Đại biểu Trần Tiến Dũng tỉnh Hà Tĩnh góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH

Thứ Tư 15:20 26-11-2014

Trần Tiến Dũng - Hà Tĩnh

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin tham gia ý kiến về 6 nội dung ở một số điều khoản cụ thể sau đây:
Thứ nhất, Điểm c, Khoản 1, Điều 7 về hành vi bị cấm, chúng tôi đề nghị cần bổ sung các đối tượng là cha mẹ nuôi của vợ và cha mẹ nuôi của chồng. Vì khi thực hiện công chứng hợp đồng giao dịch có liên quan đến tài sản, lợi ích của bản thân công chứng, công chứng viên và lợi ích của những người thân thích, cho nên hai đối tượng này chưa được quy định vào trong những đối tượng bị cấm.

Thứ hai, chúng tôi xin tham gia vào Khoản 3, Điều 10 về miễn đào tạo nghề công chứng, miễn tập sự hành nghề công chứng, chúng tôi đề nghị bỏ quy định này vì miễn tập sự hành nghề công chứng đối với những người được miễn đào tạo nghề công chứng thay vào đó buộc phải tập sự 1 năm tại các tổ chức hành nghề công chứng vì các lý do sau đây:

Tại Báo cáo số 500 ngày 24/2/2014 của Bộ Tư pháp đã khẳng định hiện nay có trên 80% các vụ vi phạm pháp luật trong hoạt động công chứng đều do nhóm đối tượng được miễn đào tạo, miễn tập sự hành nghề công chứng.

Thứ ba, tại Khoản 2, Điều 11 về tập sự hành nghề công chứng, chúng tôi đề nghị bỏ quy định cơ sở vật chất đảm bảo cho việc tập sự, vì khi một tổ chức đã được cấp giấy phép hành nghề công chứng thì ngay trong giấy phép đó, điều kiện để cấp đó đã phải đáp ứng yêu cầu về điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở hành nghề.

Điểm thứ tư, chúng tôi xin đề nghị tại Điểm b, Khoản 2, Điều 12 về bổ nhiệm công chứng viên và tại Điểm b, Khoản 4, Điều 16 về bổ nhiệm lại công chứng viên có quy định đối với người đã là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước đã nghỉ hưu, hoặc thôi việc chưa quá 12 tháng thì hồ sơ đề nghị không yêu cầu phải có phiếu lý lịch tư pháp. Chúng tôi đề nghị xem lại quy định này, vì quy định như vậy là chưa phù hợp và chưa chặt chẽ. Chúng ta biết việc xác nhận thông tin về tiền sử, tiền án của một người diễn ra hàng ngày có tính chất thời sự. Do đó, không có căn cứ để xác định một cán bộ, một công chức, viên chức đã nghỉ hưu hoặc thôi việc chưa quá 12 tháng không có hành vi phạm tội. Chính vì lẽ đó chúng tôi đề nghị không đưa nội dung này vào quy định trong luật này.

Điểm thứ năm, chúng tôi đề nghị tại Điểm c, Khoản 1, Điều 17 về quyền và nghĩa vụ của công chứng viên có quy định: được chứng thực bản sao, giấy tờ, văn bản, chứng thực chữ ký của cá nhân trong giấy tờ, vản bản có liên quan đến nội dung công chứng. Chúng tôi thấy diễn đạt như vậy chưa rõ, dễ gây hiểu nhẩm về chứng thực các loại bản sao thông thường. Do đó, chúng tôi đề nghị cần sửa lại: được chứng thực các bản hợp đồng giao dịch, bản dịch do tổ chức mình đã thực hiện việc công chứng.

Điểm tiếp theo quy định tại Khoản 2, Điều 62 về cơ sở dữ liệu công chứng quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng. Theo chúng tôi đề nghị nên xem lại việc này.

Chúng tôi đề nghị xem xét giao cho Bộ Tư pháp chủ trì với các cơ quan có liên quan xây dựng thống nhất trong toàn quốc và như vậy sẽ tiết kiệm được ngân sách cho Nhà  nước, đảm bảo tính thống nhất trong hoạt động quản lý toàn quốc. Mặt khác, với những địa phương có kinh tế khó khăn thì việc xây dựng cơ sở dữ liệu bước đầu sẽ còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc.

Điểm cuối cùng, chúng tôi xin đề nghị tại Khoản 3, Điều 61 quy định về công chứng bản dịch có yêu cầu chứng nhận nội dung bản dịch là chính xác, không vi phạm pháp luật, không trái với đạo đức xã hội. Chúng tôi đề nghị bỏ quy định đó vì trên thực tế công chứng bản dịch là chứng thực về mặt chữ ký của người dịch. Còn công chứng viên không buộc phải biết thứ tiếng nước ngoài mà đã dịch. Do đó, công chứng viên không thể biết nội dung bản dịch đó có vi phạm pháp luật không? Có trái đạo đức xã hội không? Do vậy đề nghị cơ quan trình dự án nghiên cứu những vấn đề nói trên. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan