Đại biểu Trương Trọng Nghĩa TP Hồ Chí Minh góp ý dự thảo Luật căn cước công dân tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Trương Minh Hoàng tỉnh Cà Mau góp ý dự thảo Luật căn cước công dân tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu bùi Mạnh Hùng tỉnh Bình Phước góp ý dự thảo Luật căn cước công dân tại kì họp thứ 7 của QH
Bùi Mạnh Hùng - Bình Phước
Kính thưa Chủ tọa phiên họp,
Kính thưa Quốc hội,
Tôi xin có ba ý kiến. Ý kiến thứ nhất, dư luận nhân dân rất phấn khởi trước tin Quốc hội sẽ thông qua Luật căn cước công dân, vì hiện nay mỗi công dân chúng ta đang phải sử dụng rất nhiều loại giáy tờ như giấy chứng minh nhân dân, giấy khai sinh, hộ khẩu, hộ chiếu, thẻ bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, mã số thuế cá nhân, ATM v.v... chúng ta không thể mang những giấy tờ này đi cùng một lúc, phục vụ cho công tác quản lý xã hội là rất cần thiết nhưng nhiều giấy tờ quá gây phiền toái cho công dân. Chúng ta thấy rất rõ xã hội hiện nay nghề phô tô rất nhiều, làm việc gì cũng phải phô tô, phô tô rất nhiều văn bản mới có thể giải quyết được những công việc hành chính. Người dân rất phấn khởi và hy vọng số định danh cá nhân trên thẻ căn cước công dân sẽ thay thế dần các giấy tờ trên. Đây là một mong mỏi rất thực tế và chính đáng, bởi vì qua tài liệu của dự án luật, chúng ta thấy nhiều nước đã làm được việc này, mặc dù trình độ công nghệ thông tin của họ cũng chỉ bằng, có khi còn thấp hơn chúng ta. Ngay như Campuchia thẻ của họ cũng hiện đại hơn ta, họ cũng đã sử dụng công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo luật, tôi thấy những mong muốn đó chưa được giải quyết một cách tích cực và cụ thể. Ví dụ trong Tờ trình của Chính phủ có ghi một câu; sau khi hoàn thành cơ sở hạ tầng và tích hợp đầy đủ dữ liệu về công dân thì sẽ bỏ sổ hộ khẩu, nhưng trong luật cũng không nêu được lộ trình để hoàn thành cơ sở hạ tầng này như thế nào, hoặc quy định về thời gian sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Tôi nghĩ trong luật nên ghi rõ, quy định đến năm nào đó hoặc ngay sau khi có căn cước công dân thì có thể bỏ được hộ khẩu hay không, công dân sẽ hỏi, hoặc thay thế giấy khai sinh thì sau khi có thẻ căn cước này thì có thay ngay giấy khai sinh được hay không hay phải chờ đến thời gian nào, tôi nghĩ trong luật phải ghi rõ.
Vấn đề đặt ra là căn cước công dân sẽ thay thế được những loại giấy tờ nào. Trong này chúng tôi mới chỉ thấy có thể thay thế được hộ khẩu, hộ chiếu trong trường hợp chúng ta có ký kết. Còn các giấy tờ khác, ví dụ khai sinh, nhóm máu, thẻ bảo hiểm y tế, một nước còn giấy phép lái xe, mã số thuế, mã số thuế cá nhân bây giờ rất cần, nhiều khi chúng ta có mã số thuế rồi nhưng không sử dụng, vì không mang đi trong các giao dịch, có nhưng nhiều khi không sử dụng. Tôi nghĩ những vấn đề này cần được ghi rõ đến bao giờ sẽ thay thế được. Để thay thế được với thông tin dữ liệu tôi cũng còn đang nghi ngờ là nếu thay thế được những cái đó thì có phải tiến hành các dự án khác nữa không, các dữ liệu quy định trong dự án này đã đủ chưa, công nghệ đáp ứng được không, đây là vấn đề cần phải đặt ra. Đó là câu hỏi trong dự án luật này cần phải đề cập, tôi thấy vẫn chưa đáp ứng được. Theo tôi chúng ta hiện nay cũng có đủ khả năng để áp dụng công nghệ cao, công nghệ mới để thực hiện các công việc mà các nước khác đã làm được, nhằm vươn tới một mục tiêu đơn giản hóa các thủ tục hành chính, hiện đại hóa nền hành chính và tránh được những phiền hà cho nhân dân để phục vụ tốt công tác quản lý xã hội ngày được tốt hơn.
Tôi đề nghị dự án luật cần đầy đủ và có tác dụng lâu dài, có tầm nhìn xa hơn, áp dụng triệt để công nghệ thông tin, có sự phối hợp của ngành công an với các ngành khác. Bởi vì chúng ta muốn thay thế lại các giấy tờ khác, ngoài ngành công an ra thì phải có các ngành khác phối hợp cùng làm dự án này, chúng ta có thể làm được. Để tránh trường hợp chúng ta làm đợt này rồi, nếu muốn thay thế giấy tờ khác lại phải bổ sung một dự án khác, tốn kém tiền bạc và công sức. Theo tôi với một mức độ như thế này, đơn giản như thế này chúng ta có thể nghiên cứu thêm, đã làm thì làm thật trọn vẹn, đầy đủ hơn.
Thứ hai, cần làm rõ hơn là thẻ căn cước công dân này sẽ kế thừa thông tin của thẻ chứng minh nhân dân hiện nay như thế nào, như là số chứng minh nhân dân, số định danh cá nhân có trên cơ sở bổ sung, số chứng minh nhân dân theo tôi nên bổ sung từ 9 số trở thành 12 số để tạo thuận lợi cho các văn bản giao dịch trước đây đã sử dụng giấy chứng minh nhân dân như một số ý kiến của địa biểu, tôi thấy rất nhất trí. Nếu chúng ta sử dụng là 12 số thì chúng ta cũng phải sử dụng những số đầu là số chứng minh nhân dân.
Thứ ba, chúng tôi nghiên cứu và thấy trong thông tư dự thảo có quy định về mẫu của thẻ căn cước, tôi nghĩ điều này nên ghi trong luật. Trong mẫu này tôi đề nghị phải bổ sung thời gian hết hạn sử dụng. Có một nước tôi nghiên cứu thấy họ có ghi cái này, họ ghi cũng có cái lý của nó là đến thời điểm đó người dân phải đi thay và khi đi thay thì trách nhiệm của cơ quan chức năng phải làm được việc này. Bởi vì thực ra không phải công dân nào người ta cũng có thể để ý đến thời điểm đó người ta đi thay, nên ghi mục này rất hữu hiệu. Tôi có một số ý kiến. Xin hết. Cảm ơn Quốc hội.