Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh TP Hà Nội góp ý dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Trần Hoàng Ngân TP Hồ Chí MInh góp ý dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Lê Trọng Sang TP Hồ Chí Minh góp ý dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Lê Trọng Sang - TP Hồ Chí Minh
Kính thưa Quốc hội,
Tôi xin góp ý 3 vấn đề cụ thể như sau:
Qua nghiên cứu Chương III, Mục 4 từ Điều 36 đến Điều 42 liên quan đến vấn đề phát triển nhà ở phục vụ cho tái định cư, tôi cho rằng Ban soạn thảo đã xây dựng rất công phu, chi tiết, nhưng sau khi nghiên cứu tôi thấy các điều khoản có sự trùng lắp với nhà ở thương mại và nhà ở xã hội. Tôi đề nghị về nhà ở tái định cư không cần quy định thành một mục riêng, vì đây có thể là nhà ở thương mại hoặc nhà ở xã hội, tùy thuộc vào bố trí của nhà nước hoặc thỏa thuận giữa nhà nước với người dân bị di dời. Bởi lẽ bản chất nhà ở tái định cư chỉ thực hiện khi nhà nước thực hiện quy hoạch và triển khai dự án đầu tư. Đó là phần lấy đi của người dân mà nhà nước có nghĩa vụ trả lại. Do vậy, việc bố trí nhà ở là trách nhiệm của nhà nước phải bố trí cho người được tái định cư và người tái định cư có quyền định đoạt tài sản là nhà ở của mình sau khi đã hoàn tất các nghĩa vụ, chưa kể cảm nhận hiện nay nhà ở tái định cư với nhà ở thương mại là sự so sánh về đẳng cấp sống, tạo tâm lý phân biệt không đáng có. Do đó, tôi đề nghị chỉ xây dựng các điều luật mang tính quy tắc nằm trong các quy định về nhà ở thương mại và có các chính sách đặc thù riêng về đối tượng thụ hưởng, cũng như chính sách ưu đãi.
Vấn đề thứ hai, liên quan đến nguyên tắc huy động vốn cho phát triển nhà ở quy định tại Điều 67, tôi đề nghị quy định cho phép chủ đầu tư được huy động vốn của khách hàng tại thời điểm đã hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500, vì theo tôi doanh nghiệp đã đầu tư một khoản tiền rất lớn để giải phóng mặt bằng nên rất cần vốn vào thời điểm này. Mặt khác, khi Luật đất đai có hiệu lực thì chủ đầu tư phải ký quỹ để thực hiện dự án, đồng thời tại dự thảo Luật kinh doanh bất động sản cũng đã quy định về quy mô vốn cho một dự án đầu tư, nên rất cần được bổ sung nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn huy động từ khách hàng. Bên cạnh đó cần quy định các biện pháp chế tài cần thiết để buộc chủ đầu tư phải sử dụng vốn huy động của người mua đúng mục đích để hoàn thành nhà ở bàn giao cho người mua, cụ thể tiền huy động có thể được gửi vào một tài khoản tại ngân hàng và chỉ được giải ngân theo tiến độ thi công của công trình, có sự giám sát của ngân hàng và đại diện khách hàng.
Vấn đề thứ ba về quyền sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức cá nhân nước ngoài tại Việt Nam theo Điều 158 và 159 của dự thảo luật. Dự thảo luật quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam được nhập cảnh vào Việt Nam có quyền sở hữu nhà ở tại các dự án. Dự thảo cũng hạn chế về số lượng 30% chung cư, 250 căn hộ liền kề, biệt thự trên cùng một địa bàn phường. Thời hạn đối với tổ chức tối đa không quá thời hạn ghi trong giấy chứng nhận đầu tư. Với cá nhân thời hạn sở hữu là 50 năm nhưng có thể được gia hạn nếu có nhu cầu, đồng thời có quyền cho thuê nhà.
Tôi cho rằng dự thảo quy định về quyền sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam như trên là quá rộng, dễ dẫn đến việc lợi dụng làm ảnh hưởng đến lợi ích về an ninh quốc gia.
Bên cạnh đó nhu cầu về nhà ở của người dân trong nước là rất lớn, điều kiện tạo lập nhà ở của người dân trong nước còn khó khăn, do đó việc mở rộng cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam với điều kiện thuận lợi như trên sẽ ảnh hưởng đến quyền có nhà ở của người dân trong nước. Đặc biệt là hiện nay một bộ phận lớn người lao động chưa có chỗ ở dù có nhu cầu. Do đó đề nghị cần quy định hạn chế thấp hơn nữa đối với số lượng nhà ở hay khu vực cá nhân, tổ chức nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Cụ thể như điều kiện về thời hạn cư trú tại Việt Nam, theo đó chỉ có những cá nhân cư trú tại Việt Nam hoặc có thẻ tạm trú từ 5 tháng trở lên mới được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Hoặc quy định chỉ cho phép sở hữu 20% căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại, 100 căn nhà ở liền kề, nhà biệt thự trên cùng một địa bàn phường.
Bên cạnh cần quy định các loại thuế bất động sản để hình thành nguồn thu giải quyết các vấn đề xã hội và nhà ở cho người nghèo, người có công và người lao động trong nước.
Xin cảm ơn Quốc hội.