Đại biểu Nguyễn Đức Chung TP Hà Nội góp ý dự thảo Luật căn cước công dân tại kì họp thứ 7 của QH

Thứ Hai 14:18 01-12-2014

Nguyễn Đức Chung - TP Hà Nội

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,                    

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin phát biểu một số ý kiến về dự án Luật căn cước công dân như sau:

Trước hết, tôi xin bày tỏ nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về sự cần thiết phải ban hành Luật căn cước công dân và quan điểm chỉ đạo xây dựng luật, phạm vi điều chỉnh, bố cục và những nội dung cơ bản của dự thảo luật. Tôi thấy rằng Chính phủ đã chuẩn bị dự án luật rất công phu, nghiêm túc. Tôi tán thành với nhiều nội dung trong dự thảo luật cho rằng khi được Quốc hội thông qua luật này sẽ tạo một bước đột phá về cải cách hành chính theo tinh thần nhà nước phục vụ nhân dân, giảm giấy tờ cấp cho nhân dân, tiết kiệm thời gian, công sức đi lại của công dân khi làm thủ tục cấp, đổi về giấy tờ, căn cước công dân.

Dự thảo luật đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp 26, 27. Theo đó dự án luật được xây dựng nhằm cụ thể hóa quy định Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do đi lại, giao dịch, quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa về giấy tờ, căn cước công dân theo hướng ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, đồng thời đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật về đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020 về Đề án 896 của Chính phủ, tôi ủng hộ đi theo hướng này.

Về những vấn đề cụ thể tôi có mấy ý kiến như sau:

Vấn đề thứ nhất, liên quan đến số định danh cá nhân, tôi cho rằng trong luật này đã nêu số định danh cá nhân là mỗi một công dân từ khi sinh ra cho đến lúc mất có một số định danh cá nhân. Số định danh cá nhân này 12 chữ số, ngoài số thứ tự để đảm bảo cho dân số xếp hàng thứ triệu thì ở trong số định danh cá nhân này còn mã hóa về liên quan đến vùng, mã hóa liên quan đến giới tính, do vậy phải đảm bảo 12 chữ số.

Vấn đề thứ hai, liên quan đến các thủ tục mà sau này chúng ta viết các phần mềm để phục vụ cho quản lý dữ liệu dân cư và là dữ liệu gốc để triển khai cải cách thủ tục hành chính cho tất cả các lĩnh vực khác thì phải có 12 chữ số, sau này chúng ta mới có thể xử lý được.

Vấn đề thứ ba, Hà Nội là địa bàn hiện nay được Bộ Công an, Chính phủ cho phép triển khai việc cấp toàn bộ chứng minh thư nhân dân theo công nghệ mới bắt đầu từ 1/4/2014. Qua gần 2 tháng, cho đến nay chúng tôi đã cấp được gần 200.000 người, cả cấp đổi, cả cấp mới. Chúng tôi thấy với công nghệ như hiện nay có thể người dân đi đến làm nhanh hơn so với chứng minh thư cũ. Với công nghệ hiện nay không thể làm giả được so với chứng minh thư cũ.

Thứ ba, số định danh cá nhân này nó sẽ đảm bảo dù sau này người công dân bị mất chứng minh thư thì đến bất cứ một địa phương nào đều có thể cấp lại được, nhưng cấp lại sẽ thể hiện ở vùng được cấp lại. Cấp lại trên mạng dùng chung trên cả nước, do vậy nó không ảnh hưởng gì. Nếu 9 số thì có nhiều người hiện nay cấp mất đổi nhưng có người hiện nay sử dụng 5-6 số chứng minh thư, như thế khó cho công tác quản lý và công tác lưu trữ.

Vấn đề thứ hai, về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Chúng tôi thấy sự cần thiết phải xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Xây dựng cơ sở này chính là điện tử hóa toàn bộ các thủ tục về nhân hộ khẩu và quản lý người dân vào trong một mạng máy tính để dùng chung. Có làm như vậy thì sau này các biện pháp liên quan đến cải cách thủ tục hành chính của người dân, của các cấp chính quyền mới làm được. Hà Nội cũng là đơn vị đầu tiên mà Ủy ban nhân dân thành phố đã phê duyệt dự án xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư giai đoạn I. Hiện nay chúng tôi đã nhập được 3,8 triệu dữ liệu công dân vào trong hệ thống máy tính, máy chủ dùng chung của Tập đoàn Viettel.

Qua thực tế chúng tôi thấy dữ liệu dân cư khi chúng ta đã điện tử hóa này từ trước đến nay nhân hộ khẩu và quản lý khẩu tại cơ sở là do cảnh sát khu vực làm. Nhưng mỗi một đời cảnh sát khu vực thay thì lại phải thay một cuốn sổ khác nhau, cho nên các lần thay này sẽ có những thống kê hàng ngày không chính xác. Nhưng khi chúng ta nhập chung thì chỉ mất khoảng 30 giây thì rõ luôn 1 phường có bao nhiêu công dân đến tuổi 17 để nhập, bao nhiêu người già trên 80 tuổi có thể được hưởng các chính sách, bao nhiêu cháu năm nay vào lớp 1, bao nhiêu cháu sinh ra trong 1 năm, quản lý rất dễ. Hoặc chúng ta chứng thực liên quan đến phường cải cách hành chính lên mà gõ thì có thể ra ngay được.

Vấn đề thứ ba, liên quan về tên gọi là căn cước công dân hay chứng minh thư. Quan điểm, suy nghĩ của tôi là qua tâm tư nguyện vọng của các cán bộ chiến sĩ trong ngành công an, cũng như ý kiến của các cử tri đề nghị luật này không nên là thẻ căn cước công dân mà để là chứng minh thư. Chứng minh thư ở đây sẽ có mấy điều thuận lợi:

Thứ nhất, nếu thay đổi chữ căn cước công dân, chỉ cần chữ căn cước công dân viết tắt là toàn bộ hệ thống phần mềm của các cơ sở ngân hàng tín dụng là phải thay đổi, phải sửa.

Thứ hai, bây giờ chúng ta cấp hàng bao nhiêu triệu liên quan đến sổ đỏ của người dân, bây giờ cũng phải cấp lại.

Thứ ba, tất cả các giao dịch hành chính liên quan đến khai mà có chứng minh thư là cũng phải thay đổi các biểu mẫu.

Thứ tư, có những điều luật và nghị định đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua, ví dụ như Luật xử lý vi phạm hành chính có điều liên quan đến phạt có chữ chứng minh thư thì tới nay cũng phải thay đổi những điều luật này. Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội thay đổi thành Luật căn cước nhưng quan điểm của chúng tôi cũng như qua tiếp xúc cử tri thì người dân thấy để chứng minh thư thuận tiện hơn. Quy định chứng minh thư ở miền bắc được quy định tại nghị định từ năm 1957 và cả nước thống nhất quy định từ năm 1976 đến nay. Chúng ta đã làm được 68 triệu dân, khi làm việc với nước ngoài người ta nói đây là cơ sở vô cùng quý báu. Bây giờ chúng ta thay đổi lại toàn bộ phần mềm quản lý này sẽ có những khó khăn nhất định. Từ những lập luận như vậy, tôi đề nghị chúng ta nên để là chứng minh chứ không nên để căn cước công dân.

Về vấn đề cấp thẻ căn cước công dân đối với người dưới 14 tuổi và trên 14 tuổi, tôi có những thông tin thế này để các đại biểu Quốc hội tính toán. Đứa trẻ từ khi sinh ra đến 14 tuổi rất nhiều lần phải sử dụng đến giấy khai sinh để đi lại, ví dụ như đi tiêm chủng, để xác định cháu dưới 3 tuổi cũng phải bản sao chứng minh, liên quan đến đi học, làm hộ chiếu, khám, chữa bệnh, đi lại ở hàng không thì những lần này người dân đều phải đem bản sao giấy khai sinh của con mình để đi lại, cứ tính mỗi lần sao như vậy hoặc nếu không phải ra công an phường đóng dấu có ảnh thì mới đi qua hàng không được, nếu chúng ta tính một lần làm chứng minh thư cho các cháu so với các lần đi lại về hiệu quả kinh tế thì hiệu quả và đỡ phiền hà hơn nhiều. Đó là suy nghĩ của tôi. Chúng ta phải tính toán từ thực tiễn, ngay kể cả tôi cũng có con nhỏ từ 1 đến 14 tuổi, rất nhiều lần phải sao, các lần chứng thực này đi lại rất tốn kém, nếu cộng lại thì so với chỉ làm một lần, thực ra với công nghệ hiện nay như Công an Hà Nội làm thì tốn 40 ngàn đồng một thẻ này thôi.

Vấn đề thứ năm, liên quan đến nhóm máu, một số đại biểu nói không nên đưa nhưng tôi nêu 2 ý kiến. Hiện nay trong ngành công an làm chứng minh thư công an nhân dân của thẻ ngành thì tất cả đã có nhóm máu. Cái này phục vụ rất tốt cho việc mỗi một lần cán bộ bị thương hoặc có vấn đề gì khi cần huy động cán bộ, chiến sỹ ủng hộ máu cho đồng đội  mình rất tiện.

Thứ hai, hiện nay chúng ta đang tiếp nhận những dự án của Nhật Bản là xây dựng các trạm cấp cứu ở trên các đường cao tốc, người ta muốn cấp cứu ở trên đường là phải có nhóm máu ngay thì mới có tác dụng. Tôi nêu hai thông tin này để các đại biểu Quốc hội có thể tham khảo để chúng ta có nên cho hay không cho nhưng có thể nói tất cả các nước tiên tiến hiện nay đưa vào thẻ công dân của họ thì họ đều có nhóm máu ở trong đó. Đấy là việc phục vụ cho thiên tai, cho tất cả các lần liên quan đến cấp cứu. Việc đó là nhân đạo và rất tốt.

Vấn đề thứ sáu, về thời gian đổi thẻ, nếu đối với các cháu từ sinh ra cho đến 14 tuổi cấp một lần thẻ và đến nội dung thẻ này chỉ cần họ tên, tên tuổi và có ảnh, thậm chí có tên bố, tên mẹ, trong trường hợp không có bổ chỉ cần tên mẹ hoặc người giám hộ. Như vậy các lần liên quan đến thì phục vụ cho không chỉ riêng gì các lần giao dịch hành chính, vì như ngay trong luật cũng có tội phạm dưới vị thành niên và các vị thành niên đều phải có bố hoặc mẹ hoặc người tham gia giám hộ. Mỗi một lần như vây mà có thẻ định danh, số định danh cá nhân này rồi và có thẻ này thì hoàn toàn chúng ta không phải lo gì mỗi lần xác minh liên quan đến ngày tháng để đảm bảo độ tuổi mà chúng ta không thể nào làm sai lệch được trong vấn đề độ tuổi để chịu trách nhiệm hình sự hay chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự và khi đổi thì vừa 14 năm sau thì đổi rất phù hợp.

Thông qua nghiên cứu luật này, tôi xin có 6 nội dung phát biểu như vậy. Tôi xin hết ý kiến, trân trọng cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan