Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền tỉnh Lâm Đồng góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 QH
Đại biểu Hà Thị Lan tỉnh Bắc Giang góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Âu Thị Mai tỉnh Tuyên Quang góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Âu Thị Mai - Tuyên Quang
Kính thưa Quốc hội,
Tôi cơ bản đồng tình với Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự thảo Luật công chứng (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tôi thấy rằng dự thảo Luật công chứng (sửa đổi) trình Quốc hội kỳ này đã được Ban soạn thảo nghiên cứu sâu sắc và tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 6, của các chuyên gia và những người hoạt động thực tiễn. Để góp phần hoàn thiện dự án luật, tôi xin tham gia một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, tôi xin được bày tỏ quan điểm của mình về những nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo luật.
Một là về phạm vi công chứng, tôi cũng đồng tình với quan điểm của đại biểu Thuyền vừa phát biểu trước tôi, tôi xin phép không nêu lại.
Hai là về độ tuổi hành nghề của công chứng viên quy định tại Điều 35 dự thảo luật. Tôi thống nhất với phương án không quy định về giới hạn tuổi hành nghề công chứng trong dự thảo luật, mà tuổi hành nghề của công chứng viên thực hiện theo quy định của Luật viên chức, Bộ luật lao động và các văn bản pháp luật liên quan khác. Sau khi nghỉ hưu, họ có thể tiếp tục hành nghề công chứng tại các Văn phòng công chứng, nếu họ có đủ điều kiện về sức khỏe.
Thứ ba là về thẻ công chứng viên. Tôi nhất trí với quy định tại Điều 37 của dự thảo luật về việc cấp thẻ công chứng viên là cần thiết, là căn cứ chứng minh tư cách hành nghề của công chứng viên và là cơ sở để áp dụng một số hình thức xử phạt hành chính. Đồng thời tôi cũng thống nhất việc giao cho Sở Tư pháp thực hiện việc cấp thẻ công chứng. Quy định như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý đội ngũ công chứng viên trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Tôi xin tham gia các nội dung cụ thể của dự thảo luật. Một là về tiêu chuẩn công chứng viên, Khoản 1, Điều 8 dự thảo luật quy định: Công chứng viên là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và có đủ các tiêu chuẩn theo quy định của Điều 8 thì được xem xét bổ nhiệm công chứng viên. Tôi đề nghị bỏ cụm từ "trung thành với Tổ quốc" vì chỉ cần quy định tuân thủ Hiến pháp và pháp luật đã bao hàm đầy đủ, đồng thời cũng sẽ phù hợp với Điều 4 dự thảo luật này quy định về nguyên tắc hành nghề công chứng.
Tại Điều 8, Điểm a, Khoản 1 quy định: Công chứng viên phải có bằng cử nhân luật. Để đảm bảo tính phù hợp, tôi đề nghị quy định lại khoản này như sau: Công chứng viên phải là người có bằng cử nhân luật trở lên vì có những người là trình độ cử nhân, có những người là thạc sỹ, tiến sỹ.
Hai là về tập sự hành nghề công chứng quy định tại Điều 11, Khoản 3 về tổ chức hành nghề công chứng, phân công công chứng viên hướng dẫn tập sự có quy định tại một thời điểm, một công chứng viên không được hướng dẫn nhiều hơn 2 người tập sự. Tôi đề nghị quy định lại là tại một thời điểm một công chứng viên không được hướng dẫn quá 2 người tập sự.
Ba là về quyền, nghĩa vụ của công chứng viên, tại Điểm d, Khoản 2, Điều 17 dự thảo luật quy định công chứng viên có nghĩa vụ giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ. Ý nghĩa và hậu quả của việc công chứng, theo tôi cần quy định lại là công chứng viên có nghĩa vụ giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ. Ý nghĩa và hậu quả của việc công chứng, khi người yêu cầu công chứng đề nghị giải thích, bởi vì không phải người nào đến công chứng, họ cũng cần công chứng viên giải thích về quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ.
Bốn là tại Khoản 2, Điều 20 về thành lập Văn phòng công chứng Khoản 2, Điều 21 về chuyển đổi, giải thể phòng công chứng, dự thảo luật có quy định trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định thành lập phòng công chứng trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định chuyển đổi, giải thể phòng công chứng. Sở Tư pháp phải đăng báo trung ương hoặc báo địa phương, nơi quyết định thành lập hoặc chuyển đổi giải thể hoạt động của phòng công chứng. Trong ba số liên tiếp các nội dung thành lập hoặc giải thể của Phòng công chứng, tôi đề nghị sửa lại: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định thành lập phòng công chứng và 15 ngày có quyết định chuyển đổi hoặc giải thể Phòng công chứng, Sở Tư pháp phải đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, nơi quyết định thành lập, chuyển đổi hoặc giải thể phòng công chứng trong 3 số liên tiếp về các nội dung thành lập chuyển đổi hoặc giải phòng công chứng. Vì cụm từ "phương tiện thông tin đại chúng" bao hàm đầy đủ cả báo nói, báo hình, báo in và báo điện tử, quy định như vậy thấy phù hợp hơn.
Tương tự như vậy Khoản 1, Điều 26 về đăng báo nội dung đăng ký hoạt động của văn phòng công chứng cũng đề nghị sửa lại: "Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cấp giấy đăng ký hoạt động văn phòng công chứng phải đăng trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, nơi đăng ký hoạt động trong ba số liên tiếp về nội dung đăng ký hoạt động của văn phòng công chứng".
Kính thưa Quốc hội, trên đây là một số ý kiến tham gia của tôi vào dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Xin cảm ơn Quốc hội.