Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu góp ý dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh tỉnh Đắk Nông góp ý dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) tại ký họp thứ 7 của QH
Đại biểu Cao Thị Xuân tỉnh Thanh Hóa góp ý dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) tại ký họp thứ 7 của QH
Cao Thị Xuân - Thanh Hoá
Kính thưa chủ tọa phiên họp,
kính thưa Quốc hội.
Tôi cơ bản thống nhất với nội dung của dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi), đặc biệt là báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cơ bản tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Trong thảo luận hôm nay tôi xin tham gia 4 vấn đề sau.
Thứ nhất, về việc áp dụng tập quán trong hôn nhân và gia đình tại Điều 7, tôi tán thành quan điểm được áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình, vì quy định này thể hiện sự tôn trọng, bảo tồn và phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp, tiến bộ của các dân tộc đang hiện hữu và giải quyết được những vấn đề phát sinh trong thực tiễn liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, với 54 thành phần dân tộc, mỗi dân tộc có một tập quán riêng, đó là những quy tắc, quy định xử sự của từng cộng đồng, những tập quán này mang tính ràng buộc, tính cộng đồng rất cao. Đồng bào dân tộc thiểu số coi những tập quán này quan trọng không kém các quy định pháp luật. Nếu thực hiện tốt các quy tắc xử sự mang tính tập quán này trong hôn nhân và gia đình cũng góp phần thực hiện tốt luật pháp của nhà nước.
Thứ hai, về tuổi kết hôn đề nghị nên giữ như quy định hiện hành là nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên, vì qua thực tiễn không có gì trở ngại và đã ổn định, được xã hội thừa nhận, đồng tình. Vì vậy, xu hướng ngày càng nhiều người kết hôn ở độ tuổi cao hơn. Qua giám sát ở đồng bào dân tộc thiểu số cũng đồng thuận nên giữ ở độ tuổi theo quy định của luật hiện hành là phù hợp với sức khỏe sinh sản và phát triển thể lực của cả bố mẹ và con cái.
Thứ ba, về chế độ ly thân, tôi đồng tình không nên bổ sung, vì không chỉ trái với truyền thống văn hóa mà đây là quá trình vợ chồng có thể xem xét lại hành vi của mình do có xung đột tạm thời cá nhân để điều chỉnh hành vi có thể tái hợp hoặc nếu không khắc phục được thì sẽ ly hôn theo quy định của pháp luật. Vấn đề này thường vợ chồng không công khai mà tự giải quyết. Không nên quy định chế định ly thân làm tăng thêm mâu thuẫn gia đình, ảnh hưởng đến con cái và quan hệ tình cảm, đồng thời cũng trái với đạo đức của xã hội.
Thứ tư, về vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, thực tế vấn đề này đã và đang xảy ra đem lại hạnh phúc cho nhiều gia đình, đáp ứng được nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của các cặp vợ, chồng không có khả năng sinh con, kể cả khi áp dụng kỹ thuật sinh sản, góp phần bảo vệ hạnh phúc của gia đình.
Về bản chất mang thai hộ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhưng thực tế hậu quả cũng khôn lường, do việc mang thai hộ vẫn ẩn chứa tính chất thương mại gây xung đột, làm tổn thương đến người mẹ và trẻ em mà pháp luật khó có cơ sở để xử lý. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, nếu chưa đủ các điều kiện cụ thể và kỹ thuật y học thì chưa nên quy định vấn đề này. Các trường hợp đặc biệt do quan hệ dân sự xử lý, nếu quy định có thể tác động đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và người có điều kiện có thể lạm dụng chính sách này để gây ra sự phân biệt giàu, nghèo trong xã hội. Vì để thực hiện được kỹ thuật này rất tốn kém, nên chỉ những cặp vợ chồng có điều kiện mới có thể làm được. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.