Đại biểu bùi Mạnh Hùng tỉnh Bình Phước góp ý dự thảo Luật căn cước công dân tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Phạm Trường Dân tỉnh Quảng Nam góp ý dự thảo Luật căn cước công dân tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Trương Minh Hoàng tỉnh Cà Mau góp ý dự thảo Luật căn cước công dân tại kì họp thứ 7 của QH
Trương Minh Hoàng - Cà Mau
Kính thưa Quốc hội,
Trong dự án Luật căn cước công dân, tôi xin được tham gia mấy ý như sau:
Trước hết, tôi đồng tình rất cao với phân tích của đại biểu Trọng Nhân ở Bình Dương, đại biểu Ngọc Niễn ở Bình Thuận, xung quanh vấn đề số định danh tôi phân tích thêm như sau. Trước đây 68 triệu người được cấp giấy chứng minh nhân dân 9 số, tôi cho rằng việc thay đổi, điều chỉnh rất tốn kém cho người dân. Đặc biệt, ví dụ hiện nay, dân người ta đã hợp đồng xung quanh các giấy tờ có liên quan trong các hợp đồng giao dịch dân sự thì việc tồn tại này là đương nhiên. Tôi lấy ví dụ, bây giờ dân đã đi mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ chẳng hạn thì hợp đồng bảo hiểm nhân thọ này tới vài chục năm sau người ta mới nhận nguồn tiền này mà trong đó được quy định lại số chứng minh nhân dân rồi thì bây giờ, sau này các doanh nghiệp, các công ty này việc thay đổi số định danh này mà không còn tồn tại chứng minh nhân dân thì gặp khó khăn cho người dân và người dân người ta chắc chắn cũng sẽ hoang mang, lo lắng về vấn đề này vì thay đổi này, thay thế này. Do vậy, muốn thay thế vấn đề này thì tôi kiến nghị về số định danh thế này: nên tính toán thế nào số liên thông giữa số chứng minh nhân dân 9 số với 12 số định danh mà chúng ta định đưa. Việc liên thông này khi mà luật có hiệu lực thì mặc nhiên 9 số này và 12 số kia ở 68 triệu người đã có người ta được phiên ra, tính toán thế nào đó để đảm bảo. Tôi lấy ví dụ cũng có thể cách chúng ta giữ những số vùng, khu vực chúng ta đưa vào dãy số 9 số này ở 3 số ở vị trí nào đó để chúng ta tồn tại ở 68 người dân mà hiện nay có chứng minh nhân dân để họ không phải thay đổi về số định danh này. Đó là vấn đề thứ nhất.
Vấn đề thứ hai, trong dự thảo căn cước công dân có một số quy định đụng chạm đến quyền con người và quyền công dân. Trong Hiến pháp nêu rất rõ tại Khoản 2, Điều 14, Hiến pháp năm 2013 quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật. Ở đây, tôi muốn nói là theo quy định của luật, trong trường hợp cần thiết vì lí do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, sức khoẻ cộng đồng. Như vậy trong dự thảo tại Khoản 2, Điều 10 quy định việc xây dựng, trao đổi, khai thác sử dụng và quản lí thông tin tại Khoản 1, Điều 10 thì do Chính phủ quy định hay là tại Khoản 2, Điều 14 có quy định việc cung cấp trao đổi thông tin tài liệu từ cơ sở dữ liệu căn cước công dân có liên quan đối với cơ quan tổ chức cá nhân thì do Bộ trưởng Bộ Công an quy định. Vấn đề này tôi đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu tính hợp hiến. Bởi vì trong Hiến pháp là giao luật định, bây giờ mình lại giao cho Chính phủ, giao cho Bộ trưởng Bộ Công an về vấn đề khai thác các dữ liệu thông tin mà đã được quy định ở Khoản 1, Điều 10, tôi cho rằng Ban soạn thảo nên nghiên cứu tính hợp hiến của vấn đề này.
Thứ ba, đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu quy định rõ trong luật một số điểm quy định chưa rõ, thiếu sự ràng buộc, thiếu tính thống nhất. Ví dụ Điều 10 quy định về thông tin, tài liệu xác lập cơ sở dữ liệu chưa nói gì đến thông tin về nhóm máu mà đại biểu Hùng và một đại biểu trước tôi đã nêu, nhưng ở Khoản 2, Điều 11 lại quy định thông tin, tài liệu về nhóm máu được bổ sung khi có điều kiện do Chính phủ quy định. Tôi nghĩ nếu cần thiết phải có thông tin về nhóm máu thì tại ngay Khoản 1, Điều 10 phải có một điểm để khi có điều kiện chúng ta bổ sung vào. Nhưng tôi cũng không đồng tình nói là khi có điều kiện thì biết đến khi nào, tôi thấy nên quy định rõ về mốc thời gian, lộ trình để thực hiện đưa nhóm máu vào quản lý cơ sở dữ liệu. Tôi thấy rất cần trong mọi điều kiện đối với một công dân phải quản lý nhóm máu, ví dụ phải kết hợp gắn chặt với ngành y tế để quản lý dữ liệu, tôi nghĩ trong đời rất ít người không đi khám bệnh, hay qua cơ sở dữ liệu kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự hay ít nhất bây giờ khi trẻ em mới sinh ra thì lấy nhóm máu, bằng cách này cách khác chúng ta nên tính lộ trình này, không nên ghi có điều kiện.
Ở Khoản 3, Điều 35 viết là thừa nhận những địa phương chưa có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng, thông tin, vật chất kỹ thuật, cán bộ nên đến 1/1/2020, tôi nghĩ luật này đưa ra nhưng lại tới quá lâu như thế mới bắt buộc thực hiện, tôi đề nghị Ban soạn thảo cũng như ngành chức năng nên xem lý do và cơ sở thiếu là bao nhiêu, nguồn kinh phí bao nhiêu và tỉnh nào, nơi nào thiếu để báo cáo, giải trình cho rõ để có lộ trình thực hiện, không nên giao Chính phủ quy định mà trong luật không quy định vấn đề này.
Vấn đề cuối cùng, tôi thấy luật này ngắn, có 36 điều, tôi kiến nghị nên chăng nếu được chúng ta đưa tất cả cụ thể hóa vào luật. Không nên giao một bộ, một ngành, kể cả giao cho Chính phủ. Để nếu được trở thành một tiền lệ để sau này những luật chuyên đề như thế này, những luật ngắn, luật cụ thể như thế này trong luật. Không giao một cơ quan, đơn vị nào thì sau này làm luật có một tiền lệ rất tốt.
Xin cảm ơn Quốc hội.