Đại biểu Nguyễn Tuyết Liên tỉnh Sóc Trăng góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Trần Tiến Dũng tỉnh Hà Tĩnh góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Phạm Văn Tấn tỉnh Nghệ An góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Phạm Văn Tấn - Nghệ An
Kính thưa Quốc hội,
Nghiên cứu Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo luật, tôi xin có ý kiến như sau:
Thứ nhất, Điều 4, điều này có tên gọi là nguyên tắc hành nghề công chứng bao gồm 5 khoản từ 5 nguyên tắc. Sau nhiều lần thảo luận có cả thảo luận tại Hội nghị các đại biểu Quốc hội chuyên trách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý. Trong Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có đề cập và đề nghị với việc Quốc hội cho phép bổ sung nguyên tắc thứ 3 là không vì mục đích lợi nhuận như thể hiện tại Điều 4 của luật này. Trong nội dung đề nghị tập trung thảo luận thì không có nội dung này nhưng tôi vẫn thấy băn khoăn và đề nghị như sau:
Cùng với những ý kiến phát biểu trước tôi đối với nguyên tắc này đối chiếu với các văn bản luật cho thấy Khoản 1, Điều 22, dự thảo luật này khẳng định văn phòng công chứng được tổ chức hoạt động theo quy định của luật này và các văn bản pháp luật có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh. Các công chứng viên tham gia thành lập là công chứng viên hợp danh của văn phòng công chứng, văn phòng công chứng không có thành viên góp vốn.
Liên hệ với phần cuối Khoản 1, Điều 5, dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi) đang thảo luận tại tổ thấy rằng nhà nước thừa nhận tính sinh lợi hợp pháp của hoạt động kinh doanh. Việc sinh lợi hợp pháp từ hành nghề công chứng được điều chỉnh tại Chương VII của dự thảo luật này bao gồm: Phí công chứng, thù lao công chứng và các chi phí khác. Như vậy đã có đủ điều kiện để loại bỏ khả năng các tổ chức hành nghề công chứng lợi dụng lợi thế để phục vụ mục đích kiếm lợi nhuận như hình thức kinh doanh dịch vụ thông thường, hơn nữa đây là luật sửa đổi và nguyên tắc này là nguyên tắc bổ sung. Vì vậy tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cung cấp thông tin về tình trạng hành nghề vì mục đích lợi nhuận trong thời gian qua để khi bổ sung nguyên tắc này có tính thuyết phục cao. Trên cơ sở những ý kiến như trên, tôi đề nghị không nhất thiết đưa việc hành nghề công chứng không vì mục đích lợi nhuận thành một nguyên tắc hành nghề công chứng mà vẫn đạt được yêu cầu, không để các tổ chức hành nghề công chứng kiếm mục đích lợi nhuận như hình thức kinh doanh dịch vụ thông thường.
Nội dung thứ hai, Khoản 3, Điều 22 khoản này quy định tên gọi của văn phòng công chứng, bao gồm cụm từ "Văn phòng công chứng" kèm theo họ, tên công chứng viên là trưởng phòng công chứng hoặc họ, tên của tất cả các công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên tổ chức hành nghề công chứng khác.
Tôi băn khoăn đối với việc không được trùng với tên gọi của tổ chức hành nghề công chứng khác và đề nghị trường hợp tên Văn phòng công chứng chỉ kèm theo tên, họ của công chứng viên là trưởng văn phòng và họ, tên của công chứng viên là trưởng văn phòng thành lập sau đó cũng hoàn toàn trùng lặp thì xử lý việc không được trùng với tên gọi của Văn phòng công chứng trước đó như quy định thì được xử lý thế nào. Theo tôi, cũng không nhất thiết phải là như thế, vì dù rằng có thể trùng họ, tên của trưởng văn phòng và có thể trùng họ, tên của các công chứng viên hợp danh. Nhưng trong thực tế, khó có thể trùng địa chỉ trụ sở, số ngày, tháng, năm ra quyết định và ngày, tháng bắt đầu hoạt động. Cho nên, không nhất thiết quy định như thế này.
Thứ ba, về Điều 61 công chứng bản dịch, một phần của Khoản 2, Điều 61 quy định việc công chứng bản dịch thực hiện ngay khi người dịch hoàn thành việc dịch thuật. Quy định này đặt ra mấy vấn đề cần phải quan tâm như sau:
Một là việc này có thực hiện được không khi địa điểm hay nói cách khác là không gian hành nghề của cộng tác viên với công chứng viên không phải là một. Vì có thể một cộng tác viên có thể nhận nhiều việc với nhiều Văn phòng công chứng hoặc phòng công chứng có những lý do khác nhau như hết giờ hành chính, cán bộ, công chức phòng công chứng đã nghỉ khi công chứng viên đã hoàn thành việc dịch thuật thì có thể không làm ngay được việc thực hiện công chứng bản dịch ngay sau khi người dịch hoàn thành việc dịch thuật.
Lý do thứ hai là thực tế thời gian vừa qua việc này được thực hiện như thế nào và tại sao lại phải quy định như thế này.
Vấn đề thứ ba là điều kiện, cơ sở, cơ chế nào để giám sát hành vi này.
Vấn đề thứ tư là nếu có vi phạm, việc xử lý ra sao. Theo tôi, nên quy định việc này là thực hiện việc công chứng bản dịch được thực hiện kịp thời, đáp ứng yêu cầu của tổ chức, cá nhân có yêu cầu công chứng là được.
Khoản 4, Điều 6 quy định: Công chứng viên không được công chứng bản dịch trong 3 trường hợp, riêng trường hợp thứ hai ở Điểm b theo tôi không chỉ không được công chứng mà còn không được giao văn bản cần bản dịch cho cộng tác viên là người dịch. Vì một là phần đầu của Khoản 2, điều này quy định công chứng viên tiếp nhận bản chính, giấy tờ, văn bản cần dịch, kiểm tra và giao cho người dịch thực hiện, khi kiểm tra thì có lẽ phải phát hiện được những vấn đề cần phải bàn.
Thứ hai, với tình trạng giấy tờ, văn bản được yêu cầu dịch đã bị tẩy xóa, sửa chữa, thêm bớt hoặc hư hỏng, cũ nát không thể xác định được nội dung thì công chứng viên biết hoặc phải biết để không giao cho cộng tác viên dịch.
Thứ năm, đề nghị bổ sung phần quy định cụ thể và chặt chẽ hơn đối với người dịch, vì họ phải chịu trách nhiệm với tổ chức hành nghề công chứng về tính chính xác phù hợp của nội dung thực hiện do mình thực hiện nhưng nếu việc này không được quy định rõ ràng và đầy đủ, không được thực hiện tốt nó sẽ gây ra hậu quả nhiều mặt. thậm chí nguy hiểm đối với các hoạt động xã hội mà đầu mối ban đầu và duy nhất là ở người dịch. Tôi xin hết ý kiến.