Đại biểu Lê Quang Hiệp tỉnh Thanh Hóa góp ý dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH

Thứ Sáu 14:55 28-11-2014

Lê Quang Hiệp - Thanh Hoá

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Luật nhà ở được Quốc hội khoá XII thông qua năm 2005. Sau 8 năm thực hiện, đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Bộ mặt các đô thị, khu dân cư đã khang trang hơn, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, chất lượng nhà ở được nâng lên, hoạt động quản lí nhà nước cũng đã tiến bộ và dần dần đi vào nền nếp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai, Luật cũng đã bộc lộ những tồn tại và những vướng mắc cần khắc phục. Một số quy định của luật hiện hành chưa thực hiện được trong thực tế cuộc sống, chưa khuyến khích được các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở một cách bài bản, đặc biệt là phát triển nhà ở xã hội, dẫn đến tình trạng mất cân đối trong cung cầu hiện nay. Chính vì vậy, tôi thống nhất về sự cần thiết và cũng như yêu cầu phải xây dựng Luật nhà ở sửa đổi năm 2014.

Kính thưa Quốc hội, qua nghiên cứu Luật nhà ở (sửa đổi) trình Quốc hội lần này, tôi đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban soạn thảo cũng như báo cáo thẩm tra của Uỷ ban pháp luật. Dự thảo luật đã thể chế hoá các chủ trương của Đảng, các quy định của Hiến pháp năm 2013 về vấn đề nhà ở. Cơ bản, tôi hoàn toàn thống nhất với bố cục và nội dung của dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi), đặc biệt tôi thống nhất cao đối với các quy định cụ thể tại chương 4 của dự thảo về chính sách nhà xã hội. Theo dự thảo lần này đã quy định cụ thể các chính sách hỗ trợ nhà xã hội, thể hiện sự quan tâm chăm lo của Đảng, nhà nước đối với đại bộ phận người thu nhập thấp, người nghèo có khó khăn về nhà ở như quy định ở Điều 50, Điều 52 và các cơ chế chính sách hỗ trợ cho các chủ đầu tư đẩy mạnh công tác xây dựng nhà xã hội để bán, cho thuê và thuê  mua ở Điều 59. Qua chính sách, đã thúc đẩy được việc đầu tư phù hợp với cung cầu về nhà ở của xã hội. Tôi xin góp ý thêm một số ý kiến cụ thể như sau:

Thứ nhất, đối với chính sách nhà ở xã hội. Qua thực tế triển khai các dự án nhà ở xã hội, tôi nhận thấy vấn đề khó khăn, bức xúc hiện nay là vấn đề vay vốn và giải ngân dòng tiền. Bởi trên thực tế người thu nhập thấp, kể cả người thu nhập trung bình cũng khó có điều kiện thanh toán khi mua nhà ở theo quy định hiện hành. Trong khi đó, các thủ tục vay vốn phải đảm bảo theo quy định như tài sản thế chấp, khả năng trả nợ, thời gian vay ngắn hạn, vv.. nên người thu nhập thấp, người nghèo có nhu cầu về nhà ở khó tiếp cận được nguồn vốn vay. Do vậy, tôi đề nghị trong Luật nhà ở (sửa đổi) lần này, Chính phủ cần có quy định cụ thể về các chính sách ưu đãi về tín dụng đối với mức lãi suất, hỗ trợ lãi suất ưu đãi, thời gian vay có thể kéo dài từ 20 đến 30 năm. Có như vậy các đối tượng nghèo thu nhập thấp mới có khả năng tiếp cận được nguồn vốn vay để có chỗ ở cho bản thân và gia đình.

Thứ hai, về vấn đề cải tạo xây dựng lại nhà chung cư. Tôi cho rằng việc cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ, luật hiện hành mới chỉ quy định mang tính nguyên tắc, trong đó chưa quy định về việc tạo quỹ đất, xây dựng kế hoạch cải tạo nhà chung cư và bố trí tái định cư. Đặc biệt là quy định trách nhiệm của nhà nước trong việc cải tạo nhà chung cư cũ. Do đó, nhiều nhà chung cư ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh v.v... đã xuống cấp, thậm chí có những chung cư xuống cấp nặng đe dọa tính mạng người dân cần cải tạo xây dựng lại nhưng không thể thực hiện được do thiếu cơ chế chính sách đồng bộ. Vì vậy tôi nhất trí với quy định tại Điều 114 của dự thảo về thời hạn sở hữu và nguyên tắc bố trí tái định cư như dự thảo luật. Các quy định này tạo cơ sở pháp lý cho việc cải tạo xây dựng lại các chung cư cũ hiện nay.

Tuy nhiên, qua thực tế tôi thấy khó nhất vẫn là phân chia quyền lợi của các chủ sở hữu giữa tầng 1 và các tầng trên của chung cư dẫn đến không thể thống nhất được các phương án đền bù giải tỏa. Do vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc đưa vào luật quy định chung về quyền lợi và trách nhiệm của các chủ sở hữu ở các tầng trong chung cư để đảm bảo sự thống nhất chung vấn đề này giữa các địa phương và các dự án để phương án đền bù, giải tỏa được khả thi.

Thứ ba, về quản trị nhà chung cư, tôi cơ bản nhất trí với các quy định của dự thảo luật tại Điều 103, 104. Tôi đề nghị Ban soạn thảo thống nhất một phương án mô hình quản lý và gắn trách nhiệm cụ thể trong việc thực hiện vai trò của ban quản trị nhà chung cư để đảm bảo tính thông nhất. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

                

Các văn bản liên quan