Đại biểu Vũ Chí Thực tỉnh Quảng Ninh góp ý dự thảo Luật căn cước công dân tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Đỗ Hữu Lâm tỉnh Long An góp ý kiến dự thảo Luật phá sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường tỉnh Quảng Bình góp ý kiến dự thảo Luật phá sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Nguyễn Mạnh Cường - Quảng Bình
Kính thưa Quốc hội,
Trước hết, tôi đánh giá
rất cao và tán thành nhiều nội dung của dự thảo đã được tiếp thu, chỉnh lý. Bên
cạnh đó tôi xin được tham gia ý kiến về một số vấn đề sau đây:
Vấn đề thứ nhất là về quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của người lao
động và công đoàn, tôi cho rằng ở đây có 2 nội dung cần được làm rõ:
Thứ nhất là cần làm rõ người lao động có quyền nộp đơn như thế nào? Cá nhân 1 người lao động có quyền nộp đơn hay không? Hay đây là quyền của tập thể người lao động với một tỷ lệ nhất định và những người lao động này phải cử những người đại diện để nộp đơn như quy định của luật hiện hành. Nếu quy định cá nhân người lao động có quyền nộp đơn thì làm sao phân biệt và tránh được sự lạm dụng giữa trường hợp tranh chấp về tiền lương giữa doanh nghiệp và cá nhân người lao động với việc doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Nếu quy định đây là quyền của tập thể lao động thì cần phải quy định về trình tự thủ tục cử đại diện như quy định của luật hiện hành. Bên cạnh đó cần cân nhắc việc có nên tiếp tục quy định quyền của người lao động trực tiếp nộp đơn hay không? Người lao động thực hiện quyền này thông qua công đoàn, quy định như vậy nó cũng phù hợp với quy định của Luật công đoàn cũng như Bộ luật lao động Quốc hội mới thông qua.
Nội dung thứ hai là cần làm rõ trong trường hợp người lao động cũng như công đoàn nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì họ sẽ có phải nộp lệ phí phá sản hay không? Theo quy định của dự thảo thì người nộp đơn phải nộp hai khoản tiền: Thứ nhất là lệ phí phá sản; Thứ hai là tạm ứng chi phí phá sản. Dự thảo luật chỉ quy định rõ người lao động công đoàn không phải nộp tạm ứng chi phí phá sản và các quy định khác của dự thảo nói trong trường hợp không nộp lệ phí phá sản thì tòa án không thụ lý. Tôi đề nghị cần phải quy định rõ người lao động công đoàn nộp dơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì không phải nộp lệ phí phá sản như quy định hiện hành. Hiện nay chúng ta quy định khoản tiền này 1.000.000đ.
Vấn đề thứ hai, có một số quy định của dự thảo còn chưa rõ ràng, mâu thuẫn hoặc chưa đầy đủ. Do thời hạn có hạn, nên tôi xin đơn cử một vài ví dụ, ví dụ về thẩm quyền của tòa án. Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 8 quy định: Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết vụ việc phá sản trong trường hợp người tham gia phá sản ở nước ngoài, người tham gia phá sản ở nước ngoài là một khái niệm rất không rõ.
Thứ nhất, chỉ có khái niệm người tham gia thủ tục phá sản.
Thứ hai, thế nào là người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài. Khái niệm này bao gồm những người đi công tác, đi du lịch ở nước ngoài hay không, hay họ phải là người định cư ở nước ngoài, là người nước ngoài v.v...
Thứ ba, việc xác định thẩm quyền giải quyết của tòa án theo đặc điểm của người tham gia thủ tục phá sản sẽ rất bị động và phức tạp, vì nhiều trường hợp những người này chỉ phát sinh khi mà tòa án đã giải quyết vụ việc. Ví dụ vụ việc lúc đầu được xác định thuộc thẩm quyền của tòa án cấp huyện và trong quá trình giải quyết lúc đó chúng ta mới xác định danh sách chủ nợ và công bố danh sách chủ nợ và sửa đổi danh sách này. Lúc đó mới phát sinh ra chủ nợ là người nước ngoài, người ở nước ngoài chẳng hạn thì như vậy lúc đó phải chuyển thẩm quyền giải quyết của tòa án sẽ rất phức tạp.
Về người có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, dự thảo luật quy định có hai loại đối tượng phải có nghĩa vụ nộp đơn, đó là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Loại đối tượng thứ hai là chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị v.v... quy định hai loại đối tượng như vậy thì trong nhiều trường hợp hai loại đối tượng này trùng nhau nhưng cũng nhiều trường hợp hai loại đối tượng này lại là những người khác nhau. Việc quy định như vậy sẽ phát sinh ra rất nhiều nghĩa vụ, rất nhiều vấn đề pháp lý phức tạp. Ví dụ như nếu một người có nghĩa vụ đã nộp đơn rồi thì người còn lại có phải nộp đơn hay không? Hay là liên quan đến việc người có quyền đã nộp đơn rồi thì những người có nghĩa vụ này có phải nộp đơn hay không? Vì nếu như họ không nộp đơn thì họ phải chịu trách nhiệm theo quy định của dự thảo Luật phá sản này. Vì vậy, chúng tôi đề nghị đây là vấn đề cần phải được quy định rõ và nên gộp hai loại đối tượng này thành một loại đối tượng, chỉ cần một trong các loại đối tượng ở những nhóm người này mà nộp đơn thì đã đầy đủ rồi.
Khoản 3, Điều 41 quy định: Kể từ khi tòa án thụ lý vụ việc phá sản thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tạm đình chỉ việc xử lý tài sản bảo đảm đối với các chủ nợ có bảo đảm. Tuy nhiên, Điều 48 của dự thảo thì lại chỉ cấm doanh nghiệp thanh toán các khoản nợ không có bảo đảm. Như vậy thì doanh nghiệp vẫn có thể thanh toán các khoản nợ có bảo đảm. Quy định như vậy mâu thuẫn với nhau hoặc quy định tại Khoản 3, Điều 55 vừa thừa, vừa trái với nguyên tắc của pháp luật dân sự, khi khoản này quy định là trường hợp người được bảo lãnh mất khả năng thanh toán thì người được bảo lãnh phải chịu trách nhiệm. Quy định này trái với quy định của Bộ luật dân sự, trong trường hợp người được bảo lãnh mất khả năng thanh toán thì người bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ thay cho người bảo lãnh.
Điều 38 chỉ quy định về việc tòa án thụ lý đơn yêu cầu khi nhận biên lai nộp tạm ứng chi phí phá sản. Quy định như vậy là chưa đầy đủ, vì thiếu trường hợp không phải nộp tạm ứng chi phí phá sản thì thời điểm tòa án thụ lý là lúc nào chưa được quy định.
Vấn đề thứ ba, chúng tôi thấy một số nội dung của dự thảo chưa đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và nó thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan. Ví dụ dự thảo luật thì bãi bỏ điều 138, 139 của Luật thi hành án dân sự, tuy nhiên dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự do Chính phủ trình tại kỳ họp này thì vẫn giữ nguyên các điều này.
Thứ hai, dự thảo luật được trình tại kỳ họp này quy định khá cụ thể về người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền của doanh nghiệp. Người đại diện theo ủy quyền của doanh nghiệp thì trong rất nhiều trường hợp họ phải tham gia trình tự, thủ tục tố tụng. Tuy nhiên, dự thảo luật lại chỉ quy định người đại diện theo pháp luật là người tham gia các thủ tục phá sản quy định tại Khoản 11, Điều 4 hoặc quy định tại Khoản 14, Điều 9 về thực chất là một quy định phải áp dụng án lệ. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng vấn đề áp dụng án lệ là một vấn đề còn có ý kiến khác nhau và vấn đề này nên để Quốc hội thảo luận và quyết định khi xem xét dự án Luật tổ chức Tòa án án nhân dân tối cao cũng được trình tại kỳ họp này. Như vậy, chúng tôi cho rằng chưa nên quy định vấn đề này như quy định tại Khoản 14, Điều 9.
Vấn đề cuối cùng, chúng tôi nhận thấy thủ tục phá sản còn quy định rườm rà, kéo dài và chưa thật sự phù hợp với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, cải cách tư pháp. Ví dụ chỉ để phân công thẩm phán giải quyết đơn mà Chánh án phải cần tới 3 ngày làm việc, như vậy có thể kéo dài tới 5 ngày thường nếu trùng với thứ bảy và chủ nhật. Trên đây là một số ý kiến góp ý. Xin chân thành cảm ơn Quốc hội.