Đại biểu Siu Hương tỉnh Gia Lai góp ý dự thảo Luật căn cước công dân tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn tỉnh Bình Thuận góp ý dự thảo Luật căn cước công dân tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Phạm Trọng Nhân tỉnh Bình Dương góp ý dự thảo Luật căn cước công dân tại kì họp thứ 7 của QH
Phạm Trọng Nhân - Bình Dương
Kính thưa Chủ toạ,
Kính thưa Quốc hội.
Qua nghiên cứu dự luật có mấy nội dung tôi quan tâm, xin phép được thông qua.
Trước hết, về số định danh cá nhân tại Điều 3. Tôi cho đây là mệnh đề trung tâm không chỉ của luật này mà cả Luật hộ tịch. Trong khi Quốc hội đang cho ý kiến, nhưng đã có địa phương triển khai cấp mẫu chứng minh nhân dân mới 12 số. Cơ quan soạn thảo cũng dự kiến mã hoá dữ liệu mà gán chức năng định danh cho 12 số này với mục tiêu không trùng lắp, không chạm số trong 500 năm, tôi nghĩ cách tiếp cận này có thể chưa ổn. Với 9 số của chứng minh hiện nay, chỉ đơn giản là hợp nhất lại ở các địa phương chúng ta sẽ có gần 1 tỷ đầu số. Trong khi đó, theo Tờ trình của Chính phủ hiện chỉ mới cấp hơn 68 triệu. Với tốc độ tăng dân số hiện nay, kho số này chí ít cũng dùng được hơn 400 năm. Vì vậy, Quốc hội cần phải nghe một lời giải trình mang tính khoa học, thuyết phục hơn. Về mặt xã hội, sự thay đổi này sẽ tạo ra một sự xáo trộn, lãng phí vô cùng lớn. Bỏ đi 68 triệu chứng minh cũ với những mối quan hệ đã thiết lập chằng chịt, lan toả trong toàn xã hội là một việc làm cần được cân nhắc.
Về kĩ thuật, tăng từ 9 lên 12 con số phải tốn tài nguyên lưu trữ, làm chậm tốc độ truyền dẫn và xử lí dữ liệu nếu mã hoá thông tin căn cước để cho ra số này thì càng vô nghĩa một khi công dân điều chỉnh căn cước của mình. Còn nếu định danh để nhìn vào mà biết được nơi đăng kí khai sinh, năm sinh, giới tính thì trên thẻ căn cước và các giấy tờ liên quan có cần phải ghi thêm những thông tin này bên cạnh nữa không? Việc định danh hay đưa mã vùng vào dãy số là do trước đây làm thủ công, chưa có thiết bị công nghệ nên không chỉ có Việt Nam, mà cả các nước trên thế giới cũng giao mã vùng về cho từng địa phương theo dõi cấp cho công dân mình. Một khi đã có hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử thống nhất thì không ai làm cách này. Số định danh thực chất là số chỉ mục để truy xuất dữ liệu của mỗi công dân chứ không có ý nghĩa nào khác.
Liên quan đến phát hành số định danh ở Điều 16 Luật hộ tịch. Khi đăng kí khai sinh sẽ do công chức tư pháp ghi vào sổ hộ tịch và bản chính giấy khai sịnh, cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy số định danh, sau đó ghi chính thức vào sổ hộ tịch và giấy khai sinh. Dĩ nhiên, một lần nữa phải mất công là nhập vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Tôi thật sự ngạc nhiên và không hiểu vì sao chúng ta lại xây dựng hai hệ thống cơ sở dữ liệu riêng biệt. Phương thức kiểm soát cập nhật, bổ sung và điều chỉnh cho cả hai hệ thống này thế nào khi có hàng ngàn đầu mối nhập liệu, người nhập liệu vào hệ thống của Bộ công an quản lý để lấy số định danh lại là công chức tư pháp hộ tịch. Cách làm này vừa tốn nhiều công sức lại dễ xảy ra sai sót.
Có thể vì lường trước điều này mà Khoản 3, Điều 14, Luật hộ tịch quy định trường hợp thông tin khai sinh khác nhau giữa hộ tịch, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và cơ sở quốc gia về dân cư phải căn cứ vào sổ hộ tịch, điều này hết sức bất cập và mâu thuẫn. Bởi số định danh ghi trong sổ hộ tịch là kết quả từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, vậy cơ sở dữ liệu nào là dữ liệu gốc, giấy khai sinh đóng vai trò gì một khi thẻ căn cước được cấp ngay từ khi mới chào đời.
Qua nội dung phân tích như trên và rất nhiều điều bất cập, mâu thuẫn giữa hai dự luật căn cước và hộ tịch tôi xin kiến nghị:
Thứ nhất, thay đổi mô hình cách làm như thủ công trước đây chỉ xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia duy nhất về căn cước và hộ tịch. Giao trách nhiệm quản lý nhà nước cho một bộ duy nhất tiến hành cập nhật và đồng bộ dữ liệu hộ tịch vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bởi hộ tịch thực chất là nội dung những sự kiện liên quan đến tình trạng nhân thân của một người từ khi sinh ra đến khi mất đi. Trong hệ thống này mỗi công dân sẽ có một mã số đóng vai trò chỉ mục để xác định các dữ kiện căn cước và dữ kiện hộ tịch của công dân đó trong suốt cuộc đời. Chính hai hệ thống này không thể tách rời, nên tôi tha thiết đều nghị nhập Luật căn cước công dân trở thành một chương của Luật hộ tịch nhằm đảm bảo tính thống nhất.
Thứ hai, dừng cấp chứng minh nhân dân 12 số và tiến hành hợp nhất toàn quốc chứng minh nhân dân 9 số hiện nay. Đối với trường hợp có nhiều chứng minh nhân dân thì lấy số chứng minh nhân dân nơi đăng ký sau cùng, trường hợp trùng cả địa phương như Đồng Nai và Bà rịa - Vũng Tàu trước đây thì chỉ cần thay cơ số đầu của địa phương có ít dân cư hơn. Sau khi hợp nhất tiếp tục cấp tường tự trong kho số này theo thời gian phát sinh mà không cần phân biệt mã vùng như hiện nay. Số định danh gọi lại cho đúng bản chất là mã số công dân được cấp, xác lập từ khi mới sinh, dùng chung duy nhất cho tất cả các giấy tờ liên quan đến công dân đó.
Sau hơn 400 năm nếu hết kho số cũ mà mã số công dân mới cũng chỉ nên tối đa gồm 9 chỉ số, 3 cơ số đầu chạy từ 0-99, và a-z, tức là một vị trí chạy 36 lần. 6 số còn lại chạy từ 0-99 theo cách này, kho số sẽ có hơn 46,65 tỷ đầu số đủ dùng cho hơn 23.000 năm. Nhưng tôi tin rằng mấy chục năm nữa đại biểu Quốc hội là con cháu sau này sẽ có giải pháp quản lý tốt hơn hiện nay.
12 hay 15 chỉ số không quan trọng mà quan trọng là xác định cho được nhu cầu quản lý để xây dựng cấu trúc cơ sở dữ liệu phù hợp tối ưu các giải pháp bảo trì, bảo mật hệ thống và thiết lập mã hóa phân quyền cho các đơn vị thụ hưởng. Chủ động chia sẻ, sử dụng nguồn dữ liệu này ở các cấp độ thẻ cá nhân, cấp độ dữ liệu tổ chức và cấp độ dữ liệu quốc gia.
Thứ ba, về dự thảo thông tư liên quan đến thẻ căn cước đính kèm dự luật này, tôi thấy không thiết kế chíp điện tử như quy định tại Điều 18. Tôi khẳng định việc tích hợp chíp điện tử là một quyết định vô cùng sáng suốt của cơ quan soạn thảo trên lộ trình thực hiện Chính phủ điện tử, chíp này sẽ chứa đựng các dữ kiện căn cước và hộ tịch của cá nhân khi công dân đến giao dịch tại bất cứ tổ chức nào, chỉ cần đưa thẻ vảo thiết bị đầu cuối tương thích thì đầu đọc tự động đồng bộ dữ liệu về máy tính của tổ chức đó để kích lập các giấy tờ, hồ sơ liên quan. Đặc biệt đáp ứng mức tối đa của các dịch vụ công trực tuyến hiện nay mà không cần công dân phải xuất trình thêm bất cứ loại giấy tờ nào nữa.
Bên cạnh đó chíp này còn có nhiệm vụ lưu trữ Password bảo mật của chủ thẻ, giúp định vị trạm giao dịch hoặc vô hiệu quyền sử dụng hay xóa dữ liễu đã tích hợp nếu chẳng may thẻ bị mất và vô số những tiện ích khác mà nhà nước có thể tích hợp vào đây để phục vụ cho công dân. Nếu thực hiện mô hình này, một lần nữa tôi khẳng định không những giúp tiết kiệm công sức, thời gian và một lượng kinh phí khổng lồ, mà còn đáp ứng yêu cầu kế thừa và tận dụng những thành quả của hệ thống tàng thư vô cùng lớn của 63 tỉnh, thành, hoàn toàn không gây xáo trộn hoạt động của các tổ chức và công dân sử dụng chứng minh nhân dân 9 số hiện nay. Cách làm này chính là điều kiện quyết định đến tốc độ triển khai chất lượng và tính khoa học bền vững của đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư tại Quyết định 896 của Thủ tướng Chính phủ. Tôi xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.