Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu góp ý dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH

Thứ Sáu 15:23 28-11-2014

Nguyễn Văn Tuyết - Bà Rịa - Vũng Tàu

Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin tham gia một số ý kiến vào dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi). Trước hết, về tuổi kết hôn, ở Điểm a, Khoản 1, Điều 8 quy định nam từ 20 tuổi trở lên và nữ từ đủ 18 tuổi trở lên, nếu vẫn giữ như luật hiện hành là nam từ 20 tuổi trở lên và nữ từ 18 tuổi trở lên thì quy định như vậy sẽ dẫn đến một số bất cập. Vì theo quy định tại điều 18, 19 của Bộ luật dân sự năm 2005 người từ đủ 18 tuổi trở lên là người thành niên và người thành niên có năng lực, hành vi đầy đủ nên xảy ra trường hợp mâu thuẫn, khi cá nhân đủ tuổi kết hôn theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, nhưng lại là người chưa thành niên, chưa có năng lực, hành vi dân sự đầy đủ và bị hạn chế trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005.

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 57 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 thì cá nhân chỉ có thể tự mình tham gia quan hệ tố tụng khi đã đủ 18 tuổi trở lên. Nếu theo Luật hôn nhân và gia đình mà chúng ta vẫn quy định là nữ bước sang tuổi 18, tức là từ 18 tuổi trở lên đã được kết hôn, coi là hợp pháp và họ có quyền ly hôn. Tuy nhiên, quyền tự do ly hôn của họ sẽ không được thực hiện, nếu sau khi kết hôn và đến thời điểm có yêu cầu ly hôn, họ chưa đủ 18 tuổi. Vì những lý do như vậy, tôi xin đề nghị quy định tuổi kết hôn của nữ là đủ 18 tuổi trở lên và nam từ 20 tuổi trở lên.

Vấn đề thứ hai, quy định về chế độ mang thai hộ, tôi tán thành với loại ý kiến thứ nhất là cần bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong dự thảo luật. Vì thực tiễn có một số cặp vợ chồng không có khả năng sinh con, mong muốn được thực hiện quyền làm cha, làm mẹ. Hiện nay ở nước ta đã có một số cơ sở y tế để thực hiện các kỹ thuật này, như chúng ta biết do sự thay đổi về điều kiện kinh tế - xã hội, phương thức sống và môi trường tự nhiên nên xuất hiện ngày càng nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng vô sinh và vô sinh cũng đã đang phổ biến trong xã hội hiện nay.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện phụ sản thì tỷ lệ vô sinh ở Việt Nam đáng báo động là ở mức 8% dân số. Tuy nhiên theo tôi luật cần quy định chặt chẽ để tránh việc lợi dung thương mại hóa vấn đề này, bảo đảm quyền lợi của các bên, quyền của trẻ em và sức khỏe của người mang thai hộ.

Tôi hoan nghênh dự thảo luật đã bổ sung điều 96, 97, 98 và quy định cụ thể các điều kiện của người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo ở Điều 95.

Quy định về xử phạt đối với các vi phạm liên quan đến việc mang thai hộ theo Điều 100. Tôi đề nghị Điểm c, Khoản 3, Điều 95, ở đây Điểm c có quy đinh ở độ tuổi phù hợp. Theo tôi luật nên quy định cụ thể chứ nếu như chúng ta nói "ở độ tuổi phù hợp" thì cũng không biết là phù hợp sẽ là bao nhiêu, mà kinh nghiệm ở một số nước người ta quy định độ tuổi tối thiểu của người mang thai hộ là bao nhiêu, ví dụ 21, 22 tuổi hay 25 tuổi và tối đa của người mang thai hội là bao nhiêu tuổi chúng ta nên quy định cụ thể vào trong luật.

Về vấn đề chế định ly thân, tôi nhất trí không bổ sung chế đinh này vào dự án luật theo như giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Vấn đề cuối cùng, tôi thấy trong Điều 88, xác định cha mẹ. Trong điều này có bổ sung "con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày, kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân". Vấn đề này tôi xin đề nghị xem lại, vì cơ sở khoa học chúng ta vẫn thường nói người mẹ mang thai 9 tháng 10 ngày, mà 9 tháng 10 ngày chỉ 280 ngày và cơ sở thực tế như vậy khi các cặp vợ chồng đã đưa nhau ra tòa để ly hôn thì có thể trước đó đã ly thân, cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt thì làm sao sau đó 300 ngày vẫn tính là còn trong thời kỳ hôn nhân. Tôi đề nghị không nên bổ sung nội dung này vào, nếu bổ sung thì phải tính toán rất cụ thể. Xin hết ý kiến. Xin cám ơn.

Các văn bản liên quan