Đại biểu Phạm Trường Dân tỉnh Quảng Nam góp ý dự thảo Luật căn cước công dân tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Phạm Tất Thắng tỉnh Vĩnh Long góp ý dự thảo Luật căn cước công dân tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Quàng Thị Nguyên tỉnh Sơn La góp ý dự thảo Luật căn cước công dân tại kì họp thứ 7 của QH
Quàng Thị Nguyên - Sơn La
Kính thưa Quốc hội,
Qua nghiên cứu dự thảo Luật căn cước công dân, Tờ trình của Chính phủ, tôi xin góp ý 4 nội dung sau:
Thứ nhất, về sự cần thiết ban hành luật, tôi nhất trí với sự cần thiết ban hành luật để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phù hợp với chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính. Nhưng theo tôi cần nghiên cứu kỹ lưỡng, vì Luật căn cước công dân là một đạo luật lớn, phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, do đó cần nhiều thời gian chuẩn bị, cũng cần chuẩn bị một nguồn kinh phí để thích ứng với luật này, nhất là trong tình hình đất nước còn nhiều khó khăn hiện nay, đặc biệt vấn đề biển Đông đang đòi hỏi sự quan tâm, ủng hộ cả về tinh thần lẫn vật chất của tất cả chúng ta.
Thứ hai, về thời điểm cấp thẻ căn cước công dân, tôi không nhất trí với quy định như dự thảo luật là cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ từ khi sinh ra đến dưới 15 tuổi, vì trong thẻ căn cước của người dưới 15 tuổi theo quy định tại Khoản 3, Điều 18 không có ảnh, không có dấu vân tay, không ghi đặc điểm nhân dạng. Như vậy là không đúng với khái niệm về căn cước công dân được quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 3 dự thảo luật. Hơn nữa, đối với trẻ em dưới 15 tuổi, tất cả các hoạt động cần tư cách pháp lý, kể cả tham gia các giao dịch dân sự đều cần có cha, mẹ cũng như người giám hộ làm đại diện. Nếu cấp thẻ căn cước cho người dưới 15 tuổi thì theo tính toán nhà nước sẽ phải đầu tư một khoản kinh phí là 648 tỷ đồng, khá tốn kém. Theo kinh nghiệm của nhiều nước có quy định về thẻ căn cước công dân, đại đa số tuổi để cấp thẻ căn cước công dân là 14 hoặc 15 tuổi. Theo tôi, trẻ sinh ra vẫn làm giấy khai sinh thì báo lên cơ sở dữ liệu quốc gia mà Bộ Công an quản lý để được cấp số định danh cá nhân. Từ số định danh cá nhân sẽ cập nhật vào dữ liệu hộ tịch và theo dõi nội dung này. Trẻ dưới 15 tuổi sẽ dùng giấy khai sinh như là một giấy tờ tùy thân để thực hiện các quyền cơ bản như khám, chữa bệnh, cư trú, đi lại, nhập học. Khi trẻ đủ 15 tuổi thì sẽ cấp thẻ căn cước công dân với số định danh đã có.
Thứ ba, về các hành vi cấm tại Điều 7. Tại điều này có quy định 8 hành vi bị cấm, theo tôi để rõ ràng hơn nên sắp xếp lại thành 2 nhóm: Nhóm thứ nhất quy định các hành vi cấm đối với cán bộ làm căn cước công dân; Nhóm thứ hai quy định các hành vi cấm đối với người đi làm căn cước công dân.
Thứ tư, về việc cấp thẻ căn cước công dân thay cho chứng minh nhân dân, theo tôi nảy sinh hai vấn đề cần phải suy nghĩ:
Thứ nhất, luật có hiệu lực vào năm 2015 nhưng lại cho phép địa phương nào chưa chuẩn bị xong thì đến năm 2020 mới thực hiện. Như vậy đã có luật mà vẫn thực hiện Nghị định của Chính phủ thì có mâu thuẫn không.
Thứ hai, hiện nay ta đang sử dụng chứng minh nhân dân, cùng với nó là rất nhiều giấy tờ hành chính, theo Bộ Tư pháp có tời 356 thủ tục yêu cầu phải có chứng minh nhân dân. Gần đây ta thí điểm chứng minh nhân dân 12 số theo đề án 896 với kinh phí 3500 tỷ đồng. Đề án này vẫn chưa xong, nếu thực hiện Luật căn cước công dân nhà nước phải tiếp tục đầu tư một khoản kinh phí để làm thẻ căn cước công dân mới như nhập máy móc, đào tạo đội ngũ cán bộ, tổ chức các đợt tập huấn. Đây là vấn đề cần được cân nhắc. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.