Đại biểu Đỗ Hữu Lâm tỉnh Long An góp ý kiến dự thảo Luật phá sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại biểu Đặng Công Lý tỉnh Bình Định góp ý kiến dự thảo Luật phá sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại biểu Dương Hoàng Hương tỉnh Phú Thọ góp ý kiến dự thảo Luật phá sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Dương Hoàng Hương - Phú Thọ
Kính thưa Quốc hội,
Tôi cơ bản nhất trí và đánh giá cao Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình tại kỳ họp. Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận này theo sự gợi ý của Chủ tọa kỳ họp tôi xin góp ý vào một số nội dung cụ thể như sau:
Thứ nhất, về quy định áp dụng Luật phá sản tại Điều 3, Khoản 2 điều này quy định trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật phá sản và quy định của luật khác về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật phá sản. Tôi cho rằng quy định này chưa phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có xu hướng tuyệt đối hóa giá trị pháp lý của Luật phá sản so với các văn bản pháp luật khác có cùng thứ bậc hiệu lực pháp lý. Bởi vì Điều 83 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định: "Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành và có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau". Do đó, tôi đề nghị không quy định Khoản 2 với nội dung như vừa nêu ở Điều 3 của dự thảo.
Vấn đề thứ hai, về quyền kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân đối với các quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, quyết định tuyên bố phá sản. Tôi nhất trí cao với quy định trao cho Viện kiểm sát nhân dân quyền kháng nghị các quyết định này nhằm cụ thể hóa và đảm bảo quyền kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân. Cụ thể hóa nguyên tắc kiểm soát quyền lực đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, đồng thời để tạo điều kiện cho Viện kiểm sát nhân dân thực hiện được đầy đủ, thực chất quyền kháng nghị nói trên đề nghị bổ sung vào dự thảo luật các quy định cho phép Viện kiểm sát nhân dân có quyền tham gia hội nghị chủ nợ và được Tòa án gửi các quyết định về thay đổi quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, các ý kiến kết luận giám sát của thẩm phán, của quản tài viên trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản.
Vấn đề thứ ba, về căn cứ ra quyết định mở thủ tục phá sản tại Điều 42, dự thảo quy định chỉ cần có 1 trong 2 căn cứ thì tòa án sẽ ra quyết định mở thủ tục phá sản. Một trong các căn cứ đó là doanh nghiệp hợp tác xã không thanh toán, trì hoãn thanh toán khoản đới đến hạn. Quy định này theo tôi là chưa phù hợp bởi các lẽ sau.
Thứ nhất, việc không thanh toán hoặc trì hoãn thanh toán nợ thể hiện ý thức, thái độ chủ quan không chịu thực hiện nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp, của hợp tác xã. Điều này khác hẳn với trường hợp doanh nghiệp hợp tác xã bị rơi vào tình trạng không thể thanh toán được khoản nợ đến hạn để bị coi là lâm vào tình trạng phá sản. Do 2 trường hợp nói trên khác nhau, xét về ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, cả về những tác động, hậu quả mà mỗi trường hợp có thể gây ra cho xã hội. Cho nên, không thể chọn chung một cách ứng xử của nhà nước, của pháp luật đối với cả 2 trường hợp này. Vì vậy, với những trường hợp doanh nghiệp hợp tác xã không thanh toán, trì hoãn thanh toán khoản nợ đến hạn thì không nên mở thủ tục để giải quyết theo trình tự phá sản. Trong trường hợp này thì chỉ nên quy định hướng dẫn chủ nợ về quyền khởi kiện vụ án dân sự hoặc kinh tế và sử dụng trình tự tố tụng dân sự hoặc kinh tế để giải quyết vụ việc cho đúng với bản chất thực của vấn đề cần giải quyết.
Thứ hai, nếu vì lý do doanh nghiệp hợp tác xã không thanh toán hoặc trì hoãn thanh toán mà mở thủ tục phá sản thì vô tình lại giúp cho doanh nghiệp hợp tác xã kéo dài thời gian trì hoãn trả nợ một cách hợp pháp. Bởi vì thời gian từ khi mở thủ tục phá sản đến khi phải thanh toán khoản nợ đó kéo dài qua khá nhiều thủ tục, trình tự mà luật đã quy định.
Thứ ba, nếu mở thủ tục phá sản chỉ vì căn cứ doanh nghiệp hợp tác xã không thanh toán, trì hoãn thanh toán khoản nợ đến hạn thì có thể sẽ có một số không nhỏ các vụ việc tuy phải mở thủ tục phá sản theo căn cứ này, nhưng thực chất thì hợp tác xã doanh nghiệp không hề rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Tức là không rơi vào trạng thái phá sản thực tế, nhưng vẫn phải có một khoảng thời gian chịu sự điều chỉnh của các quy định của Luật phá sản, bị hạn chế một số quyền trong sản xuất, kinh doanh cho tới khi chắc chắn sẽ được đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản theo Điểm a, Khoản 2, Điều 86 của dự thảo. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp của hợp tác xã, đồng thời cũng làm lãng phí thời gian và công sức của các cơ quan tố tụng và người tham gia tố tụng khác, không đảm bảo được định hướng, mục tiêu, ý nghĩa của việc sửa đổi Luật phá sản muốn hướng tới.
Với các phân tích trên, tôi đề nghị không coi việc doanh nghiệp hợp tác xã không thanh toán, trì hoãn thanh toán khoản nợ đến hạn là căn cứ để ra quyết định mở thủ tục phá sản.
Vấn đề thứ tư, về ý nghĩa, mức độ ràng buộc của các kết luận của Hội nghị chủ nợ tại Điều 83, dự thảo quy định Hội nghị chủ nợ có quyền đưa ra nghị quyết trong đó có 1 trong 3 hướng kết luận:
Hướng kết luận thứ nhất
là đề nghị đình chỉ giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Hướng thứ hai là đề nghị áp dụng biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh đối
với doanh nghiệp hợp tác xã.
Hướng thư ba là đề nghị tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Các hướng kết luận thứ hai và thứ ba nói trên có ý nghĩa ràng buộc rất cao với cơ quan tòa án cũng như với tất cả những người tham gia thủ tục phá sản. Mỗi hướng kết luận như vậy đều mở ra một phương hướng giải quyết tiếp theo rất rõ ràng với những quy định cụ thể về trình tự, trách nhiệm của các chủ thể liên quan để thực hiện các kết luận này. Tuy nhiên hướng kết luận thứ nhất đề nghị đình chỉ giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản thì không thấy có ràng buộc pháp lý nào đối với cơ quan tòa án và những người tiến hành thủ tục phá sản khác, không thấy có điều luật quy định tòa án, quản tài viên, Viện kiểm sát nhân dân hoặc các tổ chức cá nhân có liên quan khác phải xem xét, xử lý như thế nào đối với kết luận như vậy của Hội nghị chủ nợ. Cho nên tôi đề nghị cần bổ sung quy định về trách nhiệm của tòa án phải có sự xem xét, xử lý đối với trường hợp Hội nghị chủ nợ kết luận theo hướng thứ nhất như vừa nêu trên.
Vấn đề thứ năm, về quy định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản và hậu quả pháp lý của việc đình chỉ quy định tại Điều 86. Có thể thấy rằng quyết định đình chỉ việc tiến hành thủ tục phá sản có ý nghĩa pháp lý rất quan trọng, chấm dứt việc tiếp tục vụ việc phá sản. Ngay khi quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản có hiệu lực thì theo logic pháp lý các quyết định đình chỉ vụ việc, đình chỉ thi hành án dân sự quy định tại Điều 72 của dự thảo phải được hủy bỏ. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời, ví dụ kê biên, niêm phong tài sản, kho quỹ, phong tỏa tài khoản, cấm hoặc buộc doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện một số hành vi nhất định v.v... cũng phải được hủy bỏ, quyền hạn, trách nhiệm của quản tài viên phải được chấm dứt. Những vấn đề này những hậu quả pháp lý có thể có, có thể xảy ra sau khi có quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản cần phải được thể hiện sau điều khoản quy định về đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản.
Tuy nhiên, trong dự thảo tôi chưa thấy có điều luật nào quy định về các nội dung trên. Do đó, tôi đề nghị bổ sung một điều sau Điều 86 quy định về hậu quả pháp lý của việc đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản, trong đó cần phải rà soát, xác định rõ tất cả những quyết định cần hủy bỏ, chấm dứt hiệu lực hoặc thay thế các biện pháp cần hủy bỏ hoặc thay đổi các quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ cần phải được khôi phục để cho hoạt động của doanh nghiệp, của hợp tác xã và những người tham gia thủ tục phá sản khác có thể trở về ngay trạng thái bình thường.
Mặt khác, để đảm bảo quyền lợi, hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp, hợp tác xã thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong hoạt động sau này thì quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản cần phải được thông báo công khai và rộng rãi ngay khi có hiệu lực. Do vậy tôi đề nghị bổ sung một khoản trong Điều 86 quy định quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản đã có hiệu lực phải được đăng trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân và báo địa phương nơi doanh nghiệp, hợp tác xã được đình chỉ thủ tục phá sản, tờ báo trung ương đã đăng thông báo thủ tục mở phá sản trước đây nay phải đăng quyết định đình chỉ trong 3 số liên tiếp để xã hội, để thị trường nắm bắt được thông tin này. Trên đây là một số ý kiến tham gia của tôi, xin cảm ơn Quốc hội.