Đại biểu Phạm Tất Thắng tỉnh Vĩnh Long góp ý dự thảo Luật căn cước công dân tại kì họp thứ 7 của QH

Thứ Hai 14:15 01-12-2014

Phạm Tất Thắng - Vĩnh Long

Kính thưa Quốc hội,

Trước tiên, tôi đánh giá cao sự công phu, nghiêm túc của Ban soạn thảo trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật căn cước công dân. Ban soạn thảo đã chuẩn bị hồ sơ theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, Ban soạn thảo đã tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương, nghiên cứu kinh nghiệm các nước, dự thảo, thông tư của Bộ Công an quy định về thẻ căn cước công dân, tổng cộng tập hồ sơ gồm 17 loại tài liệu khác nhau. Tôi cũng nhất trí cao với quan điểm nêu trong tờ trình về sự cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật căn cước công dân, xin không phân tích thêm.

Tôi cũng cơ bản tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về phương hướng hoàn thiện dự thảo luật. Tôi xin được phát biểu thêm vào một số nội dung sau đây:

Một về tên gọi của luật theo quy định hiện hành. Mỗi công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên và nhóm đối tượng vị thành niên từ đủ 14 tuổi trở lên đến dưới18 tuổi được cấp giấy chứng minh nhân dân. Người dân ở một số địa phương  được cấp chứng minh nhân dân thí điểm theo công nghệ và quy trình cấp mới. Ở các nước thì có nơi gọi là thẻ căn cước, có nơi gọi là giấy căn cước, có nơi gọi là thẻ nhận dạng cá nhân,vv...nhưng bản chất nó đều là giấy tờ căn cước công dân mà chính quyền cấp cho mỗi công dân để sử dụng vào mục đích nhận dạng, chứng minh danh tính giao dịch trong nước cùng với hộ chiếu sử dụng chủ yếu khi ra nước ngoài. Vì vậy, trong trường hợp nội hàm của luật có quy định giấy tờ này vẫn gọi là giấy chứng minh nhân dân hoặc là chứng minh nhân dân thì tức là các chứng nhận của công tác căn cước công dân thì tên gọi của luật như vậy vẫn phù hợp, bao quát đủ nội hàm của hoạt động quản lí căn cước công dân.

Hai, về phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1, tôi đề nghị thêm cụm từ " hoạt động quản lí" trước từ  " bảo đảm" trong ý cuối cùng của điều này, bởi lẽ hoạt động quản lí căn cước công dân là linh hồn, là vấn đề trọng tâm nhất của luật này. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu căn cước công dân, việc cấp, quản lí sử dụng thẻ căn cước công dân, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến đều chỉ là các yếu tố có liên quan hoặc là một khâu của hoạt động quản lí căn cước công dân. Trên phạm vi rộng, hoạt động quản lí với bất kì một lĩnh vực nào của đời sống xã hội cũng là nhiệm vụ chính yếu của cơ quan quản lí nhà nước. Cũng chính vì vậy, các văn bản quy phạm pháp luật phải ra đời nhằm thực hiện chức năng quản lí nhà nước nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất này của công tác quản lí căn cước công dân lại không được nêu trong phạm vi điều chỉnh của luật. Vì vậy tôi đề nghị Điều 1 viết lại như sau:

Luật này quy định về căn cước công dân và cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Việc cấp, quản lí, sử dụng thẻ căn cước công dân, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến căn cước công dân, hoạt động quản lí căn cước công dân và bảo đảm điều kiện cho hoạt động này.

Ba, về giải thích từ ngữ. Tôi đề nghị tại Khoản 3 thay từ " được kết nối" bằng từ " thuộc", bởi lẽ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tài sản quốc gia, là công cụ giúp nhà nước quản lí dân cư, quản lí xã hội phải do Chính phủ thống nhất quản lí, tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi bộ mà Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng một cấu phần của cơ sở dữ liệu này. Tập hợp các cấu phần đó là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Điều này sẽ hạn chế được việc mỗi một bộ theo chức năng, nhiệm vụ của mình mà xây dựng độc lập một cơ sở dữ liệu riêng về lĩnh vực quản lí sẽ dẫn đến một thông tin nằm ở nhiều cơ sở dữ liệu khác nhau, gây chồng chéo, lãng phí tính liên thông giữa các bộ cơ sở dữ liệu thấp, không có được một bộ dữ liệu tổng thể. Nội dung này sẽ liên quan tới sự thống nhất giữa luật này với Luật hộ tịch chiều nay Quốc hội sẽ thảo luận. Từ đó tôi đề nghị bổ sung  khái niệm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào Điều 3, một khái niệm cần nêu trong Điều 3. Đồng thời nghiên cứu, bổ sung toàn diện các nội dung của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào Khoản 1, Điều 10 hiện nay đã có 17 nội dung.

Bốn, về tính thống nhất của hai dự thảo Luật căn cước công dân và hộ tịch, tôi đề nghị Chính phủ nghiên cứu quy định phù hợp để hai luật này không chồng lấn, trùng lặp với nhau. Tôi xin nêu một vấn đề, theo dự thảo của hai luật thì khi một đứa trẻ sinh ra sẽ được cấp hai loại giấy tờ, giấy khai sinh theo Luật hộ tịch, thẻ căn cước công dân theo Luật căn cước công dân nêu tại Khoản 2, Điều 19 của luật này. Một đứa trẻ mới sinh ra đời thông tin trên căn cước công dân không nhiều hơn thông tin trên giấy khai sinh. Rất thú vị ở chỗ gọi là căn cước công dân nhưng các công dân nhí này chắc sẽ không được cầm vì phải do cha mẹ cầm hộ, nếu có cầm chắc cũng không tự đi thực hiện được các giao dịch ngoài xã hội và cũng không có cha mẹ nào dám để con trong độ tuổi thiếu nhi tự thực hiện hầu hết các hoạt động của mình và xã hội cũng khó chấp nhận chuyện này. Điều này đã được các đại biểu Đỗ Ngọc Niễn, Đặng Thị Kim Liên, Nguyễn Ngọc Phương phân tích trước tôi.

Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ nghiên cứu, thấy giấy khai sinh còn cần thiết thì khi một đứa trẻ sinh ra cần cấp mã số công dân để cấp giấy khai sinh,  khi đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi cấp căn cước công dân như quy định hiện hành nhưng trên đó có ghi tên cha, mẹ hoặc người giám hộ, đủ 18 tuổi trở lên thì cấp căn cước công dân theo thông lệ quốc tế.

Thứ năm, về tính khả thi của dự thảo luật. Tôi nêu một vấn đề về thời gian, dự thảo luật quy định tại Điều 35, Chương II, hai mốc thời gian. Khoản 1 quy định luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2015. Khoản 3 quy định tại địa phương có đủ điều kiện, cơ sở hạ tầng thông tin, vật chất kỹ thuật và con người triển khai thì lùi lại nhưng chậm nhất là ngày 1/1/2020 thực hiện thống nhất theo luật này. Tôi đánh giá cao tinh thần khẩn trương của Ban soạn thảo. Tuy nhiên, luật này được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này và có thể sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 8, kỳ họp thứ 8 sẽ kết thúc vào cuối tháng 11 năm 2014. Với thời gian 1 tháng chỉ xây dựng dự thảo nghị định và hoàn thiện dự thảo thông tư đã có cũng không kịp.

Hơn nữa, luật này triển khai không chỉ là in thẻ căn cước công dân theo mẫu mới mà quan trọng nhất là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu về căn cước công dân. Đây là những công việc không thể làm trong một thời gian ngắn. Vì vậy, tôi đề nghị xem xét quy định luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 và đồng thời bổ sung một khoản quy định về mốc thời gian hoàn thành cơ sở dữ liệu căn cước công dân, có thể là sau 2 năm kể từ ngày luật có hiệu lực bên cạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu căn cước công dân thống nhất trong thời gian đó, đồng thời với việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trang, thiết bị, đội ngũ để cấp thẻ căn cước công dân thống nhất trên toàn quốc. Xin hết. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan