Đại biểu Nguyễn Văn Tiên tỉnh Tiền Giang góp ý dự thảo Luật căn cước công dân tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Nguyễn VĂn Cảnh tỉnh Bình Định góp ý dự thảo Luật căn cước công dân tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh TP Hà Nội góp ý dự thảo Luật căn cước công dân tại kì họp thứ 7 của QH
Trần Thị Quốc Khánh - TP Hà Nội
Kính thưa Chủ toạ phiên họp,
Kính thưa Quốc hội.
Vấn đề quản lí dân cư có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia. Vì vậy, từ lâu các nước nói chung, nhất là các nước phát triển đều quan tâm đầu tư nguồn lực, công nghệ cao để xây dựng cơ sở hạ tầng và quản lí chặt chẽ vấn đề có liên quan đến quản lí dân cư. Vì vậy ,nhiều nước đã quy định mã số công dân, số định danh công dân ngay khi một người vừa được sinh ra. Mã số công dân, số định danh công dân này sẽ theo suốt cuộc đời một con người cho đến khi người đó qua đời. Với một nền tảng trình độ công nghệ hiện đại trong quản lí dân cư, các cơ quan quản lí nhà nước sẽ cùng nhau chia sẻ thông tin trên cơ sở mã số công dân, số định danh công dân. Pháp luật các nước quy định mã số này có nhiều hình thức khác nhau, có khi là thẻ công dân, hoặc chữ kí điện thoại di động, hoặc thẻ chip, thực chất là chứng minh thư điện tử. Ở Việt Nam, do nhiều nguyên nhân, việc đầu tư nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ cho công tác quốc phòng an ninh quản lí dân cư như nhiều nước trước đây chưa được quan tâm, nên mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi cơ quan đều quy định các loại giấy tờ khác nhau cho mỗi công dân, mỗi thành viên của mình. Vì vậy, dẫn đến tình trạng thủ tục hành chính chồng chéo, gánh nặng giấy tờ bản sao chứng thực đè nặng lên các cơ quan và người dân. Việc quản lí dân cư ở nhiều nơi vừa chồng chéo, vừa trùng lặp, lại vừa sơ hở và lỏng lẻo. Trước yêu cầu của thực tiễn, đề xuất kiến nghị của nhiều cử tri và đại biểu Quốc hội, ngày 8/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 896 phê duyệt đề án tổng thể đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lí dân cư giai đoạn 2013 - 2020. Nghiên cứu các tài liệu gửi đại biểu Quốc hội ngay trong kì họp này gồm dự thảo Luật căn cước công dân, Luật hộ tịch Quyết định 896 của Thủ tướng Chính phủ, các báo cáo về kinh nghiệm nước ngoài, tôi xin phát biểu một số ý kiến như sau:
Một, tôi tán thành với nhiều nội dung, ý kiến của đại biểu Phạm Trọng Nhân, Trương Trọng Nghĩa, Bùi Mạnh Hùng và nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu trước tôi.
Hai, trong Quyết định 896 của Thủ tướng Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính mới được ban hành được 1 năm không có nội dung nào đề nghị Quốc hội xây dựng dự án Luật căn cước công dân, mà chỉ quy định tập trung xây dựng trình Quốc hội thông qua dự án Luật hộ tịch và phát triển ứng dụng thẻ công dân điện tử hoặc phương tiện điện tử khác. Vì vậy, tôi đề nghị Quốc hội xem xét lại có nên ban hành luật này không, hay chỉ tập trung xây dựng thẻ căn cước công dân, thẻ công dân điện tử như Chính phủ đã đưa trong quyết định của Thủ tướng.
Trên cơ sở hệ thống tàng thư và hộ tịch sẵn có, với sự phối hợp của các chuyên gia công nghệ thông tin, qua đó hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được xây dựng có sự kế thừa các số liệu hiện có thành một cơ sở thống nhất dùng chung cho các bộ, ngành, các cấp, các ngành sẽ không có sự chồng lấn hay sơ hở. Xét góc độ hành chính công, việc xây dựng thẻ công dân điện tử hay chứng minh nhân dân điện tử là rất phù hợp, vừa tiết kiệm ngân sách và nguồn nhân lực nói chung như nhiều đại biểu đã phát biểu.
Thứ ba, dự thảo Luật căn cước có nhiều nội dung chồng chéo, trùng lặp với dự thảo Luật hộ tịch ở một số điểm như:
Một, Khoản 1, Điều 3 giải thích từ ngữ quy định căn cước công dân là các thông tin cơ bản về gốc tích, đặc điểm nhân dạng của công dân theo quy định của luật này. Nghiên cứu Khoản 1, Điều 10 dự thảo luật về nội dung thông tin cơ bản tôi thấy trong 17 thông tin thì 10 thông tin thuộc về hộ tịch như là họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, tình trạng hôn nhân, ngày tháng năm chết v.v... Do Bộ Tư pháp quản lý. Có 7 thông tin để quản lý dân cư do Bộ Công an quản lý. Như vậy khái niệm thông tin về gốc tích ở Khoản 1, Điều 3 thực chất là các thông tin về hộ tịch mà chúng ta dùng từ thông tin về gốc tích là không phù hợp, chưa kể khái niệm đặc điểm nhân dạng của một công dân có thể thay đổi trong điều kiện trình độ công nghệ như hiện nay thông qua các hoạt động thẩm mỹ viện. Vì vậy giải thích từ ngữ căn cước công dân trong dự thảo luật là không chắc chắn và không phù hợp.
Hai, Khoản 1, Điều 10 quy định 7 thông tin do ngành công an quản lý, tôi thấy một số thông tin trùng lặp nhau là số định danh cá nhân, số chứng minh thư 9 số kèm theo, bên cạnh đó vấn đề giới tính hiện nay cũng có nhiều thay đổi, từ một người nam thông qua hoạt động phẫu thuật trở thành nữ hoặc ngược lại. Với những suy nghĩ như trên, tôi đề nghị:
Thứ nhất, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Quyết định 896 của Thủ tướng Chính phủ mới được ban hành 1 năm.
Thứ hai, đề nghị Quốc hội cũng nên rút kinh nghiệm trong quy trình xây dựng, thẩm tra dự án luật, vì qua hoạt động này đối với dự thảo Luật căn cước công dân và Luật hộ tịch chúng tôi thấy đều quy định những hoạt động liên quan đến quản lý dân cư, vấn đề quản lý hành chính mà lại chia làm hai Ủy ban thẩm tra thì không thể đồng bộ được. Chúng ta đang thực hiện giảm thủ tục hành chính mà lại quy định như vậy thì ngay trong Quốc hội cũng cần phải xem xét. Chính phủ không đề nghị việc xây dựng Luật căn cước công dân nhưng Quốc hội qua thảo luận lại đưa vào, tôi đề nghị Quốc hội cũng cần rút kinh nghiệm.
Thứ ba, với nguồn ngân sách phục vụ cho đề án này, tôi thấy còn vắng bóng ý kiến của Ủy ban Kinh tế hay Ủy ban Tài chính, Ngân sách, làm cho các đại biểu Quốc hội cũng rất khó phát biểu. Tôi đề nghị vấn đề này Quốc hội cần rút kinh nghiệm. Xin hết.