Đại biểu Nguyễn Văn Tiên tỉnh Tiền Giang góp ý dự thảo Luật căn cước công dân tại kì họp thứ 7 của QH

Thứ Hai 14:19 01-12-2014

Nguyễn Văn Tiên - Tiền Giang

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa Quốc hội,

Đây là một dự án luật thảo luận lần đầu, tôi phát biểu một số điểm mang tính định hướng rất chung cho dự án luật để chúng ta có thời gian chỉnh lý cho phù hợp. Chúng tôi đánh giá cao việc chuẩn bị của Chính phủ trình ra dự án luật này cũng như ý kiến của các cơ quan thẩm tra.

Ở đây tôi có một định hướng rất lớn là Chính phủ có Đề án 896 về cải cách hành chính, thu gọn các thủ tục rất cụ thể và chỉ ra định hướng rất rõ ràng nhưng chúng ta lại xây dựng Luật căn cước này thì hơi đơn giản. Tôi nói có thể đây là một tiếng kèn ngập ngừng để chúng ta thực hiện Đề án 896. Tôi đề nghị Chính phủ phải mạnh dạn hơn nữa, bởi vì trong đề án của Chính phủ muốn đưa ra được một trong những giấy tổng hợp rất thuận lợi cho việc quản lý nhà nước và thuận lợi cho người công dân trong quá trình giao dịch với các cơ quan công quyền. Do đó, trong luật này có lẽ chúng ta phải chọn phương án 2 trong công nghệ đánh giá của Bộ Công an, chỗ Chính phủ trình đó là thẻ thông minh, thẻ đa dạng thì mới có hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu mà đề án 896 đã đề ra với sự tham gia của tất cả các bộ, ngành. Trong thẻ này tôi nghĩ là phải tích hợp được các thông tin hữu ích, cái người dân đang cần và cái cơ quan nhà nước cũng đang cần.

Ví dụ Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội, chúng ta cũng có thẻ Bảo hiểm xã hội, trong luật chúng ta quy định rõ và Bảo hiểm y tế chúng ta cũng quy định như vậy. Đây là việc rất thuận lợi để chúng ta tích hợp vào, lý do tích hợp này và thẻ này thì tôi đưa ra mấy lý do như sau:

Thứ nhất, rất nhiều luật hiện nay chúng ta đang đều quy định phải hiện đại hóa hệ thống thông tin và có sổ, thẻ cho người dân. Ví dụ như Luật bảo hiểm y tế, Luật bảo hiểm xã hội đều có cái này, do đó không có lý do gì mà nhân cơ hội này chúng ta không làm. Trong các luật đó đã quy định chúng ta phải dành tiền để làm việc này. Trong đề án của Chính phủ rõ ràng như vậy, Luật quy định có tiền như vậy mà chúng ta không tích hợp vào đây, lấy tiền đó để chúng ta làm. Chúng tôi nghĩ là hoàn toàn phù hợp, tôi nhớ mấy năm vừa qua ngành bảo hiểm xã hội được Chính phủ cấp cho mấy trăm tỷ về hiện đại hóa nhưng không tiêu được. Không tiêu được là vì chỗ này nhưng tôi nghĩ nếu chúng ta làm được, chúng ta tích hợp được thì chúng ta tiêu được những khoản tiền này và rất thuận lợi cho người dân.

Vấn đề thứ hai, đây là một bước tiến nhảy vọt trong xã hội khi chúng ta phát triển và sử dụng công nghệ này, nói lên trình độ văn minh của xã hội mặc dù là điều kiện kinh tế chúng ta khó khăn nhưng chúng ta áp dụng được những công nghệ này thì mức phát triển, mức đánh giá, mức nhìn nhận của quốc tế đối với chúng ta cũng khác.

Vấn đề thứ ba, đây là một bước đột phá, ví dụ cách đây 20 năm khi đồng chí Đặng Văn Thân, Tổng cục Trưởng Tổng cục bưu điện đề xuất công nghệ số rất nhiều người phản đối nhưng sau đó vài năm chúng ta thực hiện được thì thế giới đánh giá Việt Nam rất cao. Tôi nghĩ rằng lúc đấy mà đưa ý kiến công nghệ số ra Quốc hội chắc là bị phản đối, chắc bị nhiều đại biểu Quốc hội chê là tốn kém và sẽ gọt bằng đầu đột phá về công nghệ. Đây là điểm mong các đại biểu Quốc hội và Chính phủ cân nhắc kỹ để quyết tâm thực hiện Đề án 896. Còn nếu tiếc vài trăm tỷ để cải thiện hệ thống này, xin thưa Quốc hội bảo hiểm y tế mất hàng nghìn tỷ vì người ta lạm dụng. Vậy chúng ta chọn phương án nào, tiết kiệm mấy trăm tỷ hay mất hàng ngàn tỷ, mong các đại biểu Quốc hội suy nghĩ và đây là những ý kiến đột phá chúng tôi mong Chính phủ kiên quyết làm để tạo thuận lợi cho các cơ quan.

Chúng ta vừa thông qua Luật bảo hiểm y tế, mở tuyến rất nhiều, đặc biệt là tuyến huyện, tuyến xã trong một tỉnh và sau 5 năm mở toàn bộ tuyến tỉnh, Quốc hội xây dựng luật như vậy, chúng ta chỉ có 1 năm chuẩn bị cho việc mở khám, chữa bệnh tuyến huyện trong một tỉnh thì nếu không có công nghệ thông tin sẽ lạm dụng rất nhiều. Chúng tôi đi giám sát bảo hiểm y tế có những người ở Bình Dương và Đồng Nai thuê thẻ bảo hiểm y tế của công nhân và khám bệnh, lấy thuốc đó bán về thành phố Hồ Chí Minh, mãi về sau công an phát hiện chị này chuyên đi bán thuốc thì mới bắt được, mới truy ra mất khá nhiều tiền về cái này. Nếu chúng ta không quản lý việc này thì việc lạm dụng bảo hiểm y tế của một số đối tượng một ngày đi 5-7 trạm y tế xã, 2-3 bệnh viện lấy thuốc thì chúng ta kiểm soát sao nổi. Chúng tôi mong Quốc hội quan tâm và để ý, nhìn được bước xa hơn để quản lý xã hội tốt hơn, nếu không thì rất khó khăn.

Thứ hai, thẻ căn cước cho trẻ em dưới 15 tuổi, chúng tôi đề nghị Quốc hội cân nhắc, có thể chúng ta lựa chọn thứ nhất là khuyến khích ai cần thì dùng vì như đại biểu Nguyễn Đức Chung nói phải đi máy bay, nhưng không phải trẻ con nào cũng đi máy bay, do đó khuyến khích gia đình nào cần thì cấp. Phương án thứ 2 là thẻ này rất đơn giản, chỉ có thông tin mã định danh, giấy khai sinh và bảo hiểm y tế thì đơn giản hơn và rẻ tiền hơn, thuận lợi hơn.

Thứ ba là vấn đề nhóm máu. Tôi thấy việc xác định nhóm máu không tốn kém, trạm y tế xã có thể làm được, chỉ tốn vài chục ngàn. Nếu chúng ta đưa được vào chứng minh thư thì tốt, có hai cái lợi, một là chuẩn bị được, hai là mọi người biết được nhóm máu của mình khi vận động hiến, vận động cho.

Vấn đề cuối cùng là Luật căn cước và Luật hộ tịch thì chúng tôi đề nghị riêng hai luật. Bởi vì chúng ta rất nhiều đại biểu Quốc hội rất bức xúc về vấn đề hộ khẩu, về vấn đề này, vấn đề kia, phân biệt đối xử tiền điện, tiền nhà, tiền nước, các thứ hộ khẩu là phân biệt đối xử và các đại biểu rất bức xúc muốn bỏ hộ khẩu. Nhưng muốn bỏ hộ khẩu thì chúng ta phải có căn cước, phải có hộ tịch luật riêng thì chúng ta có biện pháp quản lí thì chúng ta mới bỏ được. Chứ còn bây giờ chúng ta cứ hô hào bỏ nhưng không có những biện pháp khác thì không thể bỏ được hộ khẩu. Tôi có mấy ý kiến thế, xin hết.

Các văn bản liên quan