bản (có thể điều chỉnh theo hướng các tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận các thông tin này. Cơ quan quản lý Cổng thông tin một cửa quốc gia có thể phân loại thông tin để xác định loại thông tin mà bất kì chủ thể nào cũng có thể tiếp cận; các loại thông tin chỉ một số chủ thể được quyền tiếp cận và/hoặc tiếp cận có điều kiện).
- Về Danh mục thông tin cung cấp, chia sẻ qua Cổng thông tin một cửa quốc gia (Điều 6 Dự thảo)
Điểm t khoản 1 Điều 6 Dự thảo quy định “Danh mục thông tin Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cung cấp, chia sẻ qua Cổng thông tin một cửa quốc gia tại Phụ lục XIX ban hành kèm theo Nghị định này” thuộc Danh mục thông tin, chia sẻ thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Quy định này cần được xem xét, cân nhắc ở một số điểm sau:
- Về việc kết nối và chia sẻ dữ liệu
Hiện nay, hệ thống phần mềm cấp C/O của VCCI (hệ thống COMIS) đã được kết nối và chia sẽ dữ liệu với hệ thống eCoSys của Bộ Công Thương. Như vậy, Bộ Công Thương đã có toàn bộ hệ thống dữ liệu, thông tin về việc cấp C/O của VCCI để phục vụ cho trách nhiệm của cơ quan quản lý về việc cấp C/O.
Theo quy định tại Dự thảo cũng như Phụ lục, Danh mục thông tin thuộc lĩnh vực công nghiệp, thương mại do Bộ Công Thương cung cấp, chia sẻ qua Cổng thông tin một cửa quốc gia (điểm b khoản 1 Điều 6). Trong danh mục thông tin do Bộ Công Thương cung cấp có các thông tin về hàng hóa và doanh nghiệp xin cấp C/O để xuất khẩu đi các nước; danh sách doanh nghiệp bị thu hồi C/O – những thông tin mà VCCI phải cung cấp và chia sẻ với Cổng thông tin một cửa quốc gia tại Phụ lục XIX.
Như vậy, yêu cầu VCCI kết nối và chia sẻ các dữ liệu thông tin theo Phụ lục XIX sẽ là lãng phí nguồn lực vì yêu cầu cả hai cơ quan, tổ chức cùng kết nối và cung cấp một loại thông tin.
- Về các tổ chức được ủy quyền cấp C/O
Theo quy định tại Nghị định 31/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương có thể trực tiếp cấp C/O và/hoặc ủy quyền cho tổ chức khác cấp. Hiện nay, ngoài VCCI còn có một số đơn vị, tổ chức khác được ủy quyền cấp C/O. Các tổ chức được ủy quyền cũng phải có trách nhiệm kết nối và chia sẻ dữ liệu về việc cấp C/O cho Bộ Công Thương.
Do đó, Bộ Công Thương là cơ quan có đầy đủ dữ liệu về các thông tin liên quan đến việc cấp C/O. Mục đích chính của quy định kết nối, chia sẻ thông tin về hoạt động cấp C/O là có được tất cả các thông tin liên quan đến hoạt động này. Vì vậy, yêu cầu cơ quan quản lý chia sẻ và kết nối thông tin vừa đảm bảo mục tiêu vừa tránh lãng phí nguồn lực.
Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại điểm t khoản 1 Điều 6, Phụ lục XIX và bổ sung nội dung tại Phụ lục II Danh mục thông tin của Bộ Công Thương kết nối, chia sẻ qua Cổng thông tin một cửa quốc qua theo hướng cụ thể hơn: “thông tin lô hàng/doanh nghiệp được cấp C/O Việt Nam xuất khẩu đi các nước (bao gồm C/O cấp bởi các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp)”, sửa tương ứng với thông tin lô hàng/doanh nghiệp bị thu hồi C/O.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện theo cơ chế một cửa quốc gia. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.