Đại biểu Đào Văn Bình TP Hà Nội góp ý dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Lê Trọng Sang TP Hồ Chí Minh góp ý dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh TP Hà Nội góp ý dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Trần Thị Quốc Khánh - TP Hà Nội
Kính thưa Chủ tọa phiên họp,
Kính thưa Quốc hội.
Tôi tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật nhà ở và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Tôi đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc của Ban soạn thảo trong việc xây dựng dự thảo luật với nhiều nội dung tốt, tiến bộ, vì dân, đồng thời kèm theo tập dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật nhà ở. Rất nhiều cử tri hoan nghênh chủ trương của Chính phủ, Bộ Xây dựng từ nhiệm kỳ này đã bắt đầu quan tâm hướng đến nhà ở cho mọi người dân, nhất là cho người thu nhập thấp với nhiều chính sách ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội. Đó là điều khác biệt, tiến bộ hơn nhiều so với nhiều nhiệm kỳ vừa qua. Khi ngành xây dựng và nhiều địa phương chỉ tập trung vào xây nhà cho những người có thu nhập cao, dẫn đến nhiều khu đô thị bỏ hoang và thị trường nhà đất đóng băng, gây khó khăn chung cho toàn bộ nền kinh tế - xã hội như chúng ta đã biết trong thời gian vừa qua. Để góp phần hoàn thiện dự thảo luật và đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà ở trong thời gian tới, tôi xin phát biểu một số nội dung như sau.
Thứ nhất, về những hành vi bị nghiêm cấm trong phát triển, quản lý sử dụng nhà ở. Nhiều năm qua tình trạng chiếm dụng lấn chiếm không gian và các phần thuộc sở hữu chung hoặc của các chủ sở hữu khác dưới mọi hình thức, sử dụng phần diện tích và trang thiết bị thuộc quyền sử dụng chung vào mục đích riêng, sử dụng sai mục đích phần diện tích thuộc sở hữu chung v.v... diễn ra rất phổ biến ở các khu vực nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, nhà ở chung, chung cư gây tranh chấp, khiếu kiện, bức xúc ở nhiều địa phương, nhất là ở Hà Nội và nhiều đô thị lớn.
Để xảy ra tình trạng này có phần trách nhiệm rất lớn của cán bộ chính quyền cơ sở và cán bộ công chức chuyên môn ngành quản lý nhà đất. Rất nhiều trường hợp cán bộ công chức làm ngơ, thiếu trách nhiệm, không xử lý kịp thời theo thẩm quyền, thậm chí còn dung túng bao che, tiếp tay cho một bộ phận người dân vi phạm. Tuy nhiên, trong dự thảo luật lần này mới chỉ quy định việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc vượt quá thẩm quyền và thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện quy định của pháp luật về nhà ở là không đầy đủ, không rõ ràng.
Đối với những hành vi bị nghiêm cấm của cán bộ công chức trong quản lý nhà ở. Trong lý luận khoa học pháp lý, khái niệm hành vi bao gồm cả hành động và không hành động. Vì vậy tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định này là cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm hoặc bao che, dung túng, không xử lý kịp thời đúng pháp luật các hành vi vi phạm pháp luật về nhà ở dẫn đến việc tranh chấp khiếu kiện phức tạp tại địa phương. Tôi đề nghị bổ sung quy định này sẽ góp phần làm cho tình trạng lấn chiếm xây dựng nhà ở trái phép, sai phép, sự vô cảm thiếu trách nhiệm, tiêu cực, sách nhiễu hoặc vi phạm pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, cơ sở hiện nay sẽ được ngăn ngừa.
Thứ hai, về quyền có chỗ ở và quyền sở hữu nhà ở, Điều 4 dự thảo luật quy định công dân có quyền sở hữu chỗ ở thông qua việc đầu tư xây dựng mua nhà ở, thuê mua, nhận tặng, cho, nhận thừa kế v.v... Người có nhà ở hợp pháp có quyền sở hữu nhà đối với nhà ở đó. Việc quy định này là cần thiết nhằm cụ thể hóa nguyên tắc hiến định của Hiến pháp mới. Tuy nhiên, quy định khái niệm hợp pháp hoặc theo quy định của pháp luật ở đây không rõ ràng. Bởi thực tế suốt nhiều năm qua do tình trạng quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của cán bộ, công chức chính quyền, cơ quan chức năng ở các cấp dẫn đến việc lấn chiếm xây dựng nhà ở trái phép trên diện tích thuộc sở hữu chung khá phổ biến ở nhiều địa phương, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhiều người dân nghiêm túc chấp hành pháp luật.
Việc tranh chấp, khiếu kiện kéo dài nhiều năm, không ai giải quyết nay cơ quan quản lý nhà đất ở địa phương lại cho phép người chiếm dụng, lấn chiếm xây dựng trái phép được hợp pháp hóa, được cấp sổ đỏ gọi là theo quy định của pháp luật. Đây thực chất là sự thiếu minh bạch và thiếu thống nhất trong quản lý và trong thực hiện pháp luật, vừa thể hiện sự thiếu nghiêm minh trong xử lý vi phạm pháp luật. Việc cho phép hợp thức hóa diện tích lấn chiếm của một bộ phận dân cư và cấp sổ đỏ cho diện tích đó là quy định của ngành xây dựng và chính quyền địa phương, gây bức xúc trong dư luận, cử tri. Điều đó không khác gì khuyến khích người dân vi phạm pháp luật về xây dựng, về nhà ở, một thời gian sau sẽ hợp pháp hóa. Thực chất những quy định này là quy định dưới luật, trái với các nguyên tắc của Hiến pháp, pháp luật phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tôi đề nghị Bộ Xây dựng xem xét chỉ đạo, hủy bỏ các quy định này đang cho triển khai ở nhiều địa phương và trong nội dung của Điều 4 dự thảo luật, tôi đề nghị bổ sung quy định nhà ở tạo lập bất hợp pháp lấn chiếm, xây dựng trái phép trên diện tích thuộc sở hữu chung không được coi là nhà ở hợp pháp phải được xử lí nghiêm, đúng pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người thuộc sở hữu chung. Bổ sung quy định này thì sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tồn tại và đề cao tính nghiêm minh của pháp luật.
Vấn đề thứ ba, về phát triển nhà ở công vụ. Dự thảo luật lần này quy định khá rõ ràng nhiều nội dung, tạo điều kiện cho nhiều cán bộ, công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, giáo viên, bác sĩ, nhân viên y tế được điều động luân chuyển theo yêu cầu công tác và tạo điều kiện cho các đối tượng này yên tâm công tác và cống hiến đóng góp cho xã hội. Dự thảo luật cũng quy định nhiều nội dung nhằm tạo điều kiện cho cơ quan quản lí tốt hơn nhà công vụ so với nhiều năm trước đây. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của người dân và của các cơ quan giám sát thực thi pháp luật thì cần bổ sung thêm một số quy định nữa. Đó là cần bổ sung quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, các nhà khoa học, các nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ làm việc ở các cơ quan trung ương, địa phương tuy không được điều động luân chuyển nhưng thực sự gặp khó khăn về nhà ở thì cũng được thuê nhà ở công vụ. Thực tế hiện nay nhiều cán bộ, công chức dù ở cương vị cao ở trung ương và địa phương hoặc nhiều nhân sĩ trí thức văn nghệ sĩ chỉ biết làm việc cống hiến cho xã hội, nhưng không có điều kiện và không có khả năng tạo dựng cho mình một căn nhà lí tưởng. Họ lại không biết quan hệ mang tính tiêu cực với các cán bộ chính quyền ở các cấp để có thể thuê mua nhà ở. Ngay ở Hà Nội, có nhiều nhà khoa học, nhiều nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng cũng chỉ ở diện tích nhà 6, 7m2 và điều kiện nhà ở rất chật chội, phức tạp. Tôi hy vọng bổ sung quy định này sẽ khắc phục những khó khăn trong thủ tục cho thuê nhà ở công vụ, đặc biệt sẽ khuyến khích nhiều cán bộ công chức, các nhà khoa học, các nhân sĩ trí thức, các văn nghệ sĩ phần lớn tập trung ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ yên tâm công tác, phấn đấu cống hiến nhiều hơn cho xã hội ngay trong thời kì đương chức. Điều đó cũng làm cho chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước bảo đảm tính thống nhất, thể hiện trách nhiệm của nhà nước đối với những người cán bộ công chức khi còn ở, còn làm việc. Xin hết.