Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH

Thứ Tư 15:47 26-11-2014

Nguyễn Thị Bạch Ngân - Bà Rịa - Vũng Tàu

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết, tôi tán thành việc cần thiết sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội, nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng, quy định của Hiến pháp, hướng đến xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa dạng, linh hoạt và bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về an sinh xã hội, phù hợp với quá trình phát triển của đất nước. Tôi xin được góp ý những nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất, về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Tôi tán thành bổ sung quy định người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới ba tháng được giao kết bằng văn bản được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc để bảo đảm tương lai của người lao động khi hết tuổi lao động và cũng để bảo vệ người lao động không bị chủ sử dụng lao động lách luật bằng cách kí hợp đồng lao động mùa vụ dưới ba tháng để trốn tránh trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Tôi cũng tán thành bổ sung những đối tượng quy định tại điểm  e, Khoản 1 và Khoản 2 , Điều 2 trong dự thảo luật. Đồng thời tôi đề nghị bổ sung đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thuộc đối tượng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Vì lực lượng này chiếm một số lượng lớn, hơn 50% trong bộ máy của cấp xã và đã có một bộ phận làm việc gắn bó suốt cả cuộc đời với địa phương nhưng đến lúc nghỉ không có chế độ hưu trí được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đó cũng là tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ không chuyên trách phường xã hiện nay.

Thứ hai, về tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc Khoản 2, Điều 89, dự thảo luật quy định, từ ngày luật có hiệu lực đến trước ngày 1/1/2018, người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định là mức lương và phụ cấp lương ghi trên hợp đồng lao động. Từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động. Tôi thống nhất với dự thảo luật. Tiền lương tháng là thu nhập thực tế của người lao động, nhằm để nâng mức hưởng lương của người lao động, đảm bảo tốt hơn đời sống của người lao động khi nghỉ hưu. Để quy định này có tính khả thi, tôi đồng ý với lộ trình thực hiện từ ngày 1/1/2018 như dự thảo. Vì khi đóng theo thu nhập thực tế, doanh nghiệp sẽ phải chịu gánh nặng gia tăng về chi phí đóng bảo hiểm xã hội nên cần có thời gian chuẩn bị, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế hiện nay.

Thứ ba, về điều kiện hưởng lương hưu Điều 53. Dự thảo luật bổ sung quy định về lộ trình tăng thời gian đóng  bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu của người lao động. Về quy định này tôi đề nghị chưa thực hiện nâng tuổi như dự thảo mà chỉ áp dụng nâng tuổi nghỉ hưu đối với những đối tượng quy định tại Điều 187 của Bộ Luật lao động với các lý do như sau:

Việc nâng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội phải đồng bộ với việc nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động được quy định tại Bộ Luật lao động. Việc vỡ quỹ bảo hiểm xã hội là do nhiều nguyên nhân như tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp, không thu được quỹ bảo hiểm xã hội do chủ sử dụng lao động nợ đóng, chậm đóng, trốn đóng, năng suất lao động thấp, bộ máy cồng kềnh chứ không chỉ do tuổi lao động thấp. Nếu như tuổi nghỉ hưu tăng lên thì sẽ làm tăng thêm áp lực về việc làm và giảm cơ hội phát triển đối với lao động trẻ.

Thứ tư, về điều chỉnh mức lương hưu hàng tháng, Điều 55. Dự thảo luật sửa đổi cách tính tỷ lệ lương hưu theo hướng có lộ trình tăng dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đạt tỷ lệ hưởng 45% tương ứng với 20 năm đóng bảo hiểm xã, hội thay vì 15 năm đóng bảo hiểm xã hội như hiện nay. Theo đó từ năm 2016 số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2016:16 năm, năm 2017: 17 năm, năm 2018: 18 năm,  năm 2019: 19 năm và từ năm 2020: 20 năm. Với quy định như dự thảo thì tỷ lệ hưởng lương hưu của người lao động sau khi điều chỉnh sẽ giảm hơn so với hiện hành khoảng 10% đối với nam và 15% đối với nữ. Mặt khác, nếu như chúng ta chưa thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu như dự thảo thì với quy định này nữ sẽ rất khó đạt được mức lương hưu tối đa 75% , làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động. Do vậy, tôi đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành hoặc tính toán lại sao cho phù hợp hơn.

Thứ năm, về mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu và trợ cấp một lần Điều 61. Dự thảo luật quy định đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước quy định bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày luật này có hiệu lực thi hành 1/7/2015 trở đi thì mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu là bình quân toàn bộ thời gian đóng như người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định. Điểm đ, Điều 61, tôi nhất trí với quy định này, vì quỹ bảo hiểm xã hội hình thành trên nguyên tắc đóng, hưởng và cũng để đảm bảo sự bình đẳng, công bằng giữa các nhóm lao động làm việc trong và ngoài khu vực nhà nước. Đề nghị thời điểm thực hiện quy định này phải đồng bộ với tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm 1/1/2018 để không làm giảm mức lương hưu của người lao động.

Thứ sáu, về bảo hiểm xã hội tự nguyện, tôi đề nghị cần quan tâm hơn nữa đối với đối tượng này để mở rộng diện bao phủ cũng như để đảm bảo an sinh xã hội cho lực lượng lao động khu vực phi chính thức, nông thôn, nông dân, người có thu nhập thấp. Tôi thống nhất không khống chế tuổi trần tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như dự thảo luật để mở rộng đối tượng tham gia và thống nhất quy định có chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng đặc biệt tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Khoản 3, Điều 6. Tuy nhiên dự thảo luật cần quy định rõ đó là những đối tượng nào. Tôi đề nghị bổ sung chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động tham gia bảo hiểm tự nguyện để đảm bảo công bằng giữa khu vực chính thức và phi chính thức.

Cuối cùng đề nghị nghiên cứu, có chính sách của nhà nước hỗ trợ cho chế độ thai sản đối với những người tham gia bảo hiểm tự nguyện là lao động nữ ở nông thôn, phụ nữ ở vùng điều kiện khó khăn, người thu nhập thấp để đảm bảo chính sách an sinh xã hội ngày càng có ý nghĩa sâu sắc. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan