Đại biểu Trần Văn Tấn tỉnh Tiền Giang góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Nguyễn Tuyết Liên tỉnh Sóc Trăng góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc tỉnh Bình Thuận góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Nguyễn Thị Phúc - Bình Thuận
Kính thưa Quốc hội,
Qua nghiên cứu dự thảo luật, trên cơ sở gợi ý của Đoàn Thư ký kỳ họp, tôi xin có ý kiến một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, việc chuyển đổi các Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng như trong dự thảo luật đã thể hiện tại Điều 21. Tôi không đồng tình, đề nghị Ban soạn thảo cần phải cân nhắc thêm, không đưa quy định việc chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng vào dự thảo luật. Vì chưa có thực tế về việc chuyển đổi này nên rất khó xác định cách thức tiến hành chuyển đổi. Mặc khác, hoạt động của các Phòng công chứng, Văn phòng công chứng hết sức đặc thù chủ yếu theo mô hình đối nhân, khó có thể chuyển đổi hình thức để cổ phần hóa như đối với các đơn vị sự nghiệp thông thường. Do vậy luật chỉ nên quy định ở những nơi hoạt động công chứng đã được xã hội hóa ở mức độ cao, không cần thiết duy trì phòng công chứng thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ xem xét thực hiện việc giải thể phòng công chứng đó.
Thứ hai, về mô hình tổ chức các văn phòng công chứng, để đảm bảo duy trì hoạt động của văn phòng công chứng một cách thường xuyên, ổn định, hiệu quả và chất lượng, tạo thuận lợi nhất cho người dân khi tiếp cận loại dịch vụ này, đồng thời có sự trợ giúp, giám sát lẫn nhau giữa những người cùng hành nghề, hoạt động của công chứng viên mang tính khách quan, trung thực. Tôi đồng tình việc quy định mô hình tổ chức các văn phòng công chứng như trong dự thảo luật là việc thành lập văn phòng công chứng phải có từ 2 công chứng viên trở lên, văn phòng công chứng không có thành viên góp vốn, trưởng văn phòng công chứng phải có kinh nghiệm hành nghề như dự thảo luật đã thể hiện là cụ thể, phù hợp.
Tuy nhiên, việc xác định tên gọi của văn phòng công chứng, tôi thống nhất như ý kiến của đại biểu Thủy ở tỉnh Vĩnh Phúc và đại biểu Tám ở tỉnh Kom Tum quy định việc xác định tên gọi của văn phòng công chứng phải gắn với tên của các công chứng viên là không phù hợp, là thiếu sự ổn định và khó khăn cho công tác quản lý, phải thực hiện thêm nhiều thủ tục hành chính khi thay đổi tên gọi của tổ chức, khi có thay đổi công chứng viên. Trường hợp văn phòng công chứng có nhiều thành viên hợp danh thì tên của văn phòng sẽ rất dài, đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét thêm.
Thứ ba, về độ tuổi hành nghề công chứng viên tôi chọn phương án 1 là không nên giới hạn về độ tuổi hành nghề của công chứng viên trong luật này. Tương tự như đối với các ngành mang tính chuyên môn sâu và đã được xã hội hóa như là luật sư, y, bác sĩ, giáo viên, để tận dụng kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của những người làm công việc này. Đội ngũ công chứng viên bao gồm cả viên chức tại các phòng công chứng, công chứng viên làm việc theo hợp đồng lao động với các văn phòng công chứng, công chứng viên tự tổ chức hành nghề bằng hình thức thành lập văn phòng công chứng. Do đó, việc hành nghề của từng đối tượng nêu trên sẽ tuân theo quy định tương ứng của pháp luật về lao động, về viên chức và các văn bản khác có liên quan. Nếu quy định về giới hạn tuổi hành nghề trong luật sẽ tạo sự thiếu thống nhất của hệ thống pháp luật, không phù hợp với thực tế hiện nay khi đội ngũ công chứng viên vẫn đang còn thiếu hụt.
Thứ tư, về phạm vi chịu trách nhiệm của công chứng viên trong việc công chứng bản dịch, giấy tờ. Để nâng cao chất lượng của hoạt động công chứng, dịch thuật, đồng thời bảo đảm tốt hơn cho người dân trong việc lựa chọn và tiếp cận dịch vụ chứng nhận bản dịch. Đề nghị thống nhất giao cho công chứng viên thực hiện công chứng và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của giấy tờ được dịch như quy định trong dự thảo luật đã trình Quốc hội. Quy định như vậy nhằm tăng cường việc kiểm soát, nâng cao chất lượng bản dịch. Đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích của người yêu cầu công chứng. Công chứng viên chịu trách nhiệm trước người yêu cầu dịch về tính chính xác của nội dung bản dịch và chứng nhận nội dung bản dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Để kiểm soát chất lượng bản dịch, tổ chức hành nghề công chứng cần lựa chọn cộng tác viên dịch thuật bảo đảm về uy tín, trình độ, đồng thời cộng tác viên dịch thuật phải chịu trách nhiệm đối với tổ chức hành nghề công chứng về tính chính xác, phù hợp của nội dung dịch theo quy định của pháp luật về dân sự.
Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng của bản dịch, tôi đề nghị luật có quy định để quản lý tốt hơn các cá nhân, tổ chức thực hiện công việc dịch thuật và ràng buộc trách nhiệm pháp lý đối với những người này. Xin cám ơn Quốc hội.